Bản sắc văn hóa nhiều dân tộc thiểu số đang mai một
Biên phòng – Một số dân tộc chỉ còn dưới 10 người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Có những dân tộc chỉ còn 13% người dân biết múa điệu múa truyền thống. Có dân tộc chỉ có hơn 30% dân số biết nói tiếng dân tộc mình. Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số (DTTS) cho thấy, nhiều di sản văn hóa đang bị mai một. Điều này đang đặt ra yêu cầu bức thiết và những thách thức đối với công tác bảo tồn truyền thống văn hóa của các DTTS.
Người Thái thường biểu diễn các điệu múa truyền thống tại các sự kiện văn hóa để quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Bích Nguyên
Tỉ lệ người nói tiếng dân tộc thiểu số giảm dần
Chị Lê Thị Thủy, người dân tộc Thái sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Là giáo viên tiểu học, hằng ngày tiếp xúc với các học sinh người DTTS nên chị giao tiếp thường xuyên bằng cả tiếng Thái và tiếng Việt. Tuy nhiên, cả 2 con của chị đều không nói được tiếng Thái.
Chị Thủy cho biết, từ khi con nhỏ, chị chủ yếu giao tiếp với con bằng tiếng Việt. Mọi người trong gia đình, từ ông bà đến vợ chồng chị đều không để tâm đến việc dạy tiếng mẹ đẻ cho con cháu. Khi nhận ra thiếu sót đó, chị đã dạy con nói tiếng Thái nhưng bản thân cháu không hứng thú.
Tiếng nói là một trong những thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc và cũng là tiêu chí để xác định thành phần dân tộc hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Đây là một thực tế được khẳng định qua Báo cáo kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019. Theo đó, có hơn 88% người DTTS từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc (bất kỳ tiếng DTTS nào). Đáng chú ý là chỉ sau 4 năm (từ 2015 tới 2019), tỷ lệ người DTTS từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc đã giảm7,3%, bình quân mỗi năm giảm hơn 1,8%. Theo nhóm tuổi, người DTTS biết nói tiếng dân tộc có xu hướng giảm dần. Ở nhóm 65 tuổi trở lên có 92,8% nói được tiếng dân tộc, tuy nhiên, ở nhóm dưới 18 tuổi, tỷ lệ này giảm còn hơn 58%. Trong 53 DTTS, dân tộc Ngái có tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên nói được tiếng dân tộc thấp nhất, chỉ có 30,5%.
Một điều đáng nói nữa là tỉ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ dân tộc khá thấp 15,9%. So với năm 2015, tỷ lệ này đã giảm 0,9%. Chỉ có 3 DTTS có tỷ lệ người biết đọc, biết viết chữ dân tộc trên 30% gồm Ê Đê, Ba Na và Hoa. Có tới 17 DTTS có tỷ lệ người biết đọc, biết viết chữ dân tộc dưới 10%. Cá biệt, có 2 dân tộc có tỷ lệ này chưa tới 1% gồm Co và Lự.
Có dân tộc còn 10 người biết dùng nhạc cụ truyền thống
Cùng với tiếng nói, chữ viết, các di sản văn hóa khác của các DTTS như lễ hội, trang phục, bài hát, điệu múa… cũng đang mai một nghiêm trọng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Sùng Seo Quang, ở xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang buồn rầu nói: “Với người Mông, cây khèn giữ vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng bây giờ không có nhiều thanh niên biết sử dụng khèn. Một số nơi, người Mông theo đạo đã bỏ hết khèn, trống. Người Mông mà thiếu tiếng khèn chẳng khác gì mất tổ tiên”.
Với mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Quang dành nhiều công sức truyền dạy nghệ thuật múa khèn Mông cho lớp trẻ. Điều khiến ông trăn trở là từ năm 2000 trở về đây, lớp trẻ không mặn mà. “Bọn trẻ không quan tâm tới văn hóa truyền thống của tổ tiên. Đối với cây khèn Mông cũng vậy, đến giờ, ít người còn biết và chơi được đầy đủ các điệu múa khèn. Đứa nào cũng kêu khó, chỉ theo học được vài buổi là bỏ”.
Kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019 cũng cho thấy, chỉ có 5,5% người DTTS biết sử dụng nhạc cụ truyền thống. Trong 53 dân tộc thì Ba Na có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình cao nhất 19,3%. Chỉ có 5 dân tộc có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình trên 10%. Trong khi có tới 35 dân tộc có tỷ lệ người dân biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình dưới 5%. Một số dân tộc chỉ còn dưới 10 người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như Chứt, Si La, Ngái.
Theo thống kê, chỉ còn 13% người DTTS biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Rơ Măm là dân tộc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc tốt nhất nhưng cũng chỉ có 48% dân số biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc. Đáng tiếc là chỉ còn 5 dân tộc có tỷ lệ người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình trên 30% (Cơ Tu, Lào, Ba Na, Khmer, Rơ Măm). Trong khi đó, có tới 31 dân tộc có tỷ lệ người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình dưới 10%, đặc biệt 17 dân tộc có tỷ lệ này dưới 5%. Dân tộc Ngái chỉ còn 4 người biết múa điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
Tỉ lệ người biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình cũng rất thấp 13,6%. Khmer, Ba Na, Chăm, Cơ Tu, Pà Thẻn là 5 dân tộc có tỷ lệ người dân biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình từ 20% trở lên. Có tới 31 dân tộc có tỷ lệ người biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình dưới 10%. 9 dân tộc có tỷ lệ này dưới 5%. Cá biệt, dân tộc Ngái chỉ còn 9 người biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình.
Cần bảo tồn bài bản
Rõ ràng, việc bảo tồn văn hóa DTTS là rất cấp thiết. Nhận thức được điều này, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, dự án nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc từ Trung ương đến cơ sở. Công tác bảo tồn văn hóa cũng được các địa phương chú trọng và lồng ghép việc phát triển du lịch. Nhiều lễ hội, tín ngưỡng, trò chơi dân gian, dân vũ của các DTTS đã được phục dựng. Các địa phương cũng mở nhiều lớp truyền dạy, dân ca, dân vũ… Tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn và đòi hỏi công tác bảo tồn văn hóa phải được đẩy mạnh hơn nữa, làm bài bản từ cấp trung ương đến địa phương.
Thực tế cho thấy, ở nơi nào, người dân có nhận thức đúng, coi trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nơi đó sẽ làm tốt. Địa phương nào giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển thì sẽ phát huy được văn hóa truyền thống.
An Nhiên