Bàn về mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa

Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:54

5815 Lượt xem

(LLCT) – Lý giải đúng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa sẽ giúp chúng ta có được những chính sách, giải pháp phát triển hài hòa hai lĩnh vực này. Đảng chỉ rõ: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trên thực tế, mỗi cộng đồng, dân tộc đều có bản sắc văn hóa. Sự khác nhau về văn hóa, lối sống cũng dẫn đến những khác biệt trong đời sống kinh tế – xã hội. Mặt khác, kinh tế có vai trò quyết định góp phần thúc đẩy văn hóa phát triển.Từ thực tế đó, cần xây dựng khát vọng làm giàu, văn hóa sống tích cực. 

Lâu nay, không ít người đặt ra câu hỏi giữa kinh tế vàvăn hóa có mối quan hệ như thế nào?Trong mối quan hệ này cái nào quyết định, cái nào có trước. Kinh tế có trước và tạo ra văn hóa hay văn hóa có trước để tạo ra kinh tế. Nếutrả lời là kinh tế có trước, với lý do có kinh tế thì sẽ có văn hóa, có vẻ đúng nhưcha ông ta đã từng nói: “có thực mới vực được đạo”,hay quy luật của chủ nghĩa duy vật biện chứng “vật chất có trước, ý thức có sau” có thể dẫn đến siêu hình. Còn nếu khẳng định văn hóa có trước, có văn hóa thì sẽ có kinh tế thì cũng có thể dẫn đến duy tâm.

Lý giải đúng mối quan hệ giữa kinh tế với văn hóa sẽ giúp chúng ta có được những chính sách, giải pháp phát triển hài hòa hai lĩnh vực này. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”(1). Đây là sự khẳng định hoàn toàn đúng đắn, khoa học, rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối với hai lĩnh vực kinh tế và văn hóa.

1. Văn hóa nào thì kinh tế ấy

Trong xã hội loài người cho đến hôm nay không có cộng đồng nào, dân tộc nào lại không có văn hóa của riêng mình. Văn hóa đã được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. Ở đâu có cộng đồng con người thì ở đó có văn hóa. Tuy nhiên, mức độ phát triển văn hóa của các cộng đồng, các dân tộc có khác nhau do xuất phát từ sự khác nhau của các yếu tố địa lý, tự nhiên, chính trị, kinh tế và xã hội. Bên cạnh sự khác nhau về văn hóa, lối sống cũng đưa đến sự khác nhau về sự giàu, nghèo về kinh tế của các cộng đồng dân cư và các dân tộc khác nhau.

Đã từng có rất nhiều bậc hiền nhân nói: “Gieo hạt tư tưởng, thu hoạch hành vi; Gieo hạt hành vi, thu hoạch tập quán; Gieo hạt tập quán, thu hoạch tính cách; Gieo hạt tính cách, thu hoạch vận mệnh” hay “Tương lai của con người quyết định bởi sự lười nhác ngày hôm nay của họ”, hoặc “nghĩ giàu thì sẽ giàu; nghĩ tích cực sẽ thành công”…

Thực tế đã chứng minh, con người có tâm lý, văn hóa sống khác nhau có thể dẫn đến hành vi khác nhau. Và chính hành vi khác nhau đã đem lại kết quả khác nhau. Kết quả khác nhau tạo ra cuộc sống kinh tế của mỗi người cũng khác nhau.

Thực tế cũng cho thấy, có những cộng đồng người năng động, bươn trải và họ đã có cuộc sống ấm no về kinh tế và văn hóa cũng phát triển cao, trong khi những cộng đồng sống thụ động, trông chờ và chấp nhận tồn tại trong cảnh đói nghèo thì văn hóa cũng không phát triển. Trên thế giới và Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những cộng đồng dân cư có trình độ phát triển văn hóa ở mức cao và có đời sống kinh tế giàu có, trong khi đó cũng có những cộng đồng lạc hậu về văn hóa và yếu kém về kinh tế. Văn hóa thụ động đã hình thành hàng nghìn năm, trói buộc tư duy con người, cản trở con người học hỏi, tiếp thu cái hay, cái tốt của nhân loại để đi lên. Các hủ tục lạc hậu được khoác lên mình những mỹ từ như truyền thống văn hóa đã và đang làm cho nhiều dân tộc, nhiều cộng đồng trên thế giới và ở nước ta không thể vươn lên được.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước và tổ chức đời sống xã hội theo làng (thôn, bản).Tính tự trị rất cao, vì vậy dần hình thành truyền thống văn hóa tự vệ và tự lực khép kín theo lối tự cung, tự cấp, phụ thuộc vào thiên nhiên. Hệ quả là, trong những lúc Tổ quốc lâm nguy, dân tộc ta đã biết dạy cho người Việt Nam chúng ta tình yêu đất nước và nó đã thấm đậm trong con tim, khối óc của mỗi người dân, cũng từ đó ý chí quật cường bảo vệ Tổ quốc (thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước) đã được hun đúc trong mỗi con người Việt Nam. Nhờ đó, trải qua mấy nghìnnăm lịch sử dựng nước và giữ nước,dân tộc ta đã chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình nhiều lần.Tuy nhiên, trong đời sống kinh tế – xã hội còn nhiều điều phải bàn. Ra khỏi chiến tranh là chúng ta lại trở về với cách làm ăn cũ, thói quen cũ và tâm lý cũ,nên chúng ta không phát triển lên được. Có người nhận định: Việt Nam: 40 năm chưa qua khỏi cánh đồng.

Thực tế cho thấy, người mắc bệnh tự kỷ thì khó có thểcó đượcmột hành động tích cực trong cuộc sống. Để có một tư duy tích cực cần có một tâm lý tích cực. Trong thực tế cũng có người khi sinh ra đã có tâm lý tích cực, suy nghĩ mạnh mẽ và đã có tư duy tích cực, ham hiểu biết, tìm tòi, sáng tạo, nhưng số người này không nhiều trong xã hội. Do ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, đa số người dân có tâm lýthụ động trong phát triển kinh tế, không tích cực làm giàu. Đây là một lý do có thể lý giải tại sao đến nay Việt Nam vẫn nghèo nàn, lạc hậu.

Để Việt Nam trở thành giàu có, cần tạo ra văn hóa số đông trong xã hội có tâm lý sống tích cực, có văn hóa ham muốn vươn lên làm giàu, cống hiến cho xã hội. Để có được điều này cần có sự giáo dục và tác động văn hóa. Tuy nhiên,muốn dạy người ta học cũng cần có những yếu tố về cơ sở vật chất. Trong xã hội ta,vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ văn hóa, tư duy và kỹ năng sống đang còn nhiều điều cần phải bàn. Văn hóa thụ động đang còn tiềm ẩn ở trong nhiều người Việt Nam.Cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và lịch sử hàng nghìnnăm của dân tộc tập trung vào bảo vệ đất nước đã làm cho dân tộc ta ít quan tâm đến làm kinh tế. Chính vì lẽ đó khi đất nước thanh bình, dân ta trở nên lúng túng, bỡ ngỡ trước thách thức của cuộc sống.

Khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu không được hun đúc từ hàng nghìnnăm nay vì văn hóa coi thường vật chất, coi thường tiền bạc.Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng vật chất và tiền bạc không phải tự nhiên mà có, không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết tinh của mồ hôi, công sức và máu xương của con người làm ra. Để tạo ra của cải vật chất, tiền bạc có khi con người đã phải đổ máu. Những của cải vật chất, và tiền bạc thế hệ hôm nay được hưởng mà không phải do bản thân làm ra thì là do cha ông làm ra để lại.

Nhiều gia đình làm hư con cái vì không biết dạy con cái văn hóa biết quýtrọng vật chất, quýtrọng lao động làm ra những vật chất đó. Một thế hệ trẻ thụ động đã hình thành do cách giáo dục của chúng ta tạo ra. Nhiều bậc cha mẹ chỉ lo kiếm tiền để dành cho con cái mà thiếu sự giáo dụccon cái phải lao động để làm cho cuộc sống được tốt hơn. Chúng ta đã vẽ ra cho con người một viễn cảnh tươi đẹp nhưng không chỉ ra cho họ phải làm gì để đến cuộc sống tươi đẹp đó. Do đó, lối suy nghĩ“chờ sung rụng” vẫn còn đeo đẳng ở không ítcon người Việt Nam. Chính vì lẽ đó,chính sách xóa đói,giảm nghèo của chúng ta chưa thật sự hiệu quả vì nhiều người, nhiều làngquêkhông muốn thoát nghèođể mong nhận được sự hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước. Văn hóa ỷ lại, chờ đợi đang tồn tại trong không ít người và trong không ít cộng đồng dân cư. Văn hóa lũy tre làng đang làm cho văn hóa khép kín, cản trở sự phát triển. Sự trói buộc vô hình của những lề thói lạc hậu đang làm cho dân tộc ta chậm phát triển. Dư luận, văn hóa đám đông không phù hợp đã và đang cản trở nhưng tư duy mới, những cách làm tốt, những hành động bứt phá làm lợi cho đất nước.

Cần phải loại bỏ thứ văn hóa nói dối, làm dối, đang có chiều hướng lan rộng. Hàng hóa sản xuất ra chất lượng thấp, ô nhiễm vệ sinh an toàn thực phẩm đang làm tổn hại đến sức khỏe cộng đồng, lợi ích của đất nước. Thực tế, thứ văn hóa nói dối, làm dối không chỉ làm mất mát về mặt vật chất mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của một dân tộc Việt Nam anh hùng.

Bứt phá, xóa bỏ tất cả những lề thói vô hình trong cuộc sống là một cuộc cách mạng của toàn xã hội chúng ta. Đây là một cuộc cách mạng văn hóa, tâm lý xã hội. Chuyển từ văn hóa thụ động, vô trách nhiệm trước cuộc sống, văn hóa hưởng thụ sang văn hóa tích cực, chủ động, trách nhiệm và sáng tạo. Kết quả của những chuyển biến này chính là đổi mới tư duy, đi từ tư duy lạc hậu, bảo thủ, thụ độngvà giáo điều sang tư duy sáng tạo, cầu thị, chủ động, kiến tạo cuộc sống. Từ tư duy khép kín sang tư duy mở, đó là: kết hợp trí tuệ dân tộc với trí tuệ thời đại để dựng xây đất nước, kết hợp nguồn lực đất nước với nguồn lực của nhân loại để làm giàu đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để bảo vệ Tổ quốc.

2. Kinh tế nào văn hóa ấy

Có thể thấy nếu không có kinh tế con người mãi mãi không thể có điều kiện và cơ hội phát triển đi lên, không thể có điều kiện để  phát triển văn hóa. Từ thành thị cho đến những vùng quê hẻo lánh, những vùng núi, hải đảoxa xôi… nếu không có kinh tế thì khó lòng phát triển được văn hóa. Văn hóa chỉ có thể hình thành và phát triển được khi văn hóa được giao lưu mở rộng ra với bên ngoài, với sự giao thoa giữa các cộng đồng dân cư khác nhau, cũng như giữa các dân tộc khác nhau. Những con đường lớn nối liền giữa các vùng đất không thể được xây dựng nếu không có kinh tế. Những cơ sở vật chất, phúc lợi xã hội khó được hình thành nếu không có kinh tế. Các hoạt động văn hóa khó lòng được tổ chức nếu thiếu kinh phí. Không có kinh tế văn hóa khó được truyền tải rộng rãi và phát triển. Nhiều vùng thôn quê, nhiều dân tộc sống trên những vùng núi cao do kinh tế quá nghèo nàn nên văn hóa vẫn còn nguyên sự lạc hậu.

Kinh tế có vai trò quyết định góp phần thúc đẩy văn hóa phát triển. Sự tích lũy về lượng của kinh tế là nền tảng để cải biến về chất đối với văn hóa. Thực tế cho thấy, những nơi giao thông đi lại khó khăn, thiếu trường học, thiếu các trung tâm văn hóa, thiếu bệnh viện thì khó có thể phát triển kinh tế và văn hóa. Kinh tế nghèo đói đã trói buộc con người lại, không cho con người tiếp cận với những văn minh của nhân loại và với những tư duy sáng tạo, những phát minh sáng chế. Thiếu kinh tế không thể tiến hành những sự đổi mới, cụ thể là không thể công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nghèo đói làm cho con người sẽ luẩn quẩn với những lo toan nhỏ nhặt cơm áo gạo tiền, con người sẽ không còn sức lực để nghĩ đến vấn đề lớn. Văn hóa dựa trên nền tảng kinh tế tế nghèo đói là văn hóa nghèo nàn, văn hóa của sự mưu cầu tồn tại bản năng, thiếu nền văn hóa sáng tạo, văn hóa nhân văn…

Khi kinh tế đạt đến đỉnh cao sẽ tạo ra văn hóa làm ra kinh tế, làm cho kinh tế trở nên giàu có hơn thông qua công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Văn hóa từ đơn thuần phục vụ thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người trở thành văn hóa sản xuất, văn hóa dịch vụ tạo ra của cải vật chất làm giàu cho xã hội. Văn hóa trở nên đa dạng, phong phú và có khả năng đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho xã hội nhờ phát triển chính nó. Nhiều dân tộc có nền kinh tế phát triển là nhờ họ đã biết sử dụng văn hóa làm động lực để phát triển kinh tế. Nhiều nền kinh tế có xuất phát điểm nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên nhưng biết khơi dậy tính hiếu học, lòng trung thực và ý chí quật cường đã đưa cả dân tộc, cả đất nước họ trở nên thịnh vượng như Nhật Bản.    

Tài nguyên thiên nhiên giàu có như châu Phi, nhưng do nền văn hóa không phát triển nên mãi chìm đắm trong đói nghèo. Nhiều quốc gia dân tộc, thiên nhiên cho nhiều lợi thế, rất có điều kiện trở thành giàu có nhưng lại bị thứ văn hóa, tôn giáo, sắc tộc gây ra sự thù hằn mà chìm đắm trong khủng bố, chiến tranh nên không có cơ hội trở nên giàu có.

3. Xây dựng khát vọng làm giàu, văn hóa sống tích cực

 Nghiên cứu một số địa phương có truyền thống làm giàu cho thấy, yếu tố đầu tiên là con người ở đó có khát vọng làm giàu, rất năng động và sáng tạo. Họ đã làm cho cả một cộng đồng của họ trở nên giàu có. Chẳng hạn, ở xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Con người ở đây luôn luôn ấp ủ làm kinh tế, họ chủ động bươn trải khắp nơi trên đất nước để làm ăn buôn bán và họ thực sự là người buôn bán tài năng. Trong khi đó cũng là người Việt Nam, nhưng ở một số nơi con người vẫn sống trong thụ động, chờ sự giúp đỡ của Nhà nước và của xã hội (có một số nơi con người ở đó còn chưa biết đến chợ là gì và việc trao đổi hàng hóa của họ vẫn được tiến hành bằng hình thức hàng đổi hàng) nên họ vẫn đói nghèo. Con người ở đây chưa mấy khi bước ra khỏi lũy tre làng nên hiểu biết cũng hạn hẹp, cách sống cũng đơn giản. Điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa các cộng đồng dân cư khác nhau như vậy. Có rất nhiều cách lý giải cho vấn đề này. Có thể cho rằng đó là văn hóa sống của mỗi cộng đồng dân cư đã tạo nên sự khác nhau đó. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là do yếu tố văn hóa và triết lý sống. Văn hóa tích cực sẽ cho người ta có cái nhìn vào cuộc sống tích cực và hành động tích cực, qua đó từ trong nội sinh của con người sẽ sản sinh sức mạnh và sự sáng tạo.

Như vậy có thể nói, văn hóa được thể hiện bằng hiểu biết, kỹ năng sống và tâm lý của con người đã tạo nên sự khác biệt giữa người này với người khác, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác và cả giữa dân tộc này với dân tộc khác. Người Israel dạy cho con cái họ ngay từ nhỏ sự cần thiết phải lao động kiếm tiền, một số dân tộc khác đã khuyến khích trẻ em lao động sáng tạo ngay từ nhỏ, chuẩn bị tâm lý và kỹnăng bước vào đời cho mỗi đứa trẻ. Chính vì vậy,những đất nước này đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam chúng ta có truyền thống dạy dỗ con cái học hành,phấn đấu, đỗđạt và chúng ta cũng đã đạt được những thành quả nhất định. Dân tộc chúng ta cũng là một dân tộc cần cù, chịu khó và sáng tạo. Tuy nhiên, năng động, sáng tạo có thể có trong con người Việt Nam chúng ta nhưng chưa được khơi dậy một cách rộng rãi mà còn ẩn sâu bên trong mỗi người.

Như vậy, phải chuẩn bị cho dân tộc Việt Nam một văn hóa quyết thắng trên mặt trận kinh tế – xã hội, một văn hóa học hỏi và sáng tạo, biết kết hợp trí tuệ của bản thân với trí tuệ của xã hội để vươn lên, biết kết hợp nguồn lực tự thân với nguồn lực của cộng đồng để làm giàu, khẳng định chỗđứng của mình. Tuy nhiên, văn hóa này không tự nhiên hình thành mà cần có sự giáo dục rộng rãi, truyền bá sâu rộng.

Thay đổi tư duy, thay đổi văn hóa sống là một vấn đề khó, không hề đơn giản nhưng không phải không làm được, chính vì lẽ đó văn hóa cần có một đường hướng lâu dài tác độngvào các đối tượng, vào các cộng đồng dân cư để từng bước trở thành trào lưu sống, văn hóa sống: đói nghèo là hèn, là một điều đáng xấu hổ, cần phải vượt lên thoát nghèo, mỗi người tự hào sống với khát vọng vươn lên, khát vọng chinh phục, khát vọng làm giàu, khát vọng làm cho mình và cho Tổ quốc ngày một tươi đẹp hơn. Một khi văn hóa và tư duy của số đông người Việt Nam đạt được những điều như trên chắc chắn chúng ta trở thành nước: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên thực tế.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

PGS,TS Lê Quốc Lý

Phó Giám đốc

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh