Báo cáo đề dẫn Hội thảo Quốc tế Đông Á 2019
BÁO CÁO ĐỀ DẪN
ĐÔNG Á – MỘT THỰC THỂ VĂN HÓA
KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN VÀ KIẾN TẠO
“Khu vực văn hóa đồng văn”, “Khu vực văn hóa chữ Hán” (Hán tự văn hóa quyển) được hình thành từ sự tiếp thu, vay mượn chữ Hán của một số nước lân cận Trung Quốc thời cổ trung đại. Từ tiếp thu tư tưởng, văn tự, các vấn đề văn hóa khác, như thể chế, phong tục tập quán, tôn giáo, văn học, nghệ thuật… của Trung Quốc từng bước thâm nhập vào các vùng đất ngoài biên giới. Tuy mỗi dân tộc tiếp nhận văn hóa Trung Quốc theo cách khác nhau, trong tâm thế khác nhau, nhìn chung, do nhiều nguyên nhân lịch sử, các sản phẩm văn hóa Trung Quốc đã có cơ hội truyền bá đến nhiều quốc gia, tạo nên mối liên hệ, gắn kết đặc thù. Khu vực văn hóa đồng văn ra đời, đã góp phần hình thành hệ giá trị châu Á và nhân loại. Vai trò của văn hóa Đông Á với châu Á, có thể ví như vai trò của văn hóa Hy La đối với châu Âu.
“ Đông Á” là một khái niệm hiện đại, có thể định nghĩa theo những cách khác nhau, về địa lí và về văn hóa. Hai cách định nghĩa này thống nhất nhưng không trùng nhau. Về văn hóa, khái niệm này chỉ khu vực văn hóa đồng văn trước kia, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singgapore và Đài Loan. Theo Nguyễn Nam, coi Đông Á là một thực thể (Đông Á châu) được đặt ra từ đầu thế kỷ XX bởi một mỹ thuật gia người Mỹ – E.F.Fenollosa (1853 – 1908). Từ 1930, giới chính trị Nhật Bản sử dụng với mục đích xác định tâm điểm của khu vực Hán hóa không còn là Trung Quốc mà là Nhật Bản, nhằm tạo đối trọng mới với châu Âu, phản biện thuyết “dĩ Âu vi trung”, đồng thời muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực. “Hai chữ Đông Á khi mới xuất hiện, ở một mức độ nào đó là nghĩa phái sinh của sự tưởng tượng quyền lực đế quốc. Cho đến thời kỳ đầu hậu chiến, ý nghĩa hai chữ “Đông Á” đều là do Nhật Bản quy định” (Trần Phương Minh, Đài Loan). Như vậy khái niệm Đông Á tuy vẫn chỉ khu vực văn hóa đồng văn – vùng văn hóa chữ Hán, văn hóa Nho giáo hay khu vực dùng đũa…, nhưng đã có tính chất mới, hàm chứa những ý nghĩa mới.
Khu vực văn hóa “đồng văn” thời cổ trung đại đã trở thành khu vực “dị văn” thời cận hiện đại. Sự “đứt gãy” lại là tạo tiền đề cho những thay đổi và cách mạng. Kinh tế, xã hội, tư tưởng đã tác động tới văn hóa, ngôn ngữ và ngược lại văn hóa, ngôn ngữ mới đã tác động đến tư duy và hình thành những hệ hình nghiên cứu mới. Vượt qua thời kỳ “tưởng tượng quyền lực” của một nước Nhật đế quốc nửa đầu thế kỷ XX, Đông Á không còn một trung tâm ngự trị, đã có những biến chuyển và những ngã rẽ mới. Đông Á được nghiên cứu như một chỉnh thể, vừa thống nhất vừa đa dạng. Các quan hệ nội vùng không chỉ là Trung Quốc hay Nhật Bản với các nước còn lại của Đông Á, mà mở ra phong phú và toàn diện hơn. Các quốc gia Đông Á, một mặt vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mặt khác đã không ngừng tìm kiếm, phát huy nội lực của văn hóa bản địa và không ngừng giao lưu với những nền văn hóa khác trên thế giới.
Thời kỳ của toàn cầu hóa, “thế giới phẳng”, Đông Á lại tiếp tục đứng trước những thử thách mới. Dường như khi bước vào thời kì “dị văn”, nửa đầu thế kỷ XX, văn hóa phương Tây đã chứng tỏ sức ảnh hưởng của mình lên khu vực văn hóa Nho gia. Một Đông Á hiện đại hóa, ở nhiều phương diện, được đồng nghĩa với “Tây hóa”. Tại Nhật Bản, quá trình này diễn ra sớm hơn, từ thời Minh Trị và để lại nhiều dấu ấn hơn, nhất là trong văn hóa vật chất. Ở Việt Nam, quá trình này diễn ra rõ rệt vào đầu thế kỉ XX. “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ” (Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam). Nửa cuối thế kỷ XX, với những chính sách “xa Âu gần Á”, “tái Á hóa”, “ Á hóa châu Á” của các nước Nhật Bản, Singapore… là thức nhận của Đông Á về bản thân mình. Sự thịnh vượng của kinh tế Đông Á được cho là kết quả của văn hóa, giáo dục theo kiểu Á Đông. Ông Lý Quang Diệu khẳng định thành công của Singapore là kết quả của nền giáo dục theo tinh thần Khổng giáo.
Những biến chuyển của khu vực cho thấy Đông Á là một đối tượng luôn được “phát hiện” và không ngừng mở ra những định hướng nghiên cứu mới.
Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á sớm bước vào thế giới Đông Á, trở thành mắt xích quan trọng của khu vực Đông Á. Việc hội nhập Đông Á của Việt Nam không giống Hàn Quốc và Nhật Bản. Quá trình văn hóa, văn học Việt Nam đến với phương Tây trong những năm đầu thế kỉ XX và đến với văn hóa Nga, văn hóa Mĩ trong những sau này, cũng rất đặc biệt. Do vậy, sự vận động của văn học Việt Nam cũng như việc định vị nền văn học Việt Nam trong bề rộng không gian và chiều sâu thời gian của thực thể Đông Á cần có thêm nhiều công trình nghiên cứu.
Được triển khai từ đầu năm 2019, Hội thảo đã nhận được hơn 120 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên, nghiên cứu sinh, đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều cơ sở giáo dục đại học: Viện Văn học, Viện Ngôn ngữ, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Phú Yên, Đại học Khánh Hòa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng vui mừng nhận được tham luận của các học giả quốc tế từ Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc…, việc trao đổi học thuật càng rộng mở, đa chiều và khách quan hơn. Các tham luận tập trung ở hai mảng chính:
1. Nghiên cứu văn học, văn hóa Đông Á:
Mảng nghiên cứu này đã đạt tới cái nhìn xuyên suốt tiến trình lịch sử, từ những vấn đề của khu vực văn hóa đồng văn thời cổ trung đại đến những biến chuyển ở thời cận hiện đại. Nhiều tham luận đã bao quát tổng thể sự sinh thành và phát triển của những nền văn học trong vòng văn hóa chữ Hán. Việc vay mượn văn tự và đa số các thể loại văn chương cho thấy sự tỏa sáng của văn hóa Hán, đồng thời cũng nhận rõ nỗ lực tìm kiếm, xây dựng một nền văn hóa độc lập, bản địa của những nước trong khu vực. Nghiên cứu về văn học trung đại, nhất là văn học cận hiện đại chiếm số lượng đa số. Cận đại là thời kỳ Đông Á bước vào ngã rẽ, văn hóa Hán không còn giữ vai trò độc sáng, nhiều vấn đề mới được đặt ra, không hoàn toàn theo truyền thống “Sách thánh hiền xưa đã nhạt màu”. Các tham luận đã chú trọng nghiên cứu mối quan hệ rộng mở hơn, giữa văn học: Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan… Những giao lưu tương tác thời cận hiện đại phong phú, đa sắc màu; góc quan sát của các nhà nghiên cứu cũng năng động và linh hoạt.
Giai đoạn hiện đại, hồn cốt của văn học khu vực Đông Á được làm nên từ sự phối màu, phối thanh của tất cả các nước trong khu vực. Văn học Đông Á được tiếp cận từ tư tưởng truyền thống: Nho, Phật, Lão đến những vấn đề tư tưởng mới của thế giới hiện đại: chủ nghĩa nữ quyền, phê bình sinh thái, triết học hiện sinh và từ những lí thuyết mới như liên văn bản, kí hiệu học, mĩ học tiếp nhận,v.v… Văn học tinh hoa và văn học đại chúng của các nền văn học đều được nhìn nhận và đánh giá trong những chiều kích mới. Cùng với các thể loại quen thuộc như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyền kì, các thể loại văn học dân gian, thể loại truyện tranh cũng được quan tâm chú ý. Một số tham luận đi sâu vào lịc sử nghiên cứu một thể loại, hoặc một thời kì văn học cũng như một tác gia cụ thể. Có những tham luận tìm hiểu cái tôi cá nhân hay sự phản tư trong các tác phẩm văn học. Văn học dịch khiến cầu nối văn hóa Đông Á càng thêm gắn bó, mật thiết, cũng là mảng thu hút nghiên cứu của các học giả. Các tham luận cho thấy vào những năm cuối thế kỉ XX, nhất là trong những năm đầu của thế kỉ XXI, việc dịch, giới thiệu văn học Nhật Bản, văn học Triều Tiên, văn học Đài Loan vượt trội hẳn so với những giai đoạn trước. Nghiên cứu trường hợp chiếm ưu thế . Đặc biệt là đối với các tác giả, tác phẩm giá trị, các tác giả Đông Á và gốc Đông Á nhận giải Nobel văn học.
2. Giáo dục Ngữ văn
Thay đổi chương trình, Sách giáo khoa đang là vấn đề trọng tâm trong đổi mới giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay. Với vai trò của trường Đại học Sư phạm trọng điểm phía Nam, Hội thảo coi đây là một nội dung quan trọng, có ý nghĩa cấp thiết. Tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giảng viên, giáo viên… đánh giá cao tư tưởng, định hướng, bước đột phá của giáo dục Việt Nam, từ giáo dục mang nặng tính từ chương, chương trình mang tính hàn lâm nặng về truyền thụ kiến thức, chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực; từ chương trình nặng về khép kín chuyển sang chương trình được thiết kế theo hướng mở, từ chương trình nặng về diễn giảng sang chương trình chú trọng sự kiến tạo, giao tiếp giữa thầy và trò; từ chương trình nặng về ứng thí, khoa cử chuyển sang chương trình thực học, thực nghiệp, học tập suốt đời. Môn học Ngữ văn là môn học công cụ, sẽ chú trọng rèn luyện các kỹ năng: nghe, nói, đọc viết; Môn ngữ văn còn có những đặc trưng khác về thẩm mĩ và cảm xúc. Nhưng dạy văn không chỉ và không phải chỉ là giảng văn, bình văn… Những định hướng, tư tưởng, bước đột phá, đổi mới đó phải được thể hiện từ việc xây dựng chương trình ( bao gồm xây dựng mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp đánh giá môn học) đến việc cụ thể hóa trong giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch lên lớp của từng cơ sở giáo dục và từng nhà giáo. Phần lớn các tham luận đều trên cơ sở đối sánh với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực Đông Á và trên thế giới, thấy được những học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam, nhằm cập nhật, bắt kịp thế giới nhưng vẫn luôn trên cơ sở truyền thống, xuất phát từ truyền thống. Nếu như tham luận của các chuyên gia nước ngoài khẳng định sự thành công của Đông Á từ kết quả những mặt tích cực của giáo dục truyền thống, truyền thống không phải lực cản xu hướng hiện hiện đại hóa, thì đó cũng không có gì mâu thuẫn với tinh thần đổi mới của giáo dục Việt Nam hiện nay. Tiếng nói đa chiều của các chuyên gia trong và ngoài nước đã mang tới cho chúng ta một cái nhìn cân bằng hơn trong giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục Ngữ văn. Cũng trong mảng đề tài này, còn có những phân tích, so sánh các tác phẩm của văn học Trung Quốc với văn học Việt nam, những tác phẩm đã được đưa vào chương trình ngữ văn phổ thông nhiều năm qua và những đề xuất trong lựa chọn nguồn ngữ liệu đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tham luận của các nhà khoa học, nhà giáo đã được Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh chọn lựa, trân trọng công bố trên hai ấn phẩm: Tạp chí Khoa học số chuyên san bằng tiếng Anh và Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế dày gần 700 trang.
Không hẹn mà gặp, Hội thảo này của Trường ĐHSP TP HCM, một mặt là sự tiếp tục, mở rộng, đào sâu thêm các vấn đề của những Hội thảo của các đơn vị, cơ quan khác trước đây; mặt khác đặt ra thêm những vấn đề của văn hóa, văn học Đông Á và giảng dạy ngữ văn trong nhà trường. Qua Hội thảo này, chúng ta cũng thấy rõ những nỗ lực hiện đại hóa, quốc tế hóa trong nghiên cứu Đông Á, từ tư liệu, mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu đến ngôn ngữ trình bày trong Hội thảo và được viết tại các bản tham luận.
Từ Hội thảo, chúng tôi cũng thể hiện sự mong mỏi được phối hợp với các đơn vị, các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện những công trình mà chúng tôi cho rằng rất có ý nghĩa đối với nghiên cứu văn hóa, văn học Đông Á cũng như đối với văn hóa, văn học của các nước trong khu vực. Chẳng hạn, xây dựng Từ điển văn hóa, văn học Việt – Hàn, Từ điển văn hóa, văn học Việt – Nhật, v.v…
Chúng tôi coi thành công của một Hội thảo chính là có những trao đổi trên tinh thần khoa học và khách quan. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy Đông Á là một thực thể văn hóa động, đa diện, luôn được phát hiện và kiến tạo. Đông Á sẽ tiếp tục được nghiên cứu, xác quyết đầy đủ hơn về bản sắc trong hành trình hội nhập thế giới.
Một lần nữa, Ban Tổ chức Hội thảo Quốc tế “Đông Á: Những vấn đề nghiên cứu và giáo dục Ngữ văn” xin cám ơn các nhà khoa học trong và ngoài trường, các nhà khoa học quốc tế đã nhiệt tình gửi bài và tham dự Hội thảo. Xin cám ơn Lãnh đạo Trường ĐHSP Tp HCM, các phòng, ban của trường đã tích cực giúp đỡ cho Hội thảo.
Xin trân trọng cám ơn các nhà khoa học, các nhà giáo và toàn thể quí vị!
PGS.TS Đinh Phan Cẩm Vân