Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2017
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28%; quý III tăng 7,46%; quý IV tăng 7,65%. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016[1], khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54% do sản xuất thủy sản năm 2017 có nhiều khởi sắc so với năm 2016, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành lâm nghiệp tăng 5,14%, do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành nông nghiệp tăng 2,07% (năm 2016 tăng 0,72%), đóng góp 0,24 điểm phần trăm, cho thấy dấu hiệu phục hồi của ngành nông nghiệp sau những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2016, xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,85%, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây), đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,33 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm sâu 7,10%, làm giảm 0,54 điểm phần trăm của mức tăng chung. Ngành xây dựng duy trì tăng trưởng khá với tốc độ 8,70%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong khu vực dịch vụ, so với năm trước mức tăng năm nay của một số ngành có tỷ trọng lớn như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,36%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,98%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,07%.
Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,00%.
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 5,04 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,8%, đóng góp 3,30 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,01 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung.
- Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông nghiệp
Sản lượng lúa cả năm 2017 ước tính đạt 42,84 triệu tấn, giảm 318,3 nghìn tấn so với năm 2016 do cả diện tích và năng suất đều giảm so với năm trước. Diện tích lúa cả năm 2017 ước tính đạt 7,72 triệu ha, giảm 26,1 nghìn ha so với năm 2016; năng suất lúa cả năm đạt 55,5 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha.
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân năm nay đạt 3,08 triệu ha, giảm 5,7 nghìn ha so với vụ đông xuân trước; năng suất đạt 62,2 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha; sản lượng đạt 19,15 triệu tấn, giảm 259 nghìn tấn. Diện tích gieo cấy lúa hè thu đạt 2,11 triệu ha, tương đương vụ hè thu năm 2016; năng suất đạt 54,5 tạ/ha, tăng 1,2%; sản lượng đạt 11,49 triệu tấn, tăng 1,3%. Diện tích lúa thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước tính đạt 769,4 nghìn ha, giảm 3,3 nghìn ha so với năm 2016; năng suất ước tính đạt 52,2 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha; sản lượng đạt 4,02 triệu tấn, tăng 124,2 nghìn tấn. Diện tích gieo cấy lúa mùa của cả nước đạt 1,76 triệu ha, giảm 17,5 nghìn ha so với vụ mùa năm trước; năng suất ước tính đạt 46,4 tạ/ha, giảm 1,4 tạ/ha; sản lượng ước tính đạt 8,18 triệu tấn, giảm 327,3 nghìn tấn.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/10/2017, đàn trâu cả nước có 2,5 triệu con, giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò có 5,7 triệu con, tăng 2,9%, đàn lợn có 27,4 triệu con, giảm 5,7%; đàn gia cầm có 385,5 triệu con, tăng 6,6%. Sản lượng thịt trâu đạt 87,9 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt bò đạt 321,7 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng thịt lợn đạt 3,7 triệu tấn, tăng 1,9%; sản lượng thịt gia cầm đạt 1 triệu tấn, tăng 7,3%; sản lượng trứng gia cầm đạt 10.637,1 triệu quả, tăng 12,6%. Sản lượng sữa bò cả năm 2017 đạt 881,3 triệu lít, tăng 10,8% so với năm 2016.
c. Lâm nghiệp
Năm 2017, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 241,3 nghìn ha, tăng 1,2% so với năm 2016; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 99,8 triệu cây, tăng 0,6%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11,5 triệu m3, tăng 12,4%; sản lượng củi khai thác đạt 26,3 triệu ste, tăng 0,4%. Diện tích rừng bị thiệt hại là 1.515,6 ha, giảm 55,9% so với năm 2016, trong đó diện tích rừng bị cháy là 471,7 ha, giảm 80%; diện tích rừng bị chặt phá là 1.043,9 ha, giảm 2,9%.
d. Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản năm 2017 ước tính đạt 7.225 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm trước, trong đó cá đạt 5.192,4 nghìn tấn, tăng 4,8%; tôm đạt 887,5 nghìn tấn, tăng 8,8%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 3.835,7 nghìn tấn, tăng 5,2% so với năm 2016; sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.389,3 nghìn tấn, tăng 5,1%, trong đó khai thác biển 3.191,2 nghìn tấn, tăng 5,1%.
- Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2017 tăng 9,4% so với năm 2016 (quý I tăng 4%; quý II tăng 8,2%; quý III tăng 9,7%; quý IV ước tính tăng 14,4%), cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,5% (mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm trở lại đây[2]), đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung toàn ngành công nghiệp với 10,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,4%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm sâu 7,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm mức tăng chung.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng năm 2017 tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2017 tăng 8% so với cùng thời điểm năm trước; tỷ lệ tồn kho bình quân 11 tháng năm 2017 là 65,9%.
- Hoạt động của doanh nghiệp
a. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm lên 153,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người, giảm 8,4% so với năm 2016.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm trước, bao gồm 21.684 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,9% và 38.869 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 4,6%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm là 12.113 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với năm trước, trong đó 11.087 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5%.
b. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2017 cho thấy: Có 44,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV năm nay tốt hơn quý III; 18,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I/2018 so với quý IV năm nay, có 48,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 16,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
- Hoạt động dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2017 ước tính đạt 3.934,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước (Năm 2016 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,46%, cao hơn mức tăng 8,33% của năm trước.
Vận tải hành khách năm 2017 ước tính đạt 4.081,6 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm trước và 182,8 tỷ lượt khách.km, tăng 9,1%. Vận tải hàng hóa cả năm đạt 1.442,9 triệu tấn, tăng 9,8% so với năm trước và 268,9 tỷ tấn.km, tăng 6,8%.
Doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2017 ước tính đạt 380 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2016. Khách quốc tế đến nước ta trong năm nay ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm trước (tăng 2,9 triệu lượt khách).
- Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm
Tính đến thời điểm 20/12/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 16,47%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 14,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 16,88%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%.
Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính đạt 105,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 65 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 40,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%.
- Đầu tư
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.667,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 594,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 676,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,5% và tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,8% và tăng 12,8%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/12/2017 thu hút 2.591 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 21,3 tỷ USD, tăng 3,5% về số dự án và tăng 42,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 1.188 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 8,4 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2017 lên 29,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với năm 2016. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2017 ước tính đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Trong năm 2017 còn có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,2 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016.
- Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 871,1 nghìn tỷ đồng, bằng 88%; thu từ dầu thô đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, bằng 113,7%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 183,8 nghìn tỷ đồng, bằng 102,1%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 1.219,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 862,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2%; chi trả nợ lãi 91 nghìn tỷ đồng, bằng 92%; riêng chi đầu tư phát triển đạt 259,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6% dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 254,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3%). Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán năm.
- Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
a. Xuất khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016.
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu năm 2017 ước tính đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 84,7 tỷ USD, tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 126,4 tỷ USD, tăng 23,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2017 tăng 17,7% so với năm 2016.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2017 xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD. Năm 2017 cũng ghi nhận một kỷ lục mới của xuất nhập khẩu Việt Nam khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD.
b. Xuất, nhập khẩu dịch vụ
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2017 ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2016; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt 17 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập siêu dịch vụ năm 2017 là 3,9 tỷ USD, bằng 29,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
- Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2017 tăng 0,21% so với tháng trước; CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra; CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2017 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016.
Chỉ số giá vàng tháng 12/2017 giảm 0,12% so với tháng trước; tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2016; bình quân năm 2017 tăng 3,71% so với năm 2016. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2017 tăng 0,02% so với tháng trước và giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2016; bình quân năm 2017 tăng 1,40% so với năm 2016.
- Một số tình hình xã hội
a. Dân số, lao động và việc làm
Dân số trung bình năm 2017 của cả nước ước tính 93,7 triệu người, tăng 987,3 nghìn người, tương đương tăng 1,07% so với năm 2016, bao gồm dân số thành thị 32,9 triệu người, chiếm 35,1%; dân số nông thôn 60,8 triệu người, chiếm 64,9%; dân số nam 46,2 triệu người, chiếm 49,3%; dân số nữ 47,5 triệu người, chiếm 50,7%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2017 ước tính là 54,8 triệu người, tăng 394,9 nghìn người so với năm 2016; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính 48,2 triệu người, tăng 511 nghìn người so với năm trước.
Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 ước tính 53,7 triệu người, tăng 416,1 nghìn người so với năm 2016, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,7%; khu vực dịch vụ chiếm 34,0%. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo năm 2017 ước tính đạt 21,5%, cao hơn mức 20,6% của năm trước.
Số người có việc làm trong quý I năm nay ước tính là 53,4 triệu người, tăng 74,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; quý II là 53,4 triệu người, tăng 164,3 nghìn người; quý III là 53,8 triệu người, tăng 496,9 nghìn người; quý IV là 54,1 triệu người, tăng 671,8 nghìn người.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,78%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 1,63%, trong đó khu vực thành thị là 0,85%; khu vực nông thôn là 2,07%.
b. Năng suất lao động
Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.
c. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Năm 2017, cả nước có 181,4 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 31,7% so với năm trước, tương ứng với 746,1 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 32,1%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 22,8 nghìn tấn lương thực và hơn 1,1 tỷ đồng. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 ước tính 8%.
Tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2017 là 5.832 tỷ đồng, bao gồm 3.370 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.759 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 703 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Bên cạnh đó, đã có gần 17 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
d. Thiệt hại do thiên tai
Tính chung cả năm 2017, thiên tai làm 389 người chết, mất tích và 668 người bị thương; diện tích lúa bị ngập, bị hư hỏng gần 234 nghìn ha; diện tích hoa màu bị ngập, bị hư hỏng hơn 130,6 nghìn ha; số nhà sập đổ, cuốn trôi là 8.312 và 588,1 nghìn nhà sạt lở, tốc mái, ngập nước. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2017 ước tính 60 nghìn tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2016.
Khái quát lại, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế – xã hội nước ta năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra; tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra với chất lượng nâng lên. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao; các ngành dịch vụ đạt khá. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục mới. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm thấp hơn năm trước. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, thách thức: Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế chậm; năng lực cạnh tranh còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công chậm. Thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân. Ô nhiễm môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018./.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
[1] Mức tăng GDP so với năm trước của một số năm: Năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%; năm 2015 tăng 6,68%; năm 2016 tăng 6,21%; năm 2017 tăng 6,81%.
[2] Tốc độ tăng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các năm 2012-2017 lần lượt là: 5,5%; 7,6%; 8,7%; 10,5%; 11,3%; 14,5%.