Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An – Du lịch Hội An

Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An

Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An

Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An (địa chỉ – số 33 đường Nguyễn Thái Học) là một trong những bảo tàng chuyên đề đặc sắc ở Hội An. Với những hình ảnh, hiện vật gốc và các hoạt động trình diễn, Bảo tàng đã thể hiện các giá trị của bề dày truyền thống văn hoá, sự sáng tạo, những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng phát triển vùng đất Hội An.

Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An nguyên là ngôi nhà cổ điển hình trong phố cổ Hội An, có chiều dài 57m, chiều ngang 09m, gồm hai tầng, sàn gỗ, thông hai mặt phố. Nơi đây trưng bày 484 hiện vật với 4 chủ đề nổi bật :

1. Nghệ thuật tạo hình dân gian ở Hội An được thể hiện qua các tác phẩm điêu khắc, chạm trổ trên gỗ – các phù điêu bằng sành sứ – các tượng thờ, tượng trang trí bằng đồng, đất nung – các bức tranh thủy mặc, tranh màu – các hoành phi, liễn đối được khảm xà cừ, ốc… thể hiện sự tinh tế, tài hoa của các thế hệ nghệ nhân ở Hội An.

2. Nghệ thuật diễn xướng dân gian ở Hội An :

– Bài Chòi là một trò chơi dân gian sinh động, vui nhộn và phổ biến ở Hội An cũng như một số địa phương ở miền Trung, thu hút đông đảo người chơi từ nông thôn cho đến phố thị tham gia, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên Đán hay các lễ hội lớn.

– Múa Thiên Cẩu là một loại hình múa vật linh khá đặc biệt, lưu truyền từ lâu đời và dần trở thành là điệu múa dân gian đặc trưng ở Hội An, gắn với ý nghĩa trừ tà, cầu phúc, cầu trăng sáng để mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, và đặc biệt gắn liền với tết Trung Thu như một hình ảnh sâu sắc trong lòng nhiều người dân phố Hội.

– Hát Bả Trạo là một loại hình diễn xướng dân gian có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân Hội An nói riêng, duyên hải miền Trung nói chung, được tổ chức thường xuyên vào các dịp lễ cầu ngư hay tế cá Ông hàng năm, cầu mong bình an trước biển cả mênh mông, đánh bắt bội thu.
 

 3. Các làng nghề truyền thống ở Hội An đã tồn tại và gắn bó chặt chẽ với vùng đất Hội An như : nghề buôn, nghề đánh bắt thủy hải sản, nghề nông, nghề y cổ truyền, nghề mộc Kim Bồng, nghề gốm Nam Diêu – Thanh Hà, và đặc biệt là nghề may truyền thống có từ lâu đời, với các dịch vụ may nhanh được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

4. Sinh hoạt dân gian truyền thống ở Hội An :

– Trang phục truyền thống ở Hội An, cùng với nếp ăn, nếp ở là những yếu tố thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa của một cộng đồng cư dân, nhất là đối với một cộng đồng gồm nhiều lớp, nhiều cội nguồn khác nhau như ở Hội An.

– Tục lệ cưới hỏi ở Hội An, vừa có những yếu tố chung của dân tộc, vừa có những đặc điểm riêng mang tính địa phương. Một đám cưới đầy đủ ở đây gồm các lễ : đưa tin, thăm nhà, vấn danh, đính hôn (lễ hỏi), thỉnh kỳ, thân nghinh (nhóm họ, rước dâu, lễ tơ hồng, lễ gia tiên, động phòng), lại mặt. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình, các lễ này không nhất thiết phải đầy đủ mà có thể giảm bớt một số, chỉ giữ lại những lễ chính.

Ngoài ra, ở tầng 1 của Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An còn trưng bày một số sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Hội An như đèn lồng, hàng tơ tằm, tranh giấy dó, dệt chiếu… cùng các hoạt động trình diễn, giới thiệu với khách tham quan.

* Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An mở cửa từ 7h00 đến 21h00 tất cả các ngày trong tuần. Riêng ngày 20 hàng tháng, bảo tàng đóng cửa để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Xem thêm

Du lịch Hội An

   – Hình ảnh du lịch Hội An

   – Bản đồ đường đi Hội An

   – May đồ cấp tốc khi du lịch Hội An