Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể bắt đầu từ cơ sở

Người dân hai phường Kiều Mai và Phú Diễn vừa tổ chức đón nhận Quyết định chứng nhận Lễ hội kết chạ giữa hai thôn Kiều Mai và Phú Mỹ (làng Kiều Mai nay thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, còn làng Phú Mỹ nay thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tục kết chạ giữa hai thôn Phú Mỹ-Kiều Mai được xác lập và duy trì từ năm 1745. Hằng năm, vào ngày 7 tháng Giêng, thôn Kiều Mai sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Phú Mỹ để dự Lễ khánh hội tại thôn Phú Mỹ.

Đến ngày 10 tháng Hai, thôn Phú Mỹ sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Kiều Mai để dự Lễ khánh hội tại thôn Kiều Mai. Ngoài ra, còn có quy ước cụ thể về lễ và các nghi thức hành lễ liên quan. Tương tự như vậy, Lễ hội năm làng Mọc (gồm các phường thuộc quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân) được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhờ nét đặc sắc liên quan đến kết chạ. Đây chính là một phong tục đẹp trong xã hội nông nghiệp cổ truyền, có tác dụng củng cố khối đoàn kết dân tộc. Hà Nội hiện có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, gồm các loại hình, từ lễ hội, diễn xướng dân gian, cho đến tập quán, tri thức dân gian, cho thấy sự phong phú và hấp dẫn của các di sản trên địa bàn.

Số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn là niềm tự hào, nhưng cũng đi kèm những khó khăn trong bảo tồn, phát huy giá trị. Là di sản “sống”, việc bảo tồn phụ thuộc vào tâm lý, ý thức, nhận thức của cộng đồng dân cư nơi sở hữu cho nên di sản văn hóa phi vật thể luôn có tính “động”. Do đó, tư liệu hóa là nền móng cho việc bảo tồn. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Cuộc sống luôn vận động, thay đổi, trong khi ý thức, nhận thức của những chủ sở hữu di sản không đồng đều. Một tập quán, một số nghi thức lễ hội… có thể bị người dân thay đổi nếu họ thấy không cần thiết, hoặc làm theo “cách mới” sẽ thuận tiện hơn.

Tư liệu hóa là xây dựng bộ hồ sơ, “cứng hóa” nhiều nội dung để làm căn cứ bảo tồn, không để người dân tự ý thay đổi, nếu thay đổi, chúng ta vẫn có cơ sở để khôi phục nguyên gốc”. Trước đây, việc tư liệu hóa chủ yếu dựa vào hoạt động của các phòng, ban trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Song, số lượng di sản văn hóa phi vật thể quá lớn khiến Phòng Quản lý di sản buộc phải lựa chọn những di sản tiêu biểu, đặc sắc nhất, hoặc có giá trị và đứng trước nguy cơ thất truyền.

Mỗi năm, chỉ có thể tư liệu hóa từ 4 đến 5 bộ hồ sơ; phần còn lại chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của các địa phương. Chính quyền, ngành văn hóa quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn… tích cực vào cuộc đôn đốc, nhắc nhở chủ sở hữu di sản, chủ động phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao trong lập hồ sơ những di sản quan trọng. Nhưng còn không ít địa phương thiếu quan tâm, khiến di sản có thể biến đổi ngoài kiểm soát.

Trước thực tế này, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025. Kế hoạch đề ra các giải pháp có tính tổng thể để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, từ truyền dạy, tập huấn, cho đến tổ chức liên hoan…, các biện pháp bảo vệ với từng loại hình di sản văn hóa.

Trong đó, Kế hoạch nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản, nhằm xây dựng kho dữ liệu phục vụ công tác quản lý, xây dựng hồ sơ, nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; vai trò, trách nhiệm của các địa phương sở hữu di sản văn hóa phi vật thể nói chung, cũng như trách nhiệm với nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản. Sở Văn hóa và Thể thao tập trung tư liệu hóa, phối hợp bảo tồn những di sản quan trọng nhất, trong khi đó, các địa phương cũng có trách nhiệm hơn đối với bảo tồn, tư liệu hóa những di sản. Điều này sẽ sớm hạn chế nguy cơ di sản “mỗi năm một khác”, tạo cơ sở cho việc bảo tồn, khôi phục nếu di sản không may bị thay đổi, biến dạng.