Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát chuyên đề của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh vào ngày 09/02/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh hiện có 13 ngôi chùa của đồng bào Khmer (trong đó, có 06 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh) và 26 cơ sở thờ tự của người Hoa (có 01 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia và 02 di tích cấp tỉnh). Tỉnh còn có lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (huyện Trà Ôn) và làng nghề tàu hủ ky Bình Minh (thị xã Bình Minh) được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về lễ hội của đồng bào dân tộc, người Hoa tỉnh Vĩnh Long có các lễ hội: Vía Chúa Sanh Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chánh Thần, Quan Thánh Đế Quân, lễ Cầu an…; lễ hội của người Khmer có lễ Ok-om-bok, Sen Đol-ta, Chol-Chnam-Thmay, lễ Nhập hạ, lễ Xuất hạ…được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, đảm bảo an toàn trật tự, không xảy ra mê tín, dị đoan.

Thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 03 chương trình văn nghệ phục vụ đồng bào Khmer nhân tết cổ truyền Chol-Chnam-Thmay, lễ Sen Đol-ta, lễ Ok-om-bok tại các xã có đồng bào dân tộc sinh sống. Thành lập 02 đội văn nghệ quần chúng Khmer tại huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh.

Nhân Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII năm 2022, Sở VHTTDL tổ chức đoàn tham gia tại tỉnh Sóc Trăng; tham gia triển lãm chuyên đề “Đồng bào Khmer Vĩnh Long bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”, với trên 170 tư liệu, hình ảnh, hiện vật. Bảo tàng tỉnh tổ chức sưu tầm trên 350 hiện vật và 120 hình ảnh về các hoạt động lễ hội của đồng bào Hoa và Khmer tỉnh Vĩnh Long.

Minh Hương hội quán là một trong 02 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh của người Hoa Vĩnh Long

Năm 2022, Trung ương phân bổ 968 triệu đồng vốn sự nghiệp hỗ trợ cho tỉnh Vĩnh Long để thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch”, Sở VHTTDL đã triển khai tổ chức 03 lớp truyền dạy gồm: Lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ dân tộc truyền thống của dân tộc Khmer- nhạc ngũ âm ở chùa Phù Ly (thị xã Bình Minh) với số lượng 32 học viên; lớp múa dân gian Khmer ở chùa Giữa (Trà Ôn) số lượng 31 học viên và truyền dạy môn cờ ốc của đồng bào Khmer với số lượng 30 học viên.

Hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ; hướng dẫn và tổ chức sinh hoạt, tập luyện, duy trì đội văn nghệ cho huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh. Hỗ trợ 02 dàn nhạc ngũ âm cho chùa Đại Thọ và chùa Kỳ Son (huyện Tam Bình); 02 sân bi sắt cho chùa Tòa Sen, xã Đông Thành (thị xã Bình Minh) và chùa Cũ, xã Hựu Thành (huyện Trà Ôn). Hỗ trợ trang thiết bị âm thanh cho 01 thiết chế văn hóa, thể thao ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn.

Trong thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025. Tổ chức ngày hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch…với hình thức đa dạng, phong phú và mở rộng thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh tham gia. Tích cực tham gia các nội dung, hoạt động được tổ chức trong Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ và Ngày hội VHTTDL đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương tổ chức.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật, tư liệu của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo tồn văn hóa truyền thống, tiếng nói, chữ viết, đào tạo nguồn nhân lực của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp tục tuyên truyền, triển khai, quán triệt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết, gắn bó giữa các đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Tâm