Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Thực tế cho thấy, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc vẫn còn những hạn chế, như việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; Công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại. Việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di sản không đúng với quy định của pháp luật, thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, môi trường… đã làm mất đi giá trị nguyên gốc của di sản văn hóa. Bên cạnh đó, một số bất cập về chính sách, trong thực tiễn công tác bảo tồn di sản chưa thực sự tạo điều kiện để phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ tại diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa” Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ tại diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa”

Mới đây, tại diễn đàn diễn ra diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa”, các vấn đề được diễn giả đưa ra nhằm tháo gỡ các rào cản, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, của doanh nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý giá, góp phần làm nên giá trị văn hóa, tinh thần hồn cốt, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Ngày nay, di sản văn hóa ngày càng chứng minh vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển, là nguồn lực dồi dào cho tăng trưởng kinh tế và là điểm tựa vững chắc cho đời sống tinh thần, môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa, đa dạng văn hóa. Vì vậy, việc bảo tồn các di sản, di tích cùng với các giá trị về văn hóa tinh thần là việc làm quan trọng và vô cùng cần thiết trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Ông Trần Văn Mạnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam

Ông Bùi Trung Nghĩa cũng nhận định, trong những năm qua, song hành với việc ban hành các chủ trương, đường lối và chính sách về bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa, Nhà nước luôn quan tâm dành một nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách cũng như thông qua việc xã hội hóa và đóng góp từ các cá nhân doanh nhân, doanh nghiệp để dành cho việc bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa. Qua đó, di tích, danh thắng được kiểm kê, bảo vệ; thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy…

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Trình diễn trang phục truyền thống tại Festival áo dài truyền thống

“Có được kết quả của công tác bảo vệ, di tôn và giữ gìn di sản như vậy, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước, các Bộ ban ngành liên quan, cần phải ghi nhận sự đóng góp quý báu và đầy trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp. Cùng với việc đề cao các giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nhân và đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, VCCI cũng chủ động thực hiện tuyên truyền, vận động để cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp tham gia tích cực hơn công tác bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa Việt Nam ở trung ương và các địa phương như là một trong những trách nhiệm xã hội quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân đối với cộng đồng và đất nước”, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết.

Trình diễn trang phục truyền thống tại Festival áo dài truyền thống Trình diễn trang phục truyền thống tại Festival áo dài truyền thống

Ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho biết: Công tác bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa cần được ưu tiên chú trọng, nhất là khi đất nước đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Trong đó, cần lưu tâm đến thách thức là xử lý hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa đồng thời bảo tồn di sản một cách bền vững.

Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là một trong những công ước quan trọng của UNESCO nhằm thúc đẩy các quốc gia hợp tác bảo tồn hiệu quả các giá trị, dấu ấn tinh thần và vật chất quan trọng tiêu biểu cho nền văn minh của các quốc gia. Đó là công trình kiến trúc lịch sử và văn hóa nổi tiếng, có giá trị đang đứng trước những thách thức.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và cộng đồng. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; còn nhân dân, trong đó có doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản.

Bàn về vai trò của cộng đồng, ông Trần Văn Mạnh cho rằng, không thể bỏ qua vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản. Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tham gia bảo tồn di sản, cần có chính phù hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức để doanh nhân, doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm tự giác chăm lo, bảo vệ vun đắp các di sản. Doanh nhân, doanh nghiệp cần thông tin, trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia hiệu quả vừa đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần lan toả giá trị di sản hài hoà, nhân văn và có bản sắc.

Chia sẻ tại diễn đàn, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa là vấn đề rất lớn và rất khó. Các di tích văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh đang trông chờ rất nhiều ở việc Nhà nước xã hội hóa. Vai trò của doanh nhân doanh nghiệp trong việc bảo tồn gin giữ văn hóa là rất lớn, đồng thời ở các nơi đều có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, việc tài trợ của doanh nghiệp để xây dựng, trùng tu lại di tích một số nơi đang đang có vấn đề. Đó là sự hiểu biết về các giá trị văn hóa đích thực và truyền thống của di sản.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Việt Nam cho hay, Việt Nam với tài nguyên văn hóa phong phú qua ngàn đời, di sản văn hóa không chỉ là di sản đơn thuần mà là nguồn lực để phát triển du lịch. Ở những giai đoạn trước, việc bảo tồn du lịch thường tập trung vào vị bảo tồn, nhưng ở thời điểm hiện tại, bảo tồn vị nhân sinh đang được phát huy. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội.

“Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn trên nguồn tài nguyên văn hóa có sẵn. Trong quá trình đó, nhiều đơn vị chưa chú trọng giá trị bảo tồn mà chỉ mới đang khai thác kinh tế. Một số doanh nghiệp đầu tư phát triển nhưng không chú trọng đến việc bảo tồn, một số khác nôn nóng khai thác lợi nhuận, xây dựng công trình làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến di sản” ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Đưa ra thông điệp về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Chúng ta phải có trách nhiệm trong quá trình khai thác để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thể hiện được vai trò của mình trong quá trình khai thác đồng hành với bảo tồn cho thế hệ tương lai để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”.