Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê

TMO – Óc Eo – Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt, minh chứng cho sự tồn tại của nền văn hóa Óc Eo, một trong 3 nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam (cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh). Đây là một di sản quý, đóng vai trò quan trọng trong khối di sản văn hóa của dân tộc.

Sáng 10/2, tại thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê và Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 10).  

Gần 80 năm qua, với sự nỗ lực của Chính phủ, tỉnh An Giang, huyện Thoại Sơn, các chuyên gia, cơ quan chuyên môn khoa học Trung ương và các địa phương, kết quả khai quật khảo cổ di tích Óc Eo – Ba Thê của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thu về hàng ngàn hiện vật có giá trị, trong đó tỉnh An Giang đã chọn lựa và đề nghị, được Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 bảo vật quốc gia (Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc, niên đại thế kỷ thứ III-IV; nhẫn Nandin Giồng Cát, niên đại thế kỷ V).

Bức phù điêu Phật Linh Sơn Bắc tại Khu di tích được công nhận là Bảo vật quốc gia

Quyết định số 115/QĐ-TTg xác định, Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê có tổng diện tích quy hoạch là 433,2ha, gồm khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) có diện tích 143,9ha và khu vực cánh đồng Óc Eo (khu B) có diện tích 289,3ha. 

Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã phát lộ của Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê; nghiên cứu, khảo sát, mở rộng phạm vi khảo cổ để hoàn thiện, làm rõ các giá trị liên quan đến di tích, nhất là trong mối liên hệ với các di tích, di chỉ khảo cổ học liên quan đến văn hóa, văn minh Óc Eo.

Đồng thời, quy hoạch được thực hiện nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê trở thành khu nghiên cứu khảo cổ học, để nhận diện đầy đủ, làm sáng tỏ giá trị của nền văn minh Óc Eo rực rỡ đã từng tồn tại, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, du lịch của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang.

Qua đó, kết nối các điểm đến quan trọng của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù về lịch sử – văn hóa, sinh thái sông nước, đồng quê, nông nghiệp và du lịch chuyên đề khảo cổ học văn hóa Óc Eo.

Góc trưng bày các hiện vật Óc Eo trong nhà trưng bày Ban quản lý di tích văn hóa Óc Eo

Các không gian bảo tồn, tôn tạo di tích bao gồm: Khu vực “Trung tâm tôn giáo Óc Eo”, diện tích 9,58ha, nhằm bảo tồn cụm di tích tiêu biểu Gò Sáu Thuận – Linh Sơn Tự – Linh Sơn Bắc – Linh Sơn Nam; khu vực bảo tồn “Trung tâm đô thị cổ Óc Eo”, diện tích 39,52ha, nhằm bảo tồn cụm di tích tiêu biểu Lung Lớn – Gò Cây Thị – Gò Óc Eo – Gò Giồng Trôm – Gò Giồng Cát.

Ngoài ra, thực hiện bảo vệ cảnh quan triển du lịch sinh thái Ba Thê, với việc tổ chức lập đề án khai thác phát triển du lịch sinh thái núi Ba Thê. Tại đây sẽ phát triển các sản phẩm du lịch, như: Trải nghiệm văn hóa bằng công nghệ hiện đại sinh thái sông nước; khám phá cảnh quan thiên nhiên, phát triển các tuyến du lịch tham quan nội khu và các tuyến du lịch kết nối với các điểm du l trong huyện, tỉnh và vùng Nam Bộ…

Nhằm thực hiện có hiệu quả những định hướng trong quy hoạch trên, UBND tỉnh An Giang tăng cường thực hiện các giải pháp. Trong đó, tỉnh tập trung kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư, xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, ưu tiên nguồn lực cho các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.

Bên cạnh đó, chú trọng đến việc hợp tác giáo dục về bảo tồn di sản, đào tạo, nâng cao chất lượng thuyết minh viên, hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng văn minh thương mại, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, thực hiện hợp tác giáo dục về bảo tồn di sản, đào tạo, nâng cao chất lượng thuyết minh viên, hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng văn minh thương mại, dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Óc Eo được biết đến như một nền văn hóa khảo cổ tiêu biểu ở vùng đất Nam Bộ – Việt Nam những năm đầu Công nguyên. Đến nay, toàn tỉnh An Giang có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó Di tích Óc Eo – Ba Thê được xác định có vị trí quan trọng, nơi đây từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế – văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam xưa.

 

 

Nguyễn Ngọc