Bảo tồn văn hóa truyền thống ở nông thôn: Cổng làng hay cổng chào? – Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam

“Nhà có nóc, làng có cổng”. Cổng làng từ xa xưa đã gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Người đi xa mỗi khi về làng, nhìn thấy cổng làng là như đã bước vào cánh cửa của miền quê yêu dấu ruột rà. Cổng làng không biết có tự bao giờ nhưng là minh chứng hùng hồn cho sự phát triển của ngôi làng, với lối kiến trúc đơn sơ mà độc đáo, giản dị nhưng không kém phần hòa nhã, tinh xảo.

15925 conglang duonglam

       Cổng làng – cánh cửa của đời sống của Làng quê  Bắc Bộ Việt Nam.

Cổng làng – cánh cửa của đời sống – mà khi đi qua bước vào là ở đấy với phong tục tập quán, với đất lề quê thói đặc trưng của từng làng. Ngày nay, trải qua biến đổi của thời gian, lác đác còn có những cổng làng được coi là di sản văn hóa, nhưng có rất nhiều cổng làng đang yên lành bị phá dỡ, xây mới. Cổng làng khoác cho mình cái áo phô trương lòe loẹt, hoặc đơn giản, cẩu thả, hay đẹp nhưng xa lạ, khác biệt. Có nơi lại biến cổng làng thành cổng chào. Đứng trước hiện tượng trên, mỗi người lại đưa ra một ý kiến khác nhau…

Đã từ lâu lắm, với người dân đồng bằng Bắc Bộ không một ngôi làng nào là không có cổng làng. Cổng làng còn có lính gác để bảo vệ thôn, xóm. Mỗi khi có khách lạ ghé qua chơi trong làng, hiểu quy tắc bất di bất dịch, “phép vua còn thua lệ làng” cũng phải qua cổng làng làm “thủ tục”, để “nhập gia tùy tục”. Cứ qua một cái cổng thì nơi đó là một nét văn hóa với tính cách đặc trưng riêng của làng đó. Sau này dân số tăng đến chóng mặt, rồi giao lưu hội nhập, thôn quê khi xưa cũng cựa mình chuyển đổi. Người qua kẻ lại đông như mắc cửi, giao lưu nhiều, không còn có lính gác nhưng cái cổng vẫn tồn tại.

15926 316932692 50de7e9da5 o jpg

              Cổng làng xưa – Biểu tượng văn hoá của làng quê Bắc bộ

Người ta bảo cái cổng là cửa của một cái nhà. Làng là ngôi nhà to, và nhà to nhất định phải có một cái cửa. Vậy cổng làng chính là cửa của làng. Ngoài cổng làng còn có cổng thôn, cổng xã, cổng của dòng họ. Nhưng cổng làng có vị trí đặc biệt khó bề thay thế. Từ lâu đã đi vào tiềm thức của người dân đồng bằng Bắc Bộ hàng đời nay. Đó là dấu ấn văn hóa được lưu truyền trên hình dáng kiến trúc của cổng. Cổng làng còn khẳng định địa giới. Cổng làng gắn bó với lịch sử thăng trầm biến thiên của xã hội. Cổng làng thân thương mà gần gũi chứng kiến con người từ khi sinh ra, lớn lên và mất đi. Nên người xưa quan niệm trong một thôn xóm thì phải có cổng.

15927 800px thoha cong

 Cổng làng cổ truyền thống như thế này giờ rất hiếm.

Thời gian trôi, đời sống xã hội đổi thay, những giá trị tinh thần truyền thống ấy ít nhiều bị mai một đi, tiếc thay cái cổng làng cổ kính, gắn bó khi xưa nay nhiều nơi không còn nữa, thay vào đó là hình khối khác, kiến trúc khác xa lạ mà tách biệt, người ta gọi là cổng chào. Dưới đây, chúng tôi ghi lại một số ý kiến của kiến trúc sư, nhà khoa học và nhà phê bình mỹ thuật xung quanh câu chuyện cái cổng làng.

GS-TS-Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính (nguyên Phó Chủ tịch thường trực hội Kiến trúc sư Việt Nam): “Đến lúc nào đó, sẽ chỉ còn lại những cổng nhà”

15922 14 gs1100

Cổng làng là điểm trấn đường vào làng, ấn định không gian sống muôn thủa, khép kín ngôi làng Việt. Khép trong lề thói, nếp sống. Xưa kia có rất ít đường vào làng. Trước đây, người nông dân có hai điều cơ bản nhất là không gian định cư và không gian ruộng đồng. Họ đa phần sống chủ yếu ở trong làng và rất ít khi ra khỏi cổng làng. Đôi khi có đi xa cũng chỉ là lên phố tỉnh, phố huyện. Vì không ra khỏi lũy tre làng dẫn đến trai gái trong làng lấy nhau. Cổng làng giới hạn không gian sống, không gian hoạt động và cả không gian tư duy định hình khép kín.

Trong văn hóa cộng cư của người Việt, cái làng Việt nổi trội hơn rất nhiều so với phố Việt. Làng là sản phẩm của văn hóa cộng cư người Việt. Cổng làng đóng vai trò gắn kết cộng đồng cư dân bây giờ đã trở nên lạc hậu. Giờ cái làng đã bung toác ra rồi. Làng không còn là cơ chế tĩnh nữa mà là cơ chế động. Hiện nay, con người không chỉ hạn chế ở trong một làng, một xã, một huyện nữa mà tỏa ra khắp nơi làm ăn sinh sống.

Cái cổng làng xưa vì thế lâm vào thế định mệnh. Nó không thụt lùi, không dấn lên, không né sang bên được. Nó lọt thỏm và lạc lõng ở chính cái nơi nó ngự trị cả trăm năm. Vôi vữa long lở, cửa bị mài mòn sứt sẹo, si và cỏ dại mọc bừa trên mái. Cái cổng trở thành vật cản, thành cái người đời tránh né. Cái gì cao và to, tránh sang hai bên. Người đi qua, tự dưng khom lưng, sợ cộc đầu. Thời đại quá cỡ không còn chui lọt cổng làng. Cổng làng đã là tàn dư.

Cổng làng hay cổng chào? Bản thân ý nghĩa của từ này đã khác nhau. Cổng làng mang đậm ý nghĩa văn hóa, thì cổng chào lại mang tính thực dụng bình dân. Nhiều nơi biến cổng làng thành cổng chào bằng cách xây hai cái cột xi măng rồi cho sơn quét một lớp vôi vội vã lên trên, trên gắn một cái biển bằng thiếc. Trải qua nắng mưa, cổng chào bong tróc những lớp sơn quết đó, trở nên nhem nhuốc, cẩu thả. Lại có nơi, người ta thay cổng làng bằng cách dựng lên đó cổng chào được lát đá hoa mà nhìn từ xa trông sáng loáng. Đó là thứ đá lát nhà, lát khu bếp, khu vệ sinh. Người ta nghĩ lát thứ gạch ấy lên cổng làng sẽ sang hơn chăng? Nhưng vì thế mà cái cổng cũng trở nên vô hồn, vô duyên ngang nhiên đứng giữa sân trời, người đời chẳng mấy ai muốn chiêm ngưỡng đến nó. Cổng chào trở thành bơ vơ, lạc lõng giữa kẻ qua người lại…

Ngày nay người ta hay nói tới di tích, tới di sản. Liệu bao nhiêu làng cổ, bao nhiêu cổng làng trên đất Việt được liệt vào danh sách bảo tồn?

Cơ man những cơ thể già nua, cơ man những cổng làng xưa cũ sẽ phải cam chịu thân phận tàn dư. Đời là vậy! Thế nhưng lòng ta cứ nao nao, khắc khoải: Đã là tàn dư, hẳn đi vào hư vô. Còn lại gì đây? Nỗi hoài niệm khôn nguôi.

…Đến lúc nào đó, sẽ chỉ còn những cổng nhà.

GS Hoàng Chương (Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc): “Người ta đến là để xem cái cổng cũ”

15923 15 gs1100

Chỉ có làng quê Việt Nam mới có cổng làng. Vì sao cha ông ta lại xây cổng làng? Cổng làng không chỉ đơn thuần là hình khối kiến trúc với những thẩm mỹ đơn giản, thô sơ hay tinh tế, cầu kỳ, mà ẩn chứa trong đó là “hồn cốt” của ngôi làng. Cổng làng là bộ mặt đầu tiên của ngôi làng mà khi bước chân qua như bước vào một thế giới mới của làng đó. Những nét đặc trưng của văn hóa làng, với những phong tục tập quán của cộng đồng cư dân được truyền nối bao đời được thể hiện qua hình ảnh cổng làng. Cổng làng còn là thước đo đơn vị hành chính về vị trí địa lý của ngôi làng. Những nét sinh hoạt làng xã, về tính cách biệt của người dân trong làng cũng được thể hiện qua cổng làng. Những vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, ngoài các bức đại tự, người xưa còn cho đắp hai câu đối ở hai bên cổng.

Cổng làng là nơi mà người đi xa mỗi khi về làng nhìn thấy cổng cổ kính là lòng se lại, cảm giác hồi hộp, ngây người đứng ngắm. Chỉ bước chân qua cánh cổng này thôi, bên trong đó vào một ngôi làng văn hóa lâu đời. Như nhà từ đường của danh nhân Đào Tấn ở Vinh Thạch. Cổng làng báo hiệu làng của một danh nhân, một ông tổ tuồng. Qua cánh cửa này là bước vào làng Tuồng, và trong ngôi làng chứa đựng văn hóa sinh hoạt cha truyền con nối lưu giữ bao đời nay. Cổng làng chùa xã Sơn Công, huyện ứng Hòa, hay trên mảnh đất xứ Đoài, cổng làng Đường Lâm, ước Lễ, Phùng Xá… Rồi ven Hà Nội là cổng làng Ninh Hiệp, Đông Ngạc, Làng Sủi, hay như cổng làng Thổ Hà vùng quan họ Kinh Bắc. Trải qua thời gian, cổng làng mang dáng vẻ rêu phong xưa cũ hoặc hư hại, xuống cấp do chiến tranh liên miên kéo dài, hay thời tiết khắc nghiệt hoành hành. Rồi cũng có những cái cổng của ngày hôm nay do con người muốn tôn tạo, làm mới để cho khang trang và bề thế hơn.

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân khiến cổng làng cổ không còn giữ được hình dáng xưa là do nhận thức sai về văn hóa. Hiện tượng làm mới cổng làng phổ biến ở nhiều nơi. Nhỏ thì trùng tu, lớn thì đại tu. Thay vóc dáng, hồn cốt cho cổng làng. Có đôi nơi người ta thay hẳn cổng làng bằng cổng chào. Những cổng chào kềnh càng, to lớn được xây vội vã chắn ngang lối đi vào làng và trên đó là dòng chữ rất “thực dụng”: “Kính chào quý khách”. Khi người ta đi du lịch là tìm về những bề dày văn hóa cổ kính nhất, tinh túy khác nhất mà địa phương họ, đất nước họ không có. Châu ÂU không có. Châu Mỹ không có, người ta đến châu Á nói chung hay đến Việt Nam nói riêng thì nơi đó lại có một nét văn hóa đặc trưng của ngôi làng. Cổng làng biểu thị văn hóa trong làng, bây giờ người ta lại làm mới đi thì còn gì là tinh túy của ông cha gửi gắm, đến xem thì còn gì để xem?!. Di sản của ông cha đã bị người đời làm cho biến dạng, dị dạng…

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng.”Cổng làng nên xây mới cho phù hợp với khung cảnh kiến trúc hiện đại”.

Phóng viên (PV): Theo ông, hình ảnh “Cổng làng” có ý nghĩa với đời sống tinh thần và đời sống văn hóa như thế nào?

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng:  Làng xã truyền thống vừa là một đơn vị hành chính nhỏ và cơ bản nhất, vừa giống như một ngôi thành nhỏ có ý nghĩa phong thủy trong xã hội phong kiến xưa. Xung quanh làng có lũy tre dày bao bọc, đôi nơi có đào hào đắp lũy và có cổng làng. Cổng làng nói chung có ý nghĩa văn hóa nhiều hơn là rào đóng, vì người nông dân hoàn toàn có thể ra đồng, đi chợ bằng nhiều lối khác. Nhưng cổng làng cho biết đây là đất lề quê thói, có thuần phong mỹ tục, du khách và người làng cần tôn trọng.

PV: Là một nhà phê bình mỹ thuật, ông thấy trào lưu làm mới cổng làng như hiện nay có xa lạ với mỹ cảm của người Việt hay không?

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: Cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. Có loại cổng chỉ có một tầng và một cửa vòm, có loại có hai ba tầng và ba vòm cổng, nhưng tỉ lệ rất cân đối, thanh nhã và giản dị. Cổng đình, cổng chùa, cổng nhà dân, và cổng làng có chung một ý tưởng và xúc cảm thẩm mỹ để cho hình ảnh làng xã được thống nhất, tuy chi tiết có thể rất khác nhau. Hiện tại việc xây sửa không chú ý đến tính toàn thể này, đâu đâu cũng đua to, đua sặc sỡ và làm mất đi những giá trị văn hóa nội tại.

PV: Vậy, cổng làng cần phải được để nguyên như cũ để đậm đà bản sắc dân tộc hay xây mới để phù hợp với thời đại mới, con người mới và quang cảnh mới, thưa ông?

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng:  Chức năng của cái làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác. Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp. Nếu còn cổng cũ thì nên giữ nguyên làm di sản văn hóa, nếu không còn cũng nên xây mới cho phù hợp với khung cảnh kiến trúc hiện đại nói chung. Tất nhiên cổng làng đóng vai trò hình ảnh đầu tiên của cái làng do đó nó cần được nghiên cứu và thiết kế cẩn thận.

Theo CAND