“Bẹo hàng” chợ nổi – nét văn hóa thú vị của miền Tây Nam Bộ
“Bẹo hàng” chợ nổi – nét văn hóa thú vị của miền Tây Nam Bộ
(Tạp chí Du lịch) – Do có vị trí địa lý nằm ở khu vực hạ lưu sông Mê-Kông, cùng với hệ thống sông ngòi và kênh rạch phong phú chằng chịt đan tỏa đi khắp nơi; nên ngay từ thuở sơ khai cho tới nay, hình thái lưu thông đi lại, vận chuyển hàng hóa, họp chợ mua bán bằng phương tiện đường thủy với các loại ghe, xuồng, tắc, ráng… luôn phổ biến và quen thuộc đối với người dân nơi đây.
Ngày nay, việc đầu tư hệ thống giao thông đường bộ xuyên suốt đã giúp cho đời sống kinh tế – xã hội của cư dân thuận lợi hơn rất nhiều, tuy nhiên chợ nổi và du lịch chợ nổi vẫn là hình thức thương mại và là loại hình du lịch mang tính đặc trưng rất thú vị của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Chợ nổi được họp trên sông, thường giữa một vùng sông nước thoáng rộng với hàng trăm ghe thuyền, xuồng của cư dân tụ tập lại. Chợ họp cả ngày nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sớm mai. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại nông sản nuôi trồng hay đánh bắt được. Các ghe, thuyền không có bảng hiệu. Nét đặc biệt là trên mỗi phương tiện chuyên chở đều có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm muốn bán. Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào là có thể biết trên thuyền đó có thứ mình cần hay không.
Ghe thuyền bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này là “cây bẹo”. Có hai cách “bẹo hàng”, một là “bẹo hàng” trên những cây sào nằm ngang, loại này thường thấy ở chợ nổi miệt Cà Mau. Hai là người bán dùng cây chống đứng ngay trước mũi ghe thuyền của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những loại sản vật mà mình muốn bán. Chẳng hạn như bán cam thì người ta treo lên vài quả cam, bán xoài thì treo vài trái xoài, bán chuối thì treo nải chuối…, với cách tiếp thị độc đáo này những người mua tới chợ thì từ xa đã nhìn thấy ngay. Loại hình “bẹo hàng” này thường thấy ở khắp các chợ nổi miền Tây Nam Bộ như: Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Cái Răng (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)… Đặc trưng chung của các chợ nổi phục vụ khách du lịch như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng và Phong Điền (Cần Thơ), Phụng Hiệp (Hậu Giang)… chủ yếu là hàng trái cây. Trong khi đó các chợ nổi ở miệt Cà Mau thì chủ yếu bán hàng rau củ dùng trong bữa ăn hàng ngày. Các “cây bẹo” đôi khi còn giới thiệu cả những thực phẩm tươi sống như ba khía, chuột đồng, rắn, rùa… Tuy nhiên vẫn có 3 trường hợp ngoại lệ rất thú vị khi đi chợ nổi mà không phải ai cũng biết. Một là, có những thứ “bẹo mà không bán”, chính là quần áo. Do cư dân chợ nổi thường sinh sống luôn trên ghe thuyền, vì thế quần áo sinh hoạt hàng ngày cũng được đem ra phơi nắng ở cọc sào trên thuyền. Hai là, “bán mà không bẹo”, đó chính là các thuyền bán hàng ăn, nước giải khát và các ghe thuyền bán hoa kiểng. Những thứ này không thể treo lên được, nên ghe thuyền bán những loại hàng hoá này thì lại không có “cây bẹo”. Ba là, các ghe thuyền “bẹo một đàng bán một nẻo”, chỉ treo vỏn vẹn một tấm lá dừa trên “cây bẹo”.
Không phải bán lá dừa hay là sản phẩm từ cây dừa đâu, mà theo thông lệ bất thành văn khi muốn bán ghe thuyền của họ ở chợ nổi thì họ sẽ treo trên “cây bẹo” một tấm lá dừa.
Ông Hồ Văn Tường – Tiến sĩ Văn hoá Dân gian Việt Nam, cho biết: “bẹo” là tiếng Việt cổ được ghi trong sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của tác giả Huỳnh Tịnh Của (Bản in vào năm 1895 – 1896, Nhà xuất bản Trẻ TP. HCM tái bản 1998). Trong sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, ở trang 48 ghi rõ như sau: “Bẹo” là nêu ra hoặc bày ra để cho người ta ngó thấy. Như vậy rõ ràng “bẹo” là một từ có thật của ngôn ngữ người Việt hồi cuối Thế kỷ 19 ở Nam Bộ.
Cho đến nay, chợ nổi vẫn là một nét văn hóa đặc trưng, một dạng tài nguyên độc đáo của vùng Đồng bằng sông nước Cửu Long và luôn có sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước nhờ vào các yếu tố như: Quy mô và khung cảnh, hàng hoá, phương thức mua bán và đặc biệt là “cây bẹo” của cư dân thương hồ. Những chợ nổi có quy mô lớn như Long Xuyên, Cái Răng và Ngã Năm luôn có nhiều lợi thế trong khai thác du lịch. Với khung cảnh thiên nhiên khá thơ mộng, chợ nổi luôn có sức hút và là điểm tham quan mua sắm rất thú vị của những du khách đến từ đô thị và những quốc gia công nghiệp hoá. Một số biểu hiện của phương thức mua bán nhộn nhịp trên chợ nổi gây được ấn tượng cho du khách đó là những “cây bẹo”, vừa đóng vai trò quảng bá hàng hoá vừa là một thành tố văn hoá rất đặc trưng của chợ nổi, cổ vũ sự viếng thăm và khám phá của du khách trong và ngoài nước.
Cao Phương