Bí mật chuẩn bị cho việc giữ gìn thi hài Bác

Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết. Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Việc bảo quản, gìn giữ thi hài của Bác cho nhiều thế hệ mai sau đã trở thành một tâm nguyện lớn lao của toàn Đảng, toàn dân ta sau khi Người qua đời. Công việc lớn lao đó đã được thực hiện ra sao vẫn là câu hỏi lớn đối với nhiều người hôm nay. Kể từ số báo này, Chuyên đề ANTG sẽ trích đăng những tư liệu về công việc bảo quản, gìn giữ thi hài của Bác từ cuốn sách “Giữ yên giấc ngủ của Người” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành.  Đầu đề bài báo do ANTG đặt.

Tháng 5/1967, sau lễ mừng thọ nhân ngày sinh thứ 77 của Bác, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp bất thường để bàn việc bảo vệ sức khỏe của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời. Cuộc họp do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì. Hội nghị đã xác định: vấn đề quan trọng đặt ra lúc này phải đảm bảo hai yêu cầu:

1. Phải tuyệt đối giữ bí mật, nếu không nhân dân sẽ hoang mang lo lắng và Bác sẽ phê bình Bộ Chính trị, không cho phép triển khai thực hiện chủ trương này.

2. Phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài. Nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.

Hội nghị cũng nhất trí giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Quân ủy Trung ương vì quân đội sẵn có truyền thống nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Mặt khác, Bộ Chính trị cũng chỉ định đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Trung ương Đảng trực tiếp theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác.

Vốn là một người sống giản dị, Bác luôn luôn lo lắng đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước. Bác thường kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta thực hành tiết kiệm. Bởi vậy, quyết định trên của Bộ Chính trị là hoàn toàn trái với ý nguyện của Bác. Sau khi qua đời, Bác chỉ có một nguyện vọng: Hỏa táng thi hài Bác, lấy tro đựng vào ba chiếc bình, đặt trên 3 ngọn đồi thấp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để đồng bào cả nước có thể đến với Bác và để Bác mãi mãi được gần gũi với dân, với nước. Bác còn dặn thêm rằng, trên mỗi ngọn đồi phải được trồng thật nhiều cây có bóng mát và làm nhà để nhân dân có thể ngồi nghỉ mỗi khi lên viếng Bác.

Nhưng việc giữ gìn thi hài Bác cho đời đời con cháu mai sau được chiêm ngưỡng lại là nguyện vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân ta. Đó sẽ là phần thưởng vô giá mà Đảng ta dành cho các thế hệ tương lai của đất nước.

Để công việc được triển khai sớm, Bộ Chính trị quyết định cử đồng chí Lê Thanh Nghị thay mặt Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô hội đàm đề nghị bạn giúp đỡ, từ công tác đào tạo cán bộ đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Bác. Dĩ nhiên, chuyến đi này, đồng chí Lê Thanh Nghị cũng phải giấu không để Bác biết. Xuất phát từ lòng kính trọng và nhận rõ vị trí lớn lao của Bác đối với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế, Đảng và Chính phủ Liên Xô khẳng định ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại trong việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người.

Chuyến đi là một thành công lớn. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, trong lòng mỗi người biết tường tận về sức khỏe của Bác, bắt đầu xuất hiện một khoảng trống, một khoảng trống còn mơ hồ nhưng không gì có thể bù đắp: đó là sự thiếu vắng Bác trong tương lai mà mỗi người dân, mỗi người lính sẽ phải gánh chịu. Không ai muốn điều đó, nhưng lại không thể không nghĩ đến nó.

Đó là giai đoạn quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Bị thất bại nhục nhã sau hai mùa khô phản công chiến lược, Giôn-xơn điên cuồng tung thêm những đơn vị tinh nhuệ nhất vào chiến trường miền Nam và tăng cường đánh phá miền Bắc. Những phi đội AD.6, F.105, F.4 từ Cò-rạt, gây tang tóc cho các làng mạc, thành phố trên miền Bắc. Còi báo động của thủ đô chốc chốc lại rú lên cùng với giọng người phát thanh viên báo tin máy bay địch đang vào Hà Nội. Tiếp đấy hoặc là tiếng súng cao xạ nổ ran ở ngoại ô, hoặc là một khoảnh khắc im lặng, căng thẳng cho đến khi giọng người phát thanh viên trầm tĩnh vang lên báo tin máy bay địch đã đi xa…

Trong những ngày ấy, ngoài Bộ Chính trị và tổ y tế, không mấy ai biết được sức khỏe của Bác đang mỗi ngày một suy giảm. Ngay từ những năm 1966, sau chuyến đi thăm đồng bào tỉnh Thái Bình trở về, Bác đã bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đi lại đã phải chống gậy. Được sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, kết hợp với sự rèn luyện phi thường của Bác, sức khỏe Bác dần dần hồi phục nhưng đó cũng là dấu hiệu đầu tiên, báo hiệu sự thiếu ổn định trong cơ thể Người.

Tổ y tế đặc biệt chụp ảnh với các chuyên gia liên xô tại “Viện nghiên cứu lăng lênin”, năm 1967

Một buổi sáng, Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu Bệnh viện 108, Trưởng phòng Pháp y Cục Quân y; Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Việt-Xô được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng Trung ương giao nhiệm vụ sang Liên Xô học tập. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền được cử làm tổ trưởng.

Trong buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: Đây là một công việc tối mật, tất cả mọi việc chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Nếu biết, Bác sẽ buồn và sẽ không cho phép thực hiện kế hoạch. Đồng chí Lê Đức Thọ còn dặn thêm: ngay đối với vợ con cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này.

Ngày 2/9/1967, chiếc xe Skô-đa của Tổng cục Đường sắt, chở một tổ y tế lặng lẽ rời Hà Nội. Lúc ấy vào khoảng 6 giờ chiều, thành phố đã lên đèn, nhưng những dòng người đầu đội mũ rơm, vai mang súng vẫn qua lại náo nhiệt trên đường phố. Xen lẫn trong dòng người là những đoàn xe kéo pháo, xe chở hàng phủ bạt kín mít, đầy bụi đường, ùn tắc lại ở lối rẽ xuống cầu phao bắc ngang sông Hồng để lên phía bắc.

Xe chạy sang bờ bắc sông Hồng thì trời ập tối. Tuy vậy, dấu vết tàn phá của những cuộc ném bom trong ngày vẫn còn hiện rõ ở hai bên đường. Khắp nơi, những người dân, những người lính đang sôi động chuẩn bị cho trận đánh ngày hôm sau. Hầu hết những đoàn xe, đoàn tàu hối hả đổ về phía nam. Riêng chiếc Skô-đa chở tổ y tế thì cứ ngược mãi lên phía bắc, hồi đó được coi là hậu phương lớn của cả nước.

Đến ga Đồng Đăng, 3 người lên tàu liên vận sang Bắc Kinh đi Mátxcơva. Đón đoàn tại nhà ga thủ đô Mátxcơva có đồng chí La-du-nốp, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Đoàn được bố trí ăn, nghỉ tại khách sạn Tháng Mười.

Vừa mới đặt chân đến khách sạn, bạn đã mời đoàn làm việc ngay, và ngày hôm sau, đoàn được đưa tới Viện Nghiên cứu Lăng Lênin để trao đổi về chương trình và kế hoạch học tập. Tại cuộc họp mặt này, đồng chí Viện trưởng Đê-bốp cho biết, chương trình học tập của đoàn gồm hai phần: lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết chủ yếu là đọc tài liệu ở Viện. Phần thực hành do Giáo sư Xa-rô-va-tốp, người đã tham gia ướp giữ thi hài Đi-mi-tơ-rốp trực tiếp hướng dẫn.

Ngày thứ hai, đồng chí Viện phó Rô-ma-cốp dẫn đoàn vào Lăng viếng Lênin và tiếp sau đó là những ngày học tập căng thẳng. Bạn đã dành hẳn cho đoàn phòng làm việc của đồng chí Viện phó làm nơi nghiên cứu, đọc tài liệu, chủ yếu là các tài liệu về bảo quản thi thể từ cổ chí kim trên thế giới mà tiêu biểu là Ai Cập, Liên Xô và Mỹ.

Hết phần lý thuyết, đoàn được chuyển sang bộ phận dành riêng cho việc bảo quản thi thể do Giáo sư Xa-rô-va-tốp phụ trách. Đối tượng nghiên cứu thực hành là thi thể của người già trên 60 tuổi, vì thế việc tìm kiếm thi thể ở lứa tuổi này rất khó khăn. Nhiều ngày trời lạnh, mưa tuyết phủ trắng trên các đường phố, đồng chí Xa-rô-va-tốp vẫn tìm đến các bệnh viện cách xa thủ đô 200-300 cây số để tìm kiếm tử thi cho đoàn thực tập.

Biết rằng thời gian dành cho việc học tập không được nhiều, cả 3 người đã dồn hết tâm lực vào những đường dao, mũi chỉ tranh thủ học hỏi, cố gắng tiếp thu những kiến thức trong một lĩnh vực khoa học mới mẻ và phức tạp. Nhiều hôm, 3 người đã phải làm việc suốt ngày trong phòng kín, không khí hết sức ngột ngạt, khó thở, bởi mùi hóa chất xông lên nồng nặc.

Ban ngày làm việc, học tập, đêm về khách sạn, đoàn lại tập trung trao đổi, rút kinh nghiệm, đọc thêm tài liệu. Ngày nào cũng dành thời gian nghe đài, theo dõi tin tức Tổ quốc. Một ngày trôi qua yên tĩnh là một ngày nhẹ nhõm nhưng không khỏi thắc thỏm những lo âu cho ngày mới đến. Không ai bảo ai, nhưng cả 3 đều lo có chuyện không hay xảy ra với Bác trong khi họ đang còn ở Liên Xô. Cho đến ngày cuối cùng, lúc đã ngồi trên con tàu liên vận trở về Tổ quốc, 3 người mới thở phào, yên dạ khi buổi sáng và buổi chiều, Đài Phát thanh Hà Nội vẫn chỉ báo tin chiến thắng. Nghe giọng người phát thanh viên, cả 3 đều hiểu: Họ đã không về muộn và Bác của chúng ta vẫn mạnh khỏe.

Về hôm trước, hôm sau đoàn đến báo cáo tình hình kết quả học tập với đồng chí Nguyễn Lương Bằng, bấy giờ là Trưởng ban bảo vệ sức khỏe của Bác. Sau 7 tháng trời học tập, thực nghiệm trên đất bạn, tổ y tế đã có thể hoàn toàn đảm đương được công việc ướp giữ thi hài trong giai đoạn đầu từ 15 đến 20 ngày. Giai đoạn tiếp theo, bạn sẽ trực tiếp sang giúp đỡ. Vì thế, tổ y tế không nghiên cứu học tập quy trình bảo quản lâu dài. Tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong học tập và thực nghiệm. Tổ hứa với đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu, kết hợp giữa phương pháp hiện đại của bạn với phương pháp cổ truyền của dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Phó Chủ tịch nước, Trần Quốc Hoàn – Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với chuyên gia y tế liên xô sau khi bác qua đời.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình sức khỏe của Bác, tổ được chia làm hai bộ phận: Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn được vinh dự vào Phủ Chủ tịch cùng với bác sĩ Nhữ Thế Bảo theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Bác. Đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều được lệnh thành lập tổ y tế đặc biệt nằm trong Khoa Giải phẫu bệnh lý Bệnh viện 108 do Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo.

Buổi chiều ngày 19/8/1968, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn vào Phủ Chủ tịch gặp Bác. Lúc đó Bác đang đi bộ từ nhà sàn sang nhà ăn. Nghe đồng chí Vũ Kỳ thư ký riêng của Bác giới thiệu, tuy Bác không hài lòng nhưng Bác vẫn ôn tồn bảo: “Bác có một mình mà những hai bác sĩ. Trong khi đó nhân dân, bộ đội, trẻ em còn rất thiếu thầy thuốc”. Ngừng một lát, Bác nói tiếp: “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết thì Bác nhận, Bác cũng nói trước cho chú biết, người già trong lúc lâm bệnh thường khó tính, các chú phải hết sức thông cảm cho Bác”.

Từ hôm đó, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn và bác sĩ Nhữ Thế Bảo thường xuyên có mặt bên cạnh Bác. Cuối năm 1968, Bác vẫn duy trì rất đều đặn nếp sinh hoạt và rèn luyện hằng ngày. Sáng, 5h30 Bác dậy xuống nhà hầm đánh răng, rửa mặt. Sau đó đi bộ sang nhà ăn, ăn sáng. Rồi tiếp khách và trở về nhà sàn làm việc. 11h30, Bác lại sang nhà ăn, ăn trưa. Buổi chiều, Bác thường tập thể dục, ném bóng, đi bách bộ theo đường mòn sang tận chùa Hội Đồng. Bác hết sức chú ý tới những hàng cây mọc hai bên đường, luôn luôn đặt câu hỏi về cây này, cây kia… Nhiều hôm trời nóng, Bác vẫn không từ bỏ những cuộc đi bộ và thường thở dài bảo bác sĩ Mẫn: “Mình đi chơi không mà còn toát mồ hôi, huống hồ là công nhân hầm lò, các pháo thủ trực chiến… Cần phải lo nước giải khát cho họ”.

Luôn luôn quên mình, nghĩ đến dân, đến bộ đội là phẩm chất của Bác. Năm ấy, Bác đã 78 tuổi. Không ai nghĩ rằng, chưa đầy một năm sau, Bác đã vĩnh biệt chúng ta, vĩnh biệt khu vườn đầy hoa trái mà Người đã gieo trồng từ những năm đầu về Hà Nội.

(Còn nữa)
(Ảnh tư liệu trong bài do Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cung cấp)