Bí mật của nghề nhận lương 74,8 triệu/tháng ở Việt Nam
Mục lục bài viết
Phi công và tiếp viên hàng không – nghề mơ ước với phụ nữ dưới 30 và nam giới dưới 40 tuổi ở Việt Nam – có nhiều áp lực, tỷ lệ chọi lên tới 1/10, cần đầu tư tiền tỷ.
Phi công và tiếp viên hàng không – nghề mơ ước với phụ nữ dưới 30 và nam giới dưới 40 tuổi ở Việt Nam – có nhiều áp lực, tỷ lệ chọi lên tới 1/10, cần đầu tư tiền tỷ.
Phi công và tiếp viên hàng không – nghề đầu tư tiền tỷ?
Theo bảng lương 5 năm từ 2008 đến 2013 được Vietnam Airlines công bố gần đây nhất, mức lương năm 2013 của phi công bình quân đạt 74,8 triệu đồng/tháng. Mức này đã giảm 4,5 triệu đồng so với năm 2012, và 6,7 triệu đồng so với năm 2011. Trong khi đó, mức lương dành cho tiếp viên hàng không của hãng là khoảng 18,7 triệu đồng/tháng.
Đây được xem là một bảng lương đáng mơ ước của rất nhiều người Việt Nam ở độ tuổi dưới 30 (dành cho nữ) và 40 (dành cho nam). Đáng mơ ước hơn là qua những thông báo tuyển dụng, cánh cửa đến với nghề phi công và tiếp viên dường như khá dễ dàng. Ví như trong thông báo tuyển dụng của Vietjet Air thậm chí còn có câu slogan “Ai cũng có thể làm phi công”.
Với các tiếp viên hàng không, tiêu chuẩn để ghi danh cũng khá đơn giản, chỉ là chứng chỉ tiếng Anh, yêu cầu về tuổi đời, chiều cao và ngoại hình, với điều kiện trình độ văn hóa và chuyên môn dự thi không quá cao. Điều đó khiến phi công và tiếp viên hàng không trở thành những công việc lương cao không đòi hỏi bằng cấp rất “hot” trên thị trường, với số lượng tìm kiếm trên Google lên tới cả triệu kết quả.
Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những gì mà các ứng viên này phải trải qua. Ngay từ bước đăng ký tuyển dụng, tỷ lệ chọi có thể khiến cho nhiều người phải nản lòng. Thông thường, với những cuộc thi tuyển dụng phi công tại Việt Nam, tỷ lệ chọi thường dao động từ 1/6 đến 1/10, còn với tiếp viên thì chỉ khoảng 10\% người dự thi được chấp nhận.
Với những tiếp viên quốc tế (người Việt tham gia các khóa huấn luyện quốc tế và thi tuyển vào các hãng hàng không nước ngoài), tỷ lệ chọi thậm chí còn cao hơn, ví như nếu thi vào Korea Air hay EVA Air.
Hầu hết các nữ tiếp viên hàng không đều phải tự trang điểm cho mình, ngay từ khi họ bắt đầu thực hiện vòng phỏng vấn xin việc. Ở một số hãng hàng không, yêu cầu về tóc và móng tay hầu như được bỏ qua, nhưng tại một vài hãng khác, tiếp viên không được để tóc xõa, thậm chí phải vấn cao, và không sơn móng tay có màu.
Một lỗi nhỏ trong quá trình phỏng vấn, như nói ngọng, không phù hợp phong cách nghề nghiệp hay tâm lý yếu đều có thể là điểm kết thúc của ước mơ bay.
Sau khi kỳ phỏng vấn, tất cả các ứng viên đều phải trải qua những bài kiểm tra tâm lý và sức khỏe, nhất là với các phi công. Với tiếp viên hàng không, yêu cầu chỉ dừng lại ở vấn đề huyết áp, liên quan đến những chứng bệnh thường gặp khi thay đổi áp suất, nên nghề này vẫn phù hợp với nữ giới. Tuy nhiên, những đặc điểm về thể trạng lại khiến rất ít ứng viên nữ có thể đáp ứng được yêu cầu của nghề phi công.
Trong một bài viết chia sẻ trên trang Hotcourses của một sinh viên Việt đang học ngành Phi công thương mại học viện hàng không ESMA và Montpellier (Pháp), trong số 4 phần thi căng thẳng gồm IQ Toán, lý, Tiếng Anh và Sức khỏe, môn cuối cùng được đánh giá là “kinh dị nhất”.
Học viên được kiểm tra tiền đình bằng cách ngồi lên một chiếc ghế xoay trong vòng 2 phút, rồi đứng dậy không được chóng mặt mà phải nhắm mắt đi thẳng được. Các tật tưởng như vô hại về mắt như mù màu cũng không được chấp nhận trong ngành này. “Đây chính là vòng loại nhiều thí sinh nhất”, học viên này chia sẻ.
Với các khóa học về tâm lý, ngoài việc thực hành với những giáo viên khó tính, hầu hết các học viên phi công đều phải nhận thức được thực tế rằng tai nạn hàng không là có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và đây là ngành học rủi ro nhất, nếu so với các sinh viên Kinh tế chỉ phải ngồi cày bài trong giảng đường.
“Chưa hết, các giáo viên bay ở trường cũng không thiếu những thử thách cho sinh viên. Đang bay giữa chừng và bị thầy… tắt động cơ cùng thái độ mắng nhiếc (hòng gây áp lực tâm lý) nhưng vẫn phải lái máy bay trở về an toàn là một trong những bài tập khó mà học viên nào cũng phải thực hiện thường xuyên”, bài viết của Hotcourses nhận định.
Một trong những điều khó khăn nhất với những người lần đầu tiếp cận nghề phi công và tiếp viên hàng không, chi phí đào tạo được xem là rào cản lớn nhất với họ. Với các tiếp viên hàng không, chi phí cho 6 tháng học các khóa đào tạo kỹ năng và an toàn bay là khoảng 30 triệu đồng. Con số này sẽ tăng lên gấp đôi nếu theo học các khóa đào tạo tiếp viên quốc tế.
Đối với phi công, mức chi học phí thực sự là một con số khổng lồ, dao động từ 1,4 đến 2,4 tỷ đồng (bao gồm chi phí học trong và ngoài nước) trong khoảng 3 năm. Chi phí đào tạo và việc làm tùy thuộc vào hai hình thức tuyển sinh đầu vào.
Nếu học viên được các hãng hàng không tuyển và gửi đi đào tạo thì hãng hàng không đó sẽ đài thọ chi phí đào tạo và phân bổ công việc khi học viên hoàn thành khóa học. Ngược lại, học viên phải đóng tiền để học và tự tìm việc làm khi ra trường.
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-cua-nghe-nhan-luong-748-trieuthang-o-viet-nam-a62787.html