Bí mật kinh doanh – chuyện của chú Dảng – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG) – Bí mật kinh doanh là xương sống của sự thành công đối với doanh nghiệp nhưng chúng ta ngày nay đối xử với xương sống của chính bản thân mình theo kiểu nó mãi ở đó: không nhận thức và không có phương án bảo vệ và vì thế phải oằn mình trả giá.

Mấy ngày đầu tháng 6 nóng nực, nắng hun người nhễ nhại tới tận bảy giờ tối, tôi cùng người chị gái thân thiết thường hay chọn không ăn cơm mà ăn mì thạch. Chúng tôi thường kháo nhau rằng làm việc đầu óc mệt mỏi thì làm một bát mì thạch mát lạnh, dai giòn và nhẹ bụng là lựa chọn tuyệt vời nhất.

Gần nhà tôi có tiệm mì thạch của chú Dảng, cả khu phố Tàu này chỉ có mình chú bán. Mì thạch của chú có nhiều màu rất bắt mắt: xanh ngát từ rau cúc, cam ngọt ngào từ cà rốt, tím mộng mơ từ khoai lang, và hồng đáng yêu từ củ dền. Không chỉ có bộ mì đủ màu bắt mắt, mì của chú còn dai và ngon, không bột, không ngán như mì khoai tây hay mì gạo bình thường. Thêm một chén sốt lạc (đậu phụng) hòa với nước canh củ cải gia truyền theo công thức của bà cố chú, món mì thạch chú Dảng trở thành vua của các loại mì mùa hè.

Tôi chắc chắn không phải người duy nhất tán thưởng mì của chú vì tiệm mì của chú giờ nào cũng đông khách. Đặc biệt là gần giờ ăn tối, hàng chục lượt người chờ chỉ để nếm thử món mì thạch gia truyền.

Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần ra đứng chờ 50 phút để mua mì ăn, nhưng khác hẳn với mọi lần, tôi chờ chừng đâu 15 phút thì đã tới phiên. Lúc gọi mì, tôi thấy chú Dảng cứ thở dài thườn thượt và trông chú buồn lắm, nên thay vì mua về nhà ăn như mọi hôm, tôi nán lại hỏi chuyện.

Chú tâm sự là có hai ba chỗ bán mì thạch trên xe đẩy, mới xuất hiện ở đầu cổng khu chợ người Hoa và có nhiều khách quen qua đó ăn vì giá thành bên đó rẻ hơn mà phần ăn thì lớn hơn. Chú thở dài “Tau không phải là số 1 nữa rồi”. Tôi cười trừ nói: “Chú lo chi, đâu có chỗ nào bán mì thạch được dai giòn nhẹ như chú, mọi người qua đó ăn thử rồi lại về đây ăn thôi”.

Chú ngồi rít điếu thuốc, chậm chậm nói “không đâu, mì chỗ đó ăn giống hệt chỗ tau ah”. Tôi đang tính dùng hết khả năng ăn nói ra động viên chú, thì chú chêm vào “mì mấy chỗ đó cùng công thức với mì tau, vì hôm nọ say, tau lỡ nói cho mấy ông chơi mạt chược biết, giờ cả phố này biết cách tao làm mì”. Lần này tới lượt tôi thở dài bởi tôi biết chú vừa đánh mất bí mật kinh doanh, thứ mà trong ngành Luật Sở hữu trí tuệ, được cho là “mất rồi là mất hẳn”.

Bí mật kinh doanh – mất rồi là mất hẳn

Chú Dảng cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa SME) khác, không hề biết tới bí mật kinh doanh hay còn gọi là Trade Secret. Bí mật kinh doanh không phổ biến như nhiều tài sản trí tuệ khác như sáng chế, nhãn hiệu, hay bản quyền, nhưng hầu như doanh nghiệp nào, nếu không muốn nói là tất cả, cũng có bí mật kinh doanh riêng. Tôi phiền muộn nói với chú Dảng rằng chú vừa làm mất bí mật kinh doanh nên chú mới mất khách, mất lợi nhuận. Chú ngạc nhiên, quay sang hỏi tôi: “Bí mật kinh doanh là cái chi mi nói tau nghe”.

Câu hỏi này hẳn là câu hỏi phổ biến nhưng nhiều doanh nghiệp lại chẳng biết câu trả lời.

Bí mật kinh doanh hay bí mật thương mại là những thông tin độc quyền làm tăng giá trị thương mại và cung cấp lợi thế cạnh tranh cho một doanh nghiệp. Chúng ta hay nghe đến những bí mật kinh doanh nổi tiếng như Công thức Coca-cola, nước súc miệng Listerine, hay thuật toán của Google, nhưng đời thường hơn một chút là danh sách khách hàng, cách phân chia lợi nhuận, chiến lược marketing, lộ trình ra sản phẩm mới, danh sách nhà cung cấp hay là công thức món ăn, giống như công thức món mì thạch của chú Dảng.

Đây hoàn toàn là những thông tin mà các doanh nghiệp không hề muốn và không nên tiết lộ ra ngoài, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp, nhất là các SME, biết cách bảo mật thông tin của mình. Một doanh nghiệp có thể không có bằng sáng chế độc quyền hoặc không đăng ký nhãn hiệu thương mại, nhưng sẽ có bí mật thương mại. Có chăng là chính doanh nghiệp đó chưa ý thức được tài sản vô hình mà họ đang có trong tay.

Mặc dù những thiệt hại gây ra do chiếm đoạt bí mật thương mại đã được công nhận bởi một số tòa án của Mỹ và Anh vào thời gian đầu của thế kỷ 19 thông qua hình thức án lệ, đây là một ngành luật khá non trẻ, nếu so với sáng chế, bản quyền và nhãn hiệu. Sáng chế được điều chỉnh bởi Quy chế Venice thông qua năm 1474 của Cộng hòa Venice, luật bản quyền do Đạo luật Anne thông qua năm 1710 tại Anh, Đạo luật nhãn hiệu hàng hóa và sản xuất do Pháp ban hành năm 1857. Trong khi đó, mãi tận đến năm 2016, luật bí mật kinh doanh chỉ được pháp điển hóa ở cấp độ Liên minh châu Âu và Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật bảo vệ bí mật thương mại cho phép chủ sở hữu bí mật thương mại khởi kiện ra tòa án liên bang. Trước đó, việc chiếm đoạt bí mật thương mại được giải quyết ở cấp tiểu bang. Tháng 4-2019, Trung Quốc đã thông qua bản sửa đổi đối với Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh đối với các quy định liên quan đến bí mật thương mại.

Không phải ngẫu nhiên mà cả ba nền tài phán lớn đều tiến hành những bước lập pháp liên quan đến bí mật kinh doanh trong gần như cùng một thời điểm (Trung Quốc tiến hành dự thảo luật sửa đổi năm 2017). So với bộ ba quyền sở hữu trí tuệ cổ điển, bí mật kinh doanh ít được chú ý hơn trong quá khứ, nhưng ngày nay đây được xem là một cách hiệu quả để bảo vệ một số tài sản trí tuệ nhất định.

Doanh nghiệp dù rất nhỏ vẫn có bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh ở Việt Nam là khái niệm rất mới. Thị trường Việt Nam có một số lượng khổng lồ các cá nhân hoặc một nhóm các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ trong mọi lĩnh vực, có thể nói số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là vượt trội. Các doanh nghiệp này đều có những bí quyết riêng để thu hút khách hàng, công thức riêng cho các sản phẩm mang tính “cây nhà lá vườn”, thông tin riêng để tìm nguồn hàng giá rẻ, cách thức riêng để quảng bá doanh nghiệp, cá nhân hay sản phẩm… Những điều rất riêng này chính là bí mật kinh doanh.

Bạn khó có thể hình dung việc bước vào một tiệm bánh cá nhân nổi tiếng ở quận 1, TPHCM và nói với thợ làm bánh hay chính là bà chủ của tiệm bánh rằng bạn muốn xin công thức bánh bông lan trứng muối đặc biệt bán chạy nhất của tiệm vì bạn đang có ý định mở một tiệm tại quê bạn và bạn cực kỳ yêu thích vị bông lan trứng muối ở đây. Họ sẽ không bao giờ chia sẻ công thức với bạn dù việc bạn mở tiệm ở quê xa không ảnh hưởng tới lợi nhuận bán hàng của họ một cách trực tiếp. Họ không chia sẻ là bởi vì, dù không qua trường lớp đào tạo, nhưng những người thợ làm bánh biết công thức riêng tạo ra mùi vị khó quên, và mùi vị này là thứ mang khách hàng trở lại với họ.

Công thức này chính là bí mật kinh doanh của họ.

Tuy nhiên bí mật kinh doanh trong ngành thực phẩm thường rõ ràng và ở dạng tối giản hơn các ngành khác, ví dụ như ngành dịch vụ khách hàng, hỗ trợ thông tin, báo chí – xuất bản, viễn thông, các nghiên cứu khoa học… Vì thế việc định hình và nhận biết bí mật kinh doanh không hẳn là điều dễ dàng, kể cả đối vời người xây dựng nên doanh nghiệp hay công ty sở hữu bí mật đó.

Bí mật kinh doanh là xương sống của sự thành công đối với doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thị trường phát triển biến động liên tục và cạnh tranh khốc liêt như ở Việt Nam. Nhưng cũng như cách chúng ta ngày nay đối xử với xương sống của chính bản thân mình, doanh nghiệp không nhận thức và không có phương án bảo vệ bí mật kinh doanh, và vì thế oằn mình gánh hậu quả về sau.

————–

(*) Giảng dạy môn luật sở hữu trí tuệ tại khoa luật, Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

(**) Văn phòng luật chuyên về sở hữu trí tuệ Gottlieb, Rackman & Reisman, P.C, trụ sở tại Manhattan, New York, Mỹ.

Mời đọc bài “Tại sao doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến bí mật kinh doanh?” trong số báo kế tiếp, phát hành ngày 30-6.