Bí mật người bóng đêm trong ‘nhà ma’ 300 Kim Mã
Xâu chuỗi những dữ kiện thu thập được trong quãng thời gian lưu lại ngôi nhà 300 Kim Mã, cùng ý kiến của các đơn vị liên quan đã dẫn dụ chúng tôi đến những kết luận thực sự ám ảnh…
“Chiếc bóng sợ hãi”
Việc lưu lại không chỉ một mà nhiều đêm liên tiếp trong căn nhà hoang lạnh ở địa chỉ số 300 Kim Mã, đã khiến chúng tôi thoát dần cảm giác rùng mình về một thế giới thâm u của những hồn ma bóng quế…
Khoảng sân phía sau khu nhà khá sạch sẽ.
Thế nhưng, những gì được phát hiện trong khoảnh khắc tình cờ, lại nhen nhóm lên trong mỗi chúng tôi một nỗi sợ hãi khác, tê tái và khủng khiếp hơn, về “cái gì đó” đang hiện hữu bên trong khuôn viên rộng tới 3.200 m2.
Bắt đầu từ việc chiếc máy ảnh đặc chủng của Thọ, dù chẳng thu được hình ảnh vong hồn nào, nhưng lại tình cờ lưu được một khoảnh khắc khá rùng rợn, giống như có ai đó quan sát chúng tôi từ ô cửa sổ giáp ban công.
Nó hoàn toàn không vô hình mà in bóng rõ nét trên bức tường rêu mốc và mang dáng dấp của một con người. Tuy nhiên, đó cũng là lần duy nhất chúng tôi có được cảm nhận rõ ràng ấy.
Bức ảnh cho thấy có bóng người đứng phía sau ô cửa sổ đã thúc đẩy chúng tôi đi tìm sự thật.
Trong phần lớn thời gian về sau, có thể là do ám thị từ bức ảnh vừa chụp, đã luôn khiến chúng tôi đeo đẳng cái cảm giác bị theo dõi từ một cặp mắt chòng chọc nhìn ra từ một khe cửa hẹp của gian phòng tối.
Mặc dù công cuộc lục tung ngôi nhà hoang ngay trong đêm tối đã không giúp chúng tôi mục sở thị chủ nhân của “chiếc bóng sợ hãi”, nhưng cũng phần nào giúp giải tỏa được những khúc mắc vừa nhen nhóm.
Đó là những mẩu thuốc còn rất mới, vương vãi trong góc một gian phòng không khóa cửa ở gần cuối dãy nhà chính.
Hoặc chiếc thùng rác cỡ lớn cùng nhiều vật dụng sinh hoạt được tìm thấy ở dãy nhà thứ 2.
Ở một căn phòng khác, dù bụi đã phủ mờ cả mặt sàn gạch, nhưng chúng tôi cũng đã nhìn thấy dấu chân người hơi xô vào nhau.
Ai đó cũng vào trước thắp vài nén nhang và cắm vội vã vào cạnh một chiếc bàn cũng phủ bụi thời gian.
Cuối cùng, là một chi tiết rõ ràng hơn, đó chính là vườn rau xanh tốt, thể hiện chúng vẫn thường được tưới tắm và chăm sóc.
Có thể bằng chính dụng cụ là những xô chậu được chứa trong nhà để rác mà chúng tôi vừa nhìn thấy.
Những luống mồng tơi tươi tốt.
Có rất nhiều loại rau trong vườn.
Tất cả những dữ kiện thu thập được đã củng cố cho giả thiết bước đầu của chúng tôi về việc có ít nhất một người (hoặc một nhóm người) thường xuyên ra vào, thậm chí là sống ở bên trong căn nhà này.
Có thể, vì một mục đích nào đó, họ đã giữ im lặng và để mặc cho căn nhà khoác lên dáng vẻ liêu trai, kì bí suốt nhiều năm nay…
Hành trình đi tìm lời giải
Nhằm đi đến tận cùng những bí ẩn vẫn bao trùm căn nhà suốt mấy mươi năm qua, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khác, là tìm gặp các nhân vật được cho là có thể đưa ra lời giải thích thực sự khách quan.
Trong quá trình tìm kiếm, một thông tin khiến chúng tôi khá bất ngờ là căn nhà này vẫn có… bảo vệ. Tuy nhiên, do năm thì mười họa mới đến một lần nên chẳng mấy ai tỏ tường về sự tồn tại ẩn dật này, ngay cả với những người dân đã sống quanh khu vực lâu năm.
Một người đàn ông ngoại tứ tuần, tự nhận là bảo vệ, đã đồng ý có một cuộc trao đổi ngắn sau khi chúng tôi đã mất rất nhiều công sức “mai phục”, tìm kiếm và thuyết phục với điều kiện được ẩn danh.
Người đàn ông tự nhận là bảo vệ căn nhà số 300 Kim Mã nói chuyện với PV.
Người này cho biết, tổ bảo vệ ngôi nhà gồm 3 người, ban đầu được trả lương hậu hĩnh nhưng ngày một giảm dần. Về lý thuyết, những người nhận nhiệm vụ sẽ chia ca để canh gác.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệm vụ chính của họ bây giờ chỉ còn là… bật, tắt các bóng đèn, kèm mức thu nhập ít ỏi khoảng 1 triệu đồng/ người/ tháng.
“Chúng tôi không ở lại ngôi nhà này mà chỉ thi thoảng đến kiểm tra vào lúc chiều tối rồi lại về. Chúng tôi cũng không tin có ma, dù căn nhà phủ kín bởi các lời đồn đại. Nếu tin thì chúng tôi đã không làm”, người đàn ông quả quyết nói.
Chiếc đèn được bật vào cả ban ngày, chứng tỏ công việc bảo vệ, dù chỉ còn là tắt bật đèn cũng đã bị lơ là.
Tuy nhiên, người bảo vệ cũng thừa nhận có cảm giác khó tả nếu lưu lại lâu trong căn nhà và đặc biệt nếu ngủ lại, nhưng cũng không thể giải thích vì sao.
Còn về phía chính quyền sở tại, Chủ tịch UBND phường Kim Mã – ông Tạ Thành Dương cũng đã đồng ý trả lời câu hỏi của chúng tôi sau nhiều lần khước từ.
Theo lời ông Dương, mặc dù nằm trên địa bàn, nhưng cũng như nhiều khu vực đại sứ khác, căn nhà số 300 Kim Mã thuộc địa phận riêng, chính vì vậy, chính quyền sở tại như cấp phường, cấp quận không có thẩm quyền quản lý.
“Căn nhà vẫn thuộc quyền sở hữu và quản lý của Đại sứ quán Bulgaria, theo Hiệp định được ký kết giữa hai nước từ nhiều năm trước”, ông Dương nói.
Khi nhắc đến lý do khiến ngôi nhà bị bỏ hoang, lãng quên giữa đô thị sầm uất, vị Chủ tịch UBND phường Kim Mã gợi ý PV sang Cục Lễ tân – Bộ Ngoại giao để có những thông tin chính thống, tin cậy.
Căn nhà số 300 Kim Mã là địa phận riêng, thuộc quản lý và sở hữu của Đại sứ quán Bulgaria.
Tuy nhiên, một nhân viên Bộ Ngoại giao, khi được hỏi đã cho biết, do một số nguyên nhân liên quan đến thủ tục nên Đại sứ quán Bulgaria chưa sử dụng ngôi nhà 300 Kim Mã. Chính vì thế, đơn vị này chưa có quyền quản lý hành chính.
Thông tin này sau đó cũng được chúng tôi xác minh là có cơ sở, qua một nguồn tin thân cận từ Đại sứ quán Bulgaria, tại địa chỉ mới ở số 5 Núi Trúc – Hà Nội.
Đại sứ quán của Bulgaria hiện tại nằm ở số 5 Núi Trúc, Hà Nội.
Nguồn tin cũng cho biết thêm, ngôi nhà bí ẩn được chính các công nhân Việt Nam xây dựng. Tuy nhiên, vì lý do nội bộ không công bố, từ đó đến nay vẫn chưa từng được đưa vào sử dụng. Hệ thống điện nước thậm chí cũng chưa hoàn thiện.
Do đó, các thông tin về việc đã có doanh nghiệp do tiếc vị trí đẹp đến thuê mướn rồi nghe thấy các tiếng động lạ, bàn ghế bị dựng ngược… đến mức phải bỏ đi, chỉ là những tin đồn hoàn toàn không có cơ sở.
(Theo Đại Lộ)
(Theo Đại Lộ)