Bị xử lý kỷ luật thế nào khi tiết lộ bí mật kinh doanh?
–
Chủ nhật, 04/06/2017 13:00 (GMT+7)
Trong tuần qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến việc xử lý kỷ luật lao động, đóng BHXH khi nghỉ thai sản, đóng BHXH bắt buộc… Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.
NLĐ có thể bị sa thải nếu tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật sản xuất. Ảnh: Nam Dương
Không được làm việc cho Cty đối thủ sau khi nghỉ việc có đúng?
Bạn đọc số 01203662XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Nhân viên gửi tài liệu của Cty vào email cá nhân. Cty cho đó là tiết lộ bí mật doanh nghiệp và muốn xử lý kỷ luật nhân viên. Mức lỷ luật như thế nào? Cty yêu cầu nhân viên cam kết sau khi bị cho nghỉ không được làm việc cho Cty đối thủ 2 năm có đúng?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2, điều 23 BLLĐ 2012 quy định khi NLĐ làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì NSDLĐ có quyền thỏa thuận bằng văn bản với NLĐ về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp NLĐ vi phạm.
Theo quy định tại điều 126 BLLĐ 2012 thì hình thức xử lý kỷ luật sa thải được NSDLĐ áp dụng trong những trường hợp sau đây: 1. NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ;
Như vậy, nếu trường hợp Cty có thỏa thuận với bạn về việc không được tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, mà bạn vi phạm thì có thể bị xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là sa thải. Tuy nhiên, để xử lý kỷ luật NLĐ, thì hành vi vi phạm đó phải được quy định trong nội quy lao động của doanh nghiệp và việc xử lý kỷ luật phải tuân theo đúng quy định tại điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, trong đó phải có mặt của tổ chức CĐ; NLĐ được tự mình hoặc nhờ người khác bào chữa.
Vấn đề thứ hai, hiện pháp luật về lao động không có quy định nào về việc buộc NLĐ sau khi rời khỏi doanh nghiệp thì không được làm cho doanh nghiệp đối thủ. Việc thỏa thuận giữa hai bên nếu có là thỏa thuận dân sự, mỗi bên có quyền đưa ra yêu cầu của mình trong quá trình thỏa thuận. Do đó, Cty không có quyền yêu cầu bạn không được làm việc cho doanh nghiệp đối thủ trong vòng 2 năm kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
Đi làm sớm sau sinh con phải đóng BHXH
Bạn đọc số 09840484XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi nghỉ thai sản được 4 tháng thì đi làm lại. Cty nói sẽ không đóng BHXH cho tôi cho đến hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng có đúng?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm c, khoản 2, điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng BHXH, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH nhưng NLĐ và NSDLĐ phải đóng BHXH, BHYT. Do đó, Cty của bạn và bạn phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc kể từ thời điểm bạn đi làm trở lại sau khi nghỉ chế độ thai sản.
Vợ nghỉ việc chăm chồng bệnh có được hưởng BHXH?
Bạn đọc số 0964390XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi đi làm có đóng BHXH đầy đủ. Chồng tôi bị tai nạn lao động, tôi phải nghỉ việc để đi chăm. Tôi có được hưởng chế độ BHXH gì không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật về BHXH hiện nay chỉ quy định về việc cha mẹ có tham gia BHXH thì được nghỉ hưởng chế độ BHXH khi con dưới 7 tuổi ốm đau, chứ chưa có quy định vợ nghỉ việc chăm chồng bị ốm đau được hưởng chế độ BHXH. Do đó, bạn không được hưởng chế độ BHXH nào khi nghỉ việc chăm chồng ốm.
Hết tuổi lao động có được nhận TCTN?
Bạn đọc số 0634520XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi làm việc cho Cty được 10 năm và hiện đã qua tuổi hết tuổi lao động. Tôi có được hưởng TCTN không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật hiện hành chỉ quy định trường hợp không được nhận TCTN khi nghỉ việc trái pháp luật hoặc không đăng ký thất nghiệp đúng hạn mà không giới hạn về đội tuổi của người được nhận TCTN. Do đó, nếu bạn nghỉ việc đúng luật và đăng ký thất nghiệp đúng quy định thì sẽ được nhận TCTN.
Cty hỗ trợ 40% tiền lương đóng BHXH có đúng?
Bạn đọc số 01676361XXX từ Cẩm Phả, Quảng Ninh gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Cty nói đã trả tiền đóng BHXH vào lương. Ai muốn đóng BHXH thì Cty chỉ hỗ trợ 40%, còn NLĐ phải bỏ 60% để đóng BHXH, có đúng?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm a, khoản 1, điều 2 Luật BHXH 2014 quy định: NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
Theo quy định hiện hành, hàng tháng NSDLĐ phải đóng tổng cộng 22% tiền lương hàng tháng của NLĐ vào các quỹ BHXH, BHYT, BHTN lần lượt là 18%; 3% và 1%. Còn NLĐ phải đóng tổng cộng là 10,5% vào các quỹ trên, lần lượt là 8%, 1,5% và 1%. Do đó, việc Cty nói là đã trả tiền đóng BHXH vào lương và buộc NLĐ muốn tham gia BHXH phải bỏ 60% ra đóng là trái quy định. Bạn có thể làm đơn trình báo vụ việc với Phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ TP Cẩm Phả để được hỗ trợ giải quyết.
Không gia đình, vợ, con có được hưởng bảo trợ xã hội?
Bạn đọc số 0984779XXX, gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559, hỏi: Tôi đã hơn 60 tuổi, hiện không có việc làm, không có thu nhập, cũng không còn vợ, con, phải đi ở nhờ. Tôi có thuộc đối tượng hưởng bảo trợ xã hội không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Do bạn đã trên 60 tuổi, nên là người cao tuổi theo quy định tại khoản 2 Luật Người Cao tuổi. Khoản 1, Điều 17 Luật Người Cao tuổi quy định về đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội: Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng. Do đó, bạn nên làm đơn gửi UBND cấp xã nơi đang cưu trú trình bày về trường hợp của mình để có hướng dẫn cụ thể.