Biển báo cấm: Tổng hợp 66 loại biển cấm mới nhất
Biển báo cấm là một trong trong 05 nhóm biển báo hiệu giao thông đường bộ, chỉ dẫn cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn. Sau đây là tổng hợp các loại biển báo cấm hiện nay cùng một số lưu ý khi gặp biển báo cấm.
4.3. Biển báo cấm có biển phụ đi như thế nào?
4. Giải đáp một số thắc mắc về biển báo cấm
2. Ký hiệu và ý nghĩa của 66 biển báo cấm mới nhất
1. Biển báo cấm là gì? Biển báo cấm có đặc điểm gì?
Mục lục bài viết
1. Biển báo cấm là gì? Biển báo cấm có đặc điểm gì?
Theo Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo cấm là nhóm biển báo giao thông biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được phép vi phạm.
Đặc điểm của biển báo cấm tương đối dễ nhận diện: Hầu hết các biển báo cấm đều có dạng hình tròn, đường viền bên ngoài màu đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm người tham gia giao thông thực hiện, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Việc sử dụng màu đỏ nên trắng để tạo sự nổi bật nhằm cảnh báo và ngăn chặn người tham gia giao thông thực hiện một số hành vi bị cấm khi tham gia giao thông.
Biển báo cấm được đặt ở vị trí nơi đường giao nhau hoặc trước một vị trí trên đường cần cấm. Trường hợp vì lý do nào đó phải đặt biển cấm cách xa vị trí định cấm thì phải đặt biển phụ số S.502 để chỉ rõ khoảng cách từ sau biển cấm đến vị trí biển bắt đầu có hiệu lực.
Trừ trường hợp có quy định riêng hoặc có biển phụ kèm theo, còn lại biển cấm phải được nhắc lại đặt phía sau nút giao theo hướng đường đang có biển cấm nếu đoạn đường phải thi hành biển cấm đi qua các nút giao.
Quy định này không áp dụng với nút giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị; hoặc khu đất lân cận mà phương tiện chỉ có thể ra, vào khu đất bằng một lối đi chung.
2. Ký hiệu và ý nghĩa của 66 biển báo cấm mới nhất
Hiện nay, theo QCVN 41:2019/BGTVT, có 66 biển báo cấm. Biển báo cấm có có mã P (cấm) và DP (hết cấm) với tên các biển như sau:
Biển báo
Ý nghĩa
Biển số P.101 “Đường cấm”
Dùng để báo đường cấm các loại phương tiện đi lại cả hai hướng, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.102 “Cấm đi ngược chiều”
Dùng để báo đường cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định; người đi bộ được phép đi trên vỉa hè hoặc lề đường.
Biển số P.103a “Cấm xe ô tô”
Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kể cả xe máy 3 bánh có thùng đi qua, trừ xe máy 2 bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.103b “Cấm xe ô tô rẽ phải”
Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kể cả xe máy 3 bánh có thùng rẽ phải, trừ xe máy 2 bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.103c “Cấm xe ô tô rẽ trái”
Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kể cả xe máy 3 bánh có thùng rẽ trái, trừ xe máy 2 bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.104 “Cấm xe máy”
Dùng để báo đường cấm các loại xe máy, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển không có giá trị cấm những người dắt xe máy.
Biển số P.105 “Cấm xe ô tô và xe máy”
Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới và xe máy đi qua trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.106a “Cấm xe ô tô tải”
Dùng để báo đường cấm các loại xe ô tô tải trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển có hiệu lực cấm đối với cả máy kéo và các xe máy chuyên dùng đi vào đoạn đường đặt biển.
Biển số P.106b “Cấm xe ô tô tải”
Dùng để báo đường cấm các loại xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) lớn hơn một giá trị nhất định.
Biển số P.106c “Cấm các xe chở hàng nguy hiểm”
Dùng để báo đường cấm các xe chở hàng nguy hiểm.
Biển số P.107 “Cấm xe ôtô khách và xe ô tô tải”
Dùng để báo đường cấm xe ô tô chở khách và các loại xe ô tô tải kể cả các loại máy kéo và xe máy chuyên dùng đi qua trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.107a “Cấm xe ô tô khách”
Dùng để báo đường cấm ô tô chở khách đi qua trừ các xe ưu tiên theo quy định.
Biển số P.107b “Cấm xe ô tô taxi”
Dùng để báo đường cấm xe ô tô taxi đi lại.
Biển số P.108 “Cấm xe kéo rơ-moóc”
Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kéo theo rơ-moóc kể cả xe máy, máy kéo, ô tô khách kéo theo rơ-moóc đi lại, trừ loại ô tô sơ-mi-rơ-moóc và các xe được ưu tiên (có kéo theo rơ-moóc) theo quy định.
Biển số P.108a “Cấm xe sơ-mi rơ-moóc”
Dùng để báo đường cấm các loại xe sơ-mi rơ-moóc và các xe kéo rơ- moóc trừ các xe được ưu tiên (có dạng xe sơ-mi rơ-moóc hoặc có kéo theo rơ-moóc) theo quy định.
Biển số P.109 “Cấm máy kéo”
Dùng để báo đường cấm các loại máy kéo, kể cả máy kéo bánh hơi và bánh xích đi qua.
Biển số P.110a “Cấm xe đạp”
Dùng để báo đường cấm xe đạp đi qua.
Biển không có giá trị cấm những người dắt xe đạp.
Biển số P.110b “Cấm xe đạp thồ”
Dùng để báo đường cấm xe đạp thồ đi qua.
Biển này không cấm người dắt loại xe này.
Biển số P.111a “Cấm xe gắn máy”
Dùng để báo đường cấm xe gắn máy đi qua.
Biển không có giá trị đối với xe đạp.
Biển số P.111b “Cấm xe ba bánh loại có động cơ”
Dùng để báo đường cấm xe ba bánh loại có động cơ như xe lam, xe xích lô máy, xe lôi máy,….
Biển số P.111c “Cấm xe ba bánh loại có động cơ”
Biển số P.111d “Cấm xe ba bánh loại không có động cơ”
Dùng để báo đường cấm xe ba bánh loại không có động cơ như xe xích lô, xe lôi đạp,…
Biển số P.112 “Cấm người đi bộ”
Dùng để báo đường cấm người đi bộ qua lại.
Biển số P.113 “Cấm xe người kéo, đẩy”
Dùng để báo đường cấm xe thô sơ, chuyển động do người kéo, đẩy đi qua.
Biển không có giá trị cấm những xe nôi của trẻ em và phương tiện chuyên dùng để đi lại của những người tàn tật.
Biển số P.114 “Cấm xe súc vật kéo”
Dùng để báo đường cấm súc vật vận tải hàng hóa hoặc hành khách dù kéo xe hay chở trên lưng đi qua.
Biển số P.115 “Hạn chế trọng tải toàn bộ xe”
Dùng để báo đường cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng tải toàn bộ xe (trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.
Biển số P.116 “Hạn chế tải trọng trên trục xe”
Dùng để báo đường cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có trọng tải toàn bộ xe (cả xe và hàng) phân bổ trên một trục bất kỳ của xe (tải trọng trục xe) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.
Biển số P.117 “Hạn chế chiều cao”
Dùng để báo hạn chế chiều cao của xe.
Biển có hiệu lực cấm các xe (cơ giới và thô sơ) có chiều cao vượt quá trị số ghi trên biển đi qua, kể cả các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.118 “Hạn chế chiều ngang xe”
Dùng để báo hạn chế chiều ngang của xe.
Biển có hiệu lực cấm các xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định có chiều ngang (kể cả xe và hàng hóa) vượt quá trị số ghi trên biển đi qua.
Biển số P.119 “Hạn chế chiều dài xe”
Dùng để báo đường cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên theo quy định, có độ dài toàn bộ kể cả xe và hàng lớn hơn trị số ghi trên biển đi qua.
Biển số P.120 “Hạn chế chiều dài xe cơ giới kéo theo rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc”
Dùng để báo đường cấm các loại xe cơ giới kéo theo moóc kể cả ô tô sơ-mi-rơ-moóc và các loại xe được ưu tiên kéo moóc theo luật nhà nước quy định, có độ dài toàn bộ kể cả xe, moóc và hàng lớn hơn trị số ghi trên biển đi qua.
Biển số P.121 “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”
Dùng để báo xe ô tô phải đi cách nhau một khoảng tối thiểu
Biển số P.123a “Cấm rẽ trái”
Dùng để báo cấm rẽ trái (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau; biển không cấm quay đầu xe.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ sang phía trái trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.123b “Cấm rẽ phải”
Để báo cấm rẽ phải (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau; biển không cấm quay đầu xe.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ sang phía phải trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.124a “Cấm quay đầu xe”
Dùng để báo cấm các loại xe quay đầu (theo kiểu chữ); chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm quay đầu xe; biển không cấm rẽ trái.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.124b “Cấm quay đầu xe”
Dùng để báo cấm xe ô tô quay đầu (theo kiểu chữ U); chiều mũi tên phù hợp với chiều cấm xe ô tô quay đầu; b
iển không cấm rẽ trái.
Biển có hiệu lực cấm xe ô tô và xe máy 3 bánh (side car) trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.124c “Cấm rẽ trái và quay đầu xe”
Dùng để báo cấm các loại xe rẽ trái đồng thời cấm quay đầu.
Biển số P.124d “Cấm rẽ phải và quay đầu xe”
Dùng để báo cấm các loại xe rẽ phải đồng thời cấm quay đầu.
Biển số P.124e “Cấm ô tô rẽ trái và quay đầu xe”
Dùng để báo cấm xe ô tô rẽ trái và đồng thời cấm quay đầu.
Biển số P.124f “Cấm ô tô rẽ phải và quay đầu xe”
Dùng để báo cấm xe ô tô rẽ phải và đồng thời cấm quay đầu.
Biển số P.125 “Cấm vượt”
Dùng để báo cấm các loại xe cơ giới vượt nhau.
Biển có hiệu lực cấm tất cả các loại xe cơ giới vượt nhau (kể cả xe được ưu tiên theo quy định) nhưng được phép vượt xe máy 2 bánh, xe gắn máy.
Biển số P.126 “Cấm xe ô tô tải vượt”
Dùng để báo cấm các loại ô tô tải vượt xe cơ giới khác; biển không cấm các loại xe cơ giới khác vượt nhau và vượt ô tô tải.
Biển có hiệu lực cấm các loại ôtô tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn 3.500 kg kể cả các xe được ưu tiên theo quy định vượt xe cơ giới khác. Được phép vượt xe máy 2 bánh, xe gắn máy.
Biển số P.127 “Tốc độ tối đa cho phép”
Dùng để báo tốc độ tối đa cho phép các xe cơ giới chạy.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới chạy với tốc độ tối đa vượt quá trị số ghi trên biển trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.127a “Tốc độ tối đa cho phép về ban đêm”
Dùng để quy định tốc độ tối đa về ban đêm cho các phương tiện.
Biển số P.127b “Biển ghép tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường”
Dùng để quy định tốc độ tối đa cho phép trên từng làn đường.
Biển số P.127c “Biển ghép tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện, trên từng làn đường”
Dùng để quy định tốc độ tối đa cho phép theo phương tiện trên từng làn đường.
Biển số DP.127 “Biển hết tốc độ tối đa cho phép theo biển ghép”
Dùng để báo hết đoạn đường tốc độ tối đa cho phép.
Biển số P.128 “Cấm sử dụng còi”
Dùng để báo cấm các loại xe sử dụng còi.
Biển số P.129 “Kiểm tra”
Dùng để báo nơi đặt trạm kiểm tra; các loại phương tiện vận tải qua đó phải dừng lại để làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát theo quy định.
Biển số P.130 “Cấm dừng xe và đỗ xe”
Dùng để báo nơi cấm dừng xe và đỗ xe.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới dừng và đỗ ở phía đường có đặt biển trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển số P.131a “Cấm đỗ xe”
Dùng để báo nơi cấm đỗ xe trừ các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển.
Biển số P.131b “Cấm đỗ xe”
Dùng để báo nơi cấm đỗ xe trừ các xe được ưu tiên theo quy định
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển vào những ngày lẻ.
Biển số P.131c “Cấm đỗ xe”
Dùng để báo nơi cấm đỗ xe trừ các xe được ưu tiên theo quy định
Biển có hiệu lực cấm các loại xe cơ giới đỗ ở phía đường có đặt biển vào những ngày chẵn.
Biển số P.132 “Nhường đường cho xe cơ giới đi ngược chiều qua đường hẹp”
Dùng để báo các loại xe (cơ giới và thô sơ) kể cả các xe được ưu tiên phải nhường đường cho các loại xe cơ giới đang đi theo hướng ngược lại qua các đoạn đường hẹp hoặc cầu hẹp.
Biển số DP.133 “Hết cấm vượt”
Dùng để báo hết đoạn đường cấm vượt.
Biển số DP.134 “Hết tốc độ tối đa cho phép”
Dùng để báo hết đoạn đường tốc độ tối đa.
Biển số DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”
Dùng để báo hết đoạn đường mà nhiều biển báo cấm cùng hết hiệu lực.
Biển số P.136 “Cấm đi thẳng”
Đường ở phía trước cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng.
Biển số P.137 “Cấm rẽ trái, rẽ phải”
Các ngả đường phía trước cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) rẽ trái hay rẽ phải.
Biển số P.138 “Cấm đi thẳng, rẽ trái”
Biểu thị đường qua nút giao cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng, rẽ trái.
Biển số P.139 “Cấm đi thẳng, rẽ phải”
Biểu thị đường qua nút giao cấm tất cả các loại xe (trừ xe ưu tiên theo quy định) đi thẳng, rẽ phải.
Biển số P.140 “Cấm xe công nông và các loại xe tương tự”
Dùng để báo đường cấm xe công nông.
3. Vi phạm biển báo cấm bị phạt thế nào?
Theo khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có biển báo giao thông, tức bao gồm cả biển báo cấm.
Cùng với đó, Điều 25 Quy chuẩn 41 cũng nêu rõ, người tham gia giao thông phải chấp hành những điều cấm mà biển báo cấm đã báo.
Trường hợp không tuân thủ biển báo cấm, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tương ứng với từng lỗi vi phạm cụ thể:
– Dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”:
- Ô tô bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (theo điểm h khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Xe máy bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng (theo điểm h khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”:
- Ô tô bị phạt tiền từ 800.000 – 01 triệu đồng (theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Xe máy bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng (theo điểm h khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Quay đầu xe tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm quay đầu đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái; điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ:
- Ô tô bị phạt tiền từ 800.000 – 01 triệu đồng (theo điểm k khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Xe máy bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (theo điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Lùi xe ở đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, khu vực cấm dừng: Ô tô bị phạt tiền từ 800.000 – 01 triệu đồng (theo điểm o khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào:
- Ô tô bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng (theo điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Xe máy bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng (theo điểm i khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”:
- Ô tô phạt tiền từ 04 – 06 triệu đồng (theo điểm c khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Xe máy bị phạt 01 – 02 triệu đồng (theo điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt:
- Ô tô bị phạt tiền từ 04 – 06 triệu đồng (theo điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Xe máy bị phạt 800.000 – 01 triệu đồng (theo điểm c khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
– Các trường hợp khác: Phạt lỗi không chấp hành chỉ dẫn của hệ thống biển báo giao thông
- Ô tô bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
- Xe máy bị phạt 100.000 – 200.000 đồng (theo điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
>> Gọi ngay tổng đài tư vấn 19006192 để được hướng dẫn xử lý khi bị Cảnh sát giao thông xử phạt không đúng quy định.
Vi phạm biển báo cấm bị phạt bao nhiêu tiền? (Ảnh minh họa)
4. Giải đáp một số thắc mắc về biển báo cấm
4.1. Biển báo cấm chủ yếu có dạng gì?
Theo Điều 15 Quy chuẩn 41:2019/BGTVT, biển báo cấm chủ yếu có dạng hình tròn, viền đỏ, nền màu trắng, bên trong có hình vẽ hoặc số hoặc chữ màu đen.
Đây là dạng phổ biến nhất của biển báo cấm. Ngoài ra cũng có một số biển báo cấm có hình dạng khác như hình chữ nhật (biển báo tốc độ tối đa cho phép về đêm) hoặc hình vuông (biển báo tốc độ tối đa cho phép trên từng làn xe),…
Màu nền của biển báo cấm ngoài màu trắng còn có thể được thể hiện bằng màu xanh lam như: Biển cấm dừng xe và đỗ xe, biển báo cấm đỗ xe, biển báo cấm đỗ xe ngày lẻ, biến cấm đỗ xe ngày chẵn,…
4.2. Hiệu lực của biển báo cấm đến đâu?
Hiệu lực của các loại biển báo cấm thường có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn đường theo biển báo trên đường.
Biển báo cấm có hiệu lực bắt đầu từ vị trí đặt biển trở đi. Nếu vì lý do nào đó, biển đặt cách xa vị trí định cấm thì phải đặt biển phụ S.502 để chỉ rõ khoảng cách từ sau biển cấm đến vị trí biển bắt đầu có hiệu lực.
Khi cần thiết chỉ rõ hướng tác dụng của biển và chỉ vị trí bắt đầu hay vị trí kết thúc hiệu lực của biển báo cấm, người ta sẽ đặt thêm biển phụ S.503 “Hướng tác dụng của biển”.
Lưu ý: Hiệu lực của một số biển báo cấm đặc biệt:
– Biển báo cầm số P.121 và P.128 có hiệu lực đến hết khoảng cách cấm ghi trên biển phụ số S.501 hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”.
– Biển cấm P.123 (a,b) và P.129 có hiệu lực tại khu vực đặt biển.
– Biển cấm số P.124 (a,b,c,d, e, f) có hiệu lực ở vị trí nơi đường giao nhau, chỗ mở dải phân cách nhưng không cho phép quay đầu xe hoặc căn cứ vào biển phụ số S.503.
– Biển cấm số P.125, P.126, P.127 (a,b,c) có hiệu lực đến nơi đường giao nhau tiếp giáp hoặc đến vị trí đặt biển hết cấm
– P.130, P.131 (a,b,c) có hiệu lực đến nơi đường giao nhau tiếp giáp hoặc đến vị trí đặt biển hết cấm hoặc căn cứ vào các biển phụ.
4.3. Biển báo cấm có biển phụ đi như thế nào?
Một số biển báo cấm có biển phụ đi kèm sẽ bổ sung rõ hơn ý nghĩa cho nội dung cấm mà biển báo thể hiện, từ đó giúp lái xe có thể dễ dàng hiểu và tuân thủ chỉ dẫn.
– Biển cấm có kèm biển phụ S.501 “Phạm vi tác dụng của biển” cho biết chiều dài đoạn đường cấm.
– Biển cấm có kèm biển phụ S.502 “Khoảng cách đến đối tượng báo hiệu” cho biết khoảng cách thực tế từ vị trí đặt biển đến vị trí bị cấm ở phía trước.
– Biển cấm có kèm biển phụ S.503 “Hướng tác dụng của biển” cho biết hướng đi bị cấm mà tài xế cần tránh.
– Biển cấm có kèm biển phụ S.504 “Làn đường” để chỉ chính xác làn đường bị cấm.
– Biển cấm có kèm biển phụ S.508 “Biểu thị thời gian” để báo thời bị cấm, ngoài thời gian trên biển thì người và xe được lưu thông bình thường.
Trên đây là thông tin đáng chú ý về các biển báo cấm hiện nay. Nếu gặp vướng mắc liên quan đến các vấn đề giao thông và xử phạt vi phạm, bạn đọc có thể gọi ngay tổng đài 19006192 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.