Biểu tượng văn hóa

Nhắc đến biểu tượng văn hóa là nhắc đến giá trị, thương hiệu quốc gia, nói cách khác, biểu tượng văn hóa được xem như “dấu vân tay văn hóa” của mỗi dân tộc.

Nếu Mỹ coi tượng Nữ thần Tự do là một trong những biểu tượng văn hóa của mình, thì Pháp có tháp Eiffel, Ý có tháp nghiêng Pisa, hay Ai Cập với Kim Tự tháp… Còn Việt Nam chúng ta, hẳn không thể không nhắc đến những cái tên đáng tự hào như: Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Tháp Rùa…

Mà đã là “dấu vân tay văn hóa” của mỗi dân tộc, thì chắc chắn rồi, bất cứ ai cũng không thể tùy tiện trong cách ứng xử, trong tư duy.

Vậy nên, việc tượng Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi”, “phiên bản đột biến” ở Sa Pa khiến cộng đồng mạng “dậy sóng” suốt những ngày qua cũng là điều dễ hiểu. Biểu tượng kiêu hãnh của nước Mỹ trong phút chốc đã “biến hình” theo một cách chẳng giống ai – méo mó, xấu xí đến mức phản cảm. Và cũng thật xấu hổ khi sự xấu xí ấy lại có thể lan tỏa với tốc độ chóng mặt, vượt ra khỏi biên giới quốc gia nhờ sự tiếp sức từ mạng xã hội cùng trào lưu check-in, sống ảo của rất nhiều người.

bieu tuong van hoa hinh anh 1

Thực ra câu chuyện không mới, cũng chẳng phải chưa từng có tiền lệ ở ta. Trước phiên bản “Nữ thần Tự do” gây xôn xao này, dư luận cũng từng phẫn nộ bởi quần thể tượng được xây dựng tại một khu du lịch thuộc Đà Lạt hồi năm ngoái với những bức tượng được cho là mô phỏng lính Việt xưa, nhưng lại không khác gì “đội quân đất nung” của Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng. Hay trước đó là loạt tượng 12 con giáp ở khu du lịch Hòn Dáu, Hải Phòng với tạo hình “thú không ra thú, người không ra người” thiếu tính thẩm mỹ, gây phản cảm, bức xúc cho người xem…

Sự tùy tiện – dẫu ở lĩnh vực nào cũng thật khó có thể chấp nhận, tùy tiện trong nghệ thuật cũng vậy. Tùy tiện sao chép, tùy tiện “sáng tạo”… chính điều đó đã vô tình (và cả hữu ý) tạo nên rất nhiều biểu tượng văn hóa bị sai lệch, bị cách tân quá đà, thậm chí là lai căng khi ứng dụng vào đời sống đương đại.

Trở lại với câu chuyện về bức tượng Nữ thần Tự do. Thực ra việc xây dựng mô phỏng, không theo y hệt nguyên mẫu… cũng là chuyện phổ biến xưa nay. Ngoài tượng Nữ thần Tự do nguyên bản ở Mỹ, chúng ta cũng chứng kiến vô số các bức tượng bắt chước tác phẩm này ở khắp mọi nơi trên thế giới với rất nhiều sự phá cách khác nhau. Ví dụ, Nữ thần Tự do hai tay hai đuốc ở Tây Ban Nha, hay Nữ thần Tự do được làm từ các khối lắp ráp như đồ chơi Lego bằng nhựa ở Đan Mạch… Nhưng tại sao, những bức tượng này vẫn có giá trị, vẫn có đời sống riêng của nó mà không chịu cảnh chung số phận với “phiên bản đột biến” ở Sa Pa? Đó là bởi các bức tượng đều đã chạm được đến điều cốt lõi nhất – là “cái thần” chứ không phải “cái hình” của biểu tượng.

Trong thời đại toàn cầu hóa, rõ ràng nếu chúng ta không có bản lĩnh văn hóa, không có tri thức để chắt lọc những cái hay, cái đẹp của sự đa dạng từ các nền văn hóa cũng như nghiên cứu sâu về tính biểu tượng văn hóa mà chỉ chăm chăm tìm cách “đạo văn hóa” theo cách sao chép thì đương nhiên những sản phẩm này, những “biểu tượng” này sẽ không còn giá trị và cũng khó có được sức sống bền lâu. Nhập nhèm văn hóa theo cách “không tây cũng chẳng ta” thực sự là lối ứng xử khó chấp nhận.

Quản lý sát sao, không để tình trạng làm rồi mới biết, vi phạm rồi mới xử lý… đã đành, nhưng đó mới chỉ là giải quyết phần ngọn. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có chế tài với những quy định cụ thể, chuẩn mực về sáng tác và sử dụng các công trình có liên quan đến biểu tượng văn hóa. Nó giống như một “kim chỉ nam” để những người sáng tác ứng dụng, có thể sáng tạo, phá cách nhưng không vượt ra khỏi ranh giới thẩm mỹ, gây phản cảm, mất mỹ quan – dẫn đến những chuyện “cười ra nước mắt” như thời gian qua.

Một “chiến lược công nghiệp văn hóa” thời đại 4.0 – thành hay bại có lẽ cũng cần phải bắt nguồn từ những điều cụ thể như thế./.