Bitcoin, Ethereum, Litecoi có phải là tài sản theo pháp luật

Bitcoin, Ethereum, Litecoi có phải là tài sản theo quy định của pháp luật?

Ngày đăng: 26/05/2022 08:33 AM

Bitcoin được tạo ra từ năm 2007 và cho tới nay, với sứ mệnh là tạo ra đồng tiền không bị ngân hàng hay tổ chức nào có thể thao túng, quản lý và được công khai, minh bạch trên một hệ thống mạng ai cũng có thể kiểm tra được. Thực tế, đã có nhiều quốc gia tiến hành công nhận và đưa đồng tiền này trở thành một loại tài sản có thể giao dịch, tuy nhiên, tại Việt Nam, điều này vẫn còn là một vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều. 
 
Tiền kỹ thuật số (hay “tiền điện tử, tiền mã hóa, tiền ảo”) là một dạng tiền mặt kỹ thuật số cho phép các cá nhân truyền tải giá trị trong một môi trường kỹ thuật số. Môi trường kỹ thuật số là hệ thống mạng Blockchain được xây dựng và phát triển bởi mỗi tổ chức, cá nhân khác nhau và có những đặc tính riêng biệt.

Ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên ra thông cáo báo chí về tiền ảo. Nội dung của Thông cáo tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau: Khẳng định Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng Internet ngang hàng. Đến nay, tiền kỹ thuật số hay tiền điện tử đang trở thành xu hướng khi giao dịch trên Internet của thời đại công nghệ thông tin phát triển. Các đồng Coin này có rất nhiều loại, và đang được trao đổi, mua bán vật dụng hoặc quy sang tiền thật.

Tuy nhiên, để các loại tiền này được giao dịch theo quy định của pháp luật Việt Nam thì những loại tiền này phải thỏa mãn là tài sản được quy định tại Điều 105 BLDS 2015 bao gồm:
– Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
– Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
 

Theo đó, muốn chứng minh Bitcoin, Ethereum, Litecoi… hay các loại tiền kỹ thuật số khác là tài sản thì phải chứng minh nó thuộc một trong các loại được liệt kê tại Điều 105 của BLDS 2015. Đầu tiên thì Bitcoin, Ethereum, Litecoin… và các loại tiền kỹ thuật nói chung không được coi là một vật theo đúng bản chất. Hiểu theo khái niệm pháp lý, vật là tài sản, một loại tài sản hữu hình. Như vậy, muốn trở thành vật trong dân sự phải thỏa mãn những điều kiện sau: Là bộ phận của thế giới vật chất, con người chiếm hữu được, mang lại lợi ích cho chủ thể, có thể đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai.
 

Tiếp theo, Bitcoin, Ethereum, Litecoin… và các loại tiền kỹ thuật khác không được coi là tiền. Tiền là một loại tài sản đặc biệt, có chức năng trao đổi ngang giá với những loại tài sản khác. Tiền do Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành và được hiểu là Việt Nam đồng. Giá trị của tiền được thể hiện ở mệnh giá trên chính đồng tiền đó. Tiền giữ chủ quyền quốc gia, có giá trị sử dụng ổn định và được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh chức năng trao đổi, tiền còn có chức năng dự trữ và thanh toán trên thị trường.
 

Tiếp nữa, Bitcoin, Litecoin, Ethereum, và các đồng tiền mã hóa khác và các Non-fungible token (là một đơn vị dữ liệu trên sổ cái kỹ thuật số được gọi là blockchain) cũng không được liệt kê vào danh sách các giấy tờ có giá. Theo khoản 8, Điều 6, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010; khoản 1, Điều 3 Thông tư 04/2016/TT-NHNN và khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012/TT-NHNN quy định: “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Căn cứ vào nội dung giải đáp về giấy tờ có giá tại Công văn 141/TANDTC-KHXX thì chỉ những loại giấy tờ được nêu trong quy định mới được pháp luật thừa nhận là giấy tờ có giá mà Bitcoin, Ethereum, Litecoin… không thuộc danh sách này.
 

Theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, Bitcoin, Ethereum, Litecoin,… không phải là phương tiện được phép thanh toán trên thị trường. Hay nói cách khác, nó không được phép dùng để thay thế tiền mặt hoặc phương tiện thay thế tiền mặt kể trên trong các giao dịch mua bán.
 

Cuối cùng, Bitcoin, Litecoin, Ethereum, NFT,… không được coi là một quyền tài sản bởi lẽ, quyền tài sản là quyền trị giá tính bằng tiền, gồm có quyền tài sản đối với đối tượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Như vậy, có thể thấy tiền kỹ thuật số không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Sự phát triển của các đồng tiền kĩ thuật số từ lúc được coi là mô hình đa cấp tới nay dần dần được sự đồng thuận của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, hoạt động mua bán, trao đổi tiền kĩ thuật số tuy chưa được pháp luật công nhận và bảo vệ nhưng vẫn diễn ra một cách khá mạnh mẽ và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin liên quan, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng hết mình khi có nhu cầu. 

Hãy liên hệ với Chúng tôi:

  • The Lux Law Firm
  • Lầu 5, Số 52 Đường Nguyễn Thị Nhung, Khu Đô Thị Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

  • Hotline: 028.36363568.        M: 0987.290.273

  • Website: Theluxlaw.com