Bitcoin ngày càng nhạy cảm với chứng khoán Mỹ
Bitcoin và các loại tiền số nói chung không chỉ có các sức ép biến động riêng mà giờ còn chìm nổi song song cùng Phố Wall.
Bitcoin vẫn tiếp tục đà lao dốc trong cuối tuần. Hôm qua (22/1), Bitcoin đã giảm khoảng 8% về quanh mốc trên 35.000 USD, tức mất gần một nửa giá trị kể từ khi đạt mức kỷ lục 69.000 USD vào tháng 11/2021.
Trong vòng 24h qua tính đến trưa chủ Nhật (23/1), Bitcoin cũng có nhiều lần thủng mốc 35.000 USD, có khi được giao dịch quanh mức 34.300 USD, theo CoinMarketCap. Tính cả tuần qua, Bitcoin đã giảm hơn 18% giá trị, đưa vốn hóa thị trường của đồng tiền này xuống còn 666,1 tỷ USD.
Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác bắt đầu lao dốc mạnh kể từ hôm thứ Năm (20/1). Đó cũng là ngày thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
Đóng cửa phiên hôm đó, chỉ số Dow Jones giảm 313,26 điểm, còn 34.715,39 điểm, tương đương giảm 0,89%. Trong khi đó, S&P 500 mất 1,1%, còn 4.482,73 điểm và Nasdaq giảm 1,3%, còn 14.154,02 điểm.
Diễn biến giá Bitcoin trong tuần qua. Nguồn: CoinMarketCap
Theo các chuyên gia, tiền số và thị trường chứng khoán Mỹ đã có nhịp giảm cùng nhau kể từ đầu năm nay. “Tiền số không còn là một tài sản rủi ro riêng lẻ và đang phản ứng với những thay đổi trong chính sách toàn cầu. Không có gì ngạc nhiên khi cả hai sẽ dễ lao dốc khi thanh khoản bị tắt”, Clara Medalie, Giám đốc nghiên cứu thuộc nhà cung cấp dữ liệu thị trường tiền điện tử Kaiko, bình luận.
Hay nói cách khác, bà Clara cho rằng Bitcoin đã ngày càng trở nên gắn bó hơn với thị trường chứng khoán. Theo ghi nhận của chuyên gia này, đồng tiền số này ở gần mức tương quan cao nhất với thị trường chứng khoán kể từ tháng 9/2020. Điều đó có nghĩa, khi thị trường chứng khoán đi xuống, Bitcoin cũng vậy.
Tất nhiên, sự chuyển động song song đó cũng có dao động theo thời gian. Có những khoảng thời gian dài khi Bitcoin và các loại tiền số khác biến động theo xung lực của riêng chúng. Nhưng việc ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào sân chơi tiền số cũng đồng nghĩa họ sẽ nhạy cảm hơn với bán tháo cổ phiếu.
Hôm thứ Sáu (21/1), Bitcoin lao dốc đồng thời với việc cổ phiếu của Netflix giảm 20%, mất đi hơn 40 tỷ USD vốn hóa. Gã khổng lồ phát nội dung trực tuyến này dự báo lượng thuê bao mới sẽ ít hơn nhiều trong quý I so với cùng kỳ 2021.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc bán tháo các cổ phiếu công nghệ phổ biến có thể thúc đẩy các nhà đầu tư thanh lý bớt lượng tiền số mà họ nắm giữ, nhằm hạn chế thiệt hại tổng thể và phản ứng với lệnh gọi ký quỹ (margin call), tức yêu cầu từ nhà môi giới đến nhà đầu tư trong việc nộp thêm tiền mặt để trang trải khoản lỗ có thể xảy ra đối với các giao dịch được thực hiện bằng tiền đi vay.
“Chúng tôi đã thấy chính xác điều đó xảy ra trước đây. Bitcoin là một kho lưu trữ thanh khoản tuyệt vời, khiến nó được tận dụng vào những thời điểm có lệnh gọi ký quỹ”, Chris Bendiksen, Trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty quản lý tài sản CoinShares có trụ sở tại London, cho biết.
Cổ phiếu của các công ty tiền số cũng có xu hướng đi theo hiệu suất của Bitcoin. Hôm 21/1, cổ phiếu của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase Global giảm 13%. MicroStrategy, công ty sản xuất phần mềm kinh doanh nhưng đã đầu tư hàng tỷ USD vào Bitcoin và có vị CEO Michael Saylor ủng hộ mạnh mẽ tiền số, cũng đã giảm 18%.
Naeem Aslam, Nhà phân tích thị trường tại AvaTrade, cho biết sự bi quan tiếp tục gia tăng trong các nhà đầu tư khi nói đến các tài sản rủi ro hơn, và điều này chủ yếu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và Bitcoin. “Vấn đề với Bitcoin là khi nó bắt đầu giảm, giá sẽ giảm xuống như thể không có ngày mai”, Aslam nói. Vị chuyên gia cũng nói thêm rằng trên cơ sở lịch sử, tháng 1 thường có xu hướng là tháng biến động đối với thị trường tiền số.
Ngoài ra, Bitcoin còn có thêm những sức ép giảm của riêng nó. CNBC dẫn quan ngại của các chuyên gia rằng, giới chức Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách siết chặt thị trường tiền số. Cùng với đó, cũng trong tuần này, Ngân hàng trung ương của Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền số. Các quan chức cho rằng nó gây ra các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của Nga.
Các quốc gia khác cũng tán thành lệnh cấm tiền số. Vào tháng 11, Ấn Độ cho biết đang chuẩn bị giới thiệu một dự luật điều chỉnh các loại tiền kỹ thuật số. Đầu tuần này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng hợp tác toàn cầu là cần thiết để giải quyết các vấn đề do tiền số gây ra.
“Chúng tôi nghĩ rằng không quá khó để tưởng tượng Bitcoin giảm xuống dưới 30.000 USD trong năm nay”, Paul Jackson, Người đứng đầu toàn cầu về phân bổ tài sản của công ty đầu tư Invesco (Mỹ), đánh giá. Theo ông, có ít nhất 30% khả năng điều đó xảy ra.
Đầu tháng này, Goldman Sachs cho rằng giá Bitcoin có thể đạt hơn 100.000 USD trong vòng 5 năm tới. Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 1, các nhà phân tích của ngân hàng này cho biết họ đã nhìn thấy mức tăng mạnh ở phía trước vì Bitcoin sẽ ngày càng cướp thị phần của vàng.
Tuy nhiên, lập luận Bitcoin là một dạng “vàng kỹ thuật số” cũng đang có dấu hiệu lung lai. Theo tờ MarketWatch, khi giá trị đồng tiền số lớn nhất thế giới giảm xuống còn 34.000 USD – mức giá thấp nhất kể từ tháng 8 – sự sụt giảm của nó cùng với các tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ đang đi ngược lại với vàng.
Nhìn lại có thể thấy, tiền điện tử đã lao dốc cùng với chứng khoán trong một khởi đầu khó khăn của năm 2022, khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn mong đợi. Trong khi vàng, thường được xem là vật lưu trữ giá trị và hàng rào lạm phát, đã được giao dịch tăng đều đặn trong tháng này.
Phiên An (tổng hợp)