Bitcoin nóng sốt và bong bóng tài chính
Năm của Bitcoin
Vào thời điểm cuối năm 2016, khi bàn về thị trường tài chính 2017, người ta hay nói tới chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ D. Trump, Fed sẽ tăng lãi suất USD bao nhiêu lần, thương lượng Brexit ra sao, liệu vốn ngoại có tiếp tục chảy ra khỏi Trung Quốc…
Nhưng nhìn lại năm 2017, tôi tin rằng bitcoin là từ khóa tìm kiếm nổi bật nhất trong năm đối với những người quan tâm tới thị trường tài chính. Trong hầu hết bình luận cuối năm về thị trường mà tôi nghe hoặc đọc được, người ta đều dành một phần bàn về Bitcoin.
Làm một phân tích đơn giản trên Google Trends xem người ta đã tìm kiếm những từ khóa gì trên mạng trong một khoảng thời gian, kiểm chứng cảm nhận của mình, có nhiều bất ngờ thú vị.
Tôi so sánh giữa từ khóa tìm kiếm “Bitcoin” với mã chứng khoán của các công ty trong danh mục VN30 cũng như một số công ty mà các trang tin tài chính và báo cáo của công ty chứng khoán đề cập đến, chẳng hạn như FLC.
Kết quả: ở lãnh thổ Việt Nam, từ khóa tìm kiếm Bitcoin bỏ xa mã chứng khoán các công ty niêm yết (mặc dù có một chút thú vị là mã cổ phiếu FLC được tìm kiếm nhiều hơn tôi tưởng).
Đó là với phân tích của Google Trends trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Còn nếu ở khía cạnh toàn cầu, từ khóa “bitcoin” cũng vượt lên ngoạn mục, bỏ lại đằng sau những từ khóa quan trọng khác trên thị trường thế giới vào giai đoạn cuối 2017.
Nếu đầu năm 2017, Bitcoin chẳng là cái gì so với những từ khóa như “dầu”, “vàng”, “Trump” hay “Trung Quốc” (sử dụng các từ khóa “oil”, “gold”, “Trump” và “China” trong Google Trends), thì đến cuối năm 2017, Bitcoin là quán quân (ngược lại, mối quan tâm của giới kinh doanh đến Trump đã không còn cao như hồi đầu năm).
Điều đáng chú ý là cú nhảy “ngoạn mục” đó chỉ bắt đầu kể từ tháng 10-2017. Như vậy, dù bitcoin là hiện tượng của năm 2017, nó chỉ thật sự trở nên “nóng sốt” vào quý cuối cùng của năm khi liên tục vượt qua những mức giá không tưởng.
Cho đến lúc này, có thể nhìn nhận vai trò ứng dụng của Bitcoin trong nền kinh tế thực là không lớn vì nhiều dịch vụ chấp nhận thanh toán Bitcoin lớn như Steam đã bỏ cuộc do giá bitcoin quá biến động nên không dễ gì cung cấp dịch vụ mà nhận thanh toán bằng bitcoin.
Nhưng sự vào cuộc của những sàn giao dịch lớn trên thế giới cho phép giao dịch các hợp đồng tương lai Bitcoin được xem như một cú hích đối với dân đầu cơ Bitcoin và giúp đẩy giá nó lên. Bitcoin, vào lúc này, đã trở thành một sản phẩm đầu cơ, chứ không phải là tiền tệ hay ứng dụng đột phá làm thay đổi thế giới gì nữa.
Bitcoin được nhiều người xem là đánh cược hơn là đầu tư vì chẳng thể định giá được. Mặt khác, phần lớn Bitcoin được tập trung sở hữu bởi một số ít người, tạo cho các “tay to” này cơ hội làm giá để đẩy đồng tiền kỹ thuật số này lên cao hơn.
Bitcoin, vì thế, là một biểu tượng hợp lý cho thị trường tài chính 2017 bởi cái cách tăng giá nhanh và mạnh của nó. Và nếu coi 2017 là năm bong bóng tài sản tài chính được bơm căng thì Bitcoin xứng đáng là biểu tượng của năm.
Dòng tiền mạnh, giá tăng và bong bóng
Yếu tố thứ hai đáng chú ý khi nhìn về thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam 2017 là chuyện các thị trường chứng khoán tăng điểm và những tranh cãi về bong bóng. Thị trường chứng khoán Việt Nam vượt mốc 800 điểm lần đầu tiên sau gần 10 năm vào tháng 9-2017, sau đó thì chứng khoán Hong Kong lần đầu vượt mốc 30.000 điểm trong một thập kỷ vào tháng 11-2017.
Bất kể những bất ổn về chính trị và rủi ro, các thị trường chứng khoán mới nổi thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế khoảng 1.100 tỉ USD trong năm 2017 – lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỉ USD sau những đợt rút vốn mạnh trong năm 2014 (chủ yếu là ra khỏi Trung Quốc). Dòng vốn đầu tư quốc tế được dự đoán có thể tăng lên 1.200 tỉ USD vào các thị trường mới nổi trong năm 2018.
Tiền đổ vào nhiều, tất yếu giá cổ phiếu tăng. Rất nhiều quỹ đầu tư vào các thị trường mới nổi đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2017.
Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu hồi phục tương đối khá trong năm 2017 và lạm phát thấp cho phép các ngân hàng trung ương trì hoãn các đợt tăng lãi suất. Chính sách kinh tế hướng về nới lỏng và giảm thuế cho người giàu của ông Trump cũng góp phần khiến nhà đầu tư có thêm niềm tin về việc động lực tăng trưởng của thế giới sẽ tươi sáng.
Điều đó góp phần đẩy giá cổ phiếu toàn cầu và khiến nhà đầu tư chấp nhận rủi ro hơn để đầu tư vào các cổ phiếu ở thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, đợt tăng giá mạnh trong năm 2017 đã dẫn thị trường tới một điểm mà người ta phải lo lắng: bong bóng. Bong bóng cổ phiếu là một thuật ngữ ngày càng được nói đến nhiều, nhất là với những cổ phiếu công nghệ.
Chỉ số P/E một số cổ phiếu đã lên đến 3 con số, chẳng hạn Amazon đang được ước tính P/E ở mức 275 đến 300 tùy theo cách tính (ngay cả ước tính lợi nhuận năm sau lạc quan nhất cũng chỉ kéo chỉ số P/E tương lai xuống 140!).
Một số nhà đầu tư vẫn lo lắng với các thị trường Đông Á, chẳng hạn Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, với những rủi ro tiềm ẩn về vay nợ, báo cáo kế toán và bất ổn khu vực (do các sự kiện CHDCND Triều Tiên hay tranh chấp lãnh thổ).
Giá cổ phiếu càng lên thì họ càng lo. Những cảnh báo về những cú đổ vỡ lớn (Great Fall) ở thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hàn Quốc thỉnh thoảng xuất hiện trong năm 2017, nhưng chìm vào quên lãng sau các đợt tăng giá.
Trong những tuần từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-2017, thị trường Trung Quốc có những bước loạng choạng với vài đợt mất điểm mạnh và biến động giá khá mạnh. Một vài nhà đầu tư xem đó là tín hiệu cảnh báo Trung Quốc vẫn tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ do những yếu tố khó đoán trong chuyện kiểm soát các hoạt động quản lý đầu tư và ngân hàng ngầm (shadow banking) ở Trung Quốc. Quy mô vốn và ảnh hưởng của Trung Quốc có thể sẽ lây lan sang các thị trường láng giềng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác thì bảo đó chỉ là do nhà đầu tư chốt lời mà thôi, họ tin rằng giới quản lý cũng sẽ “giơ cao, đánh khẽ”. Dù gì, Trung Quốc cũng cần những con số kinh tế tốt để ủng hộ những tham vọng của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Nhiều nhà quản lý quỹ tên tuổi cho rằng các thị trường chứng khoán thế giới đang đi vào sóng tăng cuối cùng (final leg) của đợt bong bóng cổ phiếu. Tuy nhiên, sóng này kéo dài bao lâu thì không ai biết nên nhiều người vẫn lạc quan cho năm 2018 và sẵn sàng “cưỡi sóng”.
Họ tin rằng chính sách kinh tế của Tổng thống Trump sẽ hỗ trợ tăng trưởng ở Mỹ trong bối cảnh lạm phát thấp, đồng thời chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ thắt chặt một cách chậm chạp. Do đó, bất chấp việc thị trường đã tăng đáng kể trong năm 2017, nhiều người vẫn tin rằng 2018 sẽ là một năm bong bóng tiếp tục bơm lên và giá cổ phiếu tiếp tục tăng.
Vậy thì mua bán cái gì trong năm 2018?
Buổi sáng, trước khi viết bài này, tôi đọc báo cáo của một quỹ đầu tư ở London gửi đề xuất bán cổ phiếu Mỹ và đầu tư vào cổ phiếu thị trường mới nổi. Đến buổi trưa, tôi đọc được báo cáo của một ngân hàng đầu tư hàng đầu bảo rằng phải bán cổ phiếu Mỹ và thị trường Trung Quốc và mua cổ phiếu châu Âu.
Thú vị là có vẻ như tâm lý ưa chuộng Ấn Độ, Brazil hơn Trung Quốc đang tăng lên vào dịp cuối năm 2017. Tôi tin là rất nhiều người cũng nhận được hàng đống báo cáo để đọc như vậy, và sau khi đọc xong phải “bứt tóc” tự hỏi xem ai sẽ là người đoán đúng.