Bitcoin rớt giá xuống dưới 21.000 USD khi sóng bán tháo tiền ảo tiếp tục dâng
Sóng bán tháo tiền ảo tiếp tục dâng, Bitcoin rớt giá xuống dưới 21.000 USD
Bitcoin nhanh chóng trượt giá xuống dưới 21.000 USD trong phiên giao dịch sáng 14/6 tại châu Á khi giới đầu tư mạnh tay bán bớt tài sản ảo.
Bitcoin “bốc hơi” gần 14% giá trị trong 24 giờ qua.
Bitcoin – đồng tiền ảo có giá trị lớn nhất thế giới – đã lao dốc gần 14% trong 24 giờ qua, trong khi đồng tiền ảo Ethereum giảm hơn 12%, theo dữ liệu của Coinbase. Tại châu Á, giá Bitcoin dao động quanh mức 21.800 USD trong phiên sáng 14/6.
Ông Nirmal Ranga, Trưởng bộ phận giao dịch và phân tích kỹ thuật tại Sàn giao dịch tiền ảo ZebPay cho biết: “Ngay lúc này, mọi thứ đang rực lửa, có thể là chứng khoán, có thể là tiền ảo hoặc bất cứ thứ gì”.
“Những gì bạn đang thấy trên thị trường là… nỗi sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ. Về mặt kỹ thuật, thị trường có vẻ bán ra quá nhiều và sẽ có một số sàn giao dịch hứng chịu cú sốc Bitcoin trong thời gian tới”, ông Nirmal Ranga phát biểu trên đài CNBC.
Các tài sản ảo đã bị “đánh sập” vào ngày 13/6 khi các nền tảng giao dịch lớn như Celsius và Binance cho ngừng rút tiền. Trong đó, Celsius cho biết hoạt động rút tiền, hoán đổi và chuyển tiền giữa các tài khoản sẽ bị tạm dừng vì “điều kiện thị trường bị siết chặt” và động thái này nhằm “ổn định thanh khoản và hoạt động”.
Còn Binance – sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới – đã tạm dừng bán tháo Bitcoin trong hơn 3 giờ đồng hồ “do nghẽn hệ thống nên gây ra tình trạng tồn đọng”.
Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy, vào ngày 13/6 vốn hóa thị trường tiền ảo đã giảm xuống dưới 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Khoảng 200 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường này trong những ngày gần đây.
Tiền ảo gần đây bị bán tháo ồ ạt do giới đầu tư muốn tháo chạy vì lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu xảy ra khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cùng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Theo đài CNBC, các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang cân nhắc phương án tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tuần này sau thông tin lạm phát tháng 5 tiếp tục tăng cao.
Theo công bố mới đây của Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của nước này đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981. Nếu không xét đến biến động giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi chỉ tăng 6%, nhỉnh hơn một chút so với ước tính 5,9%.
Lãi suất tăng lên khiến triển vọng lợi nhuận từ đầu tư các tài sản ảo trở nên kém hấp dẫn hơn. Tính từ khi lập đỉnh giá 69.000 USD vào tháng 11/2021, Bitcoin đến nay đã “bốc hơi” gần 70% giá trị.