Bóng đá Pháp tại Champions League 2019/20: Cuộc nổi dậy của những “anh nông dân”
Luôn là kẻ thấp cổ bé họng trong 5 giải vô địch quốc gia (VĐQG) châu Âu nhưng sau mùa giải này, diện mạo của Ligue 1 trên đấu trường châu Âu sẽ thay đổi.
Không chỉ là những quyền lợi kinh tế hiếm hoi trong giai đoạn cả thế giới bị tàn phá bởi COVID-19, bóng đá Pháp sẽ có những bước đi dài hơi để lấy lại thứ hạng trên bảng xếp hạng các giải VĐQG của UEFA, tất cả là nhờ PSG và Lyon.
Sẽ không còn những đêm mất ngủ
9 năm trước, khi quỹ đầu tư Qatar QIS nắm quyền sở hữu PSG, ông chủ Naiser Al-Khelaifi khiêm tốn nói rằng “Mục tiêu của chúng tôi trong 3 năm tới là được dự Champions League”. Thế rồi, mọi thứ tới nhanh hơn Khelaifi tưởng tượng. Những đồng euro liên tục được rót vào thủ đô nước Pháp, biến thành phố này thật sự trở thành kinh đô ánh sáng ở mọi góc độ.
Những hợp đồng khai thác độc quyền dịch vụ du lịch tại Paris giúp QIS dễ dàng xoay vòng nguồn tài chính và từ đó, PSG là đơn vị hưởng lợi. Họ lần lượt đưa về các tên tuổi vang bóng một thời là Beckham và Ibrahimovic; rồi sau đó mua tiếp một số gương mặt mới nổi của Serie A là Lavezzi, Cavani, Verratti; kế tiếp là sự hiện diện của nhà vô địch Champions League Di Maria trước khi thực hiện hai phi vụ chuyển nhượng lớn vào mùa hè 2017, khi Neymar và Mbappe lần lượt xuất hiện.
Sau 9 năm kể từ ngày chuyển giao cho QSI, PSG lần đầu góp mặt ở một trận chung kết Champions League.
9 năm trôi qua là 9 năm PSG, đội bóng có tuổi đời non trẻ (thành lập năm 1970) một bước hóa rồng, dần vươn tầm tới vị trí của những ông lớn làng bóng đá thế giới. Từ vòng bảng, họ bắt đầu làm quen với bầu không khí sôi động của các loạt knock-out và đương nhiên, kỳ vọng ngày một tăng cao.
Nhưng khi mọi thứ tới dồn dập nằm ngoài sức tưởng tượng, hệ lụy ắt sẽ xảy ra. PSG dù mua sắm biết bao nhiêu vẫn luôn luôn dừng bước ở những loạt trận cân não. Về cơ bản, họ chỉ là thiếu gia, một cậu nhóc nhà giàu mới nổi nhưng chưa biết rõ mình muốn gì, cần gì.
Hai năm liền, PSG chịu trận trong những cặp đấu mà họ đã thắng thuyết phục ở lượt đi rồi sụp đổ nhanh chóng ở màn tái đấu. Barca thua 0-4 ở Parc des Princes nhưng vẫn tìm thấy ánh sáng bằng thắng lợi 6-1 ở lượt về. Năm ngoái, tới M.U đang hỗn loạn sau triều đại Mourinho vẫn biết cách thắng ngược 3-1 tại nước Pháp sau khi thua 0-2 ở Manchester.
PSG đã từng như thế, hiếu chiến nhưng mong manh dễ vỡ. Hỏi Al-Khelaifi có buồn không, ông từng trả lời tờ Lequipe rằng “Có, nhưng tôi hiểu rằng tiền không mua được thời gian” trong một cuộc gặp mặt trước thềm tứ kết Champions League.
PSG có tiền, nhưng không có lịch sử, chẳng có truyền thống và thời gian mới cho họ tích lũy những giá trị ấy. 1 tỷ 329 triệu euro là số tiền ông chủ người Qatar bỏ ra nâng cấp PSG trong ngót một thập kỷ qua.
Đã nhiều lần vỡ mộng, nhiều đêm mất ngủ với những trằn trọc trăn trở về vận mệnh của PSG và bây giờ, dưới bàn tay của một HLV người Đức là Thomas Tuchel, PSG đã chạm tới đẳng cấp mà họ theo đuổi bấy lâu nay. Không còn thứ bóng đá tấn công ngô nghê, dám gạt bỏ những công thần nhưng gặp vấn đề về thể lực và phong độ, Tuchel đưa PSG vượt qua cửa tử Atalanta trước khi trừng phạt ngựa ô RB Leipzig.
Với việc lọt vào chung kết Champions League, PSG sẽ có thể giải quyết nhiều bài toán lớn. Nó không chỉ là câu chuyện giấc mộng xưng bá của QSI mà còn là miếng cơm manh áo hàng ngày, sự tồn vong của PSG. Tối thiểu 40 triệu euro tiền thưởng nếu về nhì và 133 triệu euro cho nhà vô địch, cộng thêm 27,5 triệu euro tiền bản quyền được chia lại từ Ligue 1, PSG đã lấp đầy khoản lỗ 50 triệu euro trong báo cáo tài chính 2019. Khoản thâm hụt 225 triệu euro vì COVID-19 cũng nhanh chóng được xóa bỏ. Nghĩa là, PSG sẽ thỏa sức mua sắm trong phần còn lại của mùa hè mà không sợ bị UEFA “sờ gáy” vì luật công bằng tài chính.
Lyon dừng bước tâm phục khẩu phục trước Bayern, nhưng họ xứng đáng nhận những lời khen ngợi. Một đội bóng cây nhà lá vườn toàn bộ, chỉ tiêu 15 triệu euro cho công tác chuyển nhượng trong 18 tháng qua, vào tới bán kết đã là thành quả to lớn của thầy trò Rudi Garcia. Việc Ligue 1 hủy giải giữa chừng khiến Lyon mất cơ hội dự Cúp châu Âu nhưng hóa ra, đó không hẳn là thảm họa. Tối thứ Năm theo giờ Việt Nam, cổ phiếu của tập đoàn OL, chủ sở hữu Lyon đã tăng 25% trên sàn chứng khoán. Các khoản đầu tư hứa hẹn sẽ được bơm thêm, và báo chí địa phương tiết lộ ngân sách 60 triệu euro sẽ được cấp cho Rudi Garcia.
Trên tất cả, thành công của PSG và Lyon đóng góp to lớn cho tương lai bóng đá Pháp. Tuần tới, kênh truyền hình quốc tế Mediapro sẽ ký hợp đồng 5 năm với hiệp hội tổ chức các giải bóng đá nhà nghề Pháp LFP, một hợp đồng phát sóng độc quyền Ligue 1 với giá trị 800 triệu euro, lớn nhất trong lịch sử bóng đá Pháp. Hãy nhớ rằng, hợp đồng hiện tại của Ligue 1 với các đơn vị truyền hình cao nhất chỉ có giá trị 230 triệu euro.
Với việc PSG và Lyon cùng vào sâu tại Champions League, hệ số Ligue 1 trên BXH các giải VĐQG châu Âu sẽ tăng lên đáng kể. Nếu PSG đánh bại Bayern tại Da Luz, Ligue 1 chỉ cần một đại diện vào bán kết mùa giải 2020/21 là chính thức vượt qua Serie A. Điều ấy có nghĩa, Ligue 1 sẽ có 4 suất vào thẳng vòng bảng sân chơi danh giá nhất hành tinh cấp CLB, thay vì 3 như hiện nay.
Xưa nay, Ligue 1 vẫn bị mỉa mai là “giải đấu của những anh nông dân” do thiếu vắng hình bóng các ngôi sao. Nhưng bây giờ là một trang khác, một thời đại mới của bóng đá Pháp, nhờ PSG & Lyon.
Năm kinh điển của Ligue 1
Đây mới là lần thứ 6 trong lịch sử, bóng đá Pháp có đại diện đi tới trận đấu cuối cùng của Champions League/Cúp C1 châu Âu. 5 lần trước, cũng chỉ duy nhất Marseille có thể đăng quang sau khi đánh bại AC Milan mùa giải 1992/93. Mùa 1975/76, St.Etienne cũng từng thua chính Bayern Munich.
Đây cũng là lần đầu tiên sau 44 năm, có một CLB Pháp vào tới chung kết Champions League mà không can dự gì tới Didier Deschamps. Trước đó, Deschamps từng 3 lần tham dự trận đấu danh giá này với các CLB Ligue 1 dưới tư cách cầu thủ lẫn HLV. Đó là chưa kể, 2019/20 cũng là mùa bóng đầu tiên, có 2 đội bóng Pháp cùng xuất hiện ở một vòng bán kết Champions League.