Các địa điểm du lịch ở Quảng Trị (Cập nhật 02/2023)
Mục lục bài viết
Các địa điểm du lịch ở Quảng Trị
Quảng Trị
Các địa điểm du lịch ở Quảng Trị
(Cập nhật 02/2023)
Cùng Phượt – Quảng Trị có vị trí đặc biệt nằm ở Trung độ của Việt Nam, nơi có tuyến quốc lộ 1A giao nhau với Quốc lộ 9, là tỉnh đầu cầu của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, nối liền Việt Nam, Lào và các nước trong khu vực. Hôm nay đến với Quảng Trị là về với những hồi ức lịch sử của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong thế kỷ 20 và cảm nhận vẻ đẹp của rừng, biển, đảo của một vùng Duyên Hải Miền Trung, một hành trình mới mẻ cùng các địa điểm du lịch ở Quảng Trị hấp dẫn đang chờ đón du khách cùng khám phá.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả nhatminhcinematic, Yamaha Trung Tá, cuong nguyen, dong.johnny.95, langxepaoo, Kiệu Nguyễn Văn, Huy Truong Nguyen, ngth.970, bac101, Tung Tăng TV, hoangphuc910, Hoang Vu Le, Chi Ho, Huỳnh Linh, LEMINH PAUL, Trần Minh Sang, Ying Yoh, Isaak Vanthomme, tuan_csdn, Huong Nguyen, nhatminh, Hưng Thơ, Nguyễn Hoàng, Trường THCS Tân Long, dai le vinh, Lâm Mai Vĩnh nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Đảo Cồn Cỏ
Toàn cảnh đảo Cồn Cỏ (Ảnh – Yamaha Trung Tá)
Cồn Cỏ là một hòn đảo nằm giữa biển Đông, cách đất liền khoảng 30km, có diện tích 2,3km2. Trong kháng chiến trống Mỹ cứu nước, đây là điểm tiền tiêu kiên cường, anh dũng với nhiều lần lập nên chiến công vang dội, được hai lần tuyên dương là đảo anh hùng.
Những thế kỷ đầu công nguyên, Cồn Cỏ đã từng là địa bàn mà cư dân Chăm Pa đặt chân đến. Trong các thể kỷ 17-18, trên con đường giao lưu buôn bán, Cồn Cỏ được cư dân Đại Việt xem như là một điểm dừng chân, một báu vật của thiên nhiên ban tặng cho ngư dân các vùng biển gần xa nghỉ ngơi hoặc chở che khi biển nổi cơn giận dữ.
Được thiên nhiên ưu đãi, đảo Cồn Cỏ có thảm thực vật, hệ sinh thái biển đa dạng cùng những rặng san hô tuyệt đẹp, đặc biệt ở đây có san hô đỏ lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta. Đi cùng với san hô là hệ động thực vật, nhuyễn thể, giáp xác phong phú như rong biển, sao xanh, hải sâm và nhiều thủy hải sản có giá trị khác. Môi trường tại đảo trong lành và vẻ đẹp hoang sơ, Cồn cỏ sẽ là địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá biển hấp dẫn đối với du khách.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch đảo Cồn Cỏ (Cập nhật 2/2023)
Nghĩa trang Quốc gia Đường 9
Nghĩa trang đường 9 nhìn từ trên cao (Ảnh – cuong nguyen)
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là một trong những nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn nhất ở Việt Nam, nằm bên cạnh đường quốc lộ 9, trên một vùng đồi cách trung tâm Tp Đông Hà. Đây là nơi yên nghỉ của khoảng một vạn anh hùng, liệt sĩ phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong chiến tranh Việt Nam.
Thành cổ Quảng Trị
Một phần của Thành cổ Quảng Trị hiện nay (Ảnh – dong.johnny.95)
Theo tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc phường 2, thị xã Quảng Trị). Ban đầu thành được đắp bằng đất, tới năm 1837 vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có dạng hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào, bốn góc thành là 4 pháo đài nhô hẳn ra ngoài. Thành được xây theo lối kiến trúc thành trì Việt Nam với tường thành bao quanh hình vuông được làm từ gạch nung cỡ lớn; kết dính bằng vôi, mật mía và một số phụ gia khác trong dân gian. Thành trổ bốn cửa chính ở các phía Đông, Tây, Nam, Bắc.
Trong những năm 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao ở đây và biến nơi đây thành nơi giam cầm các những người có quan điểm chính trị đối lập.
Trong chiến tranh Việt Nam, nơi đây là một trong những nơi có những trận đánh lớn. Sau chiến dịch Thành Cổ “chiến dịch Xuân – Hè 1972” toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào bên ngoài chi chít vết bom đạn.
Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Quảng Trị
KHÁCH SẠN
Khách sạn Mường Thanh Grand Quảng Trị
Địa chỉ: 68 Lê Duẩn, Phường 2, Tp Đông Hà, Quảng Trị
Điện thoại:
0233 3898 888
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
Sai Gon Dong Ha Hotel
Địa chỉ: 01 Bùi Thị Xuân, Phường 2, Tp Đông Hà, Quảng Trị
Điện thoại:
0233 3577 888
Xem giá phòng ưu đãi từ:
NHÀ NGHỈ
Thanh Thuy Guesthouse
Địa chỉ: 538 Quốc lộ 9, Phường 5, Tp Đông Hà, Quảng Trị
Điện thoại:
0121 940 6005
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
Golden Quang Tri Hotel
Địa chỉ: 297 Lê Duẩn, Phường 5, Tp Đông Hà, Quảng Trị
Điện thoại:
0233 3798 999
Xem giá phòng ưu đãi từ:
KHÁCH SẠN
Khách sạn Phụng Hoàng
Địa chỉ: 146 Lê Duẩn, Tp Đông Hà, Quảng Trị
Điện thoại:
0233 3854567
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Vĩnh Linh
Bãi biển Cửa Tùng
Bãi tắm Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh từng được người Pháp mệnh danh là “Nữ hoàng của các bãi biển” vì bãi cát mịn với những ngầm đá nhô ra biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây nay, bãi tắm này bị xói lở nghiêm trọng, ngày một thu hẹp và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Địa đạo Vịnh Mốc
Địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) là một công trình quân – dân sự trong Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo gồm có 3 tầng: tầng thứ nhất sâu 12 m, dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn, tầng thứ hai cách mặt đất 15 m, được dùng làm nơi ở và sinh hoạt của nhân dân và tầng cuối cùng sâu 23 m, được dùng để cất giấu lương thực và vũ khí. Ngay cả tầng sâu nhất, 23 m vẫn còn cao hơn mực nước biển đến 3 m, nên mọi sịnh hoạt trong địa đạo vẫn diễn ra bình thường vào mùa mưa. Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có bảy cửa thông ra biển, sáu cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi.
Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải
Năm 1954, sau khi để thua trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Pháp và các bên liên quan công nhận độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam theo Hiệp định Genève. Sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới chia Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự.
Cũng bình thường như bao mảnh đất khác ở khắp miền đất nước, song đến khi hai miền bị chia cắt trong cuộc chiến (1954 – 1975) thì dòng sông Bến Hải và mảnh đất đôi bờ trở nên nổi tiếng. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “nhân chứng lịch sử” trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước. Cụm di tích gồm tại đôi bờ Hiền Lương: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17…
Mũi Trèo
Mũi Trèo thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, nơi này có độ cao từ 25 – 30m so với mặt biển, gồm mô đất, đá nhô ra phía biển. Ở bên dưới là bờ biển với bãi cát đẹp, trải dài khoảng 4km từ xã Vĩnh Thạch đến xã Vĩnh Thái.
Ngay phía sau Mũi Trèo là khu rừng nguyên sinh rú Bàu rộng 57ha với nhiều loại cây gỗ quý. Vì cảnh quan đẹp, nên địa điểm này thu hút nhiều người dân đến tham quan, dã ngoại, đặc biệt là giới trẻ.
Mũi Lay
Mũi Lay, còn có tên gọi khác là Mũi Lai, là một mũi đá lấn ra biển khoảng 500m thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch trực thuộc Vĩnh Linh, cách Cửa Tùng khoảng 7km về phía Bắc. Mũi Lay được người dân trong vùng và người đi biển biết tới vì có ngọn đèn biển (hải đăng) Mũi Lay khá cao nằm trên đất liền. Chỗ này cách Mũi Trèo khoảng gần 5km theo các tuyến đường liên xã Vĩnh Kim, khu vực bãi biển dưới Mũi Lay cũng đẹp không kém Mũi Trèo, các bạn nhớ đến cả 2 địa điểm này.
Khu Danh thắng ĐakRông
Khu danh thắng Đakrông nằm ngay Quốc lộ 9 đoạn Km50. Khu danh thắng Đakrông là tên gọi chung để chỉ cụm di tích – danh thắng thuộc địa phận xã Đakrông – huyện Đakrông, bao gồm: Cầu treo Đakrông; Dãy núi Ta Lung, núi Klu; Suối nước nóng Klu – nơi có di chỉ khảo cổ; Bản dân tộc Vân Kiều – bản Xa Lăng và bản Klu; và là điểm khởi đầu 14A – con đường huyền thoại Trường Sơn, Quốc lộ 9 đoạn Km50.
Cầu treo ĐakRông
Sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt – Lào hợp với sông Rào Quán, chảy dọc theo Đường 9, xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn. Đoạn chảy qua Cầu treo Đakrông được xem là đoạn sông đẹp nhất, nước chảy uốn lượn, quanh co, men theo dưới những chân núi cao dựng đứng hai bên bờ. Cầu treo Đakrông được xem là điểm trung tâm của khu di tích – danh thắng, tạo điểm nhấn cho bức tranh khung cảnh trùng trùng điệp điệp của núi rừng miền Tây Quảng Trị
Suối nước nóng Klu
Suối nước nóng Klu chảy từ thượng nguồn ngọn núi Đồng Cho, không quá cao nhưng vừa đủ để tạo nên một dòng chảy lôi cuốn lạ kỳ. Theo người Vân Kiều, Klu có nghĩa là “dừng lại nghỉ ngơi”, bởi lẽ đó mà dòng suối này có nhịp nước vừa phải, rất vừa để tắm. Những ngày hè nóng bức, ta có thể chọn vùng nước mát để thỏa sức vẫy vùng. Những người muốn ngâm mình trong dòng nước nóng hay vào mùa đông lạnh giá, Klu lại “chiều lòng” bằng một thứ quà khác lạ, mạch nước nóng vừa đủ ấm để ngâm mình sảng khoái.
Gio Linh
Bãi biển Cửa Việt
Bãi biển Cửa Việt nằm ở thôn Tân Lợi, xã Gio Việt, huyện Gio Linh cách Tp Đông Hà 15km về phía Đông Nam, cách đường xuyên Á khoảng 1km về phía Bắc. Bãi biển trải dài khoảng hơn 1km từ cửa Tùng đến mũi Hàu. Biển Cửa Việt nổi tiếng với những bãi cát trải dài phẳng mịn, ven những hàng phi lau xanh tốt.
Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sĩ Việt Nam, trên tuyến đường Trường Sơn – còn đường gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang được xây dựng tại khu vực Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, ranh giới phân đôi đất nước thời chiến tranh Việt Nam. Đây là nơi Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chọn. Đây là một trong 72 nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị.
Đồi cát vàng Nhĩ Hạ
Nằm cách quốc lộ 1A, 10 km về phía Đông, đồi cát vàng thuộc địa phận thôn Nhĩ Hạ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong số rất ít đồi cát còn sót lại, có màu sắc rất đặc biệt – màu vàng óng ánh tuyệt đẹp. Đồi Cát vàng có độ cao tầm 40m, nằm cách bãi tắm Gio Hải khoảng 3km và Khu du lịch bãi tắm Cửa Việt khoảng 6km về phí Tây. Một điều đặc biệt là do đồi cát vàng nằm giữa đồng bằng nên đứng trên đỉnh đồi chúng ta có thể quan sát được hầu như phong cảnh xung quanh. Vào những buổi sáng sớm có thể ngắm bình minh của biển, hay những lúc chiều tà chúng ta đều có thể ngắm được cảnh hoàng hôn của núi.
Căn cứ Cồn Tiên – Dốc Miếu
Dốc Miếu – nằm ở quốc lộ 1A thuộc địa phận Gio Linh. Năm 1947. Dốc Miếu là nơi Pháp đã đóng chốt quân sự để án ngữ quốc lộ 1A, và được gọi là Ba Dốc. Cồn Tiên (xã Gio Sơn)- Dốc Miếu (xã Gio Phong) là hai đầu của hàng rào điện tử Macnamara, nên thường được đi cùng với nhau khi nói đến trong chiến tranh Việt Nam Dốc Miếu là căn cứ đầu tiên của Mỹ, gần vùng phi quân sự nhất, được xem là “con mắt thần” của Hàng rào điện tử McNamara.
Sau năm 1954, chính quyền Miền Nam và Mỹ xây dựng Dốc Miếu thành một cứ điểm quân sự lớn nhất Gio Linh với kinh phí lên đến 800 triệu USD, biến Dốc Miếu trở thành một căn cứ quân sự quan trọng về pháo binh để đánh vào các mục tiêu của miền Bắc Việt Nam.
Hải Lăng
La Vang
Vương cung thánh đường Đức Mẹ La Vang tọa lạc ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Đây là một trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam. Nhà thờ được Giáo hoàng Gioan XXIII tôn phong là vương cung thánh đường qua Sắc chỉ Magnonos ngày 22 tháng 8 năm 1961.
Bãi biển Mỹ Thủy
Bãi biển Mỹ Thủy thuộc xã Hải An, huyện Hải Lăng cách Quốc lộ 1A khoảng 14 km về phía Đông. Đây là bãi biển có bãi cát trắng dài, phẳng mịn và sạch, nước trong xanh, mang trong mình đầy vẻ nguyên sơ với sự duyên dáng đến kỳ lạ.
Trằm Trà Lộc
Trằm Trà Lộc thuộc địa phận làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, cách QL 1A (ngã tư La Vang) 5km theo hướng Đông Nam. Trằm theo cách gọi của nhân dân địa phương là bàu nước, còn có tên là bàu Giàng, với diện tích mặt nước khoảng 10 ha, xung quanh là rừng nguyên sinh và thảm thực vật rộng 100 ha, Trằm ở giữa một vùng tiếp giáp đồi cát và vùng đồng bằng ruộng trũng. Đây là nơi hội tụ các mạch luồng, mạch nước từ trong các cồn cát tiết ra, dẫn về theo vô số các lạch nhỏ.
Đặc biệt, bên trong khu vực Lùm Giàng, phía Tây bắc Trằm Trà Lộc trước đây đã từng có một đền tháp Chăm tồn tại nhưng ngày nay chỉ là phế tích, rải rác đây đó là một vài mảnh gạch vỡ còn sót lại. Phía trước ngôi miếu Bà Giàng vẫn còn hiện hữu một bệ Yoni bằng đá sa thạch. Người Việt ở làng Trà Lộc đến định cư, lập làng ở vùng này (cuối thế kỷ XV) khi mà ngôi tháp đã bị đổ nát. Họ xây cất lên đó một ngôi miếu để thờ phụng lại chính thần linh xưa của người tiền chủ. Và chính họ cũng đã mô phỏng lại “chân dung” của vị thần Siva – biểu tượng bằng Linga – với ít nhất là hai “chỏm hình cầu” bằng vôi gắn vào giữa Yoni để thờ phụng với mục đích cầu mong sự tốt đẹp cho mùa màng, sự sinh sôi nãy nở cho muôn vật, muôn loài.
Hướng Hóa
Sân bay Tà Cơn
Sân bay Tà Cơn là tên gọi để chỉ một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966 – 1968, là mắt xích quan trọng của tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Ðịa danh này gắn với chiến dịch Khe Sanh năm 1968. Hiện nay, di tích nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa cách đường Trường Sơn (đường 14 nối từ Khe Sanh vào Hướng Lập) hơn 400m.
Cửa khẩu Lao Bảo
Cửa khẩu Lao Bảo là một cửa khẩu của Việt Nam trên đường biên giới giữa Việt Nam và Lào, thuộc huyện Hướng Hóa. Đối diện với cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ở bên kia đường biên giới là cửa khẩu Den Savanh của Lào. Cửa khẩu Lao Bảo nằm trên quốc lộ 9 từ Đông Hà sang Lào, cách thành phố Đông Hà khoảng 80 km, và ngay cạnh sông Sepon. Đối diện với Khu kinh tế – thương mại đặc biệt Lao Bảo qua đường biên giới là Khu thương mại biên giới Den Savanh của Lào. Hai khu này là một nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Nhà tù Lao Bảo
Nhà tù Lao Bảo nằm ở Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, được xây dựng ở giữa một thung lũng cách phía nam Quốc lộ 9 khoảng 2km, cách Đông Hà khoảng 80km, cách Khe Sanh khoảng 22km. Trước đó, đây là một vùng hoang vu, phía Tây là sông Sê Pôn, phía Đông là núi đá cao chót vót, phía Bắc là đồn Trấn Cao thời Nguyễn.
Trong chiến tranh Đông Dương, nhà tù Lao Bảo giữ một vị trí rất quan trọng. Đây là một trong năm nhà tù lớn nhất của Đông Dương, thực dân Pháp dùng nơi đây để giam cầm những người bản xứ chống lại họ, những người cộng sản hoạt động ở Quảng Trị như: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dục, Trần Hoành, Lê Thế Hiếu, Trần Ngang, Đoàn Lân, Trần Công Ái…, miền Trung Việt Nam như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, thậm chí còn giam giữ cả những người Lào.
Thác Chênh Vênh
Thác Chênh Vênh thuộc địa phận xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Từ thành phố Đông Hà, men theo quốc lộ 9, lên Khe Sanh, rẽ vào đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 27km, thác Chênh Vênh nằm ngay dưới chân đèo Sa Mù, là địa điểm nghỉ ngơi, cắm trại, dã ngoại lý tưởng.
Động Prai
Động Prai nằm ở phía Tây Trường Sơn, thuộc địa phận thôn A Xốc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo 90 km, cách thị trấn Khe Sanh 70km, cách thành phố Đông Hà 150 km về phía Tây Bắc.
Theo người dân ở đây cho biết, Động Prai được phát hiện từ lâu. Vào thời chiến tranh ác liệt, người dân và bộ đội từng vào hang để tránh bom đạn của kẻ thù. Từ khi kết thúc chiến tranh đến nay, vẻ đẹp của hang Brai chỉ được biết đến qua lời “truyền miệng”. Lâu lắm, mới có vài du khách “phượt” hoặc dân bản địa tự lần mò vào hang để khám phá. Đường vào hang Prai khá thuận lợi. Chỉ cần ven theo dòng Sêbănghiêng – dòng sông chảy ngược nổi tiếng khoảng 1km là đến ngọn núi Prai. Leo núi tầm 100 mét là đến cửa hang…
Động Prai càng vào sâu càng rộng; thạch nhũ đồ sộ, tráng lệ nhiều màu sắc với hình thù độc đáo; có bãi đá rộng nguyên sơ; không khí trong lành, mát mẻ. Động Prai có cấu trúc của một hang động điển hình, là loại hang khô, và có đoạn ngập nước; được tạo thành từ những núi đá vôi; bên trong có nhiều măng đá, tảng đá mòn, các hồ đá bìa… với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Càng vào trong hang càng rộng, có nhiều khối thạch nhũ đồ sộ với tuổi thọ hàng trăm năm.
Thác Tà Puồng – Động Tà Puồng
Từ cầu Se-bang-hieng, đi ngược đường Hồ Chí Minh theo đường mòn và dọc theo suối khoảng 20 phút tới động ướt Tà Puồng.
Đoạn đường tới động Tà Puồng các bạn vừa phải lội suối, vừa phải băng rừng, vừa phải leo dốc cao mới đến được cửa động. Động có cửa rộng, trần cao, lòng rộng, một bên là dòng sông ngắn chảy ra, một bên cát bồi thành bãi rộng, lòng sông có đoạn rộng 4-5m, độ sâu không đồng đều, có nơi lội qua, có nơi sâu 2-3m phải bơi dọc sông để vào sâu. Khối lượng thạch nhũ động Tà Puồng không nhiều nhưng thiên nhiên ưu ái kiến tạo nên nhiều hình thù rất đặc sắc, độc đáo.
Từ cửa động Tà Puồng, men theo suối về hạ nguồn khoảng 10 phút, sẽ đến thác Tà Puồng. Thác nước có độ cao 30-35m, có lưu lượng nước lớn, duy trì quanh năm. Nước chảy mạnh đến nỗi, dù đứng cách xa chân thác nhưng vẫn cảm nhận được những tia nước va vào đá bắn vào người mát lạnh.
Thác Ồ Ồ
Thác Ồ Ồ thuộc xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Đến với thác du khách sẽ được trải mình vào dòng nước mát lạnh quanh năm, không khí thiên nhiên trong lành mát mẻ. Thác cao khoảng 40m, có 3 tầng, đường lên các tầng thác khá thuận lợi với các bậc thang đá.
Dưới chân thác là làng văn hóa Xi Núc của người Vân Kiều với đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán đặc sắc vẫn được lưu giữ đến ngày nay.
Cam Lộ
Chùa Cam Lộ
Cách thành phố Đông Hà 10km, giáp đường Hồ Chí Minh, đọan đi qua Cam Lộ, bên dòng sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị, ngôi chùa Cam Lộ uy nghiêm hùng vĩ với kiến trúc hài hòa, trầm mặc trên vùng đất đã từng gánh chịu nhiều khốc liệt của chiến tranh. Chùa Cam Lộ hiện đang giữ kỷ lục “Ngôi bảo tháp Giác Nhiên thờ Phật và Xá lợi Phật cao nhất Việt Nam”.
Chợ phiên Cam Lộ
Chợ Phiên Cam Lộ, huyện Cam Lộ được nhóm họp vào các ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba và hai tám âm lịch hàng tháng. Chợ Phiên không chỉ thuần túy là một thị trường buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Cách thức trao đổi hàng hóa trong một không gian có cả chợ lẫn đình. Trải qua bao nhiêu biến thiên dâu bể song chợ Phiên Cam Lộ vẫn còn giữ được nét văn hóa vốn có của nó và duy trì hình thức sinh hoạt chợ phiên. Cứ tới các ngày họp chợ, các sản vật, hàng hoá từ những làng quê, phố phường… theo các ngả đường bộ, đường sông vẫn đổ về tấp nập và vẫn kẻ bán người mua sầm uất, nhộn nhịp như ngày xưa.
Chợ Phiên Cam Lộ ngày xưa được ví như một Tiểu Trường An. Được thành lập từ năm 1621, là trung tâm thương mại lớn nhất nhì của vùng đất Thuận Hóa từ thế kỷ 17, 18. Khi ấy chợ Phiên đã là chợ “quốc tế” với trên bến dưới thuyền, một thị trường thông thương từ Cửa Việt lên chợ Phiên Cam Lộ nối thẳng sang Lào. Thị trường nội địa đã tạo mối liên kết đặc biệt để chợ Phiên trở thành trung gian giữa Cửa Việt và Lao Bảo ngày nay. Thời đó, phụ nữ đi chợ Phiên thường mặc áo dài, vừa thể hiện sự duyên dáng vừa là nét văn hóa của người bán và người mua, đi chợ cũng là đi lễ hội.
Bãi biển Gia Đẳng
Bãi tắm Gia Đẳng thuộc xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Đây từ lâu vốn gắn bó với làng làm nước mắm Gia Đẳng, mới được khai thác thành bãi tắm cho khách được vài năm. Biển Gia Đẳng nước xanh trong, sóng nhẹ. Các dịch vụ đơn giản cùng cuộc sống gắn bó với người dân làng chài lưới.
Tìm trên Google
- các điểm du lịch ở quảng trị 2023
- chơi gì ở quảng trị
- thắng cảnh đẹp ở quảng trị
- di tích lịch sử ở quảng trị
- quảng trị có địa danh gì
5/5 – (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Trị
QUẢNG TRỊ
Quảng Trị là một tỉnh ven biển thuộc vùng cực Bắc Trung Bộ Việt Nam. Trong những năm Chiến tranh Việt Nam, đây là một trong những nơi bị thả bom nhiều nhất bởi là ranh giới của hai miền. Ngày nay Quảng Trị là nơi có nhiều địa danh, di tích lịch sử và có nhiều tiềm năng du lịch. Tuy với một diện tích không rộng, người không đông nhưng do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên Quảng Trị đã và đang giữ vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ và khai thác biển Đông, giao lưu giữa hai miền Bắc – Nam của đất nước cũng như lưu thông thuận lợi với các nước phía tây bán đảo Đông dương, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và thế giới qua Lao Bảo – hành lang quốc lộ số 9 ra cảng Cửa Việt.
Bạn có biết: Quảng Trị là nơi có khu phi quân sự vĩ tuyến 17, chia cắt hai miền Nam Bắc trong suốt 20 năm chiến tranh Việt Nam.
- Diện tích: 4.739,8 km²
- Dân số: 612.500 người
- Vùng: Bắc Trung Bộ
- Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, và 8 huyện
- Mã điện thoại: 233
- Biển số xe: 74