Các hoạt động tháng 4 “Rực rỡ sắc màu các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa
Hoạt động tháng 4 với sự tham gia của khoảng 100 người của 13 dân tộc đang hoạt động hằng ngày, là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Nghệ An), Thái (Sơn La), Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (TP. Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng). Cùng khoảng 45 người của các dân tộc Mông, Dao, Thái (Sơn La) và khoảng 23 – 30 nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam…
Điểm nhấn hoạt động văn hóa trong dịp nghỉ lễ từ 30/4 – 3/5 là “Chợ phiên vùng cao – Sơn La điểm hẹn”. Không gian sinh hoạt tại chợ là sắc màu văn hóa của các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc với khoảng 10 gian hàng của tỉnh Sơn La, gồm: Rau củ quả, thịt trâu treo gác bếp…; không gian giới thiệu ẩm thực: Thắng cố, mèn mén, rượu ngô Mộc Châu, xôi màu… Đặc biệt là không gian điểm nhấn múa khèn bên chảo thắng cố do chính những chủ thể văn hóa – đồng bào dân tộc Mông tỉnh Sơn La trình diễn; 2 gian hàng quảng bá du lịch với chủ đề “Sơn La hãy đến và cảm nhận”.
Phụ nữ Ba Na dệt thổ cẩm
Cũng ngay tại không gian chợ biểu diễn Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách, như giã bánh giày, đánh quay (tu lu), leo cột, đẩy gậy…
Đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La sẽ giới thiệu nghệ thuật khèn Mông. Nghệ thuật múa khèn của dân tộc Mông vô cùng độc đáo thể hiện sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra.
Đồng bào dân tộc Dao tái hiện Tết nhảy. Theo tục lệ, Tết nhảy tổ chức tại “Nhà cái” (nhà có bàn thờ tổ). Đây là việc của mỗi gia đình, nhưng cả bản chung tay góp sức, nên được coi như Tết chung của cả bản, làng. Tết nhảy gồm hai phần lễ và hội đan xen nhau. Người hành lễ vừa cúng vừa múa và đọc thơ.
Đồng bào dân tộc Thái tái hiện Lễ hội cầu mưa. Nghi thức Lễ hội cầu mưa được thầy cúng đảm nhiệm và mọi người dân trong bản tập trung cầu nguyện. Lễ hội cầu mưa của người Thái không những gửi thông điệp mong muốn mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no của người nông dân mà còn khẳng định rằng con người và thiên nhiên có sự gắn kết, ràng buộc lẫn nhau.
Đồng bào dân tộc tại Làng chung vui “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2021”
Vào các dịp cuối tuần, các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa sẽ giới thiệu, giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray, loại hình kịch Rô băm, Xa za van; tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống; tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc…
Bên cạnh đó, còn có các chương trình dân ca dân vũ “Tự hào con cháu Rồng tiên”, “Rực rỡ sắc màu” và chương trình nghệ thuật múa rối nước của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
Các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian… nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam vẫn diễn ra, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến vui chơi. Đặc biệt trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 Âm lịch, tức ngày 10/4/2022) tăng cường các hoạt động hướng tới ngày Giỗ Tổ.
Theo Ban tổ chức, các hoạt động tổ chức thích ứng linh hoạt, hiệu quả bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.