Các làng nghề – tham quan chùa và di tích lịch sử Tiền Giang

Điểm Tham Quan Các Làng Nghề Du Lịch Tiền Giang

1. Làng Nón Bàng Buông

Ở tỉnh Tiền Giang , những làng nghề truyền thống về đan đát tập trung ở nhiều xã của huyện Châu Thành như: làng nghề truyền thống bàng buông Thân Cửu Nghĩa, làng nghề truyền thống bàng buông và thủ công mỹ nghệ xã Tân Lý Đông, làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ xã Tân Lý Tây và làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định. Với bốn làng nghề truyền thống này, chiếm 1/3 số làng nghề của toàn tỉnh, Châu Thành được xem là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh Tiền Giang

Mặc dù nằm sát Quốc lộ 1A, gần trung tâm huyện Châu Thành, nhưng nhiều hộ dân ở xã Thân Cửu Nghĩa vẫn gắn liền với nghề trồng lúa, trồng rau và nuôi cá. Bên cạnh đó, nghề đan nón truyền thống vẫn phát triển ổn định. Gần đây, sản phẩm nón bàng buông của bà con xã Thân Cửu Nghĩa được xuất khẩu đi nhiều nước. Ngoài ra, Thân Cửu Nghĩa còn rất nổi tiếng với những mô hình trồng màu, đặc biệt là rau má. Nơi đây được xem là địa phương có diện tích rau má lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

Mỗi nghề đều có lịch sử gắn liền với vùng đất và con người. Thuở xưa, khi cha ông khai khẩn vùng đất phương Nam, những cây bàng, cây năng, cây lát đã có mặt từ rất lâu trên vùng hoang hóa, phèn mặn và mỗi loại đều có công dụng riêng của nó. Trong đó, lá bàng được sử dụng nhiều trong đời sống thường ngày như đan giỏ, manh, bao, nóp, gối. Và chiếc nón bàng cũng ra đời từ chính nhu cầu cuộc sống. Về sau, ngoài lá bàng, nón còn được đan bởi nhiều nguyên liệu khác nhau như lác, lá buông. Điều thú vị là cả ba loại nguyên liệu này có thể kết hợp với nhau, tạo nên những chiếc nón rất đẹp, được bày bán tại các khu du lịch và mang đi xuất khẩu. Vì vậy, người dân ở đây gọi chung là nón bàng buông.Ở làng nghề nón này chia thành hai khu vực rõ rệt. Các xã Tân Lý Đông, Tân Lý Tây thì tập trung đan nón bằng nguyên liệu bàng, còn ở xã Thân Cửu Nghĩa thì tập trung đan bằng lá buông. Hiện tại, trên địa bàn xã Thân Cửu Nghĩa có trên 400 hộ với hàng ngàn lao động làm nghề truyền thống này, nhưng chỉ có khoảng 10% số hộ có khả năng làm nan. Khâu làm nan cho lá buông khá nhẹ nhàng, không cần phải khéo tay và cũng chẳng cần đến máy móc, thiết bị. Người thực hiện khâu này chỉ cần vài lưỡi dao sắc, gắn vào chỗ cố định và thao tác nhanh và cẩn thận.

2. Làng Nghề Làm Mắm Chà

Đến những làng nghề làm mắm tôm ở Gò Công mới biết, để làm nên một hũ mắm tôm chất lượng phải rất công phu. Tôm tươi đánh bắt về phải rửa thật sạch, làm sạch và loại bỏ đầu, tẩm ướp với rượu muối, rồi quết thật nhuyễn đem phơi nắng 3 ngày. Sau khi phơi xong, những người dân ở đây dùng rây để ép lấy thịt, cho gia vị vào, đem phơi nắng tiếp nửa tháng, rồi đem vào trong mát ủ hơn nửa tháng nữa mới hoàn thành một hũ mắm tôm. Với tầm 4 kí tôm tươi thì làm ra được một kí mắm tôm nguyên chất. Bên cạnh mắm tôm chà nổi tiếng, ở những làng nghề làm mắm tôm còn có mắm tôm chua muối, với cách thức tẩm ướp, ngâm tôm nguyên con cầu kì, tạo nên một hương vị được rất nhiều người mê.

Tìm hiểu về mắm tôm, bạn sẽ biết một điều khá thú vị rằng, trong lịch sử món mắm tôm này từng là thức ăn cung đình, vua chúa rất yêu thích. Vì thế, đâu đó trong không gian văn hóa ẩm thực Việt, mắm tôm là thành phần gia vị có vị trí rất riêng, không dễ có gia vị nào thay thế cũng như không thể loại bỏ nó. Quay trở lại món mắm tôm của đất Gò Công, nghề làm mắm tôm ở xứ này là một nghề truyền thống, nhiều người dân ở đây ăn nên làm ra từ nghề này. Những cái tên như mắm tôm Bà Hai đã thành thương hiệu quen thuộc với nhiều người.

Đến thăm làng nghề ở đây, du khách sẽ được biết thêm, mỗi gia đình đều có những bí quyết riêng tạo nên mắm tôm thơm ngon nhất. Mắm tôm Gò Công vì thế ngon đặc biệt và phong phú, trở thành mặt hàng không chỉ được ưa chuộng trong vùng, trong nước, mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

3. Làng Nghề Thủ Công Mỹ Nghệ Ở Gò Công

Đây là những làng nghề được hình thành từ lâu, không ít làng nghề được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo được làm từ những vật liệu đậm chất miền tây sông nước như lục bình, lác, cói…dệt thành chiếu vừa bền vừa đẹp. Hay các món quà lưu niệm xinh xắn với rất nhiều hình thù đáng yêu được là từ quả dừa khô.

Những sản phẩm đẹp mắt này luôn được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Hãy tìm về xã Tân Lý để tìm hiểu những người dân ở đây làm nghề đan bàng buông, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn cũng như cái tình cảm của họ gắn với nghề này. Hãy về làn dệt chiếu Long Định, nơi hình thành nghề đã hơn 50 năm và ngày càng phát triển hơn, đến giờ từ già trẻ gái trai ai ai cũng biết dệt chiếu.Hãy về với làng nghề sản phẩm thủ công tủ thờ Gò Công với nhiều nét tinh tế, được dồn nhiều tâm huyết làm nên một giá trị độc đáo, riêng biệt.

Cái hay của những làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Tiền Giang là tất cả mọi người đều có thể tham gia cùng làm. Họ không đặt nặng vấn đề phải làm như một nghề lo cơm áo gạo tiền mà họ làm theo thói quen, theo niềm yêu mến với nghề. Nên những làng nghề ở đây lúc nào cũng rộn ràng, người nghệ nhân luôn vui vẻ nói cười, tất cả tạo nên một nét văn hóa làng nghề rất độc đáo.

4. Làng Dệt Chiếu Long Định

Làng Long Định thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nổi tiếng khắp vùng miền Tây Nam Bộ với nghề dệt chiếu hoa. Nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nên ngoài thị trường trong nước, chiếu Long Định còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ. Nếu ai đã từng có dịp về Tiền Giang, đi qua Quốc lộ 1, đoạn cách ngã ba Trung Lương khoảng gần chục cây số, ắt sẽ thấy một tấm biển lớn đề mấy chữ “Làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định kính chào quý khách”.

Từ vị trí tấm biển ấy, rẽ vào lối tỉnh lộ 867, đi độ nửa cây số là tới làng Long Định. Từ đầu làng đã thấy cảnh chiếu, cói phơi đầy hai bên đường. Từng đám cói trắng ngà hoặc đã được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng được phơi khô cong dưới cái nắng vàng mùa hạ. Đi sâu vào làng, chỗ nào cũng nghe rộn ràng lách cách tiếng thoi đưa dệt chiếu.Tiếng là nghề truyền thống nhưng nghề làm chiếu ở Long Định mới có chừng khoảng hơn 50 năm nay. Nghề do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn – Ninh Bình ngoài Bắc di cư vào Nam hồi năm 1954 đem vào. Vì thế, kĩ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kĩ thuật làm chiếu thường thấy trong Nam. Chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn.

Làm chiếu cũng giống như trồng lúa, tức phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Hàng năm, cứ vào thời điểm mùa khô, tức khoảng từ tháng 1 tới tháng 4 dương lịch, làng chiếu Long Định lại vào vụ sản xuất chính. Cực nhất là tháng 5, tháng 6, khi mùa mưa đến, nghề làm chiếu lại phải tạm dừng chờ đến mùa khô năm sau. Khó khăn là thế nhưng người làm chiếu ở Long Định vẫn chịu thương chịu khó bám trụ với nghề, bởi mức thu nhập của nghề làm chiếu vẫn khá hơn so với nghề trồng lúa.

Hiện nay, ở Long Định có khoảng gần 1000 hộ dân mưu sinh bằng nghề dệt chiếu, giải quyết được việc làm thường xuyên cho khoảng vài ngàn lao động ở địa phương. Chị Trần Thị Bạch Tuyết, một người có thâm niên hơn 40 năm kinh nghiệm làm chiếu ở Long Định cho biết, trước đây dệt chiếu theo lối thủ công, mỗi tháng một người thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Bây giờ, nhiều nhà đầu tư máy dệt chiếu, năng suất cao hơn, chất lượng chiếu tốt hơn nên thu nhập cũng cao hơn trước rất nhiều, có tháng lên tới 12 – 15 triệu đồng. Người nào không có vốn thì đi làm thuê, ngày dệt 4 – 5 đôi chiếu, kiếm vài chục ngàn đồng coi như cũng đủ lo cho cuộc sống trong ngày của bản thân.Để sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường, hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu cói truyền thống, dân làng Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô, một loại nguyên liệu khá phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, trong quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Tiền Giang, việc đầu tư và phát triển các làng nghề truyền thống được xem như một hướng đi quan trọng nhằm giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Chính vì vậy, năm 2007, tỉnh Tiền Giang đã quyết định chọn làng nghề dệt chiếu Long Định làm làng nghề điểm của tỉnh. Sau khi được công nhận làng nghề và đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, nghề làm chiếu thực sự trở thành nguồn thu nhập chính trong đời sống của người dân Long Định. Nhờ có nghề chiếu, cuộc sống của người dân Long Định được nâng cao, xóm làng khang trang, nhà cửa sạch đẹp hơn trước rất nhiều.

5. Bia Lưu Niệm Căn Cứ Tỉnh Ủy Mỹ Tho

Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho thuộc địa phận ấp Mỹ Lợi A, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho nằm cách trung tâm huyện Cai Lậy khoảng 13km về hướng Nam. Bạn có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy đều có thể đến đây.Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho được xây dựng trong khuôn viên 527 mét vuông, trên nền cao khoảng 1m. Hình ảnh thanh gươm cao hơn 5m chỉ thẳng lên trời đã tượng trưng cho sức mạnh hào hùng chiến đấu của toàn quân dân. Phía sau thanh gươm là hình lá cờ đỏ thắm được tô vẽ cách điệu. Trên nền lá cờ có in dòng chư “Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho thời chống Mỹ”. Bên dưới lưỡi gươm là thiết kế đã tái hiện lại những chiếc hầm lớn nhỏ, nơi đây là nơi bảo vệ những chiến sĩ trong khi chiến đấu chống lại kẻ thù. Trên nóc hầm là hình 5 vòng tròn biểu tượng của những thân dừa chịu đựng bom đạn, khói lửa chiến tranh.

Xung quanh Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho có những chậu hoa kiểng được tỉa tót, trang trí ngay ngắn, trang nghiêm. Màu hoa rực rỡ khoe sắc để tôn lên vẻ hào hùng lịch sử. Phía trước bia là khoảnh sân có lát gạch men để du khách tham quan có thể đến gần bia tưởng niệm. Cuộc kháng chiến hào hùng của quân đội qua những ngày chống giặc gian khổ, đã được lưu lại bằng Bia lưu niệm căn cứ, giúp các thế hệ sau trông đến để luôn nhớ những cực khổ hy sinh của ông cha trong công cuộc bảo vệ đất nước. Không chỉ nhắc nhở về mảnh đất anh hùng, mà đến đây du khách còn được nghe người dân địa phương nhắc về từng gương mặt hiền lành, chất phác đã ra sức cưu mang, đùm bọc chiến sĩ suốt cuộc đấu tranh trường kỳ.

6. Tượng Đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân

Ông sinh năm 1830 trong gia đình trung lưu ở Tiền Giang. Ông là người nổi tiếng thông minh, học giỏi, đậu thủ khoa ở trường Gia Định nên người trong vùng gọi ông là thủ khoa Huân. Ông tham gia cùng Trương Định hoạt động chống Pháp trên địa bàn từ Tân An đến Mỹ Tho. Bị thất thủ, ông từng trở về Chợ Gạo xây dựng căn cứ mới là Bình Cách. Ông cùng nghĩa quân liên tiếp mở các cuộc tấn công ở Cái Thia, Cái Bè, Cai Lậy, Rạch Gầm, Trung Lương, Tân Lý… khiến cho binh lực Pháp hao tốn, mất mát, thương vong. Thủ khoa Huân bị giặc Pháp bắt ngày 22 – 8 – 1864, kết án 10 năm khổ sai, bị đày đến đảo Cai – ven ở Trung Mỹ. Sau 5 năm bị lưu đày ông trở về do Pháp ân xá, thủ khoa Huân tiếp tục chờ đợi thời cơ, kêu gọi nhân dân khởi nghĩa hợp sức chống giặc. Khi lực lượng kháng chiến được xây dựng ở nhiều thôn, xã nhất là ở Mỹ Tho và Chợ Gạo thì đến năm 1875, tình thế nguy cấp ông và quân dân cầu viện triều đình nhưng bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn Pháp về bắt. Chúng giải thủ khoa Huân về giam ở Mỹ Tho và ra sức mua chuộc ông. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước ông không chấp nhận điều đó, chính vì thế chúng đã hành hình ông ở Mỹ Tịnh An lúc 12h ngày 19 – 5 – 1875.

Trước cái chết, thủ khoa Huân vẫn bình thản không sợ sệt, khiến nhân dân càng yêu thương ông nhiều hơn. Và người người coi ông như một vị anh hùng dân tộc. Tuy sự nghiệp cứu nước không trọn vẹn được như ý mình, nhưng với tấm lòng yêu nước, thương dân, kiên trung, bất khuất, thủ khoa Huân xứng đáng được nhân dân đời đời ca tụng. Cũng chính vì thế mà, tượng đài về ông đã được dựng nên, không chỉ để tưởng nhớ, để ghi ơn mà còn như một sự nhắc nhở cho thế hệ trẻ về lòng kiên trung, thương dân, ái quốc.

7. Tượng Đài Tết Mậu thân ở Tiền Giang

Tượng đài tết Mậu Thân nằm trong quần thể công viên, tượng đài, khu vui chơi giải trí giữa 4 trục đường Ấp Bắc – Tết Mậu Thân – Lý Thường Kiệt – Yersin, ở thành phố Mỹ Tho. Toàn thể công viên rộng gần 50.000m2, trong đó nổi bật thảm cỏ xanh trải dài phủ rộng diện tích 9 ngàn mét vuông, lối đi thoáng đãng bởi 37 ngàn mét vuông diện tích. Ngoài ra, bạn vào tham quan khu quần thể công viên này sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bồn hoa, bồn kiểng được tỉa tót khéo léo bởi những người thợ làm vườn cần mẫn. Toàn công viên có đến 459 gốc cây xanh rợp bóng mát rượi. Các loài hoa như vạn hoa lầu, bông giấy, sung… được tạo nhiều vẻ hình thù khác nhau. Nổi bật trong công viên tết Mậu Thân còn có hai giếng nước nhằm để cân bằng độ ẩm và tạo vẻ mỹ quan cho công viên, vì vậy bạn còn nghe tên gọi khác của địa điểm tham quan này là công viên Giếng Nước. Giếng nước nước được địa phương thành phố Mỹ Tho đầu tư hệ thống phun nước và chiếu sáng hiện đại, buổi tối hứa hẹn sẽ là thời điểm lãng mạn nhất cho các đôi tình nhân dạo mát cũng như trẻ con vui chơi trong khu vực công viên này.

Công viên mỗi ngày thu hút trên 300 lượt khách khắp nơi đến tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp khu quần thể này. Đây lại còn là địa điểm để người dân xung quanh đi dạo mát, tập thể dục vào sáng sớm và chiều. Mọi người ngày càng thích thú đến đây dạo mát, vui chơi trong các khu giải trí bởi công viên đã giảm bớt tình trạng vứt rác, những hoạt động không lành mạnh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường hay bẻ, bứt phá cây kiểng. Đặc biệt đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng tượng đài tết Mậu Thân nằm trong quần thể công viên. Tượng đài cao gần 13m, khắc hình các anh bộ đội giải phóng quân, các chiến sĩ biệt động nội thành đang tiến công đánh chiếm thành phố Mỹ Tho trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân tết Mậu Thân năm 1968.

8. Cầu Quay

Cầu nằm ở phía tây của thành phố Mỹ Tho ngày nay. Cầu được người Pháp xây dựng thay cây cầu tre cũ, nhằm thúc đẩy phát triển trung tâm hành chính, thương mại, kinh tế,… tại nơi này. Cầu Quay như một điểm nhấn giữa thành phố Mỹ Tho.Từ lúc khánh thành năm 1890 đến nay, cầu Quay đã qua ba lần xây sửa lại. Lần đầu được người Pháp xây dựng bằng thép nhưng đến năm 1938 thì cầu Quay bị sập và người Pháp tiếp tục cho xây dựng lại bằng bê tông cố thép, đến năm 1993 cầu Quay được xây dựng lại một lần nữa cho chắc chắn hơn.

Trong khí ức của nhiều người dân nơi đây, cầu Quay nguyên thủy được làm hoàn toàn bằng thép theo kiến trúc kiểu Pháp là một cây cầu đẹp hàng đầu thế giới vào thời điểm đó. Thế nên mới có tên gọi là“mẫu Eiffel”- lấy tên theo người đã xây dựng tháp Eiffel nổi tiếng ở thủ đô Paris nước Pháp.Sở dĩ gọi là cầu Quay bởi đặc điểm của cây cầu này có nhịp giữa là 2 đoạn rời nhau. Bình thường nhịp này sẽ hạ xuống để cho xe cộ qua lại, khi cần thiết để tàu bè lưu thông bên dưới thì cầu được tách ra và kéo lên cao như nóc nhà. Cây cầu hiện đại bậc nhất thời đó rất nổi tiếng.

9. Chùa Bửu Lâm

Chùa cổ Bửu Lâm thuộc khu phố 7, đường An Giác, phường 3, thành phố Mỹ Tho. Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến thăm ngôi chùa cổ này là những hàng dừa xanh vươn cao vút, đầy sức sống kề bên những vườn trái cây sai trĩu quả. Trước cổng chùa Bửu Lâm là những hàng cây dầu cao lớn vươn thẳng lên trời với tán lá xòe rộng, tôn thêm vẻ trang nghiêm của ngôi chùa cổ. Bước vào sân chùa, du khách sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp hàng loạt các loại hoa, cây kiểng được bố trí hàng lối bắt mắt, đủ mọi sắc màu. Chùa cổ Bửu Lâm được xây dựng vào những năm cuối thế kỉ 17 đầu thế kỉ 18. Mảnh đất này là nơi những người dân di cư từ miền Trung vào, trong đoàn đó có một vị ni cô đã lập ra một cái am nhỏ tu niệm, là tiền thân của ngôi chùa. Đến năm 1802 thì chùa được một phật tử xây dựng lại bằng gỗ quý, quy mô rộng hơn cho đến bây giờ.

Đã qua hơn 200 năm, qua nhiều thăng trầm của lịch sử, chùa Bửu Lâm nhiều lần được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính ngày trước. Chùa được xây dựng thành 3 phần: Tiền đường, chánh điện và hậu tổ. Tất cả được xây dựng trê một nền cao 1m, và tổng diện tích là 987m2. Mái chùa được lợp ngói hình vảy cá, mặt dựng được trang trí hoa văn rất lạ mắt. Bước vào gian chánh điện là tượng Phật cao lớn, xung quanh là hàng chục tượng nhỏ làm từ nhiều vật liệu. Ở đây cũng có 9 bộ bao lam được chạm khắc thành nhiều đường nét tinh xảo, cùng nhiều linh vật như rồng, điểu, phượng. Du khách còn được tận mắt chứng kiến 12 tấm hoành phi được chạm tứ linh, lưỡng long tranh châu, được khắc nổi rất độc đáo đã trên 100 năm tuổi. Kề đó là nhiều câu đối được trang trí trên cột, khánh thờ, tất cả đều được sơn son thếp vàng, khảm ốc xà cừ rất rực rỡ. Và còn hàng trăm di vật quý hiếm khác chờ du khách khám phá.

10. Di Tích Gò Thành

Điểm đến này thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nằm trong khu dân cư cách Ủy ban nhân dân huyện Chợ Gạo 6 km về phía Bắc. Sở dĩ có tên gọi Gò Thành là bởi khi những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất này thấy trên gò có nhiều gạch, cho đó là vết tích của một thành xưa nên đặt tên là Gò Thành, với mục đích đánh dấu một vị trí trong khu vực quần cư. Vào năm 1987, Gò Thành được khẳng định là di tích thuộc nền văn hoá Óc-Eo. Di tích đã được khai quật nhiều lần, phát hiện 12 hố thờ và mộ có dạng hình giếng nằm rải rác trên mặt gò và nhiều hiện vật bằng vàng, đồng, đá, đất nung đang được trưng bày tại nhà trưng bày trong khuôn viên di tích.

Đây là một khu di tích đặc biệt, còn lưu giữ nhiều loại hình di chỉ như di chỉ cư trú, kiến trúc, mộ táng. Nhất là di chỉ kiến trúc với nhiều tháp đền cạnh nhau rất hoành tráng. Những hiện vật đa dạng này biểu thị cho nền văn minh của vương quốc Phù Nam xưa. Ngày nay, khu di tích Gò Thành đã được trùng tu, tôn tạo, có tường rào bao quanh, cổng chính được thiết kế theo những hoạ tiết, hoa văn thuộc nền văn hóa Óc-Eo rất độc đáo, có một nhà bao che một số đền tháp quan trọng, một nhà trưng bày hiện vật của di tích và một đình thần trong khuôn viên rộng lớn, khang trang. Đến với khu di tích Gò Thành, sẽ khiến du khách có cảm giác được gợi nhớ về các quy luật phát triển lịch sử, xã hội của người Phù Nam xưa thông qua những hố thờ từng bị chôn vùi hàng ngàn năm dưới lòng đất.

11. Chùa Vĩnh Tràng

Được xây dựng từ những năm đầu thế kỉ 19, nhưng chùa cũng phải trải qua nhiều lần tôn tạo, nâng cấp lại, mới có được diện mạo như hiện tại. Điểm độc đáo đầu tiền đó là hai cổng chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối cổ lầu và được ốp bằng nhiều mảnh sành, sứ với những màu sắc óng ánh theo chủ đề “long, lân, quy, phụng”, “ngư, tiều, canh, mục”. Toàn thể ngôi chùa được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” như các chùa của người Hoa nhưng chùa Vĩnh Tràng đặc biệt hơn là có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Bên trong ngôi chùa là những dòng chữ Hán viết theo kiểu chữ triện cổ kính và những dòng chữ quốc ngữ theo lối chữ Gô-tích. Bởi vì thế nên nếu nhìn kiến trúc ngôi chùa, du khách sẽ thấy được sự giao thoa giữa Á và Âu rất bắt mắt, hài hòa.

Tuy nhiên, nếu để ý kĩ, lỗi kiến trúc điêu khắc vẫn mang đậm truyền thống của người Việt Nam. Ngôi chùa gồm bốn hạng mục nối tiếp nhau có diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc. Tiền đường xây dựng theo lối kiến trúc hài hòa Âu–Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Đi vào bên trong ta sẽ thấy một màu vàng óng ánh được thếp trên các hình chạm, trên các tượng phật. Chùa hiện nay còn bảo tồn 60 tượng quý, được tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung.

Tất cả đều được thếp vàng rực rỡ, trong đó có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng mười tám vị La hán nằm ở hai bên tường chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ 20, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m. Chùa còn có 3 tượng đồng ( Di Đà, cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm ) được tạo tác giữa thế kỷ 19. Bảy bộ bao lam tuyệt đẹp thếp vàng chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời và thần Mặt trăng, do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng 1907-1908. Ngoài ra, còn có chiếc đại hồng chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 12cm, nặng khoảng 150kg. Bao quanh ngôi chùa là hồ nước với rất nhiều sen, những cây cổ thụ tỏa bóng, nổi bật giữa hoa viên là pho tượng phật Di Đà cao 24m ( bệ 6m, tượng 18m ) tất cả đều tôn thêm vẻ uy nghiêm, thanh tịnh của ngôi chùa.

12. Nhà Thờ Chánh Tòa Mỹ Tho

Nhà thờ cao 24m, chiều dài 53m, chiều rộng hơn 17m, với một gian chính và hai gian phụ hai bên. Tòa nhà thờ được xây dựng theo lối cột tròn chống đỡ, mái vòm kiểu Âu rất bắt mắt. Đi sâu vào trong nhà thờ, trên từng cửa vòm là nhiều họa tiết được trang trí hết sức tinh xảo, độc đáo, lối kiến trúc Hy Lap-Rôma thời Phục Hưng như sống lại ở nhà thờ này.

Tháp chuông nhà thờ đầu tiên được dựng bên hông nữ. Đến năm 1958, cha sở Phaolô Nguyễn Minh Chiếu đã di dời chuông lên tháp cao bên Nam. Đến năm 1995, vì sợ đỗ chuông có thể gây hư hại cho ngôi thánh đường cổ xưa, cha Giuse Nguyễn Văn Chúc cho xây dựng lại một tháp chuông khác tách rời nhà thờ, tức là tháp chuông hiện nay.

Đến năm 2006, kỉ niệm 100 năm xây dựng nhà thờ đã tiến hành trùng tu và nới rộng diện tích nhà thờ ra, xây thêm mái ngói, xây dựng lại phòng thánh, cải tạo tháp chuông và đặt hàng thánh giá xung quanh nhà thờ làm tôn thêm vẻ trang nghiêm, yên tĩnh của nhà thờ này.

Nguồn:3mienvn.com