Các lĩnh vực văn hóa – xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển ổn định
Dân số, lao động và việc làm
Dân số trung bình năm 2018 của cả nước ước tính 94,66 triệu người, bao gồm dân số thành thị 33,63 triệu người, chiếm 35,5%; dân số nông thôn 61,03 triệu người, chiếm 64,5%; dân số nam 46,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 47,91 triệu người, chiếm 50,6%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 01-7-2018 ước tính là 55,1 triệu người, tăng 594 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2017. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm 01-7-2018 ước tính là 48,4 triệu người, tăng 539,8 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý II-2018 ước tính tương đương quý I-2018 là 2,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,12%; khu vực nông thôn là 1,74%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I-2018 là 1,52%; quý II ước tính là 1,50%. Tính chung 6 tháng đầu năm nay ước tính là 1,51%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,64%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,95%.
Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm 2018 được cải thiện, thiếu đói trong nông dân giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 94 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 39,6% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 373,9 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 41,5%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 6,9 nghìn tấn lương thực.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm là 3,6 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó có 21,7 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng ổn định tạo điều kiện thuận lợi ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua (Tốc độ tăng/giảm CPI tháng Sáu so với tháng trước một số năm như sau: Năm 2012 giảm 0,26%; năm 2013 tăng 0,05%; năm 2014 tăng 0,3%; năm 2015 tăng 0,35%; năm 2016 tăng 0,46%; năm 2017 giảm 0,17%; năm 2018 tăng 0,61%).
Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% trong khi nhóm lương thực giảm 0,45%. Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38% (Mặc dù trong tháng có đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào thời điểm 22-6-2018 nhưng do chịu ảnh hưởng của đợt tăng giá tháng trước nên giá xăng dầu tháng 6-2018 tăng 2,38% làm tăng CPI chung 0,1%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao (Giá điện sinh hoạt tăng 0,86%; giá nước sinh hoạt tăng 0,38%). Nhóm hàng hóa của lĩnh vực văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm giáo dục tăng 0,11% (dịch vụ giáo dục tăng 0,15%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế cùng tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% so với tháng trước.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 6-2018 tăng 2,22% so với tháng 12-2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 6-2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Chỉ số giá vàng tháng 6-2018 giảm 0,79% so với tháng trước; tăng 2,08% so với tháng 12-2017 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6-2018 tăng 0,2% so với tháng trước; tăng 0,46% so với tháng 12-2017 và tăng 0,52% so với cùng kỳ năm 2017.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 4,43% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,37%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,83%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,74%; chỉ số giá cước vận tải, kho bãi tăng 3,16%. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm tăng 0,71% so với cùng kỳ năm 2017; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá tăng 1,08%. Tỷ giá thương mại hàng hóa 6 tháng năm nay giảm 0,37% so với cùng kỳ năm 2017.
Giáo dục, đào tạo
Năm học 2017-2018, cả nước có 15.241 trường mầm non, tăng 378 trường so với năm học trước; 28.710 trường phổ thông, giảm 81 trường, bao gồm: 14.937 trường tiểu học, giảm 115 trường; 10.091 trường trung học cơ sở, giảm 64 trường; 2.398 trường trung học phổ thông, tăng 7 trường; 848 trường phổ thông cơ sở, tăng 75 trường và 436 trường trung học, tăng 16 trường. Số giáo viên mẫu giáo là 266,3 nghìn người, tăng 6,2% so với năm học trước; số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 853 nghìn người, giảm 0,7%, bao gồm: 396,6 nghìn giáo viên tiểu học, giảm 0,1%; 306,1 nghìn giáo viên trung học cơ sở, giảm 1,6% và 150,3 nghìn giáo viên trung học phổ thông, giảm 0,3%. Cả nước có 4,6 triệu trẻ em đi học mẫu giáo, tăng 4,3% so với năm học trước; 15,9 triệu học sinh phổ thông, tăng 2,6%, bao gồm: 8 triệu học sinh tiểu học, tăng 3,1%; 5,4 triệu học sinh trung học cơ sở, tăng 2,6% và 2,5 triệu học sinh trung học phổ thông, tăng 1,3%.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có 925,8 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 688,5 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, chiếm 74,4% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Năm học 2017-2018, cả nước có 235 trường đại học, bao gồm 170 trường công lập và 65 trường ngoài công lập; số giáo viên đại học là 75 nghìn người, tăng 3% so với năm học trước; số sinh viên đại học là 1,7 triệu người, giảm 4,1%.
Giáo dục nghề nghiệp hiện có hơn 3.000 cơ sở, trong đó có 388 trường cao đẳng; 513 trường trung cấp và 939 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn cả nước đã tuyển sinh gần 1,1 triệu người, đạt 48% so với kế hoạch năm.
Dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 16,8 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 22,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (5 trường hợp tử vong); 291 trường hợp mắc bệnh thương hàn; 333 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (5 trường hợp tử vong); 18 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu; 230 trường hợp mắc bệnh ho gà; 53 trường hợp mắc bệnh do liên cầu lợn (5 trường hợp tử vong) và 35 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18-6-2018 là 208,8 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 91,6 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS tính đến thời điểm trên là 97,5 nghìn người.
Tính chung 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.207 người bị ngộ độc, trong đó 7 trường hợp tử vong.
Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật 6 tháng đầu năm tập trung vào chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước. Nhiều sự kiện được tổ chức với quy mô lớn và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Phong trào thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi khắp các địa phương với nhiều hoạt động phong phú như tổ chức các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống, tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2018, triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em năm 2018. Thể thao thành tích cao những tháng đầu năm đạt được một số kết quả ấn tượng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, đoàn thể thao Việt Nam giành 172 huy chương vàng, 114 huy chương bạc và 88 huy chương đồng trên các đấu trường quốc tế, trong đó cấp thế giới có 16 huy chương vàng, 21 huy chương bạc và 21 huy chương đồng.
Tai nạn giao thông
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 4.644 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.355 vụ va chạm giao thông, làm 4.103 người chết, 2.465 người bị thương và 4.562 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm nay giảm 6,2% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 3,2%; số vụ va chạm giao thông giảm 9,2%); số người chết giảm 0,7%; số người bị thương tăng 3,3% và số người bị thương nhẹ giảm 17,8%. Bình quân 1 ngày trong 6 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, gồm 25 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 24 vụ va chạm giao thông, làm 23 người chết, 14 người bị thương và 25 người bị thương nhẹ.
Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ
Thiên tai trong 6 tháng đầu năm đã làm 33 người chết và mất tích, 47 người bị thương; 15 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; gần 11 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 808 tỷ đồng. Đáng chú ý là đợt mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất xảy ra tại miền núi phía Bắc ngày 22 đến 26-6 đã làm 15 người chết, 11 người mất tích, 7 người bị thương; hơn 1,5 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, cuốn trôi và ngập nước; 1,2 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 5,5 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông, thiệt hại ước tính hơn 140 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 7.691 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 7.178 vụ với tổng số tiền phạt 98 tỷ đồng. Trong 6 tháng, cả nước xảy ra 2.091 vụ cháy, nổ, làm 67 người chết và 169 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 1.200 tỷ đồng./.