Các OTT miễn phí vẫn thu tiền dịch vụ ra sao?

Ứng dụng OTT là một phần quan trọng của cuộc sống hiện đại, giúp người dùng liên lạc với nhau dễ dàng hơn mà không phải lo lắng về cước viễn thông. Những gì họ cần là một thiết bị có thể tải và cài đặt ứng dụng, có kết nối internet là có thể trò chuyện với bạn bè.

Afp

Hiện nay đa phần OTT ở dạng miễn phí (tải về, cài đặt và sử dụng). Nhà phát hành không thu tiền từ quá trình sử dụng các dịch vụ thông thường trên ứng dụng. Dù vậy, xu hướng chung là sau thời gian dài phát hành dạng miễn phí, nhà phát triển bắt đầu thêm các gói thu phí dành cho người dùng có nhu cầu mở rộng dịch vụ, tiện ích để tăng cường trải nghiệm.

Telegram là một trong những ví dụ điển hình. Đây là OTT khá phổ biến tại Việt Nam thời gian gần đây. Ứng dụng hoàn toàn miễn phí với các tính năng cơ bản, kể cả khi giới thiệu tính năng Premium thì dịch vụ cũng không có bất kỳ điều chỉnh gì với bản miễn phí. Thay vào đó, gói Premium (trị giá 4,9 USD mỗi tháng) cho phép người dùng gửi tập tin dung lượng tới 4 GB và hỗ trợ tốc độ tải xuống nhanh hơn. Tài khoản Premium có thể theo dõi tối đa 1.000 kênh, tạo tới 20 thư mục trò chuyện với 200 cuộc mỗi kênh. Đây là những tính năng mở rộng mà phiên bản miễn phí không có.

Ở thời điểm giới thiệu gói Premium, đại diện Telegram cam kết mọi tính năng đang có của ứng dụng vẫn được miễn phí như cũ. Việc trả phí là cách để cộng đồng ủng hộ nhà phát triển. Như vậy, người dùng vẫn có thể trải nghiệm miễn phí mà không chịu thêm sự giới hạn nào so với trước đây.

Viber, Skype, WeChat, LINE cũng đều miễn phí các dịch vụ cơ bản và không “bóp” tính năng khi ra mắt chương trình thu phí để đảm bảo quyền lợi của người dùng. Thay vào đó, các nền tảng OTT phổ biến này ra mắt gói dịch vụ lần lượt là Viber Out, Skype Out, WeChat Out và LINE Out dành cho người dùng có nhu cầu gọi điện qua ứng dụng.

Các gói Out trên cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi trong nước hoặc quốc tế đến bất kỳ số điện thoại nào mà không nhất thiết phía người nghe phải đang dùng cùng ứng dụng. Gói cước sẽ tính theo số phút gọi và người dùng chỉ cần nạp trước để có thể thực hiện cuộc đàm thoại.

Bên cạnh đó, những OTT trên còn bán gói sticker (nhãn dán) đặc biệt sử dụng trên nền tảng của họ dành cho các cuộc trò chuyện. Đây cũng là một nguồn thu đáng kể cho nhà phát triển mà không ảnh hưởng tới các chính sách chung cũng như tính năng trên dịch vụ.

Trong khi đó, Messenger – một trong những OTT được nhiều người sử dụng ở Việt Nam vẫn chưa có động thái thu phí nào, tương tự với Facebook. Tuy không phải đóng tiền để sử dụng, người dùng đang phải trả giá bằng thông tin cá nhân cũng như nhiều dữ liệu liên quan tới bản thân để có thể sử dụng dịch vụ của Meta (công ty mẹ của Facebook, Messenger, WhatsApp, Instagram), đôi khi khách hàng không hề hay biết việc này. Facebook từng không ít lần bị tố lén thu thập thông tin người dùng và cung cấp cho các bên thứ ba để tiến hành các chiến dịch quảng cáo theo mục tiêu.

WhatsApp, một ứng dụng thuộc Meta lại có hướng đi ngược lại. Từng là một dịch vụ mất phí để sử dụng (mua gói thuê bao theo từng năm hoặc gói 3 năm, 5 năm với các mức chiết khấu khác nhau), nay OTT này hoàn toàn miễn phí với người dùng và cũng chưa có kế hoạch thu phí trở lại.