Các trung tâm văn hóa ở Bình Dương vắng người vì xuống cấp nghiêm trọng
Trung tâm văn hóa xuống cấp nghiêm trọng
Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng xã Phú An, thị xã Bến Cát được xây dựng vào năm 2012. Sau vài năm hoạt động thì nay vắng bóng người lui tới. Nguyên nhân, trong suốt 10 năm hoạt động, trung tâm chưa một lần được tu sửa nên khuôn viên nhếch nhác, các phòng chức năng trần thạch cao đổ sập, tường bong tróc, cửa hư hỏng. Chính vì vậy, các câu lạc bộ lần lượt rời đi để lại phòng ốc trống không đầy bụi bặm, đồ dùng ngổn ngang.
Ông Lê Duy Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng xã Phú An cho rằng, việc đầu tư, tu bổ, xây thêm các phòng chức năng sẽ là điều kiện tiên quyết để trung tâm hoạt động hiệu quả trở lại: “Trung tâm cần đầu tư lại các cơ sở vật chất, tốt nhất nên có một nhà thi đấu đa năng sẽ tổ chức được nhiều hoạt động hơn tại trung tâm. Hiện tại, trung tâm cũng có các dụng cụ tập thể dục ngoài trời nhưng còn ít. Cơ sở vật chất trung tâm tồi tàn quá thì những đơn vị bên ngoài cũng ái ngại khi vào đây sinh hoạt”.
Một phòng chức năng ở Trung tâm Văn hóa thể thao- Học tập cộng đồng xã Phú An đồ dùng ngổn ngang.
Cũng từng là nơi rất sôi động nhưng nay Trung tâm Văn hóa – Thể thao học tập cộng đồng phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một không có một bóng người. Trong khuôn viên trung tâm, sân bóng đá, sân khấu ngoài trời cỏ mọc um tùm, khu vui chơi trẻ em chỉ còn sót lại một vài món đồ đã hư hỏng. Còn tại một nơi tập trung đông công nhân lao động nhất tỉnh nhưng Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng phường Bình Hòa, thành phố Thuận An lại không phát huy hết được công năng khi chỉ có sân bóng đá, hội trường hoạt động còn các phòng chức năng thì đầy bụi bặm và luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Xây dựng trung tâm văn hóa là nhằm mục đích nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng trong từng khu dân cư, song thực trạng trên tại các địa bàn ở Bình Dương khiến nhiều người dân bức xúc.
Trung tâm Văn hóa thể thao- Học tập cộng đồng xã Phú An vắng bóng người.
Ông Lê Cảnh Dũng ở phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An nói: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số lượng trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 18% dân số toàn tỉnh. Bình Dương đang phát triển công nghiệp rất mạnh, lực lượng công nhân, người lao động sinh sống rất đông, nhu cầu về sân chơi rất nhiều. Thế nhưng, sân chơi dành cho các nhóm đối tượng này rất hạn chế, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu cho vui chơi giải trí, sinh hoạt động cộng đồng. Thời gian tới để đáp ứng nhu cầu trên đối với UBND tỉnh có giải pháp nào?”
Để thiết chế văn hóa là “sợi dây” gắn kết cộng đồng
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh có 66 Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng cấp xã nhưng không phải nơi nào cũng phát huy được hết công năng. Nguyên nhân do thiếu các hạng mục nên ảnh hưởng đến hoạt động của trung tâm. Mặt khác, đội ngũ phụ trách chủ yếu là kiêm nhiệm gây khó khăn cho công tác quản lí, chỉ đạo điều hành. Một nguyên nhân khác là lãnh đạo các địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc tu sửa, thu hút các nguồn lực xã hội hóa.
Khu vui chơi ở Trung tâm Văn hóa thể thao- Học tập cộng đồng phường Hiệp An chỉ còn vài món đồ hư hỏng.
Để các Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng hiệu quả, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh kinh phí hoạt động và hướng dẫn địa phương tự cân đối ngân sách bố trí dự toán đảm bảo hoạt động của trung tâm; tiến hành rà soát sửa chữa, cải tạo, đầu tư các hạng mục theo quy định. Sở cũng đã hướng dẫn các địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa để góp phần phát triển các hoạt động tại các trung tâm về văn hóa, thể thao.
Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng phường Hiệp An không còn thu hút người dân đến vui chơi.
Một trong những cái khó của các trung tâm là mức lương, phụ cấp cho cán bộ thấp nên không thu hút được người làm. Với “bài toán” này, ông Lê Văn Thái, Phó giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết: “Ngành cùng với các ngành chức năng nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành các chế độ chính sách đối với cán bộ quản lí ở trung tâm, cũng như kinh phí cho các trung tâm hoạt động phù hợp, đa dạng. Ngành phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất huy động các nguồn lực cùng tham gia đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa”.
Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương, xây dựng sân chơi giải trí cộng đồng cho trẻ em, công nhân lao động cũng là vấn đề được người dân rất quan tâm. HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát và lên kế hoạch xây dựng, hoàn thiện các thiết chế để có thêm sân chơi cho các nhóm đối tượng.
Thư viện ở Trung tâm Văn hóa thể thao – Học tập cộng đồng phường Bình Hòa chỉ có các kệ trống.
Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, ngoài thiết chế văn hóa bắt buộc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, Bình Dương có 2 Trung tâm Văn hóa công nhân lao động, một Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ, 56 di tích văn hóa lịch sử. Để các thiết chế phát huy hết công năng thì đòi hỏi các ngành, các cấp quan tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, tăng cường giám sát hoạt động.
“Các địa phương tăng cường công tác xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng. UBND cấp xã kiện toàn ban chủ nhiệm, cộng tác viên và chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của trung tâm cho phù hợp. Các trung tâm nghiên cứu chuyển đổi khung giờ hoạt động phù hợp để phát huy tối đa công năng đã được đầu tư cho trung tâm”, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng nói.
Giải đáp các thắc mắc, cũng như giải pháp để phát huy thiết chế văn hóa, mới đây, HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức chương trình đối thoại trực tiếp với cử tri.
Tuy nhiên, để các thiết chế văn hóa phát huy hết công năng, trở thành điểm đến sinh hoạt tin cậy của nhân dân thì ngoài sự nỗ lực của Nhà nước cũng cần chính người thụ hưởng cùng tham gia hoàn thiện mô hình hoạt động, tham gia giám sát, phản ánh tránh tái diễn việc xây xong bỏ đó gây lãng phí./.