Các vấn đề khác – Viện nghiên cứu phát triển TPHCM
CÁC VẤN ĐỀ KHÁC
Trở lại trang trước.Mục lục bài viết
Một số lý thuyết về phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
1. Lý thuyết phát triển kinh tế phân kỳ:
Walt Rostow – cha đẻ của lý thuyết này cho rằng: quá trình phát triển của bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng đều phải trải qua 5 giai đoạn tuần tự như sau:
1. Xã hội truyền thống: đặc trưng là nông nghiệp giữ vai trò thống trị trong đời sống kinh tế, năng suất lao động kém và xã hội kém linh hoạt.
2. Giai đoạn chuẩn bị cất cánh (pre-takeoff): những thay đổi quan trọng là trong xã hội đã xuất hiện một tầng lớp chủ xí nghiệp (entrepreneur) có khả năng đổi mới, kết cấu hạ tầng xã hội – nhất là giao thông – đã phát triển; đã bắt đầu hình thành những ngành chủ lực có tác động thúc đẩy nền kinh tế phát triển
3. Giai đoạn cất cánh (take-off): với những dấu hiuệu quan trọng là tỷ lệ đầu tư so với thu nhập quốc dân đạt từ mức 10% trở lên, xuất hiện những ngành công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng cao, có những chuyển biến mạnh mẽ về thể chế xã hội mà thuận lợi cho sự phát triển của các ngành sản xuất hiện đại và hoạt động kinh tế đối ngoại.
4. Giai đoạn chuyển đến sự chín muồi kinh tế: là giai đoạn mà tỷ lệ đầu tư so với thu nhấp quốc dân đạt mức cao và xuất hiện nhiều cực tăng trưởng mới.
5. Kỷ nguyên tiêu dùng hàng loạt: là giai đoạn kinh tế phát triển cao, đa dạng hóa sản xuất, thị trường linh hoạt và có hiện tượng tốc độ tăng trưởng suy giảm.
Theo lý thuyết này, hầu hết các nước đang phát triển và đang trong quá trình công nghiệp hóa nằm ở trong khoảng giai đoạn 2 và 3. Về mặt cơ cấu kinh tế, phải bắt đầu hình thành được những ngành công nghiệp chế biến có khả năng thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng. Ngoài ra, sự chuyển tiếp từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 đi kèm với sự thay đổi của những ngành chủ lực, đóng vai trò đầu tàu. Ðiều này nghĩa là, trong chính sách cơ cấu, cần xét đến trật tự ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có khả năng đảm trách vai trò đầu tàu kinh tế trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau.
2. Lý thuyết nhị nguyên (dualism):
Lý thuyết này do A. Lewis chủ xướng. Lý thuyết này cho rằng ở các nền kinh tế có hai khu vực kinh tế song song tồn tại: khu vực truyền thống, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và có đặc trưng là rất trì trệ, năng suất lao động rất thấp (năng suất lao động biên tế xem như bằng không) và lao động dư thừa; khu vực công nghiệp hiện đại có đặc trưng năng suất lao động cao và có khả năng tự tích lũy. Do lao động dư thừa nên việc chuyển một phần lao động thặng dư từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp không gây ảnh hưởng gì đến sản lượng nông nghiệp. Do có năng suất lao động cao và tiền công cao hơn nên khu vực công nghiệp thu hút lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp chuyển sang, và do lao động trong khu vực nông nghiệp quá dư thừa và tiền công thấp hơn nên các ông chủ công nghiệp có thể thuê mướn nhiều nhân công mà không phải tăng thêm tiền công, lợi nhuận của các ông chủ ngành càng tăng; giả định rằng toàn bộ lợi nhuận sẽ được đem tái đầu tư thì nguồn tích lũy để mở rộng sản xuất trong khu vực công nghiệp ngày càng tăng lên.
Như vậy, có thể rút ra từ lý thuyết này một nhận định là để thúc đẩy sự phát triển, các quốc gia đang phát triển cần phải mở rộng khu vực công nghiệp hiện đại bằng mọi giá mà không quan tâm đến khu vực truyền thống. Sự tăng trưởng của khu vực công nghiệp tự nó sẽ thu hút hút hết lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp chuyển sang và từ trạng thái nhị nguyên, nền kinh tế sẽ chuyển sang một nền kinh tế công nghiệp phát triển.
Lý thuyết nhị nguyên của Lewis tiếp tục được nhiều kinh tế gia nổi tiếng (như G. Ranis, J Fei, Harris) khác tiếp tục nghiên cứu và phân tích. Luận cứ của họ xuất phát từ khả năng phát triển và tiếp nhận lao động của khu vực công nghiệp hiện đại. Khu vực này có nhiều khả năng lựa chọn công nghệ sản xuất, trong đó có công nghệ sử dụng nhiều lao động nên về nguyên tắc có thể thu hút hết lượng lao động dư thừa của khu vực công nghiệp. Nhưng việc di chuyển lao động được giả định là do chênh lệch về thu nhập giữa lao động của hai khu vực kinh tế trên quyết định (các tác giả giả định rằng thu nhập của lao động công nghiệp tối thiểu cao hơn 30% so với lao động trong khu vực nông nghiệp). Như vậy, khu vực công nghiệp chỉ có thể thu hút lao động nông nghiệp khi có sự dư thừa lao động nông nghiệp và chênh lệch tiền công giữa hai khu vực đủ lớn. Nhưng khi nguồn lao động nông nghiệp dư thừa ngày càng cạn dần thì khả năng duy trì sự chênh lệch về tiền lương này sẽ ngành một khó khăn. Ðến khi đó, việc tiếp tục di chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp sẽ làm giảm sản lượng nông nghiệp và làm cho giá cả nông sản tăng lên, và kéo theo đó là mức tăng tiền công tương ứng trong khư vực công nghiệp. Sự tăng lương của khu vực công nghiệp này đặt ra giới hạn về mức cầu tăng thêm đối với lao động của khu vực này. Như thế, về mặt kỹ thuật, mặc dù khu vực công nghiệp có thể thu hút không hạn chế lượng lao động dư thừa từ khu vực nông nghiệp chuyển sang thì về mặt thu nhập và độ co giãn cung cầu thì khả năng tiếp nhận lao động từ khu vực nông nghiệp của khu vực công nghiệp là có hạn.
Một hướng phân tích khác dự trên lý thuyết nhị nguyên là phân tích khả năng di chuyển lao động từ nông thôn (khu vực nông nghiệp) ra thành thị (khu vực công nghiệp) mà Todaro là một điển hình. Quá trình dịch chuyển lao động chỉ diễn ra suôn sẻ khi tổng cung về lao động từ nông nghiệp phù hợp với tổng cầu ở khu vực công nghiệp. Sự di chuyển lao động này không những phụ thuộc vào chênh lệch thu nhập mà còn vào xác suất tìm được việc làm đối với lao động nông nghiệp.
Một cách tổng quát, khi phân tích sự chuyển dịch cơ cấu kinh tê của hai lĩnh vực sản xuất vật chất quan trọng nhất của nền kinh tế các nước đang phát triển, các lý thuyết nhị nguyên đã đi từ việc cho rằng chỉ cần tập trung vào phát triển công nghiệp mà không quan tâm đến sự phát triển của khu vực nông nghiệp đến việc chỉ ra những giới hạn của việc này và như vậy, khu vực nông nghiệp cũng cần được quan tâm thích đáng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
3. Lý thuyết phát triển cân đối (balanced growth):
Những người ủng hộ quan điểm phát triển cân đối (như R Nurkse, Rosenstein – Rodan.) cho rằng phải phát triển đồng đều ở tất cả mọi ngành kinh tế quốc dân để nhanh chóng công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu. Luận cừ của họ như sau:
– Trong quá trình phát triển, tất cả các ngành có liên quan mật thiết với nhau, “đầu ra” của ngành này là “đầu vào” của ngành kia và như vậy, sự phát triển đồng đều và cân đối chính là đòi hỏi sự cân bằng cung cầu trong sản xuất.
– Sự phát triển cân đối giữa các ngành như thế giúp tránh được các ảnh hưởng tiêu cực của thị trường thế giới và hạn chế được mức độ phụ thuộc vào các nền kinh tế khác, qua đó tiết kiệm được nguồn ngoại tệ.
– Một nền kinh tế dự trên cơ cấu cân đối giữa tất cả các ngành là nền tảng vững chắc đảm bảo sự độc lập chính trị của các nước đang phát triển.
Lý thuyết này khi đưa ra được các quốc gia đang phát triển đi theo con đường công nghiệp hóa hướng nội (công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu) rất ưa chuộng. tuy nhiên, khi được áp dụng thực tế đã bộc lộ những yếu điểm như sau:
– Việc phát triển một cơ cấu kinh tế cân đối và hoàn chỉnh đã đẩy các nền kinh tế đến chỗ khép kín và tách biệt với thế giới bên ngoài: điều này đi ngược lại với xu thế quốc tế hóa và toàn cần hóa kinh tế đang diễn ra trên thế giới và không tận dụng được những lợi ích tích cực từ môi trường bên ngoài đem lại.
– Các nền kinh tế đang phát triển không đủ nguồn lực về nhân tài, vật lực. để có thể thuc hiện được những mục tiêu cơ cấu đặt ra.
4. Lý thuyết phát triển không cân đối (unbalanced growth) hay các “cực tăng trưởng”:
Những đại diện tiêu biểu của lý thuyết này (A. Hirschman, F. Perrons.) cho rằng không thể và không nhất thiết đảm bảo tăng trưởng bền vững bằng cách duy trì cơ cấu cân đối liên ngành đối với mọi quốc gia. Họ lập luận như sau:
– Việc phát triển không cân đối sẽ tạo ra kích thích đầu tư. Nếu cung bằng câu trong tất cả các ngành thì sẽ triệt tiêu động lực đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Ðể phát triển được, cần phải tập trung đầu tư vào một số ngành nhất định, tạo ra một “cú hích” thúc đẩy và có tác dụng lôi kéo đầu tư trong các ngành khác theo kiểu lý thuyết số nhân, từ đó kéo theo sự phát triển của nền kinh tế.
– Trong mỗi giai đoạn phát triển, vai trò “cực tăng trưởng” của các ngành trong nền kinh tế là không giống nhau. Vì vậy, cần tập trung những nguồn lực (vốn khan hiếm) cho một số lĩnh vực cụ thể trong một thời điểm nhất định.
– Do trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa, các nước đang phát triển rất thiếu các nguồn lực sản xuất và không có khả năng phát triển cùng một lúc đồng bộ tất cả các ngành hiện đại. Vì thế, phát triển không cân đối gần như là một sự lựa chọn bắt buộc.
Cách đặt vấn đề phát triển một cơ cấu không cân đối và mở cửa ra bên ngoài của lý thuyết này là chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, mà thường thì các quốc gia chậm phát triển chịu nhiều thiệt thòi hơn cho nên lúc đầu lý thuyết này không được các nước đang phát triển đang theo mô hình công nghiệp hóa hướng nội và phát triển cân đối mặn mà cho lắm nhưng càng về sau thì lý thuyết này càng được thừa nhận rộng rãi, nhất là từ sau sự thành công của các nước công nghiệp hóa mới (NICs). Từ thập niên 1980 trở lại đây, lý thuyết này đã được nhiều nước đang phát triển áp dụng với mô hình công nghiệp hóa mở cửa và hướng ngoại.
5. Lý thuyết phát triển theo mô hình “đàn sếu bay”:
Người khởi xướng lý thuyết này là giáo sự Kaname Akamatsu đã lý giải sự “bắt kịp” (catch up) của các nước đang phát triển đối với các nước tiên tiến. Trong sự đuổi kịp này, vấn đề cơ cấu ngành có ý nghịa quan trọng. Quá trình “bắt kịp” này được chia thành 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: các nước kém phát triển nhập hàng công nghiệp chế biến từ các nước phát triển và xuất khẩu trở lại một sốsản phẩm thủ công, nông nghiệp.
– Giai đoạn 2: Các nước chậm phát triển tiếp nhận đầu tư của các nước phát triển để tự chế tạo lấy các hàng hóa công nghiệp tiêu dùng mà trước đây vẫn phải nhập. Ðây là giai đoạn tích lũy tư bản và mô phỏng công nghệ chế tạo của các nước phát triển.
– Giai đoạn 3: Những sản phẩm công nghiệp thay thế nhập khẩu ở giai đoạn 2 đã có thể trở thành những sản phẩm xuất khẩu. Khoảng cách giữa những nước đi sau với các nước phát triển không còn bao xa, vì vậy mà số lượng và qui mô mặt hàng xuất khẩu ngày càng mở rộng.
– Giai đoạn 4: xuất khẩu hàng công nghiệp tiêu dùng bắt đầu giảm xuống, nền công nghiệp đã đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển và bắt đầu chuyển giao một số sản phẩm công nghiệp tiêu dùng cho các nước kém phát triển hơn.
Cũng có cách lý giải tương tự là lý thuyết khoảng cách công nghệ (technology gap) và lý thuyết vòng đòi sản phẩm (product-life cycle).
Lý thuyết về khoảng cách công nghệ do những nhà kinh tế như Posner, Huffbauer.đề xuất. Theo Posner thì sự thay đổi công nghệ là một quá trình liên tục, có độ trễ về thời gian giữa việc phát minh và áp dụng công nghệ mới ở một quốc gia với việc áp dụng công nghệ này ở các quốc gia khác (độ trễ trong việc mô phỏng công nghệ), giữa việc phát triển một sản phẩm mới với sự xuất hiện và gia tăng nhu cầu về sản phẩm đó ở các quốc gia khác (độ trễ về nhu cầu). Công nghệ mới đầu tiên được phát minh và ứng dụng ở các nước công nghiệp phát triển nhất và những nước này có lợi thế so sánh trong việc sản xuất những sản phẩm ứng dụng công nghệ này và trở thành những nước xuất khẩu ròng (net exporter) những sản phẩm đó. Nhưng sau một thời gian, công nghệ này đã lan toả ra các nước khác và được mô phỏng lại ở những nước đang phát triển, những nước đã phát minh ra công nghệ có thể mất dần lợi thế so sánh của mình và có thể trờ thành những người nhập khẩu ròng (net importer) các sản phẩm ứng dụng công nghệ đó. Quá trình này kéo dài bao lâu tùy thuộc vào độ trễ trong việc mô phỏng công nghệ và độ trễ về nhu cầu đã đề cập ở trên.
Lý thuyết vòng đời sản phẩm (các đại diện là Vernon và Hirsch) cũng có những ý nghĩa tương tư như lý thuyết về khoảng cách công nghệ. Một sản phẩm mới được phát minh đầu tiên ở một nước có nền công nghệ hàng đầu ví dụ như Mỹ, họ sản xuất sản phẩm này ban đầu để phục vụ cho thị trường nội địa và sau đó xuất khẩu sang các nươc khác, họ là những người xuất khẩu ròng sản phẩm. Ở giai đoạn sản phẩm trưởng thành và được tiêu chuẩn hóa thì sản phẩm đã được sản xuất rộng rãi ở nhiều nước khác và sự cạnh tranh ngày càng cao hơn với công nghệ sản xuất sản phẩm đã được lan truyền và mô phỏng rộng rãi ở nhiều nước, lượng xuất khẩu ròng của nước phát minh sản phẩm sẽ ngày càng giảm. Cuối cùng, việc sản xuất sản phẩm sẽ được diễn ra ở các nước đang phát triển và xuất khẩu ngược trở lại các nước phát triển và nước đã phát minh ra sản phẩm (thông qua quá trình đầu tư trực tiếp của các nước phát triển vào các nước đang phát triển), nước phát minh ra sản phẩm cũng như các nước phát triển khác trở thành những nước nhập khẩu ròng sản phẩm này. Vernon và Hirsch lập luận rằng các nhân tố cần thiết cho việc sản xuất một hàng hóa, sản phẩm sẽ thay đổi theo vòng đời của sản phẩm đó. Việc phát minh một sản phẩm mới là một công việc tốn kém và nhiều rủi ro, cần những công nhân có trình độ chuyên môn cao và có lẽ chỉ có những người có thu nhập cao mới có khả năng tiêu thụ nên việc sản xuất sản phẩm trong giai đoạn đầu tập trung tại các nước giàu có, phát triển. Khi bản thân sản phẩm và qui trình sản xuất dần được chuẩn hóa, cũng như khi thời hạn của các bằng phát minh sáng chế đã hết hiệu lực thì các nước khác cũng bắt đầu gia nhập thị trường nếu họ có lợi thế trong việc sản xuất sản phẩm này so với nước sản xuất đầu tiên, ví dụ về mặt chi phí sản xuất chẳng hạn. Khi công nghệ sản xuất đã được hoàn toàn chuẩn hóa và có thể sử dụng lao động phổ thông thì chúng ta có thể trông đợi vào việc địa điểm sản xuất sẽ được chuyển sang các nước đang phát triển là những nước có lợi thế về nguồn nhân công rẻ, dồi dào.
Như vậy, với việc phân chia quá trình công nghiệ hóa của các nước đi sau thành các giai đoạn khác nhau trong mối liên quan với các nền kinh tế khác theo mô hình “đàn sếu bay” hay theo lý thuyết khoảng cách công nghệ và vòng đời sản phẩm thì quan điểm chuyển dịch cơ cấu ngành của các lý thuyết này có nhiều điểm tương đồng với lý thuyết phát triển không cân đối: các “cực tăng trưởng” trong các lý thuếyt này thay đổi theo từng giai đoạn và nhân tố có ý nghĩa quyết định sự thay đổi này là lợi thế so sánh trong quan hệ ngoại thương; ngoài ra việc “bắt kịp” nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn các “cực tăng trưởng” trong mỗi gian đoạn nhất định.
6. Lý thuyết về chuyển dịch cơ cấu (của Moise Syrquin):
Lịch sử phát triển của kinh tế thế giới đã cho thấy quá trình phát triển kinh tế cũng đồng nghĩa với quá trình chuyểh dịch cơ cấu kinh tế, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu tiến lên một nền kinh tế công nghiệp hóa và dần chuyển sang một nền kinh tế mà trong đó dịch vụ đóng vai trò quan trọng nhất hay còn gọi là một nền kinh tế đã phát triển. Có thể tóm tắt lý thuyết chuyển dịch cơ cấu kinh tế của M. Syrquin gồm ba giai đoạn: (1) sản xuất nông nghiệp, (2) công nghiệp hóa, và (3) nền kinh tế phát triển.
Giai đoạn 1: có đặc trưng chính là sự thống trị của các hoạt động của khu vực khai thác, đặc biệt là nông nghiệp, như là nguồn lực chính trong việc gia tăng sản lượng của các hàng hóa khả thương (tradables). Mặc dù khu vực khai thác thông thường có tốc độ tăng trưởng chậm hơn khu vực chế biến nhưng ở mức thu nhập bình quân đầu người thấp, thì sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng đó được bù trừ hoàn toàn bởi nhu cầu hạn chế về các mặt hàng công nghiệp chế biến. Trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng kinh tế chung khá chậm mà một trong những nguyên nhân chính là do tỷ trọng tương đối cao của khu vực nông nghiệp trong tổng giá trị gia tăng (hay GDP).
Nếu xét ở mặt cung, thì trong giai đoạn 1 có những đặc trưng chính là tỷ lệ tích lũy tư bản còn khiêm tốn nên tỷ lệ đầu tư thấp, tốc độ tăng trưởng cao của lực lượng lao động, và tốc độ tăng trưởng tổng năng suất nhân tố (TFP) rất thấp, và nhân tố sau cùng này tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung hơn là yếu tố tỷ lệ đầu tư thấp.
Giai đoạn 2 hay là giai đoạn công nghiệp hóa: có đặc điểm nổi bật là tầm quan trọng trong nền kinh tế đã được chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực chế biến và chỉ tiêu chính để đo lường sự dịch chuyển này là tầm quan trọng của khu vực chế biến trong đóng góp và tăng trưởng kinh tế chung ngày càng tăng lên. Sự dịch chuyển này xuất hiện ở các nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn hay thấp hơn, phụ thuộc vào yếu tố nguồn tài nguyên sẵn có cũng như chính sách ngoại thương của các nước đó.
Xét ở mặt cung, sự đóng góp vào tăng trưởng của nhân tố tích lũy tư bản vẫn được giữ ở mức cao trong hầu hết giai đoạn 2 do có sự gia tăng mạnh của tỷ lệ đầu tư.
Giai đoạn 3: là giai đoạn của một nền kinh tế phát triển. Sự chuyển tiếp từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 có thể được hiểu theo nhiều cách. Nếu xét về mặt cầu, thì trong giai đoạn này độ co giãn theo thu nhập của hàng công nghiệp chế biến đã giảm đi; và ở một thời điểm nào đó, tỷ trọng của khu vực công nghiệp trong cơ cấu nhu cầu nội địa bắt đầu giảm xuống. Mặc dù xu hướng này có thể bị lấn át ở một giai đoạn nào đó bởi xuất khẩu vẫn tiếp tục gia tăng ở mức cao, nhưng cuối cùng nó đều được phản ảnh qua việc giảm sút tỷ trọng của khu vực công nghiệp trong cơ cấu GDP hay trong cơ cấu lực lượng lao động. Khu vực dịch vụ trở thành khu vực quan trọng nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GDP cũng như cơ cấu lao động. Sự thay đổi này xuất hiện rất rõ ràng ở tất cả các nước công nghiệp phát triển trong suốt 20 năm qua.
Ở mặt cung, sự khác biệt chủ yếu giữa giai đoạn 2 và giai đoạn 3 là sự suy giảm trong đóng góp vào tăng trưởng của cả hai nhân tố sản xuất tư bản và lao động theo cách tính qui ước. Ðóng góp vào tăng trưởng của nhân tố tư bản (vốn) giảm xuống bởi cả hai yếu tố tốc độ tăng trưởng chậm hơn và tỷ trọng ngày càng thấp hơn. Hơn nữa, vì có sự suy giảm trong tốc độ gia tăng dân số, chỉ có một vài nước phát triển là có sự gia tăng đáng kể trong lực lượng lao động. Như vậy, trong giai đoạn này, nhân tố đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng là nhân tố tổng năng suất nhân tố (Total Factor Productivity – TFP).
Ở những nước phát triển hơn, tăng trưởng TFP có tác động lan tỏa đến toàn nền kinh tế rộng lớn hơn so với trong giai đoạn 2. Thay đổi dễ nhận thấy nhất là trong khu vực nông nghiệp, mà đã từ khu vực có tăng trưởng năng suất thấp trở thành khu vực có năng suất lao động cao nhất trong hầu hết các nền kinh tế phát triển (đơn cử một ví dụ là ở Mỹ, dân số lao động trong nông nghiệp chỉ chiếm 1% tổng dân số lao động nhưng có thể cung cấp đủ lượng thực cho cả nước). Nguyên nhân nội tại là do sự tiếp tục dịch chuyển của lao động từ nông nghiệp sang các khu vực khác và chênh lệch về tiền lương giữa khu vực nông nghiệp và các khu vực khác ngày càng được thu hẹp lại, mà đã thúc đẩy sự thay thế của tư bản cho lao động cũng như đẩy mạnh những cải tiến về công nghệ.
Có thế nói rằng, lý thuyết chuyển dịch cơ cấu của M. Syrquin là một bức tranh tổng thể khá chính xác về sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế giới thời kỳ hiện đại. Thực tiễn phát triển kinh tế thế giới thời gian qua đã cho thấy rằng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thế giới đã và đang chuyển qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn 1: Nông nghiệp – Công nghiệp – Dịch vụ
Giai đoạn 2: Công nghiệp – Nông nghiệp – Dịch vụ
Giai đoạn 3: Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp
Giai đoạn 4: Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp
Như thế, tầm quan trọng của khu vực dịch vụ tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng tuỳ thuộc phần lớn vào giai đoạn phát triển đương thời.
Nguyễn Thị Hà – TTTTKT
(19174 Lượt xem)
CÁC TIN BÀI KHÁC:
- Hình ảnh nhãn hiệu, tài sản vô hình
(15/8/2011)
- Vấn Đề Minh Triết Trong Hoạt Động Của Hệ Thống Doanh Nghiệp Thời Kinh Tế Thị Trường Hiện Đại
(26/11/2011)