Cách đọc mã số mã vạch trên sổ đỏ, sổ hồng. Làm thế nào để phân biệt sổ đỏ, sổ hồng thật và giả?
1.1. Phân biệt sổ đỏ, sổ hồng và Giấy chứng nhận được cấp theo mẫu mới:
“Sổ đỏ”, “sổ hồng” là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận:
- “Sổ đỏ” theo quy định là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp bởi Bộ Tài nguyên – Môi trường
- “Sổ hồng” là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp bởi Bộ Xây dựng
- Sổ đỏ và sổ hồng được cấp trước ngày 10/12/2009 và vẫn có giá trị pháp lý, không cần đổi sang sổ mới
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có màu có màu hồng cánh sen (gọi tắt là sổ hồng theo mẫu mới)
- Giấy chứng nhận này do Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp, được áp dụng trên toàn quốc, đối với tất cả loại đất, nhà ở sau ngày 10/12/2009.
1.2. Tìm hiểu về mã vạch trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, mã vạch của Giấy chứng nhận được quy định như sau:
- Mã vạch được in tại cuối trang 4 khi cấp Giấy chứng nhận.
- Mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về Giấy chứng nhận và hồ sơ cấp Giấy chứng nhận; nội dung mã vạch thể hiện dãy số nguyên dương, có cấu trúc dưới dạng
MV = MX.MN.ST
Trong đó:
MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có thửa đất, được thể hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam; trường hợp cấp Giấy chứng nhận cho khu đất nằm trên nhiều đơn vị hành chính cấp xã thì ghi theo mã của xã có phần diện tích lớn nhất; trường hợp cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì mã đơn vị hành chính cấp xã (MX) được thay thế bằng mã của đơn vị hành chính cấp huyện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định vào trước mã của xã, phường, thị trấn nơi có đất;
MN là mã của năm cấp Giấy chứng nhận, gồm hai chữ số sau cùng của năm ký cấp Giấy chứng nhận;
ST là số thứ tự lưu trữ của hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định về hồ sơ địa chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1.3. Phân biệt Giấy chứng nhận thật và giả:
Cách 1: Kiểm tra mẫu phôi bìa
Thứ nhất, về mẫu giấy chứng nhận:
- Giấy chứng nhận gồm 4 trang, in nến hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen và trang bổ sung nền trắng
- Kích thước mỗi trang: 190mm x 265mm
- Nội dung mỗi trang bao gồm:
- Trang 1 thể hiện Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” in màu đỏ; mục “I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri); dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Trang 2 thể hiện mục “II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Trang 3 thể hiện mục “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” và mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”;
- Trang 4 thể hiện tiếp nội dung tiếp theo của mục “IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch;
Thứ hai, về nội dung trên giấy chứng nhận:
Phần thứ 1 – Trang 1: Thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; số phát hành giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Phần thứ 2 – Trang 2: Thể hiện thông tin thửa đất, thông tin về nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như: Số thửa đất trên bản đồ địa chính; tờ bản đồ số; địa chỉ thửa đất; diện tích; hình thức sử dụng; mục đích sử dụng; thời hạn sử dụng.
Phần thứ 3 – Trang 3: Thể hiện sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Phần thứ 4 – Trang 4: Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận và mã vạch
Cách 2: Kiểm tra bằng kính lúp hoa văn in trên phôi bìa
- Đối với giấy chứng thật các họa tiết hoa văn được tạo bởi tổ hợp các chấm mực hồng rất đều và đẹp.
- Đối với giấy chứng nhận được làm giả thì các họa tiết hoa văn không được tổ hợp tạo bởi những chấm mực nhỏ màu hồng.
Cách 3: Kiểm tra bằng đèn pin dấu chiện trên phôi bìa
- Đối với giấy chứng nhận thật: Hình dấu được in lồi lên và rõ ràng nội dung là hình Quốc hiệu Việt Nam, mã số được in giữa tâm Quốc hiệu
- Đối với giấy chứng nhận giả: Hình dấu được in lõm, không rõ nội dung, mã số bị in lệch không giữa tâm
Cách 4: Kiểm tra giấy chứng nhận tại Văn phòng công chứng
Tại các Văn phòng công chứng sẽ có bộ phận kiểm tra Giấy chứng nhận thật và giả khi tiến hành các công việc như công chứng, chứng thực.
Cách 5: Kiểm tra giấy chứng nhận tại Cơ quan có thẩm quyền:
Để kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận thì hộ gia đình, cá nhân hãy tải phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01/PYC và điền chính xác, đầy đủ thông tin (ghi rõ lý do, thông tin thửa đất, người đứng tên Giấy chứng nhận để đối chiếu với thông tin, dữ liệu địa chính).
Sau khi điền đầy đủ thông tin thì hộ gia đình, cá nhân thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu
- Nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
- Gửi qua đường bưu điện.
- Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu
- Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính cho người có yêu cầu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải nêu rõ lý do và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
- Sau khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
Bước 3: Trả kết quả
Thời hạn thực hiện: Nếu nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.