Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá?

Năm 2023, Bộ GTVT đứng trước thách thức lớn với kế hoạch vốn giải ngân kỷ lục; hàng loạt dự án giao thông lớn sẽ triển khai và hoàn thành…

Nhân dịp Bộ GTVT tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra vào chiều nay (13/1), Báo Giao thông trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy về những giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ này.

Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá? 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

Một năm, trình thông qua 6 dự án quan trọng quốc gia

Năm 2022, dù đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành GTVT vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thứ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả này?

Năm 2022, ngành GTVT thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh có nhiều thách thức khi tình hình thế giới biến động nhanh, khó dự báo và chưa có tiền lệ.

Ở trong nước, tình hình thiên tai, lũ lụt, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn… ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động của ngành GTVT nói riêng.

Bộ GTVT tổng kết công tác năm 2022

Theo kế hoạch, vào 14h chiều nay (13/1), Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 ngành GTVT sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội.
Năm 2022, thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, song ngành GTVT vẫn ghi nhận những kết quả tích cực; hàng loạt dự án, công trình giao thông được khởi công, khánh thành, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ và cán bộ, công chức ngành GTVT đã nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và các nhiệm vụ trọng tâm khác của ngành.

Về công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ngay từ đầu năm 2022, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu làm việc không kể ngày đêm với phương châm “hết việc, không hết giờ”, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để lần đầu tiên trong một năm đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia; Kịp thời trình, phê duyệt chủ trương đầu tư 54 dự án nhóm A, B, C.

Tính trong năm 2022, Bộ GTVT đã khởi công 18 dự án, hoàn thành 22 dự án, trong đó có nhiều dự án động lực, quy mô lớn.

Đặc biệt, chỉ sau chưa đầy 1 năm với cách chỉ đạo mới, cách làm mới đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 để khởi công đồng loạt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động vận tải khởi sắc trên cả 5 lĩnh vực. Đến hết 31/12/2022, so với cùng kỳ, khối lượng hàng hóa tăng 23,7%; khối lượng vận chuyển hành khách tăng 52,8%. Trong đó, vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số…

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Theo Tạp chí Lloyd’s List của Anh, trong bảng xếp hạng 100 cảng container năm 2022 có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới, Việt Nam có 3 cảng lọt trong top này gồm: Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (TP.HCM) và Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công được xem là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành GTVT khi kế hoạch vốn phải thực hiện đạt kỷ lục, lên tới hơn 55.000 tỷ đồng. Thách thức này đã được Bộ GTVT vượt qua thế nào, thưa Thứ trưởng?

Ngay từ đầu năm 2022, Bộ GTVT đã tập trung phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn được giao khoảng 55.051 tỷ đồng (trong đó, giao đầu năm 50.328 tỷ đồng, giao bổ sung 4.723 tỷ đồng vào tháng 10/2022).

Việc phân bổ cho các nhiệm vụ, dự án đúng quy định, phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác điều hành kế hoạch được thực hiện linh hoạt, kịp thời nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, quản lý kế hoạch chi tiết tới từng dự án. Quan trọng hơn cả là quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức ngành GTVT trên mọi công trường thi công.

Tính đến 31/12/2022, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT lên đến 47.905 tỷ, đạt khoảng 87% kế hoạch (gồm cả phần vốn được giao bổ sung tháng 10/2022). Dự kiến hết năm tài chính, khối lượng giải ngân sẽ đạt 95,7% tổng kế hoạch được giao. Với kết quả này, Bộ GTVT tiếp tục là một trong những bộ, ngành có tiến độ giải ngân cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Đẩy mạnh thi đua, siết chặt kỷ cương để đảm bảo giải ngân

Tính đến 31/12/2022, Bộ GTVT giải ngân gần 48 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt khoảng 87% kế hoạch, ở nhóm dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải

Được giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 lên tới 368.000 tỷ đồng, dự kiến, năm 2023, số vốn Bộ GTVT phải giải ngân sẽ tiếp tục lập kỷ lục. Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Năm 2023, Bộ GTVT đăng ký kế hoạch khoảng hơn 71.000 tỷ đồng nhưng tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước cao nhất từ trước tới nay với tổng số vốn lên tới 94.161 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ và thách thức vô cùng lớn.

Thực hiện chỉ đạo về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, năm 2023, Bộ GTVT sẽ tăng cường ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 80% các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ; hoàn thành xây dựng hệ thống đám mây của Bộ GTVT kết nối với đám mây Chính phủ; hoàn thiện hệ thống dữ liệu dùng chung Bộ GTVT và cơ sở dữ liệu chuyên ngành các lĩnh vực quản lý trong ngành GTVT.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy

Vậy đâu là giải pháp được Bộ GTVT định hướng để giải ngân hết số vốn này, thưa Thứ trưởng?

Ngoài sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT cũng rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Ngay từ những ngày đầu năm, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có cuộc họp quán triệt tới toàn thể các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, nhà đầu tư phải tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh thi công, làm việc xuyên Tết trên tất cả các công trường dự án trọng điểm, đặc biệt phải tổ chức thi công ngay các gói thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 vừa khởi công.

Ngay trong quyết định giao kế hoạch năm, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch, đặc biệt là công tác phân khai dự toán chi (TABMIS) để bảo đảm thủ tục giải ngân ngay; Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý; Phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án; Thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện của từng dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế; Chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Khẩn trương hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu…

Đặc biệt, phải quan tâm đến đảm bảo chất lượng công trình, coi việc đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán.

4 bài học bứt phá mục tiêu lớn

Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá? 3

Thi công cọc khoan nhồi tại gói thầu XL01 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đoạn Bùng – Vạn Ninh

Bên cạnh quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân, những mục tiêu lớn kế tiếp ngành GTVT đặt ra trong năm 2023 là gì, thưa Thứ trưởng?

Như Bộ trưởng Bộ GTVT từng xác định, năm 2023 là năm bản lề có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19.

Vận tải hàng không phục hồi hoàn toàn trong năm 2023

Theo lãnh đạo Cục Hàng không VN, thị trường hàng không bắt đầu phục hồi từ quý I/2022 và sẽ về bằng thời điểm trước dịch Covid-19 trong năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, các hãng hàng không dự kiến vận chuyển 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022. So với cùng thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019) tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,2% về hàng hóa.

Điều này đòi hỏi toàn ngành GTVT phải tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đi trước mở đường, vượt nắng thắng mưa, đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn.

Trên cơ sở đó, mục tiêu Bộ GTVT đề ra trong năm mới là hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án, hoàn thành 29 dự án.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động vận tải trong nước, tập trung phục hồi vận tải quốc tế đặc biệt phục hồi các đường bay quốc tế, vận tải liên vận đường sắt. Phấn đấu sản lượng vận tải năm 2023 về hàng hóa tăng khoảng 7%, hành khách tăng khoảng 8% so với năm 2022.

Về bảo đảm trật tự ATGT, mục tiêu năm 2023 là tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2022.

Thứ trưởng có thể cho biết giải pháp nào để thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ trên?

Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ năm 2022, ngành GTVT rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Một là, phải bám sát các kết luận nghị quyết của Đảng, Quốc hội, tổ chức quán triệt, lan tỏa sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức để tạo ra bằng được hiệu ứng “Tiền hô, hậu ủng, nhất hô bá ứng” như lời đồng chí Tổng Bí thư đã nói.

Hai là, quá trình chỉ đạo điều hành phải đảm bảo kỷ cương, linh hoạt, sâu sát, quyết liệt, hiệu quả; Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân tất cả các chủ thể trong từng việc, từng khâu.

Ba là, nhiệm vụ đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các địa phương, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường năng lực phân tích, dự báo; các nhiệm vụ của ngành phải được chủ động triển khai từ những ngày đầu, tháng đầu, với phương châm “từ sớm, từ xa”; đi đôi với việc triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Ngành GTVT có nhiều dấu ấn nổi bật

Kết thúc năm 2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được khoảng 53.000 tỷ đồng (tương đương 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao). Với kết quả này, Bộ GTVT tiếp tục duy trì được mức hơn bình quân chung của cả nước và là một trong những Bộ, ngành có kết quả giải ngân vốn ngân sách cao nhất.

Đây cũng là khối lượng giải ngân vốn ngân sách cao kỷ lục của ngành GTVT từ trước đến nay. Con số này càng đáng trân trọng khi không ít địa phương và ngành việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 vẫn tương đối chậm, thấp hơn so với kế hoạch đề ra.

Dấu ấn nổi bật có thể kế đến của Bộ GTVT trong năm 2022 đó chính là thần tốc chuẩn bị 12 dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, tăng tốc triển khai các dự án giai đoạn 1 về đích đúng thời gian cam kết.

Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư:
Tách bạch vai trò chủ đầu tư, phát huy hiệu quả giải ngân

Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá? 5

Năm 2023, nhiệm vụ giải ngân với ngành GTVT vẫn rất nặng nề khi kế hoạch vốn được Quốc hội, Chính phủ giao lên đến 94.161 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay (gấp 1,7 lần kế hoạch vốn năm 2022).

Trên tinh thần phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2022, các cơ quan đơn vị trong ngành GTVT sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2023.

Ngay trong tháng 1/2022, các chủ đầu tư/Ban QLDA cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng dự án theo từng tháng, tập trung thi công dịp Tết Nguyên đán đảm bảo thực chất, có hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ VN:
Hoàn thiện dữ liệu GSHT kiểm soát xe dù, bến cóc

Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá? 6

Năm 2022 đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong công tác quản lý nhà nước của ngành Đường bộ là tổ chức lại Tổng cục Đường bộ VN thành Cục Đường bộ VN.

Trong quản lý vận tải, Cục Đường bộ VN cũng quyết liệt chỉ đạo hoàn thành công tác lắp đặt camera giám sát trên 100% phương tiện kinh doanh vận tải và truyền dữ liệu về máy chủ của Cục Đường bộ VN để theo dõi, xử lý vi phạm theo quy định.

Năm 2023, bên cạnh các mục tiêu: hoàn thành 100% công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản và vốn bảo trì đường bộ; xử lý kịp thời các điểm đen mới phát sinh, giảm tỷ lệ TNGT cả 3 tiêu chí, Cục Đường bộ VN sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu thiết bị GSHT, nâng cao hiệu quả kiểm soát xe dù, bến cóc.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN:
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá? 7

Năm 2023, đường thủy sẽ thí điểm cơ chế giao Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về GTVT đường thủy trên luồng, tuyến đường thủy nội địa cũng sẽ được thực hiện.

Cục Đường thủy nội địa VN sẽ tiếp tục phối hợp tích cực, hiệu quả với các cấp chức năng, các hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, nhất là vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh Campuchia bằng đường thủy nội địa nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải đường thủy.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN:
Đột phá chất lượng vận tải, tăng thu lĩnh vực đường sắt

Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá? 8

Năm 2022 SXKD của Tổng công ty Đường sắt VN đã có kết quả tích cực, giảm lỗ.

Với kết quả này, nhiệm vụ chính trị năm 2023 Tổng công ty đặt ra là Công ty Mẹ bắt đầu có lãi. Tổng công ty sẽ thực hiện mọi giải pháp giảm chi phí, tăng thu như: Tổ chức chạy tàu linh hoạt, thích ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách đi tàu, nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, nhất là vận tải liên vận quốc tế… Bên cạnh đó, cũng rất cần sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Đình Việt, Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam:
Đưa Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới khu vực ASEAN

Cách nào để ngành GTVT tiếp tục bứt phá? 9

Năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Hàng container đạt trên 25 triệu Teu, tăng 5%. Kết quả đạt được của hệ thống cảng biển Việt Nam rất đáng ghi nhận trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chưa trở lại trạng thái bình thường.

Việt Nam sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, lựa chọn là điểm đến trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng thích nghi với xu thế mới sau đại dịch Covid-19.

Năm 2023, lĩnh vực hàng hải sẽ tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, rà soát loại bỏ những thủ tục điều kiện kinh doanh không phù hợp. Ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin triển khai đồng bộ làm thủ tục cho tàu thuyền trên hệ thống điện tử.