Cách tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ ngày 23 tháng Chạp
Theo phong tục truyền thống, nhiều gia đình Việt thường tỉa chân nhang, dọn dẹp ban thờ (còn gọi là bao sái) phong quang, sạch sẽ để đón chào năm mới. Các hoạt động dọn dẹp thường diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, sau khi tiễn ông Công ông Táo, để không mạo phạm đến thần linh.
Mục lục bài viết
Cách tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ cuối năm
Bước 1: Chuẩn bị đĩa cúng hoa quả (tuỳ tâm); Rượu gừng (hoặc nước thơm); Khăn lau sạch chuyên để lau bàn thờ.
Bước 2: Trước khi dọn dẹp, gia chủ bày hoa quả cúng lên bàn thờ, thắp 1 nén hương và khấn xin phép gia tiên/các quan thần linh để được dọn dẹp bàn thờ.
Bước 3: Khi hương tàn hết, dùng khăn sạch ngâm rượu gừng hoặc nước thơm để lau các đồ thờ, sau đó dùng khăn khô sạch lau lại lần nữa.
Khi lau dọn ban thờ cần dùng khăn sạch ngâm rượu gừng hoặc nước thơm để lau các đồ thờ
Lưu ý khi tỉa chân nhang, dọn dẹp bàn thờ cuối năm
Theo quan niệm, lau dọn bàn thờ là công việc yêu cầu sự cẩn trọng cao và cần phải hết sức chú ý, tránh phạm phải những điều kiêng kị để gia đình không gặp vận hạn.
Trước khi dọn dẹp ban thờ, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó, đợi khi hương cháy hết rồi mới bắt đầu công việc.
Lau dọn bàn thờ là công việc yêu cầu sự cẩn trọng cao
Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì phải dùng nước ấm, nước thơm, không được dùng nước lạnh. Nếu có bài vị thần Phật thì phải lau trước rồi đổ nước đi, thay nước ấm mới rồi mới để lau bài vị tổ tiên. Tuyệt đối không lau bài vị tổ tiên trước thần Phật. Khi thực hiện lau dọn nên cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết. Đây cũng là cách để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn bát hương.
Lưu ý khi tỉa bát hương
Người xưa còn quan niệm, nếu di chuyển bát hương quá nhiều sẽ dễ chuyển sang hướng xấu, gây xui xẻo cho gia chủ. Vì vậy, khi lau dọn bàn thờ, chỉ nên lau bát hương sạch sẽ, không nên tự ý động chạm hoặc di chuyển nếu có di chuyển phải làm đúng theo hướng dẫn trên.
Khi tỉa chân hương, không được lấy hết chân hương mà phải để lại 3, 5 hoặc 7 chân. Đặc biệt, không được vứt chân hương bừa bãi vì theo quan niệm của các cụ, như thế sẽ bị “tán tài”.
Chân hương tỉa ra không được đổ lung tung mà thường được đốt thành tro, thả xuống sông, hồ hoặc hòa nước bón cây.
Lưu ý khi dọn rửa, sắp xếp đồ thờ
Trước khi mang những đồ thờ xuống cọ rửa, cần nhớ thật kỹ vị trí để sau đó sắp xếp lại cho đúng.
Những món đồ trên bàn thờ là những vật linh thiêng, thể hiện sự trang trọng tôn kính với người thân và tổ tiên đã khuất
Lưu ý, không làm đổ vỡ đồ thờ, bởi theo quan niện dân gian, những món đồ trên bàn thờ là những vật linh thiêng, thể hiện sự trang trọng tôn kính với người thân và tổ tiên đã khuất. Nếu không cẩn thận làm đổ vỡ thì gia chủ sẽ gặp chuyện không may vì thiếu đi sự tôn trọng với người đã khuất.
Phần bên dưới bàn thờ cũng cần được dọn dẹp, cần được giữ thông thoáng, sạch để thu nạp sinh khí tốt, con cháu được hưởng phúc, làm ăn phát đạt, mọi sự hanh thông
Bài văn khấn lau dọn bàn thờ
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con xin tấu lạy Chín phương Trời, Mười phương chư Phật, chư Phật Mười phương
Con xin tấu lạy vua cha Ngọc Hoàng thượng đế, Hoàng thiên hậu thổ, ngũ phương ngũ thổ, long mạch thổ, thần Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ con là:…
Ngụ tại:…
Con xin tấu lạy vong linh các cụ gia tiên cửu huyền thất tổ, bà tổ cô và các bà cô các đời, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ dòng họ… tại… (địa chỉ).
Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp năm… con xin phép được bao xái lại bàn thờ gia tiên để cho sạch sẽ để tiễn năm cũ,đón năm mới tới, mong chư vị Phật Thánh, các cụ gia tiên tiền tổ, bà tổ cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ của họ… chấp thuận.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!