Cẩm nang du lịch – Trang thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang
Đến thôn Tiên Tốc những ngày đầu xuân Kỷ Hợi năm 2019, chúng tôi thấy nhiều phụ nữ dân tộc Mông đang say sưa dạy con, em cách thêu trang phục truyền thống. Từng mũi kim, đường chỉ dưới bàn tay khéo léo của các chị tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo, đặc sắc, nổi bật giữa nền vải trắng với các sợi chỉ nhiều màu sắc… Chị Tráng Thị Lộ, thôn Tiên Tốc, xã Bình An chia sẻ; Cách đây hơn 10 năm, chị được mẹ dạy cách thêu hoa văn trên vải. Lúc đầu thấy việc thêu khó, cầu kỳ, chị cũng nản lòng nhưng được sự động viên, hướng dẫn tận tình của mẹ, nhất là được mẹ kể những câu chuyện về phong tục từ xưa đến nay của phụ nữ Mông có truyền thống tự làm trang phục, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nên chị đã cố gắng học và giờ chị Lộ đã biết tự dệt và thêu hoa văn trên bộ trang phục của mình.
Chị em phụ nữ thôn Tiên Tốc, xã Bình An duy tri nghề dệt và thêu thổ cẩm
Hiện nay dân tộc Mông trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vẫn lưu giữ rất nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống, những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, lao động, như: Tục lệ đám cưới cổ truyền; các làn điệu dân ca; trang phục; lễ đặt tên trưởng thành; bài thuốc dân gian; làm khèn, sáo Mông; hát đối giao duyên; múa khèn… Dệt vải, thêu… được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, phục vụ nhu cầu gia đình. Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức thi đấu, vui chơi thường xuyên, như: Đẩy gậy, kéo co; ném pao; đánh yến, đánh cù và múa khèn.
Mùa khèn dân tộc Mông thôn Tiên Tốc, xã Bình An
Trang phục truyền thống của chị em phụ nữ thôn Khuổi Trang và thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập
Với mục đích bảo tồn, khôi phục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, đồng thời cải tạo các hủ tục trong việc cưới, việc tang, nhằm góp phần phát triển văn hóa, xã hội, phấn đấu giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… huyện Lâm Bình đã đẩy mạnh nhiều giải pháp giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông như: Tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; phát huy người có uy tín trong cộng đồng; tăng cường hoạt động của Đội tuyên truyền văn hóa lưu động; tổ chức chương trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong huyện. Nhằm bảo tồn và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Mông: với những làn điệu múa khèn, dệt thổ cẩm, các món ăn truyền thống như: Mèn mén, thắng cố ngựa, thịt treo gác bếp… và những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người Mông; từ đó góp phần xây dựng nét văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc trên địa bàn huyện vùng cao Lâm Bình.
Theo TQĐT