Cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch Tràng An

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình để hiểu thêm về nội dung này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, đã 8 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đã giữ gìn và phát huy di sản này như thế nào?

leftcenterrightdel

 Ông Nguyễn Mạnh Cường.

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Ngay sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh, Ninh Bình đã cam kết bảo đảm tính toàn vẹn, tính xác thực và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An, coi di sản là nguồn lực và động lực trong phát triển bền vững.

Theo đó, Ninh Bình đã xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch quản lý di sản với mục tiêu bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển du lịch, để di sản thực sự là tài sản của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và vì sự phát triển bền vững, toàn diện của cộng đồng. Hằng năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng nâng cao sự hiểu biết, vai trò trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản thế giới; đồng thời có cơ chế, chính sách cho người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế nhờ những lợi ích mà di sản mang lại. Đây là điều căn cốt để người dân tự nguyện, tự giác tham gia bảo vệ di sản Tràng An.

PV: Việc cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch tại Tràng An được thể hiện qua những cách làm cụ thể nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã vận dụng linh hoạt mô hình hợp tác công tư, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên: Chính quyền-cộng đồng-doanh nghiệp. Mỗi bên tham gia đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm riêng. Bên cạnh đó, xã hội hóa trong phát huy các giá trị của di sản Tràng An thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Giải pháp này đã phát huy hiệu quả ở các mặt, gồm: Huy động được các nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế trong đầu tư hạ tầng du lịch, hạ tầng dân sinh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn di sản; huy động được nguồn lao động trong cộng đồng dân cư ở khu di sản tham gia vào các hoạt động du lịch, góp phần tạo sinh kế cho người dân; cộng đồng dân cư được tham gia vào việc hoạch định các cơ chế, chính sách, tham gia quản lý di sản, hưởng lợi từ di sản, tiến tới xây dựng cộng đồng trở thành trung tâm trong công tác bảo vệ di sản.

leftcenterrightdel

Quần thể danh thắng Tràng An thu hút đông đảo du khách. Ảnh: HOA LƯ

PV: Để người dân chung sống hài hòa với thiên nhiên tại vùng di sản là một nhiệm vụ khó. Vậy kinh nghiệm của Ninh Bình trong việc triển khai nội dung này như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, công tác bảo tồn giá trị di sản thế giới Tràng An và phát triển du lịch đã có sự cân bằng tương đối tốt, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Số lượng khách du lịch tham quan Tràng An ngày càng tăng, năm cao điểm 2019 (trước dịch Covid-19), di sản Tràng An đón 3 triệu lượt khách.

Tràng An là điển hình tiêu biểu cho việc con người chung sống và thích ứng với tự nhiên trong nhiều năm qua. Hiện nay, trong vùng lõi di sản có hàng nghìn hộ gia đình với hàng chục nghìn người dân sinh sống qua nhiều thế hệ. Những năm qua, Ninh Bình đã tích cực thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và bảo đảm cuộc sống của người dân, để di sản thực sự là của cộng đồng. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo tồn di sản đến với người dân; tạo thêm cơ chế, chính sách để nâng cao sinh kế cho người dân địa phương với việc tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch, như: Chèo đò, nhân viên vệ sinh, bảo vệ, dịch vụ vận chuyển khách…

PV: Theo ông, Tràng An đang đứng trước những thách thức gì trong việc phát huy trở thành địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ văn hóa và du lịch thế giới?

Ông Nguyễn Mạnh Cường: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bảo tồn và phát huy Quần thể danh thắng Tràng An còn gặp phải một số khó khăn. Trong đó, số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú du lịch, đặc biệt ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ; loại hình cơ sở lưu trú dạng homestay tự phát tăng nhanh, chủ yếu tập trung trong vùng lõi của di sản.

Công tác quản lý đất đai, các hoạt động xây dựng, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, sử dụng tài nguyên du lịch trong khu di sản chưa nghiêm, có vi phạm kéo dài chưa xử lý triệt để; công tác nghiên cứu khoa học còn ít, chưa có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về các giá trị của di sản; công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường chưa tương xứng với vị thế và tầm vóc của di sản; các dự án đầu tư về hạ tầng du lịch trong khu di sản triển khai còn chậm; sản phẩm du lịch trong khu di sản còn trùng lặp, đơn điệu, thiếu các chương trình du lịch chuyên sâu về khảo cổ học, khám phá di sản gắn với các giá trị, truyền thống văn hóa-lịch sử về vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Tỉnh Ninh Bình xác định lấy giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên độc đáo để tạo dựng hình ảnh và thương hiệu của du lịch của Quần thể danh thắng Tràng An. Đây chính là những lợi thế để nâng cao hình ảnh, vị thế du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỮU TRƯỞNG (thực hiện)