Câu ca dao, tục ngữ đồng bào Thái trong lao động sản xuất

Câu ca dao, tục ngữ đồng bào Thái trong lao động sản xuất

Cũng như kho tàng văn hóa các dân tộc khác, tục ngữ, ca dao của dân tộc Thái là một kho kinh nghiệm về sản xuất, đời sống tinh thần; qua đó, thể hiện  thế giới quan, nhân sinh quan, tư tưởng, tình cảm của con người, cách ứng xử với tự nhiên, mối quan hệ sản xuất…trong khuôn khổ của bài viết này một phần nào đó để tìm hiểu những câu ca dao, tục ngữ được chắt lọc từ kinh nghiệm, từ thực tiễn cuộc sống của đồng bào Thái xưa và nay trong việc Lao động sản xuất.

Người Thái còn có những câu ca dao, tục ngữ đậm tính triết lý, khái quát những quy luật của tự nhiên, xã hội, thể hiện một trình độ tư duy cao, có tính biện chứng. Đọc những câu sau, ta thấy cái nhìn của người Thái về thế giới không phải là bất biến, trái lại, rất động:

 Phả tỉm phả khăm phốn

 Đáo tỉm bổn khăm đẹt

 Phả khăm đẹt đáo chổm

 Phả khăm phốn đáo đòn

 Phả hùm còn bo lón pển phốn

 Màu ọc khăm phốn

 Màu hau khăm đẹt

(Mây đầy trời thì mưa

Sao đầy trời thì nắng

Trời sẽ nắng sao chìm

Trời sẽ mưa sao nháy

Sấm trước trời không mưa

Mối ra tổ thì mưa

Mối vào tổ thì hạn)

Anh-tin-bai

Với việc sản xuất Nông nghiệp và chủ yếu là trồng lúa nước và làm nương, nên việc vận dụng và việc biến động của vạn vật xung quanh làm kênh dự báo thời tiết, chuẩn bị tốt nhất cho việc sản xuất, để đạt được kết quả cao nhất, như:

Hày khau đay đẹt chớ cằm đay hái

Hày phai đay đẹt chớ ngái đay xử

Phổn tốc gian ngọc

Đẹt ọc dam xẻn

(Nương lúa được nắng buổi chiều gánh lúa đi bán

Nương bông hứng nắng chưa phải mua thêm

Mưa rơi lúa mọc mần

Nắng quá sợ gạo vụn).

Anh-tin-bai

Bản làng của người Thái được quần tụ và hòa mình vào tự nhiên, như một quy luật con người với thiên nhiên là một, do vậy khi lựa chọn làm nơi để lập bản, lập mường, người Thái đã biết lựa chọn địa hình nào phù hợp về nguồn nước, đặc tính cây trồng để canh tác:

Ế hày xọc tín phá

Ế na xọc tín thung

(Làm nương chọn chỗ chân đồi

Làm ruộng chọn nươi cuối thung)

Việc canh tác phải được con người rèn luyện qua sự hướng dẫn, chỉ bảo của người có kinh nghiệm trong cộng đồng, phải là thế nào? thực hiện ra sao phải theo tuần tự, quy trình, như người khôn nói chuyện mới được việc:

Chàng chốc chằng pển ná

Chàng cha chằng pển ban

Ná tha ca bò đí

Ca tha na chằng đí

(Biết vỡ mới thành ruộng

Khéo nói mới thành bản

Mạ chờ ruộng không tốt

Ruộng chờ mạ mới tốt)

Hay:

Nằm hày nằm pảy na

Púc ca púc cứn lẳng

(Trồng lúa nương tiến thẳng về phía trước

Cấy lúa bước giật lùi lại sau)

Và việc chọn cây để trồng phải phù hợp với thổ nhưỡng, đặc tính của cây:

Đín đẳm pục tảnh

Đín đánh pục khau

(Đất xốp trồng bầu, bí

Đất nâu trồng lúa).

Anh-tin-bai

Việc canh tác phải phù hợp với lịch nông vụ (Lịch âm của đồng bào Thái), theo mùa thì mới có ăn:

Hủa pí đằm xờ pa nha cờ đay kí

La pí đẳm xờ puộc hói quái cờ bò đay kí

(Đầu vụ cấy vào đám cỏ cũng được ăn

Cuối vụ cấy trên vũng trâu đằm cũng chẳng được ăn).

Ngoài yếu tố tự nhiên, và hoạt động sản xuất nông nghiệp, kho tàng ca dao, tuc ngữ của người Thái cũng đã chỉ ra rằng, con người phải cần cù, siêng năng, biết phát huy sức lao động mới no đủ. Người Thái khuyên con cháu phải biết tự lực, chỉ có của cải do chính mình làm ra mới đảm bảo cuộc sống được ổn định, bền vững, chê bai nhũng kẻ lười nhác:

Khi chản pó mí kỉn

Dặc kí nhá nằng

Dặc hằng nhá nón

(Người nhác không có miếng ăn

Muốn ăn đừng ngồi

Muốn giàu đừng ngủ)

Vận dụng và kết hợp hài hòa những lời răn dạy con cháu:

Khau bò mạc tái hày chắn

Mú bò mạc tái chau chản

(Thóc lép bởi nương dốc

Lợn gầy do chủ nhác)

Hay:

Khau pó mí kỉn

Đín pó mí nhằm

(Cơm không có mà ăn

Đất không có mà dẫm)

Anh-tin-bai

Sự công bằng như một hương ước, quy ước của đồng bào Thái, chê trách, phê phán rõ ràng những kẻ lười nhác, nhưng cũng đồng thời khen ngợi, biểu dương những người biết chăm lo cho gia đình, cho cuộc sống, xây dựng bản, mường:

Khau nắm hỏng pục

Phai hục học tắm

Hặc cốn hánh

Pánh côn nhướn

(Thóc lúa lo trồng

Sợi bông lo dệt

Yêu người xốc vác

Chuộng kẻ chăm làm)

Hay:

Ết pển hển cau pa

Ết pỏ pển nỏng nả pò đéo cờ bò hển

(Làm nên có chín bà bác

Làm không nên một cậu em trai cũng không thấy).

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của đồng bào Thái còn vô vàn những lời răn dạy con cháu về cách ứng xử, vận dụng với thiên nhiên một cách hài hòa, yêu lao động sản xuất, để xây dựng bản, xây dựng mường ấm no. Ca dao, tục ngữ của đồng bào Thái vừa thể hiện nét chung về văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam vừa phản ánh bản sắc riêng trong văn hóa của mỗi dân tộc. Bởi thế mà nền văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy bản sắc của đồng bào Thái miền Tây xứ Nghệ./.

Vi Anh Tú, Phòng VHTT