Câu chuyện bí mật của mùa thu – Tạp chí Sông Hương
Câu chuyện bí mật của mùa thu
10:10 | 08/11/2012
Minh họa: BỬU CHỈ
Đặc biệt tôi yêu cái xóm nhỏ của tôi vào tiết thu, nhất là vào những buổi chiều mây trắng trôi bảng lảng. Những ngôi nhà nép sát vào nhau im lìm mà không có cảm giác chật chội như khi hè đến. Con đường vốn ướt át, đôi khi lầy lội vào mùa xuân, bây giờ những hòn gạch xây theo kiểu bổ cau như trắng ra dưới bầu trời trắng đục một màu. Từ nhà nọ nối với nhà kia bằng ngõ nhỏ lát gạch như thế. Sự yên tĩnh của xóm gần như được giữ vững bởi khoảng trống khá rộng giữa xóm và đường cái. Trên khoảng đất trống ấy có mấy cây lim già cao ngất. Buổi tối bọn thanh niên trong xóm thường ra đây tụ tập, ca hát, thậm chí trêu chọc những cô gái đi qua lối ngõ duy nhất để vào xóm.
Vào một đêm đầu mùa trăng. Mặt trăng mảnh như lá lúa in trên nền sẫm bầu trời điểm chi chít những vì sao. Ánh trăng chưa đủ chiếu sáng xuống trái đất nhưng cũng khiến bầu trời lung linh, huyền bí. Chiều nay bọn trẻ xóm tôi đã hẹn nhau ra “vườn xóm”. Không hiểu ai gọi khoảng đất trống như thế, lâu rồi thành tên. Đến nơi đã thấy bọn thằng Sáu ngồi xúm quanh quán của thím Tư, cái quán duy nhất của xóm dựng tại đây, nép bên gốc cây lim cao ngất.
– Huy đấy à? Sao ra chậm thế mày?
Sáu ngồi quay nửa người về phía tôi.
– Có mang theo đàn không? – Tôi ngồi xuống cạnh nó, hỏi.
– Kia – Sáu chỉ chiếc đàn ghi ta dựng trong gác quán của thím Tư. Đó là vật không thể thiếu được mỗi khi chúng tôi tụ tập nơi đây.
– Hôm nay các cậu định thức đến mấy giờ?
– Lúc nào thím buồn ngủ thì tụi con về – thằng Sáu nháy mắt trêu thím – Hôm nay thím phải lẩy Kiều đấy nhé. Bao lần thím hứa rồi.
Thím Tư tủm tỉm cười, nụ cười thật hiền với những nếp nhăn quanh miệng. Bọn tôi đứa nào cũng quý thím vì tính tình vui vẻ hiền hậu và hay thương người của thím. Thím bị cụt cả hai chân vì bom giặc Pháp vào năm lên mười tuổi. Thím đi lại bằng mẩu đùi ngắn ngủn còn lại nhưng làm việc gì cũng thoăn thoắt. Chồng mất hơn chục năm nay, thím ở với hai người con. Con trai thím bằng tuổi tôi hiện đang đi bộ đội, đứa con gái đang học năm cuối cùng phổ thông trung học, thím nhờ tôi phụ đạo để thi vào đại học. Con bé là niềm tự hào của thím. Nó thừa hưởng được những nét thanh tú trên khuôn mặt của mẹ, lại học giỏi và rất chăm chỉ. Cuộc đời lận đận, vất vả nhưng chẳng bao giờ thấy thím than vãn. Không cứ bọn trẻ chúng tôi mà cả xóm đều quý gia đình thím. Tự nhiên quán nước của thím là nơi tụ hội của mọi người trong xóm. Ai có cái gì không bằng lòng hoặc buồn phiền đều ra quán tâm sự với thím. Vì thế ngồi một chỗ mà thím biết hết mọi chuyện trong xóm làng, nhưng không bao giờ đưa đẩy chuyện làm phật ý ai. Thím đặc biệt quý mến bọn thanh niên chúng tôi. Đêm nào chúng tôi ra đây chơi thím đều thức cùng, bán thì ít mà cho thì nhiều. Thỉnh thoảng chúng tôi cùng nhau góp tiền đưa cho thím. Và lần nào cũng thế, thím súc ấm pha riêng cho chúng tôi một ấm trà – ấm trà cuối cùng trong ngày không bao giờ thím tính tiền.
Chúng tôi rải chiếu xuống đất, vòm cây bên trên là mái che rất tốt khỏi sương rơi xuống. Đó là sáng kiến của thím Tư, lúc nào thím cũng sợ tụi tôi bị ốm. Thằng Sáu ôm đàn vào lòng, những ngón tay thon dài của nó lướt nhẹ trên phím. Tiếng đàn của nó nghe rất ấm, tình cảm, khác hẳn với âm thanh bập bùng của thằng Hiếu. Tôi không biết đàn mà chỉ thích nghe và sưu tầm những bản nhạc hay về cho tụi nó, giống như người không biết đốt pháo lại hay mua pháo về nhờ người khác đốt hộ. Cho nên tôi luôn phải hứng chân đầu sai.
Về khuya không khí trong trẻo đến mức có cảm giác tiếng đàn cứ trôi mãi, trôi mãi không bao giờ tắt. Thím Tư ngồi lặng lẽ, mắt nhìn xuống. Cũng không rõ vì sao thím thích nghe đàn như thế, và chỉ thích mỗi tiếng đàn của thằng Sáu.
– Đàn bài “Thiên thai” đi Sáu – Thím Tư yêu cầu.
– Con không nhớ hết. Thím thử hát xem nào.
– Ôi, tao mà lại hát á? – Thím Tư che miệng cười thẹn thùng như con gái. Đã bao lần chúng tôi trêu cái tật đáng yêu này của thím mà thím vẫn không bỏ được – Bọn già như tao ở xóm mình đều thuộc bài hát ấy đấy!
– Ai đấy hả thím?
Chúng tôi ngừng đàn quay sang chất vấn thím Tư. Ngập ngừng lúc lâu thím kể:
– Ngày xưa trong xóm mình có người kéo nhị rất hay. Tiếng đàn của thằng Sáu giống tiếng nhị của anh ấy.
Câu chuyện có chút hoài cổ của người già, nhất là chuyện loanh quanh trong cái xóm nhỏ này bao giờ cũng hấp dẫn bọn tôi. Nó gợi lên sự háo hức muốn được biết về con người và mảnh đất mà nơi mình đang sống.
– Các cậu vẫn còn thức cơ à?
Anh Hải, công an phụ trách xóm tôi đi ngang qua ghé vào. Anh đứng vịn thân cây ngó nhìn dịu dàng từng đứa chúng tôi. Chúng tôi tỏ thái độ khó chịu bằng cách im lặng. Thấy thế thím Tư đỡ lời:
– Chúng nó ngồi đàn hát đấy mà. Mời anh vào xơi nước.
– Rất tiếc, thôi cháu phải đi bây giờ – Anh quay về phía chúng tôi – Các cậu cố gắng đừng làm ảnh hưởng đến người khác.
Nói xong anh đi luôn. Thằng Hiếu xì một tiếng thật dài. Nói ghét thì không phải, nhưng chúng tôi đều không ưa anh Hải vì tính tình lầm lì rất khó gần của anh. Sau lưng chúng tôi gọi anh là Lý Lâm, tên một nhân vật trong “X 30 phá lưới”.
– Chỉ được cái hay dòm ngó – thằng Sáu buông đàn khó chịu ra mặt.
– Bọn này chỉ hay lôi thôi – thím Tư mắng yêu.
– Hơi đâu khó chịu chuyện vớ vẩn – Tôi gạt đi và tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở – Thím kể tiếp câu chuyện lúc nãy đi.
Thím Tư rót nước cho chúng tôi và ngồi thu tay vào lòng. Sau những động tác chuẩn bị đó là câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa”. Đôi mắt thím lim dim nhìn xuống đất như sắp ngủ gật, rất ít khi ngước nhìn lên người nói chuyện với mình.
Đây là câu chuyện của thím mà tôi sẽ kể lại bằng cách kể của tôi.
Trước đây trong xóm có một thanh niên kéo nhị rất hay. Anh bị mù từ nhỏ và lấy tiếng nhị làm nghề nuôi sống mình. Tiếng nhị của anh như tiếng nấc, nghe buồn da diết. Nơi ở của anh thường là nơi tụ tập của những người trong xóm sau một ngày lao động cực nhọc. Tiếng nhị là tiếng lòng của họ, giúp họ khuây khỏa đôi chút trong cuộc đời đau khổ vì tàn tật. Còn anh mù, anh tìm thấy ở những người xung quanh mình cảnh sắc của cuộc đời. Một nụ cười, một tiếng nói của họ đều cần cho cuộc sống cô đơn của anh. Những hôm mưa gió mọi người không đến được thì anh ngồi nhà kéo nhị. Tiếng nhị cũng đủ đến với từng người trong cái xóm nhỏ bé này và làm ấm áp đôi chút căn nhà vốn nhỏ bé, tồi tàn của bọ. Đã thành thói quen, cứ đến giờ nhất định, mọi người lại đón chờ âm thanh quen thuộc vang lên từ giữa xóm. Họ quý mến và chăm sóc anh, coi anh như chính một phần của cơ thể mình. Nhà ai có chút gì ăn được cũng mang đến cho anh, có khi chỉ là củ khoai, củ sắn mới luộc còn nóng hổi. Một hôm đã quá giờ rất lâu mà vẫn không nghe thấy tiếng nhị của anh réo rắt. Trời hôm đó đổ mưa nên không ai đến tìm hiểu nguyên nhân sự bất thường này. Sáng hôm sau cả xóm xôn xao vì cái tin: anh mù bị ốm nặng. Trận sốt bất ngờ đã quật ngã thân hình vốn gầy gò của anh. Mọi người ngạc nhiên thấy bát cháo hoa mà ai đó đã mang đến để đầu giường vẫn còn ấm nhưng anh không ăn nổi. Họ trách người đem cháo đến cho anh đã không báo tin này cho mọi người cùng biết, nhưng lúc hỏi thì chẳng ai nhận. Lẩn trong đám người đến thăm anh có một cô gái đứng cạnh cửa nhìn trân trối vào chiếc chõng anh nằm. Cô dấu đôi mắt đen lóng lánh đau khổ của mình vào bóng tối của góc nhà. Chính cô gái hàng xóm ấy là người mang cháo đến cho anh. Đã từ lâu cô gái thầm yêu trộm nhớ người con trai mù kéo nhị. Còn anh, dường như anh không để ý đến cô. Đời thuở nào cọc lại tìm trâu, cô gái nghĩ thế, với lại chắc gì anh đã yêu cô. Cô đau khổ chôn chặt mối tình thầm kín ấy không cho ai biết. Một đêm khi gà gáy canh năm, đáng lẽ là giờ anh dậy, mà ngó sang nhà bên cô vẫn thấy im ắng. Linh cảm mách cô điều gì đó không hay. cô len lén đứng ngoài cửa sổ nhìn vào: anh nằm nửa người trên chõng, nửa người rơi xuống đất. Những ngày sau đó cô chăm sóc anh rất chu đáo như một người hàng xóm tốt bụng. Một buổi tối cô đang bón cháo cho anh thì bỗng nhiên anh nắm lấy tay cô. Cả người cô run lên vì vui mừng xen nỗi sợ hãi mơ hồ. Không dấu nổi tình cảm của mình, anh thú nhận anh yêu cô đã lâu, nhưng không dám nghĩ tới chuyện trăm năm. Với hai kẻ tàn tật (thím Tư kể rằng cô gái cũng bị tàn tật, nhưng không nói rõ là cô bị làm sao), rồi sinh con đẻ cái thì rồi sẽ sống ra sao? Đó là lý do duy nhất khiến anh không dám mơ ước hạnh phúc và đi đến tình yêu của mình. Họ đã khóc bên nhau trong giây phút hạnh phúc nhất và đau khổ ấy. Họ được sống với nhau trọn một ngày trong tình yêu để rồi đêm đó anh đã chết. Trước khi nhắm mắt anh dặn lại cô gái: “Em nhớ lời anh dặn, không được đi đâu khỏi xóm này. Em còn sống nếu em còn ở đây. Cuộc đời bất nhân này cũng còn nhiều người tốt, em phải tin và dựa vào họ mà sống”. Từ đó xóm vắng hẳn tiếng nhị của anh.
Thím Tư ngừng kể đã lâu mà bọn tôi vẫn ngồi im – sự im lặng đến nặng nề. Thằng Sáu lém lỉnh là thế mà cũng ngồi ngay như phỗng đất. Tôi phá vỡ sự im lặng:
– Thế cô gái ấy đâu rồi thím?
– Không biết cô ấy bỏ đi đâu.
Thím thoáng ngập ngừng rồi nói nhanh. Xong thím ngửng lên nhìn chúng tôi. Tôi bàng hoàng khi bắt gặp ánh mắt ấy. Nó rực sáng long lanh và đượm nỗi buồn sâu lắng. Không thể nhận ra đôi mắt ít phút trước đó còn mệt mỏi nhăn nheo. Khuôn mặt thím bừng sáng khiến những nếp nhăn như dãn ra. Bàn tay thím run run lần gấu áo. Không, cô gái ấy không thể là ai khác ngoài Thím Tư. Có những điều thiêng liêng người ta thường giữ kín như thế, để mỗi khi nhớ đến vẫn còn được cảm xúc mãnh liệt ban đầu. Thím sẽ chôn sâu mối tình thầm kín, đau buồn của mình cho đến lúc chết. Có lẽ đêm nay thím bắt gặp điều gì đó thân thuộc giống khi xưa khiến thím phải kể ra câu chuyện kia với chúng tôi, vừa để vơi nỗi buồn, vừa để ôn lại quá khứ mà thím sợ thời gian sẽ bào mòn mất đi. Có lẽ thứ âm thanh vô tư của chúng tôi mà chúng tôi vẫn tưởng ngọt ngào đã làm thím nhớ lại những số phận từng bị cuộc đời đè nặng lên biết bao sự cay đắng.
Chợt thằng Sáu nói một câu thật khó nghe:
– Thế thím có tin điều anh mù nói không?
Thím Tư trở lại thái độ vui vẻ thường ngày:
– Tin chứ: không tin thì sống sao nổi… Mà thôi không nói chuyện đó nữa.
Thím rửa dọn cốc chén và giục chúng tôi ra về. Tôi chậm rãi men theo con đường gạch trở về nhà. Có lẽ trên con đường gạch cũ kỹ này người mù kéo nhị năm xưa đã từng qua lại. Bây giờ đến lượt tôi. Mới là thế hệ thứ hai của xóm, mà sao mọi vật đã khác xưa quá. Cái dáng lũn cũn của thím Tư đi phía trước cùng với tiếng nhị mà tôi cố tưởng tượng ra cứ ám ảnh tôi. Dù sao thím Tư cũng là người hạnh phúc, vì trong điều kiện éo le ngày đó thím đã tìm thấy tình yêu của mình dù rất ngắn ngủi. Tôi sẽ không bao giờ nói ra điều ước đoán của mình đêm nay khi nghe câu chuyện của thím. Thím cứ tiếp tục tin sự thiêng liêng của đời thím không một ai biết cả. Tôi không nỡ làm mất đi niềm tin trong sáng đó của thím vì sự thô thiển của mình. Với tuổi trẻ chúng tôi, câu chuyện đó thật đơn giản, nhưng với thím, nó gắn bó biết bao.
Bất chợt tôi quay lại phía sau và thoáng rùng mình, tưởng như vừa nghe thấy tiếng nhị du dương cất lên từ cái quán nhỏ bé tồi tàn của thím Tư.
***
Hồi Pháp thuộc xóm nhỏ nơi tôi ở là trại tế bần. Trại lập ngay cạnh nhà thờ xứ họ. Tôi không rõ nhà thờ ấy có từ bao giờ. Bức tường đã ngả màu xám xịt, thỉnh thoảng lại có mảng đen vì rêu phong bám vào lâu ngày.
Ngày ấy trại tế bần toàn những trẻ em tàn tật từ các nơi đến. Chúng là những đứa trẻ mất cha mẹ, hoặc do đói khổ bố mẹ phải gửi con vào trại… trông nom trại là mấy bà xơ. Những đứa trẻ tàn tật ấy cũng phải làm cật lực tùy theo khả năng của mình để sống. Hàng ngày sau những giờ lao động cực nhọc, chúng được các bà xơ kể cho nghe về chúa Giê-su. Đã nhen nhóm và nuôi dưỡng đức tin về chúa trời ở những tâm hồn non nớt này. Niềm tin đã theo suốt tuổi thơ của chúng. Cho đến một ngày chúng trở thành tín đồ của chúa, nhưng không vì thế niềm tin lớn lên theo. Khi đã trở thành các chàng trai và các cô gái, suy nghĩ chín chắn hơn tự hỏi: Chúa đã giúp gì cho cuộc đời tàn tật của họ? Đã có người nào trong số họ được chúa ban phước lành thoát khỏi cảnh tàn tật chưa? Niềm tin bắt đầu từ cái họ không thấy, không sờ mó và không hiểu được, mà chỉ thụ động theo người khác, có lẽ vì thế mỗi ngày nó bị xói mòn dần. Nhưng trước mặt đức cha và các bà xơ họ vẫn là con chiên ngoan đạo, đó là cách họ trả ơn sự cưu mang của trại tế bần. Bên cạnh sự tồn tại của đức tin bị bế tắc, là sức sống tự nhiên của tuổi trẻ luôn phá vỡ những ước lệ gò bó cố áp đặt lên cuộc đời họ. Trại phải thu xếp cho từng lứa đôi về sống với nhau. Từng đôi cố tạo dựng cho mình một góc nhỏ êm ấm trong phạm vi chật hẹp của trại. Cuộc sống vẫn cực khổ như xưa nhưng họ đã dành được những giây phút ít ỏi, hạnh phúc khi trở về tổ ấm của mình. Điều này đối với họ còn cần hơn cả đức tin. Qua năm tháng trại tế bần biến mất, còn lại cái xóm nhỏ với mấy chục nếp nhà dựa vào nhau.
Xóm giống như ốc đảo tập trung những người không bình thường, xa lánh cuộc sống trần tục bên ngoài. Khi mới chuyển nhà tới đây, tôi nhìn láng giềng mà thấy nản. Nhưng ở lâu, tôi chợt nhận ra những điều mà ở nơi khác khó tìm được. Có lẽ, ngay từ khi vào trại tế bần, những con người tàn tật đã tự tìm lấy một cách sống trong hoàn cảnh ngặt ngèo. Họ cố kết với nhau để tăng thêm các sức mạnh mà chỉ riêng cá thể đơn độc không có được, để chống chọi với tất cả sự xấu xa lừa lọc của cuộc đời. Trải qua thời gian, tình cảm khiên cưỡng ban đầu được thay thế bằng tình yêu thương, nhường nhịn và sẵn lòng giúp đỡ nhau. Tình cảm ấy là cách sống tự nhiên cuộc đời ban cho họ, rồi đến lượt họ, họ dạy lại cho con cháu mình sự xếp đặt đó của tạo hóa. Ra bên ngoài xã hội họ phải sống cương mình lên để bù đắp hoặc làm mờ nhạt đi một phần khuyết tật trên thân thể, để được bình đẳng hòa mình giữa những người khác. Chỉ khi trở về cái xóm nhỏ – cái thế giới của riêng họ – họ mới cởi bỏ sự gượng ép ấy, trở lại nguyên một người tàn tật vui vẻ, lắm khi còn tự chế riễu sự tàn tật của chính mình. Đôi khi nghe bọn trẻ con trong xóm đọc bài vè lếu láo không biết chúng học được ở đâu: “Ông mù đi công tác, ông lác lái máy bay, ông cụt tay đào hầm, bà câm gọi điện…” người lớn cũng chỉ cười hoặc quát mắng lấy lệ. Những chuyện đại loại như vậy chỉ được chấp nhận xảy ra trong cái xóm bé nhỏ đó thôi, cái xóm nhỏ cố chấp, bảo thủ nhưng đoàn kết và đầm ấm yêu thương…
Một lần tôi đang ngồi chơi với thím Tư thì bác Cung đi làm về ghé qua. Anh Hải cũng ngồi ở ngay cạnh nhưng tôi không thích nói chuyện với anh ta. Với lại anh ấy lầm lì, cũng chẳng cần ai nói chuyện. Thỉnh thoảng anh nói với thím Tư câu chuyện gì đó của xóm, tôi không chú ý. Tôi lặng lẽ nhìn bác Cung lần giở miệng túi áo được cài chặt bằng chiếc kim băng, lôi ra số tiền vừa kiếm được.
– Thím Tư đếm hộ tôi số tiền này, tiện thể trả thím tiền mấy gói thuốc lào lấy hôm nọ.
Thím Tư vuốt thẳng những đồng bạc nhàu nát xếp thành trăm một.
– Tất cả là trăm hai.
– Ơ – Bác Cung ngạc nhiên – Sao lại có vậy nhỉ?
– Thế bao nhiêu? – Thím Tư hỏi lại.
– Tôi làm được mười người, vậy là hai trăm chứ?
– Bác có nhớ nhầm không – Thím Tư lật số tiền ra xem lại – Đúng chỉ có trăm hai thôi.
Bác Cung ngẩn người suy nghĩ cố nhớ điều gì đó. Nhìn nét nhăn nheo, ngẩn ngơ của bác tôi thấy vừa thương vừa buồn cười. Bác lẩm bẩm:
– Sao lại có chuyện đó? Từ trước đến nay có xảy ra chuyện gì đâu?
Bác Cung cất số tiền vào túi và đưa mấy đồng lẻ trả thím Tư. Thím đẩy tay bác, nói:
– Đáng là bao, gọi là em biếu bác.
– Thím làm thế sau tôi không mua của thím nữa đâu. Bác Cung vờ giận dữ.
– Ấy chết! – Thím Tư cười – Bác làm em ế hàng đấy à?
Từ nãy Hải chỉ ngồi chăm chú lắng nghe, không nói gì. Tôi không biết gì nhiều về anh ta và cố hết sức tránh va chạm với Hải. Nghe qua mấy người già trong xóm nói thì gia đình Hải ở Vĩnh Phú. Sau Hải còn mấy đứa em. Tất cả chỉ có thế. Ấy vậy mà bất cứ gia đình trong xóm có chuyện gì vui buồn, trắc trở, đã thấy mặt anh ta. Bọn thanh niên rất khó chịu vì điều đó. Có lần thằng Sáu bực mình thốt lên: “Hình như anh ta sợ nếu không đến thì niềm vui của mọi người vơi đi, còn nỗi buồn nhân lên sao ấy?” Chắc chắn Hải biết sự khó chịu đó của chúng tôi nhưng anh làm như không để ý. Lúc này nhìn Hải, sự bực bội có sẵn trong tôi mỗi khi gặp anh ta như càng tăng lên. Nét mặt anh ta rắn rỏi, đen sạm bất động, đôi mắt thì nhìn cắm xuống mũi giầy. Vậy mà không hiểu sao những người già trong xóm tôi lại quý mến Hải? Họ khen anh ta sống chân thật và hay quan tâm đến mọi người. Quan tâm ư? Tôi không tin đó là tình cảm thực của Hải.
Trước lúc ra về, bác Cung quay lại dặn Thím Tư. Bác ấy không biết có Hải ngồi đó vì anh ta không lên tiếng.
– Thím Tư với thằng Huy không được nói chuyện này với mấy ông kia đấy nhé.
– Sao ạ? – Tôi hỏi bộp chộp.
– Các ông ấy lại nghĩ ngợi, buồn phiền lo lắng. Từ trước tới giờ chúng tao không gặp người nào xấu như vậy đối với chúng tao đâu. Vài đồng bạc ai nỡ làm thế.
Lúc Hải đứng dậy đi tôi chạy đuổi theo. Phải nói với anh ta việc này chứ không thể để như thế được. Nghe tôi gọi, Hải quay lại, nét mặt vẫn lầm lì như mọi khi. Cố nén bực bội tôi nói:
– Hôm nọ bác Tiến nhờ tôi đếm tiền cũng bị thiếu mấy chục. Chắc có kẻ lợi dụng họ mù lòa để ăn gian đấy.
– Có thể vậy – Hải vẫn thản nhiên và nghĩ ngợi đâu đâu không để ý đến câu chuyện của tôi.
– Anh xem thế nào chứ? – Tôi gắt gỏng.
– Ừ, để xem đã – Hải vẫn ậm ừ.
– Để xem – Tôi mỉa mai – Đợi công an nhà các anh thì người ta không còn cái quần mà mặc.
Nói xong tôi thấy mình hơi quá lời. Hải chỉ nhìn tôi ngạc nhiên rồi lặng lẽ bỏ đi. Kể cũng nể cái tính chịu đựng của anh ta. Duy có một chuyện mà tôi không nói với Hải, là bác Tiến hôm trước cũng bảo tôi: “Cháu đừng nói gì với các bác kia nhé. Cứ để các bác ấy yên tâm là không có chuyện xấu đang xảy ra. Bác sẽ tìm cách giải quyết.”
Chiều hôm đó lại thấy năm ông mù xóm tôi dắt dìu nhau ra đi. Họ sang bên kia đường, men theo đường ray tàu đi về phía ga, nơi ấy có một khoảng đất rộng, tối mờ. Đó là nơi để họ hành nghề tầm quất kiếm sống, cái nghề họ đã làm hơn hai chục năm nay. Không khí làm việc giữa họ lúc nào cũng hòa thuận. Họ không ganh tỵ, chèn ép lẫn nhau như những người cùng nghề khác. Có lẽ một phần cũng là do người này không có khả năng kiểm soát công việc của người kia.
Vài ngày sau chúng tôi lại tụ tập ở vườn xóm. Ánh trăng xanh rượi, tải xuống vườn tưởng như đọc sách được. Những đêm trăng như thế này mọi người trong xóm đều thích chúng tôi đàn hát đến khuya, tất nhiên không phải đàn những bài “giật giật” mà ngày nay thanh niên vẫn hay hát. Họ nghe và so sánh với tiếng nhị xưa kia. Chúng mày đàn thua anh mù kéo nhị ngày xưa, họ vẫn thường nói thế. Mặc cho bọn thằng Sáu chơi đàn, tôi ngồi thu lu một góc ngắm trăng và làm thơ, những bài thơ không bao giờ cho ai xem. Nếu biết chuyện này thế nào bọn trẻ cũng trêu tôi cho đến lúc xấu hổ phải bỏ bút. Cái bọn quỷ ấy chẳng tha ai cả. Nhưng chúng chẳng ác ý với ai bao giờ đâu. Chỉ với thím Tư, mặc dù thím không được học hành, tôi mới nói về những cảm xúc mơ mộng ấy mà không sợ xấu hổ và tôi nghĩ là thím hiểu tất cả. Chẳng biết bằng cách nào thím thuộc rất nhiều ca dao. Tôi nói cái gì đó là thím có thể đọc ứng khẩu ngay mấy câu… Khi nghe tiếng đàn của thằng Sáu thím thường ngồi mơ màng chìm đắm trong sự suy tưởng nào đó. Tự nhiên tôi cũng bị lây nỗi buồn vu vơ. Tôi lén đứng dậy đi ra ngoài đường cái. Theo thói quen (cái thói quen của bác Cung nhập vào tôi từ khi nào chẳng rõ), tôi sang bên kia đường và men theo đường ray tàu lấp lóe dưới ánh trăng. Tâm trạng bồn chồn tôi bước đi như người bị mộng du. Tôi chẳng biết mình muốn gì nữa, chỉ thấy khao khát làm một cái gì đó để tận dụng cảm xúc tuyệt vời, cái ảo ảnh kỳ diệu của đêm trăng này.
Đang chới với bước đi, tôi chợt nhận ra giọng nói quen quen. Có hai người đang đứng dưới lùm cây tối mờ. Một người túm lấy ngực áo người kia, cố gìm giọng nói trong lồng ngực:
– Đừng cãi, chính anh đã ăn gian tiền của họ. Tôi theo dõi mấy hôm nay rồi.
Nếu không nhận ra người vừa nói là Hải thì tôi đã bước đi, tiếp tục với những ý nghĩ viễn vông. Hải không mặc quần áo cảnh sát mà mặc chiếc áo trắng, nên tôi không nhận ra anh được ngay lúc đầu. Tôi nép sau gốc cây sát nơi hai người đứng, tò mò xem sự việc đang diễn ra.
– Anh tha cho em, em trót dại lần đầu – người kia sợ hãi gỡ tay Hải.
– Lần đầu? – Hải rít lên, chực nhảy xổ vào người kia mà đánh – Anh nói lại đi, mấy lần rồi.
Người kia im lặng. Tôi nghe rõ từng hơi thở rất mạnh đứt quãng của anh ta. Lát sau anh ta ấp úng:
– Em xin nói thật, đấy mới là lần thứ hai.
– Giấy tờ của anh đâu?
Hải buông tay đứng chờ. Người kia lóng ngóng mãi mới lấy được chứng minh thư cất trong túi áo ra. Hải bấm đèn pin lên xem rồi cất vào túi ngực. Người kia van vỉ:
– Anh đừng bắt em lên đồn, đừng báo về cơ quan. Em sợ. Em xin chừa.
– Tôi chưa cần làm việc đó nhưng phải biết chính xác về anh – Hải dằn giọng – Còn bây giờ… anh hãy nói với họ là anh trả tiền nhầm, nay xin hoàn lại.
Hai người còn nói điều gì đó, tôi nghe bập bõm không rõ. Bỗng tiếng Hải nói gắt gỏng, có vẻ hơi cáu kỉnh:
– Sao ư? Anh không hiểu được à? Đừng nỡ làm mất đi…
– Hải ngập ngừng – họ tin như thế vào con người đã từ lâu. Thôi, anh đi ra kia làm đi. Tôi đứng đây chờ.
Người kia ngập ngừng một lúc rồi tiến về phía mấy ông già mù tẩm quất của xóm tôi. Tôi rời bỏ chỗ đứng dưới gốc cây không để Hải nhận ra sự có mặt của tôi trong câu chuyện vừa rồi. Bởi nếu biết anh ấy sẽ tránh mặt tôi. Tính anh ấy vẫn vậy.
Hơn mười giờ đêm, bác Cung cùng bốn ông mù trở về. Họ dừng lại quán thím Tư. Tôi lặng im nghe câu chuyện bác Cung kể lại với vẻ mặt hào hứng.
– Tôi nghĩ ngay từ đầu mà, chắc là họ nhầm lẫn thôi.
– Thức lâu mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết con người có nhân – Thím Tư hứng chí ngâm nga – Bọn này mới lớn chưa hiểu được điều đó đâu.
Có một người lạ mặt bước vào quán, anh ta hỏi thím Tư:
– Bác có thấy anh Hải xuống đây không?
– Không? Chú tìm anh Hải có việc gì? Cháu là bạn. Người nhà anh ấy nhắn là mẹ anh ấy ở quê ốm nặng mấy hôm nay. Đơn vị đã đồng ý cho anh ấy về phép mà sao chưa thấy anh ấy về, cháu ra phường tìm mấy lần mà không gặp.
Người thanh niên bỏ đi vào trong xóm. Tôi định gọi anh ta nhưng lại thôi. Thím Tư bảo chúng tôi ngồi quây quần trong quán. Thím súc ấm pha trà – ấm trà cuối cùng trong ngày không bao giờ thím tính tiền. Tôi nhìn thím cười vô tư để thím tin rằng chúng tôi vẫn còn trẻ chưa thể hiểu được cuộc đời này. Và vẫn cần được sự chở che của những người như thím. Cũng giống như cái xóm nhỏ cố chấp nhưng đáng yêu của tôi, thật cần đến tiếng nhị của người mù năm xưa và bây giờ là tiếng đàn của bọn thanh niên chúng tôi, cần tới việc làm của anh Hải mà lâu nay chúng tôi cứ cho là một anh chàng lạnh lùng, khó gần, và cần cả đến ấm trà cuối cùng trong ngày không tính tiền của thím Tư. Hai điều bí mật tôi đã khám phá sẽ mãi được giữ kín trong tâm hồn. Bất chợt tôi thấy ánh trăng mùa thu bớt lạnh lẽo hơn. Và, phảng phất đâu đây tiếng nhị ngọt ngào ấm áp của người mù năm xưa.
T.L
(SH24/4-87)