Câu chuyện không dễ có lời giải đối với bóng bàn Việt Nam

Từ cuối tuần trước, đội tuyển bóng bàn quốc gia đã tập trung trở lại để chuẩn bị cho Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á vào cuối tháng 6 này. Và sau đó sẽ còn tham gia nhiều giải đấu quốc tế khác để chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 32, vào tháng 5-2023.

Nhiều cái mất từ việc thiếu cọ xát

Ít ngày sau SEA Games 31, người trong cuộc, trong đó có các huấn luyện viên (HLV) của đội tuyển bóng bàn Việt Nam mới có thời gian ôn lại hành trình chuẩn bị cho SEA Games 31. Đối với họ, đó là hành trình thực sự không dễ dàng và đầy thử thách.

Bắt đầu từ việc dịch COVID-19 xảy đến, khiến các tay vợt bóng bàn Việt Nam không thể thi đấu quốc tế trong hơn 2 năm. Cũng chưa bao giờ bộ môn bóng bàn của Tổng cục TDTT lại mong được sử dụng kinh phí thi đấu quốc tế như vậy. Đơn giản, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã buộc đội tuyển lỡ hẹn với các giải đấu quốc tế trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng bàn thế giới. Kinh phí hằng năm cấp bộ môn để phục vụ thi đấu quốc tế vốn như muối bỏ bể so với nhu cầu thi đấu quốc tế giai đoạn trước dịch COVID-19 thì sau đó vẫn không thể được sử dụng trong sự ngậm ngùi của người có trách nhiệm.

Câu chuyện không dễ có lời giải đối với bóng bàn Việt Nam -0
Tay vợt Nguyễn Đức Tuân thi đấu tại SEA Games 31.

Trong khi đó, các tuyển thủ bóng bàn Việt Nam cũng không còn có tên trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới khi không dự các giải quốc tế trong hơn 2 năm. Đến khi tham dự SEA Games 31, đương nhiên đội tuyển không có lợi thế trong bốc thăm hạt giống ở các nội dung thi đấu.

Một HLV của đội tuyển kể rằng, do biết nếu dựa vào bảng xếp hạng thế giới thì đội tuyển sẽ gặp bất lợi khi bốc thăm thi đấu nên đã báo cáo Ban tổ chức môn bóng bàn ở SEA Games 31 nên tính tới việc chọn vị trí hạt giống ở nội dung đồng đội căn cứ vào thành tích tại SEA Games 29. Nếu được như vậy thì quá tốt cho đội tuyển, nhất là đội tuyển nam do đã lên ngôi vô địch đồng đội nam tại SEA Games 29, kỳ SEA Games gần nhất có nội dung đồng đội. Tuy vậy, câu trả lời từ bộ phận chuyên môn của Ban tổ chức là tất cả đều phải dựa vào xếp hạng gần nhất trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới. Thế nên, cả đội nam và nữ của đội tuyển bóng bàn Việt Nam đã không có chút lợi thế nào trong bốc thăm thi đấu.

Và trong quãng thời gian từ SEA Games 30 đến SEA Games 31, đội tuyển bóng bàn Việt Nam cũng chỉ có một chuyến tập huấn quốc tế tại Hungary vào đầu năm nay. Chuyến đi kéo dài 1 tháng thì mất nửa tháng không tập huấn được do các thành viên trong đội phải điều trị COVID-19 vì lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc tại đây. Nửa tháng còn lại cũng không để lại nhiều dấu ấn chuyên môn ngoài việc giúp VĐV “đổi gió”, tâm lý thoải mái hơn. Còn lại, các tay vợt chỉ tập huấn và thi đấu trong nước, thiếu những cuộc thi đấu đầy sức ép với các tay vợt nước ngoài. Ban huấn luyện cũng nỗ lực tạo ra các giải đấu nội bộ giàu tính cạnh tranh với tiền thưởng ở mức cao nhằm giúp VĐV có trạng thái tốt nhất.

Nhưng tất cả vẫn chưa đủ, nhất là với những tay vợt cần liên tục được thi đấu quốc tế để trui rèn bản lĩnh. Cho nên, như đúc kết của người làm nghề thì chỉ một chuyến tập huấn quốc tế tại Hungary với việc hầu hết cả đội lây nhiễm COVID-19, việc cọ xát với những đối thủ không vượt trội chỉ trong thời gian hơn nửa tháng thì thành tích 1 HCV, 4 HCĐ tại  SEA Games 31 cũng là đáng khích lệ cho các tay vợt Việt Nam.

Thêm nguồn lực để đáp ứng yêu cầu

Hiện tại, đội tuyển bóng bàn quốc gia đã tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị cho Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á năm 2022, diễn ra từ 23 đến 29-6 tại Thái Lan. Giải đấu này đang được cả Ban huấn luyện cũng như các tay vợt chờ đợi vì sẽ đáp ứng được cả yêu cầu chuyên môn cũng như kinh tế.

Thi đấu tại giải, không chịu áp lực quá nhiều như khi thi đấu trên sân nhà có thể sẽ giúp các tay vợt còn có nuối tiếc ở SEA Games 31 như Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng… sớm tìm lại mình và khẳng định mình. Và đó cũng là cơ hội cho nhiều tay vợt khác của đội tuyển để vừa được thi đấu vừa có cơ hội nhận thêm tiền thưởng như quy định nếu giành huy chương tại giải.

Không kể, việc thi đấu tại giải sẽ giúp các tuyển thủ tích thêm điểm trên bảng xếp hạng thế giới để giúp đội tuyển Việt Nam gặp thuận lợi hơn ở nhiều kỳ giải quốc tế sắp tới trong việc bốc thăm, chọn hạt giống. Đến lúc này, nguồn kinh phí thi đấu quốc tế trong năm 2022 của bộ môn vẫn đủ để đội tuyển quốc gia dự giải vô địch Đông Nam Á và đội tuyển trẻ quốc gia dự giải vô địch trẻ Đông Nam Á năm 2022.

Tuy nhiên, sau hai giải này, có thể nguồn kinh phí của bộ môn sẽ không còn nhiều trong khi nhu cầu thi đấu quốc tế của VĐV chưa bao giờ hết. Phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT), Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn cũng cho biết thêm rằng, sau hai giải này, khi cân đối, tính toán kinh phí, nếu còn thừa thì bộ môn sẽ tạo điều kiện để các tay vợt trọng điểm của đội tuyển quốc gia dự các giải đấu mở thuộc hệ thống thi đấu Liên đoàn Bóng bàn thế giới. Việc này nhằm tích thêm điểm trên bảng xếp hạng thế giới cũng như trui rèn, nâng trình độ. Đây cũng là cách chuẩn bị tốt cho SEA Games 32 diễn ra sau đây gần 1 năm (tháng 5-2023).

Việc tính toán thi đấu quốc tế cho VĐV như trên cũng là bình thường trong bối cảnh các tay vợt ở những nền bóng bàn mạnh của khu vực Đông Nam Á được thi đấu quốc tế thường xuyên. HLV đội tuyển bóng bàn quốc gai Đinh Quang Linh dẫn ngay ra câu chuyện về tay vợt Thái Lan Padasak Tanviriyavechakul sau khi thi đấu tại SEA Games 31 đã sang ngay Hy Lạp để tranh tài tại một giải đấu ở đây. Trong khi ấy, cũng không thiếu tay vợt có trình độ như Padasak Tanviriyavechakul. Không kể, các tay vợt khác của Singapore, Thái Lan, Malaysia cũng dự kiến sẽ thi đấu quốc tế liên tục trong thời gian tới.

Vì vậy, HLV Đinh Quang Linh cho rằng, ngoài nguồn kinh phí thi đấu quốc tế của bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT Việt Nam), rất cần đến sự góp sức từ nhiều nguồn, trong đó có Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, để các tay vợt được thi đấu quốc tế nhiều hơn. Trong câu chuyện cách đây ít tháng, Chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Nguyễn Xuân Vũ cũng đề cập đến việc này và giờ là lúc Liên đoàn có những bước đi thiết thực, cụ thể để nâng tầm cho một số tay vợt giàu triển vọng của bóng bàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần tính tới việc tạo điều kiện để các tay vợt được thi đấu cho các câu lạc bộ nước ngoài nếu nhận được lời mời để giúp họ được cọ xát quốc tế. Đây cũng là cách để bù đắp cho việc thiếu kinh phí thi đấu quốc tế từ đơn vị quản lý. Thực sự, trước đây, nhiều tay vợt Việt Nam đã nhận được lời mời thi đấu, dù dưới dạng cho mượn từ các câu lạc bộ nước ngoài, nhưng rồi cũng không thể xuất ngoại vì lý do khách quan dù người trong cuộc rất muốn.

Thế nên, câu chuyện bóng bàn Việt Nam 3 lần liên tiếp giành HCV ở SEA Games giờ cũng không quan trọng bằng việc giữ được đà phát triển thông qua các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế với sự vào cuộc từ cơ quan quản lý nhà nước đến Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, đơn vị chủ quản của VĐV, doanh nghiệp…

Cơ hội thử sức cho tay vợt CAND

Dự kiến, tại Giải vô địch bóng bàn Đông Nam Á năm 2022, hầu hết các tay vợt Việt Nam dự SEA Games 31 vẫn sẽ góp mặt. Tuy nhiên, cơ hội tham dự vẫn có với những VĐV còn lại, nếu họ thể hiện tốt trong quá trình tập luyện trong đó có tay vợt CAND Nguyễn Thùy Kiều My. Tay vợt này lỡ “chuyến tàu” dự SEA Games 31 vào phút cuối nên nếu dự Giải vô địch Đông Nam Á thì đó cũng là trải nghiệm tốt cho cô. (Minh Khuê)