Cấu tạo và nguyên lý hoạt động động cơ không đồng bộ – Real Group
Mục lục bài viết
1. Định nghĩa và công dụng
1.1. Định nghĩa
Máy điện không đồng bộ là máy điện xoay chiều, làm việc theo nguyên lý cảm ứng điện từ, có tốc độ của Rotor quay chậm hơn tốc độ quay của từ trường quay.
1.2. Công dụng
Máy điện không đồng bộ có thể làm việc ở chế độ động cơ, hoặc ở chế độ máy phát.
Máy phát điện không đồng bộ có đặc tính làm việc không tốt so với máy phát đồng bộ nên ít được dùng.
2. Cấu tạo
Gồm 2 phần chính: Stator và Rotor.
Hình 1. Cấu tạo chung của động cơ không đồng bộ 3 pha.
2.1. Stator ( phần ứng)
Stator bao gồm lõi thép, dây quấn Stator (cuộn dây Stator) và vỏ máy.
Hình 2. Cấu tạo chung của Stator.
Hình 3. Sơ đồ mặt cắt của Stator.
2.1.1. Vỏ máy
Vỏ máy để cố định lõi thép và cố định máy, được làm bằng nhôm hoặc gang, hai đầu có nắp máy, còn có công dụng bảo vệ máy.
2.1.2. Lõi thép
Lõi thép: gồm nhiều lá thép có rãnh ở trong ghép lại có phủ cách điện để dẫn từ.
Hình 4. Hình chiếu mặt cắt của lõi thép trong Stator.
- Được ép trong vỏ máy làm nhiệm vụ dẫn từ.
- Lõi thép stator hình trụ do các lá thép kỹ thuật điện được dập rãnh bên trong ghép lại với nhau tạo thành các rãnh theo hướng trục.
- Mỗi lá thép kỹ thuật đều được phủ sơn cách điện để giảm hao tổn do dòng xoáy gây nên.
2.1.3. Dây quấn Stator
Dây quấn Stator đươc làm bằng dây dẫn cách điện đặt vào rãnh của lõi thép cách điện và được quấn tùy theo cách kiểu quấn dây:
Hình 5. Sơ đồ khai triển dây quấn ba pha đặt trong 12 rãnh.
- Dây quấn pha A trong các rãnh 1, 4, 7, 10.
- Dây quấn pha B trong các rãnh 3, 6, 9, 12.
- Dây quấn pha C trong các rãnh 5, 8, 11, 2.
- Dòng xoay chiều ba pha chạy trong ba pha dây quấn stator sẽ tạo ra từ trường quay.
2.2. Rotor ( phần cảm)
Rotor cũng bao gồm lõi thép, dây quấn và trục động cơ.
Hình 6. Cấu tạo chung của Rotor.
Hình 7. Sơ đồ mặt cắt của Rotor.
2.2.1. Lõi thép
Lõi thép: giống Stator nhưng các lá thép có rãnh ngoài đặt dây quấn ở giữa có lỗ để gắn trục.
Hình 8. Lõi thép của Rotor.
2.2.2. Dây quấn
Dây quấn được đặt trong lõi thép Rotor và phân làm 2 loại chính: loại Rotor kiểu lồng sóc và loại Rotor kiểu dây quấn.
Hình 9. Hình minh họa dây quấn bên trong Rotor.
– Rotor dây quấn:
Hình 10. Rotor dây quấn và sơ đồ mạch điện của Rotor dây quấn.
- Giống dây quấn Stator.
- Dây quấn ba pha của Rotor đấu sao, ba đầu còn lại được nối với ba vành trượt làm bằng đồng gắn ở một đầu trục, cách điện với nhau và với trục.
- Thông qua chổi than và vành trượt, có thể nối dây quấn Rotor với điện trở phụ bên ngoài. Khi làm việc bình thường, dây quấn Rotor được nối ngắn mạch.
– Rotor lồng sóc:
Hình 11. Rotor lồng sóc và Rotor lồng sóc rãnh chéo.
- Rotor lồng sóc của các máy công suất lớn hơn 100 kW là các thanh đồng đặt trong rãnh của lõi thép, hai đầu nối ngắn mạch bằng hai vòng đồng tạo thành lồng sóc.
- Đối với động cơ công suất nhỏ, lồng sóc được chế tạo bằng cách đúc nhôm vào các rãnh lõi thép Rotor, tạo thành thanh nhôm, hai đầu đúc vòng ngắn mạch và cánh làm mát.
3. Nguyên lý hoạt động
Khi ta cho dòng điện 3 pha tần số f vào 3 dây quấn Stator sẽ tạo ra từ trường quay có p đôi cực, quay với tốc độ n1. Từ trường quay cắt các thanh dẫn của dây quấn Rotor, cảm ứng các sức điện động.
Vì dây quấn Rotor nối ngắn mạch nên sức điện động cảm ứng sẽ sinh ra dòng điện trong các thanh dẫn Rotor. Lực tác dụng tương hỗ giữa từ trường quay của máy với thanh dẫn mang dòng điện cảm ứng kéo Rotor quay cùng chiều từ trường quay với tốc độ n.
Chú ý: Khi xác định chiều sức điện động cảm ứng theo quy tắc bàn tay phải ta phải căn cứ vào chiều chuyển động tương đối của thanh dẫn với từ trường.
Nếu coi từ trường đứng yên thì chiều chuyển động tương đối của thanh dẫn ngược chiều từ trường.
Tốc độ n của máy luôn nhỏ hơn tốc độ từ trường quay n1, vì nếu tốc độ bằng nhau thì không có sự chuyển động tương đối, trong dây quấn stato không có sức điện động và dòng điện cảm ứng, lực điện từ bằng 0.
Ta có những công thức sau:
Để hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động, chúng ta cùng xem video sau:
3.1. Rotor quay cùng chiều từ trường nhưng tốc độ n < n1 ( 0 < s < 1)
Theo quy tắc bàn tay phải, xác định được chiều sức điện động E2 và I2; theo quy tắc bàn tay trái, xác định được lực F và moment M. Ta thấy F cùng chiều quay của Rotor, nghĩa là điện năng đưa tới Stator, thông qua từ trường đã biến đổi thành cơ năng trên trục quay Rotor theo chiều từ trường quay n1, như vậy động cơ làm việc ở chế độ động cơ điện.
Hình 12. Hình minh họa chế độ động cơ điện.
3.2. Rotor quay cùng chiều nhưng tốc độ n > n1 (s < 0)
Dùng động cơ sơ cấp quay Rotor của máy điện không đồng bộ vượt tốc độ đồng bộ n > n1. Lúc đó chiều từ trường quay quét qua dây quấn rotor sẽ ngược lại, sức điện động và dòng điện trong dây quấn Rotor cũng đổi chiều nên chiều nên chiều của M cũng ngược chiều n1, nghĩa là ngược chiều với Rotor, nên đó là moment hãm. Như vậy máy đã biến cơ năng tác dụng lên trục động cơ điện, do động cơ sơ cấp kéo thành điện năng cung cấp cho luới điện, nghĩa là động cơ làm việc ở chế độ máy phát.
Hình 13. Hình minh họa chế độ máy phát.
3.3. Rotor quay ngược chiều từ trường n < 0 (s > 1)
Vì nguyên nhân nào đó mà rotor của máy điện quay ngược chiều từ trường quay, lúc này chiều của sức điện động và moment giống như ở chế độ động cơ. Vì moment sinh ra ngược chiều quay với Rotor nên có tác dụng hãm Rotor lại. Trường hợp này máy vừa lấy điện năng ở lưới điện vào, vừa lấy cơ năng từ động cơ sơ cấp. Chế độ làm việc này gọi là chế độ hãm điện từ.
Hình 14. Hình minh họa chế độ hãm điện từ.