Cây nêu ngày Tết
(Baonghean.vn) – Trồng (dựng) cây nêu ngày Tết là một phong tục rất độc đáo của người Việt Nam. Không giống như tục đánh chuông, đi chùa đầu năm thường thấy ở người Nhật, hay lì xì cũng được thấy ở ngày Tết của người Trung Quốc, dường như đây là một tục lệ mà chỉ riêng người Việt mới có. Không chỉ là nét đặc trưng độc đáo của Tết cổ truyền người Việt, mà tục lệ trồng nêu còn mang những ý nghĩa sâu xa mà không kém phần đặc sắc, lý thú.
Tục lệ gắn kết khá chặt chẽ với các hoạt động khác của người Việt trong những ngày Tết nhằm trừ tà cầu an. Những ngày trước Tết, bà con thường làm các lễ cúng: tiễn ông Táo về Trời, cúng thần Thổ Địa, Hàn Khiển… Trồng đào, chơi đào cũng vậy, ngoài để cho đẹp thì còn để trừ tà. Bởi lẽ gỗ đào được dùng để trừ tà, hình ảnh đạo gia, thầy pháp thường gắn liền với quả đào là vì vậy.
Từ 23 tháng Chạp, các ông Táo vốn có nhiệm vụ bảo vệ nhà cửa khỏi ma quỷ làm hại, không còn ở lại bảo vệ gia chủ, nên cần có các hoạt động khác nhau để xua đuổi ma quỷ. Trong truyền thuyết, để tránh ma quỷ làm hại người, Phật đã giao hẹn rằng, áo cà sa của người tỏa đến đâu thì ma quỷ phải tránh khỏi nơi đó, và cây nêu chính là cái giá treo giúp bóng áo cà sa được tỏa rộng khắp, nhờ đó mà ma quỷ phải tránh xa con người. Cây nêu vì vậy cũng mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, giữ an lành cho con người trong những ngày ông Táo chầu trời còn quỷ tìm về trong nhân gian.
Ngay các vật dụng treo trên nêu cũng mang chứa ý nghĩa này: bùa cầu an và cành đa (hoặc lá dứa) dọa quỷ trong giỏ tre, khánh làm bằng đất nung có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh xa…
Tuy nhiên, không chỉ treo những đồ cầu may, người ta vẫn có thể treo thêm những thứ đồ trang trí như: đèn lồng, đồ thêu, khánh đất, dải cờ nheo đủ màu… cộng thêm với chiều cao vượt trội của cây tre trồng nêu khiến cây nêu trở thành những hình tượng nổi bật, lộng lẫy nhất trong những ngày Tết, xứng đáng là một trong những biểu tượng ngày Tết Nguyên đán trong văn hóa Việt.
Vậy cây nêu là gì? Nó có xuất xứ như thế nào? Tại sao nó lại mang ý nghĩa trừ tà cầu may? Ta có thể tìm thấy câu trả lời trong câu chuyện “Sự tích cây nêu ngày Tết” theo Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam:
“Ngày xưa quỷ chiếm toàn bộ đất, còn người chỉ làm thuê và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột người quá tay và cuối cùng quỷ tự cho mình hưởng quyền “ăn ngọn cho gốc”. Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức “ăn ngọn cho gốc”.
Sang mùa khác, quỷ lại chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật trao cho người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn người thì thu hoạch cơ man là ngô. Cuối cùng quỷ nhất định bắt người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.
Phật bàn với người, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
Do mất đất sống nên quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên quỷ bị thua sau khi bị bên người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột,… và quỷ lại bị Phật đày ra biển. Trước khi đi, quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.
Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ không bén mảng đến chỗ người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho quỷ sợ.
Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa quỷ”.
Vào thời kỳ hiện đại, nhất là thời kỳ bao cấp và đổi mới, do sự khó khăn về kinh tế cũng như việc đất nước vừa trải qua những cuộc chiến vệ quốc khốc liệt, khiến các hoạt động, nghi thức truyền thống trở nên mai một, tục trồng cây nêu cũng dần bị biến mất. Đã có thời kỳ dài mấy chục năm, hầu như cây nêu không còn bóng dáng trên nước ta trong những ngày Tết, và việc nhắc nhớ đến tục lệ này cũng dần trở nên dĩ vãng.
Thật may mắn thay, cùng với sự đi lên của đất nước, và những hoạt động khôi phục văn hóa, tôn vinh nét đẹp cổ phong dân tộc của những con người tha thiết yêu truyền thống của dân tộc, mà tục trồng cây nêu cũng dần được phục hồi. Đặc biệt, trong Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, tục này đã thực sự trở thành phong trào rộng khắp. Cũng như nhiều người, tôi đã đặc biệt ấn tượng vì khắp một vùng rộng lớn trên quê hương Nghệ An yêu dấu, đâu đâu cũng vút cao hình ảnh những ngọn nêu với dải cờ, đèn lồng, đèn điện giăng mắc cầu kỳ mà vẫn đượm hồn xưa vốn cổ!
Nhìn thấy cảnh tượng người dân nô nức khôi phục nét đẹp tinh hoa xưa cũ tưởng đã mất đi từ lâu như vậy, tôi dâng tràn một cảm xúc mãnh liệt, niềm xúc động vô bờ, vì biết được rằng, những nét đẹp tinh hoa của cha ông mình sẽ luôn còn mãi, quê hương chưa bao giờ đẹp đến thế.