Chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam

Chiều 1-3, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ chủ trì tọa đàm.

Bảo đảm sự trường tồn của văn hóa

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 là bản luận cương đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, với những giá trị xuyên suốt. Trong bối cảnh hiện nay, cần chuẩn bị kỹ càng hơn để có chương trình tổng thể nhằm chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, văn hóa và con người luôn hòa quyện với nhau, con người tạo ra văn hóa và văn hóa tạo nên cốt cách con người. Xác định vai trò quan trọng của văn hóa, Chính phủ đã phân công Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình tổng thể về chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng đề nghị sau buổi tọa đàm, Ban Tổ chức có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong chấn hưng văn hóa, có những đóng góp thiết thực vào xây dựng chương trình nói trên.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn hóa; coi trọng việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; thật sự làm cho “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” – như lời Bác Hồ năm 1946.

Ông Nguyễn Hồng Vinh cho rằng cần thực hiện thật tốt những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bảo đảm sự trường tồn của văn hóa song hành cùng sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. “Đó cũng chính là những biểu hiện cụ thể mà chúng ta đã và đang tiếp tục kế thừa, bổ sung, phát triển những quan điểm cốt lõi trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước ta trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn tới mục tiêu cao đẹp: tới năm 2045 xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới” – ông Vinh nhấn mạnh.

Chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam - Ảnh 1.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật

Đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là văn kiện khai phóng, quan trọng, cắm mốc lịch sử tư duy chiến lược sâu sắc của Đảng về việc Đảng vô sản phải kịp thời nắm quyền lãnh đạo văn hóa, văn nghệ, tổ chức tập hợp đội ngũ trí thức văn hóa, văn nghệ sĩ trong mặt trận dân tộc thống nhất, đồng hành với sự nghiệp cách mạng, chấn hưng nền văn hóa mới của dân tộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất trước mắt ngành văn hóa, văn nghệ cần tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, gìn giữ, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc. Trong đó, cần khơi dậy lòng yêu nước, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, xây dựng con người Việt Nam với những giá trị chuẩn mực phù hợp gắn với các giá trị gia đình, văn hóa, quốc gia – dân tộc – thời đại.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa, văn nghệ, đã có tác dụng to lớn định hướng phát triển văn hóa văn nghệ suốt 80 năm qua. Đặc biệt, ba nguyên tắc vận động văn hóa “dân tộc hóa”, “khoa học hóa”, “đại chúng hóa” có sức sống mạnh mẽ, trường tồn.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương tiếp tục tập trung tổ chức một số công tác trọng tâm, đó là tham gia tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tổng kết công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất, tham gia chương trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Từ thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật, hội đồng cần nghiên cứu đề xuất những giải pháp khả thi, đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền văn học nghệ thuật để chúng ta có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện chân thực đời sống nhân dân, dân tộc, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mỹ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. 

Xây dựng chương trình tổng thể mục tiêu quốc gia về văn hóa

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổng kết các chương trình về phát triển văn hóa trước đây, đặc biệt là Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu các ý kiến tại hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam; chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, huy động sự tham gia các tổ chức, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, các nhà văn hóa để xây dựng đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045 báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Thường trực Chính phủ trước ngày 30-6-2023.

T.Dũng