“Cháy túi” vì đầu tư chứng khoán quốc tế

Không được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế đang nổi lên như một hình thức đầu tư tài chính được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều nhà đầu tư sau khi nghe chuyên viên tư vấn chứng khoán “rót mật vào tai” đã quyết định chơi thử để rồi mất tiền. Có nhà đầu tư vì ham gỡ gạc đã khiến tài khoản bị bốc hơi hàng tỉ đồng mà không biết kêu ai.

Mất trắng tiền vì thiếu hiểu biết

Thời gian gần đây rất nhiều thuê bao điện thoại nhận được các cuộc gọi, tin nhắn mời chào tham gia đầu tư vào chứng khoán quốc tế. Những cuộc gọi này ban đầu gây phiền phức tới người nhận nhưng rồi bằng sự kiên nhẫn và độ lì của “nhân viên chứng khoán” nhiều “con mồi” đã sập bẫy. Đây là một chiêu “quăng bom” của các đối tượng, nếu “con mồi” ham lợi nhuận sẽ được hướng dẫn mở tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch thông qua các website, ứng dụng.

“Cháy túi” vì đầu tư chứng khoán quốc tế -0
Nhiều nhà đầu tư “cháy túi” khi tham gia vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế.

Chia sẻ về việc này Chị Vũ Thị Bình (Văn Khê, Hà Đông) cho hay, gần đây chị liên tục nhận được những cuộc điện thoại mời đầu tư chứng khoán quốc tế. Họ tư vấn rất hay, nếu đầu tư vào chắc chắn sẽ có lợi nhuận cao. Sau nhiều ngày nghe “nhân viên chứng khoán rót mật vào tai” chị Bình đã đồng ý kết bạn Zalo. Sau đó, đối tượng này gửi cho chị một đường link bảo chị vào tải app để đăng nhập tài khoản cá nhân. “Tôi ban đầu cũng thấy rất phiền nhưng vì nghe họ nói thuyết phục quá, lại có lợi nhuận cao tôi đã quyết định tải app và nạp tiền vào đó để thử vận may. Không ngờ tôi đã mất trắng 50 triệu mà không hiểu tại sao, khi liên lạc lại với người đã tư vấn thì họ đã chặn số và lặn mất tăm”, chị Bình cho biết thêm.

Đen đủi hơn chị Bình, Anh Lê Văn Toản (Thanh Trì, Hà Nội) được một số điện thoại 032799xxx có tên là “Thủy Hoàng” kết nối và mời tham gia giao dịch chứng khoán trên cổng giao dịch V-Gate. Tài khoản này gửi đường link qua Telegram (ứng dụng trò chuyện trên nền tảng) với tên “Thủy Hoàng” cho anh Toản tải về cài đặt vào máy điện thoại, nạp tiền để giao dịch. Người chơi sẽ đưa ra vốn khả dụng, người hướng dẫn sẽ tính toán dự tính lợi nhuận khi mua mã tăng trần. Ví dụ, hằng ngày họ sẽ đưa ra bảng tính như: Với vốn 2 tỷ đồng và tham gia cả mã tăng trần T+1 (ngày giao dịch thứ nhất sau ngày mua, bán) và T+2 thì dự kiến lợi nhuận trung bình một cổ phiếu là 5% (chưa bao giờ dưới 5%). Như vậy lợi nhuận một tháng đạt được sẽ không dưới 620 triệu đồng (chưa tính lãi kép). Anh Toản cho biết: “Những quảng cáo lợi nhuận nạp càng nhiều tiền lãi càng nhiều nên tôi lại thấy bùi tai. Sau hơn 1 tháng, số tiền tôi nạp vào cổng giao dịch V-Gate và khoảng 10 tài khoản ngân hàng liên kết với cổng này là hơn 472 triệu đồng”.

Khi tài khoản còn tiền, anh Toản muốn rút nhưng không thể thực hiện được. Liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng thì anh được yêu cầu nộp bảo lãnh hơn 100 triệu mới rút được. Anh đóng thêm số tiền được yêu cầu trên qua tài khoản ngân hàng người hướng dẫn cung cấp. Tuy nhiên, anh Toản vẫn không thể rút được tiền và không thể liên lạc được với nhóm người này. Theo như lời anh Toản chia sẻ, tham gia cổng giao dịch chứng khoán này, không chỉ anh mà còn khá nhiều người khác cũng đầu tư và số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Sau gần 2 tháng tham gia, anh Toản phát hiện đối tượng mời gọi có nhiều dấu hiệu lừa đảo nên đã làm đơn trình báo, tố giác đến Công an thành phố Hà Nội. Vụ việc được chuyển về Công an huyện Thanh Trì thụ lý giải quyết. Câu chuyện của anh Toản không phải hiếm. Gần đây trên các diễn đàn về chứng khoán có rất nhiều người chia sẻ rằng mình cũng bị “sập bẫy”, không thể rút được tiền ra.

Qua tìm hiểu của phóng viên, để thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chiêu bài mà các chuyên viên tư vấn đưa ra là sàn đang có chương trình cung cấp đòn bẩy rất lớn để nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch chứng khoán quốc tế chỉ với số tiền cực kỳ nhỏ. Để thử nghe những nhân viên này tư vấn, chúng tôi có liên hệ với nhân viên tên Hòa của sàn giao dịch chứng khoán quốc tế. Khi chúng tôi nói có ý định đầu tư khoảng 30 triệu đồng, nhân viên này nhanh nhẹn đưa chúng tôi vào chương trình được hỗ trợ tặng thêm 50% trên mức vốn nạp ban đầu. Thậm chí, có những đòn bẩy rất hấp dẫn được đưa ra như có sàn còn quảng cáo áp dụng đòn bẩy 1:100.

c1.jpeg -0
Vì thiếu hiểu biết chị Bình đã mất trắng 50 triệu vào chứng khoán quốc tế.

Và với những nhà đầu tư nào hám lợi mà sử dụng đòn bẩy này sẽ rơi vào bẫy và dẫn đến hậu quả là “cháy” tài khoản. Bởi vì trong loại hình giao dịch này có một vấn đề mà các nhà đầu tư không hề được tư vấn đó là ngưỡng giá bị ngưng giao dịch khi giá cổ phiếu giảm so với dự báo. Chị Nguyễn Ngọc Minh, một nhà đầu tư từng bị “cháy” tài khoản chia sẻ, theo những người có kinh nghiệm thì ngưỡng giá này được gọi là mức “Stop Out” và hiện nay mức mà các chuyên viên tư vấn đang sử dụng đều ở khoảng 20%. Ngay khi chạm ngưỡng Stop Out thì giao dịch sẽ bị đóng ngay lập tức.

Ví dụ nhà đầu tư chỉ nạp vào 110 USD dùng đòn bẩy 1:100 và mua được 100 cổ phiếu AAPL của Apple. Nhà đầu tư sẽ bị “cháy” toàn bộ tài khoản nếu cổ phiếu AAPL giảm từ 110 USD/cổ phiếu xuống 108,9 USD/cổ phiếu. Mức sụt giảm này thực ra không quá lớn. Hiện tại, trung bình mỗi ngày cổ phiếu AAPL của Apple tăng hoặc giảm khoảng vài USD trong mỗi phiên giao dịch. Như vậy, nhà đầu tư có thể thua lỗ toàn bộ số vốn đầu tư trong chưa đầy 1 phiên giao dịch.

Một trường hợp khác, nhà đầu tư mua 100 mã cổ phiếu của Alibaba với mức giá gần 300 USD mỗi cổ phiếu và được cam kết sau 1 tuần sẽ được chia cổ tức rất cao. Và ngay ngày hôm sau, cổ phiếu này liên tục giảm giá, thậm chí trong ngày hôm đó nhà đầu tư này đã thua lỗ hơn 2.500 USD. Tiếp sau đó, giá cổ phiếu này liên tục giảm vì sự cố “vạ miệng” của ông chủ tập đoàn và cái gì đến phải đến là nhà đầu tư đã bị cháy tài khoản dù chưa đến thời hạn nhận cổ tức.

Liên tiếp đưa ra lời cảnh báo với nhà đầu tư

Mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin, mặc dù liên tục được cảnh báo bởi cơ quan chức năng và các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước nhưng  tình trạng người dân tham gia vào các kênh đầu tư không được pháp luật Việt Nam công nhận vẫn diễn ra và có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

c3.jpeg -0
Hình ảnh lợi nhuận mà phóng viên nhận được từ những người xưng là “chuyên viên tư vấn chứng khoán quốc tế”.

Một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế hoặc đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế tự tổ chức sàn giao dịch, như: BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx…. Họ  kêu gọi, mời chào nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại chỉ số chứng khoán, hợp đồng phái sinh chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành.

Các đối tượng này mời gọi nhà đầu tư thông qua mạng xã hội và trực tiếp gọi điện thoại, nhắn tin… Sau đó hướng dẫn nhà đầu tư mở tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch thông qua các website, ứng dụng do các đối tượng vận hành (MT4, MT5, Tradingview…). Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra và đơn từ khiếu nại của nhà đầu tư, một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do các đối tượng này vận hành dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền đầu tư của họ.

Hiện nay, các nhà đầu tư ở Việt Nam tham gia giao dịch, đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến dưới 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đối với phương thức giao dịch đầu tiên, nhà đầu tư mở tài khoản trực tiếp trên website của sàn giao dịch và tự thực hiện hoạt động mua/bán chứng khoán quốc tế. Trong khi đó, nhà đầu tư gián tiếp vào chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài sẽ gửi lệnh mua/bán thông qua cá nhân hoặc tổ chức tự nhận là đại diện của sàn tại Việt Nam và cá nhân/tổ chức này sẽ thay nhà đầu tư chuyển tiền, rút tiền và nhập lệnh lên sàn, thông báo lãi/lỗ, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chuyển thêm tiền nếu tài khoản bị lỗ dẫn đến thiếu hụt tài sản ký quỹ.

Theo quy định hiện hành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, ngoài Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức và vận hành thị trường chứng khoán. Công ty chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, các cá nhân thực hiện hoạt động môi giới cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ cũng như được cấp chứng chỉ hành nghề. Các loại chứng khoán được phép giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được pháp luật về chứng khoán quy định và phải đáp ứng các điều kiện về niêm yết và đăng ký giao dịch.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh đã có các khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng khi tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành. Khi tham gia các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến nêu trên, nhà đầu tư hoàn toàn tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình và không được pháp luật bảo vệ.

Do đó, cơ quan này tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư khi tham gia đầu tư chứng khoán quốc tế cần hết sức thận trọng, nhất là đối với những lời mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch. Đồng thời, cảnh giác khi nhận được các lời mời đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hay phái sinh quốc tế, khi giao dịch cần phải kiểm tra thông tin trên các sàn giao dịch (bao gồm cơ quan cấp phép, quản lý sàn, cơ chế giao dịch, quyền và nghĩa vụ các bên)…

lsu.jpg -0
Luật sư Trương Quốc Hòe.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla cho biết, rõ ràng đây là những sàn chứng khoán không được phép giao dịch tại Việt Nam. Những hành vi nêu trên có yếu tố lừa đảo.  Những đối tượng môi giới này đánh vào sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của người dân. Khi tham gia sẽ được trả lợi nhuận nhất định nhưng sau đó sẽ lún dần vào hệ thống mà mất hết.

Thế nhưng, để xử lý các đối tượng có hành vi lừa đảo là rất khó, vì toàn bộ họ đều sử dụng công nghệ, nick ảo, nhờ người khác đứng tên tài khoản; hệ thống vận hành, điều hành rất phức tạp, khó truy vết. “Những nạn nhân tham gia vào sàn chứng khoán như vậy và bị lừa tiền tỷ là không hiếm, bản thân chúng tôi cũng nhận được nhiều phản ánh nhưng hiện vẫn chưa xử lý được. Mặc dù biết được người nhận tiền qua số tài khoản nhưng họ chỉ là trung gian hoặc người tham gia chơi. Họ cũng là những đầu mối của đầu mối khác cũng bị mất tiền, bản thân cũng là bị hại” – Luật sư Hòe cho biết thêm.

Ngày 5/10, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khuyến cáo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng khi chưa được đơn vị này cấp phép. Một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (như Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán. Hoạt động này không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của mình.