Chỉ số Tham lam và Sợ hãi là gì? Những điều cần biết về chỉ số này | Coinvn
Mục lục bài viết
Chỉ số Tham lam và Sợ hãi là gì?
Chỉ số Tham lam và Sợ hãi (Fear & Greed Index) là một trong những chỉ báo thể hiện được phần lớn tâm lý của các nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hóa.
Trên thực tế, rất khó để dự đoán chính xác xu hướng giá của các tài sản tiền mã hóa, nhưng chỉ số này có thể giúp mọi người nắm bắt được tâm lý của các nhà đầu tư khác là đang sợ hãi hay tham lam. Từ đó, họ có thể đưa ra chiến lược giao dịch phù hợp với tâm lý số đông nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hóa.
Chỉ số này có giá trị từ 1 đến 100, trong đó nếu giá trị của chỉ số này là 1 thì thị trường tiền mã hóa có xu hướng giảm. Khi đó, mọi người đang trải qua nỗi sợ hãi nghiêm trọng khiến cho phần lớn nhà đầu tư bán tháo tài sản của họ.
Mặt khác, nếu chỉ số này có giá trị là 100 thì thị trường tiền mã hóa đang trong xu hướng tăng mạnh và có thể sẽ điều chỉnh. Khi đó, mọi người đang có cảm giác hưng phấn, tham lam và mua rất nhiều tài sản.
Các mức độ của chỉ số Tham lam và Sợ hãi
Như đã đề cập, chỉ số Tham lam và Sợ hãi có giá trị từ 1 đến 100 và các mức độ được chia như sau:
- Từ 1 – 49 tượng trưng cho tâm lý sợ hãi
- Từ 51 – 100 tượng trưng cho tâm lý tham lam
- 50 tương ứng với tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường là trung tính
Ngoài ra, các mức độ của chỉ số Tham lam và Sợ hãi khi được chia nhỏ hơn sẽ được 4 mức như sau:
- 1 – 24: Sợ hãi tột độ
- 25 – 49: Sợ hãi
- 50 – 74: Tham lam
- 75 – 100: Tham lam cực độ
Chỉ số Tham lam & Sợ hãi được tính như thế nào?
Các giá trị của chỉ số Tham lam và Sợ hãi sẽ phản ánh tâm lý hiện tại của các nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hóa. Những tín hiệu từ chỉ số này sẽ thể hiện được hành vi của các nhà giao dịch và nhà đầu tư.
Để tính được chỉ số này, Alternative.me đã sử dụng công cụ Google Trend, các cuộc khảo sát, động lượng thị trường (Market Momentum), chỉ số Dominance của thị trường, phương tiện truyền thông xã hội và sự biến động của thị trường. Cụ thể như sau:
Google Trend (10%): Alternative.me đã sử dụng công cụ này truy vấn hành vi, khối lượng tìm kiếm của người dùng để xác định mức độ quan tâm của họ dành cho thị trường tiền mã hóa nói chung và Bitcoin nói riêng.
Động lượng thị trường (25%): Alternative.me sẽ so sánh động lượng thị trường ở thời điểm hiện tại với quá khứ để đưa ra kết luận cho câu hỏi: Thị trường có duy trì được xu hướng trước đó trong dài hạn hay không?
Sự biến động của thị trường (25%): Được đo lường bằng cách so sánh mức độ biến động giá hiện tại của tài sản tiền mã hóa (chẳng hạn như BTC) với giá trị trung bình của các biến động trong 30 – 90 ngày trước đó để xác định mức độ biến động của thị trường.
Phương tiện truyền thông xã hội (15%): Mạng xã hội đang dần trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng ta. Chính vì thế, chỉ số Tham lam & Sợ hãi không thể không xét đến yếu tố này, bao gồm các chỉ số like, hashtag, mức độ tương tác, những điều mọi người đang đề cập đến…
Chỉ số Dominance (10%): Chỉ số này cũng không kém phần quan trọng, trong trường hợp này, Alternative.me sẽ xét đến chỉ số Dominance của Bitcoin để biết được thị phần của đồng coin này chiếm bao nhiêu phần trăm so với tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa.
Các cuộc khảo sát (15%): Các cuộc khảo sát sẽ được tổ chức với quy mô hơn 2.000 người và được diễn ra trên nền tảng bỏ phiếu strawpoll.com. Mục đích của các cuộc khảo sát này là để thăm dò ý kiến của mọi người về thị trường tiền mã hóa.
Mức độ chính xác của chỉ số Tham lam & Sợ hãi trong việc dự đoán xu hướng tương lai của tiền mã hóa
Sau khi phân tích các yếu tố tạo nên chỉ số Tham lam & Sợ hãi, chúng ta có thể thấy chỉ số này chỉ phân tích cảm tính và kỹ thuật mà không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của những người tham gia thị trường.
Do đó, chỉ số này chỉ đưa ra phỏng đoán về tâm lý của nhà đầu tư dựa trên những dữ liệu mà nó thu thập được. Điều này giúp nhà đầu tư đưa ra chiến lược giao dịch và phòng ngừa rủi ro phù hợp với tâm lý chung của các nhà đầu tư.
Mặc dù, chỉ số này có độ tin cậy cao, nhưng nó không phải là chỉ số có tỷ lệ chính xác 100%. Bên cạnh đó, chỉ số này phản ánh tình hình chung của thị trường và có giá trị đối với các nhà giao dịch trong ngày – những người sẽ theo dõi biến động của thị trường để mở vị thế giao dịch trong ngắn hạn.
Chính vì thế, để sử dụng chỉ số này hiệu quả hơn, nhà đầu tư cần kết hợp với các chỉ số phân tích kỹ thuật khác hoặc các chỉ số on-chain…
Cách giao dịch với chỉ số Tham lam & Sợ hãi?
Chỉ số Tham lam & Sợ hãi được sử dụng tương tự như một chỉ báo xu hướng trong phân tích kỹ thuật. Điều này giúp nhà đầu tư dự đoán được xu hướng của thị trường, từ đó có cơ sở để đưa ra quyết định đầu tư cho bản thân.
Khi giá trị của chỉ số Tham lam và Sợ hãi thấp sẽ phản ánh rằng thị trường đang trong xu hướng giảm mạnh. Thế nhưng, nó cũng có thể ngụ ý rằng giá của tài sản tiền mã hóa sẽ tăng trong tương lai.
Ngược lại, khi giá trị chỉ số này cao sẽ phản ánh thị trường đang trong xu hướng tăng mạnh. Nhưng nó còn có ngụ ý là thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong thời gian sắp tới. Khi đó, nhà đầu tư có thể kết hợp với các phương pháp phân tích như kỹ thuật để đưa ra chiến lược giao dịch phù hợp với bản thân.
Ngoài ra, khi giá trị của chỉ số này nằm trong vùng trung tính (mức 50). Đây là thời điểm mà nỗi sợ hãi đã chấm dứt và bắt đầu bước giai đoạn tham lam.
Mặc dù, chỉ số này không phản ánh tốt xu hướng dài hạn của thị trường tiền mã hóa. Nhưng, nó cho thấy từng giai đoạn mà nhà đầu tư có tâm lý sợ hãi và tham lam bên trong một xu hướng tăng/giảm dài hạn của thị trường tiền mã hóa. Điều này giúp nhà giao dịch ngắn và trung hạn thu được lợi nhuận từ các chiến lược phù hợp, chẳng hạn như chiến lược giao dịch chênh lệch giá (mua thấp, bán cao).
Những lưu ý khi giao dịch với chỉ số Tham lam & Sợ hãi
Để thành công trong bất kỳ thị trường tài chính nào, nhà đầu tư cần phải lập kế hoạch giao dịch. Việc chuẩn bị một kế hoạch giao dịch chỉnh chu (chẳng hạn như phân bổ vốn, mục tiêu chốt lời, mức thua lỗ chấp nhận được) và tuân thủ chúng, sẽ giúp nhà đầu tư tránh khỏi ảnh hưởng của nỗi sợ hãi tột độ hoặc tham lam cực độ.
Bên cạnh đó, việc lưu lại lịch sử các lệnh giao dịch sẽ giúp nhà đầu tư nắm rõ hơn về hành vi giao dịch, mức lợi nhuận và thua lỗ của bản thân. Từ đó rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho riêng mình.
Ngoài ra, chỉ số Tham lam & Sợ hãi vẫn có những sai lệch nhất định. Chính vì thế, nhà đầu tư cần kết hợp thêm các chỉ số phân tích kỹ thuật hoặc on-chain để dự đoán và đưa ra quyết định giao dịch chính xác hơn.
Kết luận
Trên đây là những thông tin cơ bản mà bạn cần biết về chỉ số Tham lam & Sợ hãi, cũng như cách giao dịch với chỉ số này. Mặc dù, chỉ số Tham lam & Sợ hãi có mức độ tin cậy cao, nhưng đây cũng chỉ là một loại chỉ báo để nhà đầu tư tham khảo trong việc đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp với bản thân.