Chi tiết – Thị xã Quế Võ – Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách tổng thể về phát triển văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng. Trong 10 năm qua, tỉnh đã phê duyệt 9 đề án; ban hành 27 kế hoạch; 06 quy hoạch và 18 quy định, chính sách phát triển văn hóa, hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nhất là đối với Dân ca Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thực tế đã cho thấy, nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Bắc Ninh đi trước so với cả nước; nhiều quy định về mức hỗ trợ, đầu tư cho phát triển văn hóa cao hơn so với cả nước. Các chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM được nhân dân đồng thuận hưởng ứng, tạo động lực khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Từ đó di sản văn hóa trở thành một nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.
Dân ca Quan họ, nét văn hóa đặc sắc của miền quê Kinh Bắc – Bắc Ninh
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 594 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích Quốc gia đặc biệt, 194 di tích cấp Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 08 bảo vật, nhóm bảo vật quốc gia; 396 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể được đặc biệt quan tâm phát huy giá trị, nhất là đối với Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Bắc Ninh hiện sở hữu 03 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 08 di sản đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 547 lễ hội, 120 làng nghề (62 làng nghề truyền thống) và nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian nổi tiếng, có giá trị đặc sắc.
Hàng năm ngân sách tỉnh đầu tư hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di sản ván hóa phi vật thể, như xây dựng Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; “Bảo tồn và phát huy giá trị Múa Rối nước làng Đồng Ngư”…
Đặc biệt, sau 10 Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực để thực hiện các cam với UNESCO, tích cực gìn giữ, bồi đắp giá trị di sản, để Quan họ lan tỏa, trường tồn. Tỉnh đã tổ chức tôn vinh và tri ân các “Báu vật nhân văn sống”, phong tặng 71 Nghệ nhân nhân dân và 05 Nghệ nhân ưu tú; có chế độ hỗ trợ hàng tháng cho các nghệ nhân, kinh phí cho hoạt động của các làng và câu lạc bộ Quan họ; có chế độ đãi ngộ cho các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát dân ca Quan họ.
Niềm vui của các học viên xã Mộ Đạo huyện Quế Võ khi hoàn thành lớp học hát dân ca Quan họ
Mở rộng các hình thức truyền dạy trong cộng đồng và đưa Quan họ vào chương trình giảng dạy chính thức của trường học. Đẩy mạnh xây dựng không gian diễn xướng Quan họ như tu bổ, tôn tạo quần thể di tích lịch sử Thủy tổ Quan họ làng Diềm xã Hòa Long thành phố Bắc Ninh; đưa vào sử dụng 08 Nhà chứa Quan họ và tiếp tục triển khai xây dựng ở nhiều địa phương. Tuyên truyền, quảng bá Dân ca Quan họ với nhiều hình thức phong phú cả trong và ngoài nước. Xây dựng Trung tâm lưu trữ, bảo tồn và khai thác Quan họ, nghiên cứu 30 chuyên đề, ký âm 107 bài Quan họ cổ, xuất bản và tái bản 11 đầu sách về Văn hóa Quan họ.
Khuyến khích phát triển các làng, câu lạc bộ Quan họ. Từ 44 làng Quan họ gốc và 34 câu lạc bộ, đến nay đã có 519 làng Quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ với trên một vạn người ở các độ tuổi tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy. Đặc biệt, có hơn 140 câu lạc bộ dân ca quan họ ở các tỉnh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều hội viên không phải quê vùng Kinh Bắc nhưng vẫn dành tình cảm yêu mến cho Quan họ.
Dân ca quan họ đã trở thành nét văn hóa đặc trưng bao trùm lên các lễ hội và sinh hoạt thường nhật trong đời sống của người dân. Dân ca quan họ đã mang một sức sống mới, lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc, trở thành một biểu tượng văn hóa hấp dẫn, giàu bản sắc của vùng Bắc Ninh – Kinh Bắc, góp phần tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa quốc tế.
Với những kết quả tiêu biểu trên cho thấy 10 năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa nói chung; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói riêng của tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm đầu tư và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nông thôn của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đầy đủ hơn. Mức thụ hưởng văn hóa của nhân dân được nâng cao, trong đó có các giá trị văn hóa truyền thống; qua đó di sản văn hóa trở thành một nguồn lực trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Ninh.
Thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục chú trọng đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh. Hành động thực hiện đầy đủ các cam với UNESCO để bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh, để Dân ca Quan họ lan tỏa, trường tồn. Hoàn thiện Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; “Bảo tồn và phát huy giá trị Múa Rối nước làng Đồng Ngư”…