Chi tiết tin

Thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch luôn được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành Tư pháp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân ngay từ khi sinh ra đến khi mất đi. Nhằm tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch, ngày 11/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2173/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, chủ trương đến năm 2020 sẽ triển khai một Phần mềm hộ tịch dùng chung trên toàn quốc để quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp toàn bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch từ các địa phương. Từ đó sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý (theo Luật Căn cước công dân).

Thời gian qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch luôn được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành Tư pháp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân ngay từ khi sinh ra đến khi mất đi. Nhằm tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký hộ tịch, ngày 11/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2173/QĐ-BTP phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, chủ trương đến năm 2020 sẽ triển khai một Phần mềm hộ tịch dùng chung trên toàn quốc để quản lý tập trung, thống nhất tại Bộ Tư pháp toàn bộ dữ liệu đăng ký hộ tịch theo Luật Hộ tịch từ các địa phương. Từ đó sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý (theo Luật Căn cước công dân).

Theo đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em từ ngày 01/01/2016 tại một số tỉnh, thành: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong (Nghệ An). Đối với tỉnh Phú Thọ, tuy không phải là tỉnh được thí điểm triển khai Đề án, nhưng Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã” (Quyết định số 2554/QĐ-UBND ngày 26/10/2015); Trong hai năm 2016, 2017, Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức 02 lớp đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã và bàn giao tài khoản “Phần mềm Hộ tịch” cho từng địa phương.

Từ ngày 01/01/2017, tỉnh Phú Thọ chính thức ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch (Phần mềm Hộ tịch) tại các cơ quan đăng ký hộ tịch ba cấp  trên  địa bàn tỉnh. Phần  mềm đáp ứng đầy đủ nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch năm 2014, như: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cải chính hộ tịch,… Cơ sở dữ liệu hộ tịch được quản lý tập trung, liên thông, cho phép làm việc mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Đặc biệt, công dân có thể sử dụng phần mềm để đăng ký hộ tịch trực tuyến. Tính đến ngày 31/12/2017, toàn tỉnh đã có 13/13 huyện, thành, thị và 224/277 xã, phường, thị trấn khai thác, sử dụng phần mềm hộ tịch; Việc trang bị máy tính, kết nối mạng Internet, máy in phục vụ công tác đăng ký hộ tịch cũng được các địa phương quan tâm, đã có 13/13 Phòng Tư pháp cấp huyện được đầu tư máy độc lập (đạt 100%), 126/277 xã, phường, thị trấn được đầu tư máy độc lập (đạt 45,5%) và 98 xã, phường, thị trấn dùng chung máy của Văn phòng hoặc máy cá nhân.

Việc triển khai ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, tăng năng suất làm việc và nâng cao trình độ xử lý công việc cho công chức tư pháp hộ tịch của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn. Từ đó góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ tận tụy phục vụ nhân dân, giảm thiểu các yêu cầu gây phiền hà cho người dân nhờ ứng dụng tin học hóa công tác quản lý. Đồng thời, việc ứng dụng phần mềm quản lý hộ tịch giúp cho việc tra cứu thông tin một cách thuận tiện, giảm bớt thời gian xử lý hồ sơ và thời gian đi lại của nhân dân. Kết quả đăng ký hộ tịch năm 2017 trên “Phần mềm Hộ tịch” như sau: đăng ký khai sinh 29.861 trường hợp, đăng ký khai tử 5.608 trường hợp, đăng ký kết hôn 7.954 trường hợp, xác nhận tình trạng hôn nhân 11.584 trường hợp, thay đổi, cải chính hộ tịch 1.516 trường hợp, đăng ký giám hộ 22 trường hợp và đăng ký chấm dứt giám hộ 01 trường hợp, đăng ký nuôi con nuôi 40 trường hợp, đăng ký nhận cha, mẹ, con 169 trường hợp, cấp trích lục hộ tịch 37.991 trường hợp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác, sử dụng “Phần mềm Hộ tịch” trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế, đặc biệt là cấp xã, đã ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý hộ tịch và thống kê số liệu dân cư trên địa bàn, như: Hiện còn 53 xã, thị trấn chưa khai thác, sử dụng phần mềm do chưa được đầu tư máy tính, mạng Internet hoặc cán bộ Tư pháp-Hộ tịch xã do tuổi cao không sử dụng được máy tính; 98 xã, phường, thị trấn dùng chung máy của Văn phòng hoặc máy cá nhân; Việc cập nhật thông tin hộ tịch trước đây (khi chưa triển khai phần mềm hộ tịch) đang được lưu trong Sổ Hộ tịch tại các xã, phường, thị trấn có khó khăn vì số lượng thông tin hộ tịch nhiều, một số lượng lớn người dân đang thường trú trên địa bàn không có thông tin trong Sổ Hộ tịch (vì không lưu Sổ Hộ tịch) hoặc chuyển từ địa phương khác đến; Biên chế công chức hộ tịch cấp xã chỉ có một người trong khi đó công việc chuyên môn nhiều; Trong quá trình đăng ký hộ tịch của các xã, phường, thị trấn có phát sinh một số lỗi phần mềm phải đề nghị và chờ Công ty Missa xử lý; Cán bộ Tư pháp-Hộ tịch của một số đơn vị, đặc biệt là ở các xã, phường, thị trấn thiếu sự ổn định do thay đổi vị trí công tác, nghỉ hưu hoặc qua đời nên việc khai thác phần mềm bị gián đoạn; Việc chưa có sự đồng bộ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch và hộ khẩu giữa Ngành Tư pháp và Ngành Công an, giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh, thành thực hiện thí điểm và các địa phương chưa được thí điểm dẫn đến không truy cập thống nhất dữ liệu hộ tịch, dân cư.

Vì vậy, để khai thác, sử dụng hiệu quả hơn nữa “Phần mềm Hộ tịch” trong thời gian tới, cần các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức tư pháp- hộ tịch tiếp tục quan tâm, thực hiện các việc sau:

Một là, cần trang bị ngay máy vi tính và mạng internet ở những địa phương chưa thực hiện khai thác, sử dụng phần mềm và kịp thời làm thủ tục gia hạn, bảo trì phần mềm hàng năm.

Hai là, kịp thời sắp xếp, tuyển dụng cán bộ công chức chuyên trách làm công tác hộ tịch đảm bảo số lượng, trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất đạo đức công vụ theo Đề án sắp xếp, kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Ba là, thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệm vụ Phần mềm Hộ tịch cho đội ngũ cán bộ công chức Tư pháp- hộ tịch ở cơ sở, đặc biệt là những cán bộ công chức mới và khi pháp luật có quy định mới;

Bốn là, thường xuyên phối hợp với Công ty Missa khắc phục, sửa chữa kịp thời những hỏng hóc, sai lệch kỹ thuật phần mềm trong quá trình tác đăng ký hộ tịch của các cơ sở;

Năm là, UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hỗ trợ công chức Tư pháp- hộ tịch và Công an cập nhật cơ sở dữ liệu hộ tịch của công dân trong Sổ hộ tịch cũ đang được lưu trữ và đang thường trú tại địa phương mình;

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ và Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, sớm đồng nhất hệ thống phần mềm hộ tịch thống nhất từ Trung ương đến địa phương để việc đăng ký và quản lý hộ tịch cũng như chủ trương quản lý dân cư bằng Số định danh cá nhân được thực hiện hiệu quả./.

Đồng Trung Dũng

Xổ số miền Bắc