Chia sẻ về Nvidia GTX 1650 – Con card màn hình bị vùi dập nhất trong nhiều năm trở lại đây

Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi chỉ sự tồn tại của GTX 1650 đã gây tổn thương trái tim của nhiều game thủ và reviewer, dẫn đến nó bị vùi dập khá tàn bạo trên khắp cộng đồng internet. Thật ra khi mình benchmark xong thì cảm thấy… vùi dập vậy cũng đúng, ít nhất là nếu bạn nhìn ở góc độ của p/p (hiệu năng trên giá thành) khá thất vọng của nó.

Giá card GeForce GTX 1650 tại Việt Nam hiện đang dao động vào khoảng 4,5 -5,2 triệu đồng tuỳ bản, riêng dòng GTX 1650 ROG Strix Gaming OC có giá chạm nóc là 5,2 triệu đồng. Đi thẳng vào vấn đề, mức giá này quá ư là đắng khi chúng ta xét đến việc hiệu năng của nó kém hơn khoảng 20% so với Radeon RX 570 vốn chỉ vào khoảng 4,5 triệu đồng mua mới, mua trâu thậm chí còn rẻ hơn nhưng lỡ xài nát thì lúc đó ăn cho bằng hết

Có một câu chuyện vui vẻ thế này, ngày mà mình cầm trên tay con card ASUS STRIX GAMING OC này có lẽ cũng là ngày mà cả cộng đồng mạng vùi dập nó tan nát. Phải chăng Nvidia đã quá ảo tưởng với GeForce GTX 1650, hay phải chăng chúng ta đang hiểu lầm về mục đích tồn tại của dòng card giá mềm nhất sử dụng kiến trúc Turing?

Thế nhưng có một điều mà mọi người đã bỏ qua, thậm chí mình thấy rằng nhiều đối tác của Nvidia cũng lạc lối đó chính là mục đích thật sự của GTX 1650. 1 tuần trước khi GTX 1650 ra mắt, đại diện của Nvidia từng chia sẻ rằng họ muốn phát triển một GPU dựa trên kiến trúc Turing với hiệu năng cao nhất mà không cần phải nguồn phụ. Và dĩ nhiên, con card sau này trở thành GTX 1650 với TDP mặc định chỉ 75 W và có thể hoạt động hoàn toàn bằng điện cấp từ khe PCIe 16x. Để so sánh, đối thủ trực tiếp về giá của GTX 1650 là Radeon RX 570 có mức TDP là 120 W và buộc phải sử dụng nguồn phụ.

ASUS_GTX1650-8.jpg

Theo mình, Nvidia muốn hướng GTX 1650 đến các bạn muốn lắp dàn máy mini cần card đồ hoạ không cần cấp nguồn phụ mà vẫn có hiệu năng cao để phục vụ chơi eSport hoặc đóng vai trò là HTPC (máy tính để phát nội dung). Nhất là ở mảng HTPC vì kiến trúc Turing bổ sung thêm khả năng tăng tốc giải mã video 10bpc HDR bằng phần cứng, cực kỳ hiệu quả đối với lượng video HDR đang ngày càng nhiều hiện nay. Ăn điện ít cũng đồng nghĩa với nhiệt độ hoạt động mát (con card của mình lên đến 60 độ là kịch kim, đúng nghĩa mát lạnh).

ASUS_GTX1650_X-1.jpg

Vấn đề ở chỗ với đợt card đầu tiên thì các đối tác của Nvidia vẫn chọn hướng đi truyền thống với các phiên bản fullsize và thậm chí là bổ sung thêm cổng cấp nguồn phụ. Nếu bạn để ý thì các hãng thường sẽ tái sử dụng tản nhiệt của dòng cao hơn như 1660 hay 1660 Ti cho 1650, thậm chí mình nghi ngờ là cả bo mạch cũng xài chung vì thiết lập rất giống nhau. Chẳng hạn như dòng ASUS STRIX GAMING GTX 1650 OC của mình vẫn sử dụng tản DirectCU II đặc trưng của ASUS.

ASUS_GTX1650-5.jpg

Câu chuyện ở đây có lẽ là sự hiểu nhầm trong đối tượng của Nvidia với các đối tác của họ, hoặc cũng có thể là các hãng muốn mở rộng thêm đối tượng cho GTX 1650 so với mục tiêu ban đầu với những linh kiện đã sẵn có. Nếu bạn cần một chiếc card với tỉ lệ p/p tốt nhất trong tầm giá, GTX 1650 dĩ nhiên không phải là sự lựa chọn hấp dẫn.

ASUS_GTX1650-9.jpg

Tuy nhiên trong tương lai mình nghĩ rằng chúng ta sẽ có thêm nhiều phiên bản GTX 1650 theo dạng mini dành cho các dàn mini PC hay HTPC. Và đó là lúc mà GTX 1650 thực sự hướng đúng đến mục tiêu của mình.

Thông số kỹ thuật của ASUS GTX 1650 STRIX GAMING OC

  • Kiến trúc: Turing
  • Tiến trình sản xuất: 12 nm
  • Nhân CUDA: 896
  • Xung nhịp nhân: 1485 MHz/1830 MHz Boost (mặc định 1665 MHz boost)
  • Bộ nhớ đồ hoạ: 4 GB GDDR5 128 bit
  • TDP: 75 W
  • Giá: 5,2 triệu đồng
  • Bảo hành: 3 năm

Cấu hình thử nghiệm: CPU Core i7-8700K, tản nhiệt NZXT Kraken X72 bo mạch chủ ASUS Z370 Maximus Formula X, 16 GB RAM Kingmax Zeus DRR4-3200, nguồn FSP Hyro PTM 750 W, thùng máy Corsair Crystal 570X Mirror.