CHÍNH SÁCH QUỐC GIA VỀ TRANG THIẾT BỊ Y TẾ – HỘI THIẾT BỊ Y TẾ VIỆT NAM

GIAI ĐOẠN 2002-2010

I. Sự cần thiết phải xây dựng chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế

Trang thiết bị y tế bao gồm các loại thiết bị, dụng cụ, vật tư, phương tiện vận chuyển chuyên dụng phục vụ cho hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, nhu cầu chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Trang thiết bị y tế là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế, hỗ trợ tích cực cho người thầy thuốc trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh. Do vậy, lĩnh vực trang thiết bị y tế cần được tăng cường đầu tư cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả.

 

Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế đến năm 2010 bao gồm các mục tiêu chủ yếu, những giải pháp tổng thể thuộc các lĩnh vực: quản lý, sản xuất, kinh doanh, khai thác sử dụng, nghiên cứu khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật trang thiết bị y tế.

II. Thực trạng trang thiết bị y tế:

2.1. Những thành tựu đã đạt được:

Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, trong hơn mười năm thực hiện đổi mới vừa qua, Ngành Y tế đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các cơ sở thuộc các lĩnh vực: y tế dự phòng, khám chữa bệnh, y dược học cổ truyền, đào tạo nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế. Ðặc biệt các Trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sử dụng nhiều phương tiện hiện đại trong khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Từng bước đổi mới công tác quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hệ thống Công ty, Xí nghiệp thiết bị y tế, các Viện nghiên cứu và Trường đào tạo, bước đầu lập lại trật tự trong lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế. Một số nhà máy, xí nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế đã được đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ. Những trang thiết bị y tế thông thường, thiết bị nội thất bệnh viện sản xuất trong nước đã được tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của ngành Y tế và bước đầu xuất khẩu.

Tại các bệnh viện tỉnh, các khoa chủ yếu như: chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hoá, phòng mổ và hồi sức cấp cứu đã được trang thiết bị một số thiết bị cơ bản: máy X-quang cao tần – tăng sáng truyền hình, máy siêu âm, máy nội soi, máy xét nghiệm sinh hoá nhiều chỉ số, máy huyết học, máy gây mê, máy thở, máy sốc tim, máy theo dõi bệnh nhân v.v…

Tại 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều được trang bị đủ trang thiết bị để sàng lọc phát hiện bệnh nhân bị nhiễm HIV, viêm gan, một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong công tác truyền máu an toàn.

Các Trung tâm y tế huyện đã được trang bị những thiết bị chẩn đoán thiết yếu, hầu hết đã có máy X-quang với công suất phù hợp, máy siêu âm chẩn đoán và xe Ô tô cứu thương. Các trạm y tế xã đã được cung cấp các thiết bị, dụng cụ cần thiết để phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các dịch vụ về dân số và kế hoạch hoá gia đình.

2.2. Những tồn tại và thách thức lớn:

Trang thiết bị y tế của Việt Nam hiện nay nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ và lạc hậu so với các nước trong khu vực. Hầu hết trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các cơ sở y tế chưa được định kỳ kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn. vốn để đầu tư và đổi mới, nhiều địa phương không có đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao. Trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn y tế chưa đủ để khai thác hết công suất trang thiết bị hiện có. Năng lực của cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế chưa đáp ứng kịp những đổi mới về kỹ

thuật và công nghệ. Chất lượng đào tạo, bố trí sử dụng nhân lực chuyên sâu về kỹ thuật thiết bị y tế còn thấp so với yêu cầu. Nhiều bệnh viện tỉnh chưa có phòng quản lý Vật tư – thiết bị y tế.

Các xí nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế còn ít, chủng loại nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa cao. Hệ thống kinh doanh, xuất nhập khẩu chưa hoàn chỉnh, thiếu vốn, thiếu thông tin, thiếu cán bộ có nghiệp vụ thương mại và trình độ kỹ thuật về trang thiết bị y tế.

III. Mục tiêu của chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế:

3.1. Mục tiêu chung:

Ðảm bảo đủ trang thiết bị y tế cho các tuyến theo quy định của Bộ Y tế. Từng bước hiện đại hoá trang thiết bị cho các cơ sở y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010 đạt trình độ kỹ thuật về trang thiết bị y tế ngang tầm các nước trung bình tiên tiến trong khu vực. Ðào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành để khai thác sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa và .kiểm chuẩn trang thiết bị y tế. Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế nhằm nâng cao dần tỷ trọng hàng hoá sản xuất trong nước và tiến tới tham gia xuất khẩu.

3.2. Những mục tiêu cụ thể:

3.2.1. Phấn đấu đến năm 2005 đảm bảo cung ứng đủ trạng thiết bị thường quy cho các cơ sở phòng bệnh và chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 437/QÐ-BYT ngày 20/02/2002; đảm bảo khai thác có hiệu quả các trang thiết bị y tế đã được trang bị. (phụ lục I).

3.2.3. Tiếp tục mở rộng sản xuất trang thiết bị y tế thông dụng đảm bảo cung cấp đủ 40% nhu cầu trong ngành vào năm 2005 và 60% vào năm 2010:

Ðẩy mạnh liên doanh sản xuất thiết bi y tế công nghệ cao, có ít nhất là 5 cơ sở liên doanh vào năm 2005 và 10 cơ sở vào năm 2010, nhằm hạn chế dần nhập khẩu, áp dụng các dây chuyền công nghệ tiên tiến cho sản xuất trang thiết bị y tế, dược phẩm và vacxin. (Phụ lục II).

3.2.2. Tiếp tục trang bị và phát huy hiệu quả hai trung tâm y tế chuyên sâu Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Bắt đầu triển khai dự án trung tâm y tế miền Trung (tại Huế và Ðà Nẵng) .

Từ năm 2003 đến 2010 có kế hoạch từng bước xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu tại các khu vực theo vùng kinh tế, xã hội. Ðặc biệt quan tâm các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, cụ thể là: Cần thơ (Ðồng bằng Sông Cửu Long), Buôn Ma Thuật (Tây Nguyên), Sơn La (Tây Bắc), Thái Nguyên (Ðông Bắc).

3.2.4. Củng cố và phát triển hợp lý hệ thống kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế, bảo đảm cung cấp kịp thời, đầy đủ với chất lượng tốt, giá hợp lý theo yêu cầu sử dụng trong toàn ngành. Chú trọng những vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số.

3.2.5. Phát triển nguồn nhân lực trang thiết bị y tế. Tăng cường công tác đào tạo chuyên khoa và kỹ năng khai thác sử dụng trang thiết bị cho đội ngũ cán bộ chuyên môn, song song với công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật thiết bị y tế để đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở sử dụng, sản xuất, kinh doanh, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị.

3.2.6. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về trang thiết bị y tế từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở kiện toàn tổ chức, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy về trang thiết bị y tế.

3.2.7. Ðẩy mạnh nghiên cứu khoa học chuyên ngành trang thiết bị y tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, chuyển giao công nghệ và cung ứng trang thiết bị y tế.

Kế hoạch thời gian: từ năm 2002 đến 2010, chia làm 2 giai đoạn

– Giai đoạn 1: 2002 – 2005

– Giai đoạn 2: 2006 – 2010

IV. Những giải pháp cụ thể

4.1. Phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành trang thiết bị y tế

Kết hợp với các trường Ðại học kỹ thuật trong nước và các trung tâm đào tạo chuyên ngành của nước ngoài để đào tạo cán bộ đại học và sau đại học chuyên ngành trang thiết bị y tế.

– Ðưa những nội dung cơ bản về quản lý, kỹ thuật – công nghệ, kỹ năng sử dụng trang thiết bị y tế vào chương trình đào tạo cán bộ đại học và trung học Y, Dược.

– Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật thiết bị y tế.

– Ban hành chính sách phù hợp để các cơ sở y tế có điều kiện tiếp nhận cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo như: kỹ sư y sinh học, cử nhân và công nhân kỹ thuật thiết bị y tế.

4.2. Ðầu tư trang thiết bi y tế

Trang thiết bị y tế là lĩnh vực chuyên dụng và rất đắt tiền đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe về kỹ thuật cao, chính xác, an toàn và ổn định. Nhu cầu kinh phí để trang bị mới cũng như duy trì hoạt động liên tục của trang thiết bị đã có là rất lớn.

4.2.1. Huy động vốn đầu tư trang thiết bị y tế.

– Kết hợp các nguồn vốn bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước, các dự án ODA, vốn vay ưu đãi và thực hiện xã hội hoá trong công tác đầu tư trang thiết bị y tế.

– Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, quốc gia và các tổ chức phi chính phủ.

– Xây dựng cơ chế thu hồi vốn để duy trì hoạt động và tái đầu tư trang thiết bị y tế.

– Ban hành quy định về kinh phí dành cho công tác kiểm chuẩn, bảo dưỡng và sửa chữa trang thiết bị y tế hàng năm.

4.2.2. Ðịnh hướng đầu tư trang thiết bị y tế.

Ðầu tư trang thiết bị y tế có trọng tâm, trọng điểm nhằm đạt được tính hiệu quả, khoa học và kinh tế.

4.3. Phát triển công nghiệp trang thiết bị y tế.

Xây dựng kế hoạch đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ sản xuất trang thiết bị y tế mà trong nước có ưu thế. Trước hết tập trung sản xuất các thiết bị y tế thông dụng phục vụ y tế cơ sở, chương trình dân số – kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dụng cụ sử dụng một lần và các trang thiết bị phục vụ y tế học đường và gia đình.

Xây dựng quy chế nhằm tạo môi trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc các ngành, các địa phương tham gia sản xuất trang thiết bị y tế. Khuyến khích dùng trang thiết bị y tế sản xuất trọng nước, giảm dần nhập khẩu, đến năm 2010 chỉ nhập khẩu những thiết bị y tế chưa sản xuất được trong nước.

– Từng bước xây dựng và đệ trình Nhà nước xem xét ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.

Có chính sách ưu tiên thích đáng trong việc cử cán bộ đi đào tạo về nghiên cứu sản xuất trang thiết bị y tế.

4.4. Củng cố hệ thống kinh doanh, xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế:

– Thống nhất quản lý Nhà nước về kinh doanh , xuất nhập khẩu trang thiết bị y tế từ trung ương đến địa phương. Thiết lập hệ thống thanh tra, kiểm tra và giám sát chất lượng trang thiết bị y tế đang lưu hành trên thị trường.

Có chính sách hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho các cơ sở thuộc thành phần kinh tế nhà nước nhằm phát huy vai trò chủ đạo trong lĩnh vực kinh doanh trang thiết bị y tế.

– Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế có thể tham gia hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ y tế.

4.5. Tổ chức mạng lưới hoạt động của chuyên ngành trang thiết bị y tế.

4.5.1. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước:

– Hoàn chỉnh và đổi mới hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước về trang thiết bị y tế từ Trung ương đến địa phương. Các cơ sở y tế có cán bộ nghiệp vụ theo dõi công tác trang thiết bị y tế. Các bệnh viện, các viện Trung ương, bệnh viện đa khoa tỉnh có phòng vật tư kỹ thuật thiết bị y tế. Các trung tâm y tế huyện có cán bộ chuyên môn theo dõi công tác vật tư thiết bị y tế. Từng bước nâng cao năng lực quản lý trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế trong toàn ngành.

– Thực hiện kiểm chuẩn định kỳ trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các cơ sở sở y tế cũng như sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.

4.5.2. Tăng cường công tác dịch vụ kỹ thuật – thiết bị y tế:

– Từng bước xây dựng và củng cố Viện trang thiết bị và Công trình y tế. Phối hợp với tổng cục Tiêu chuẩn- Ðo lường – Chất lượng đào tạo kiểm định viên, xây dựng và ban hành các quy trình kiểm chuẩn trang thiết bị y tế.

Xây dựng thêm một cơ sở kiểm định trang thiết bị y tế tại thành phố Hồ Chí Minh.

– Củng cố và xây dựng cờ chế hoạt động của các trung tâm dịch vụ kỹ thuật trang thiết bị y tế. Trước mắt tập trung xây dựng trung tâm dịch vụ kỹ thuật trang thiết bị y tế tại Ðà Nẵng để đảm bảo dịch vụ kỹ thuật cho khu vực miền Trung và Tây nguyên. Ða dạng hoá các loại hình dịch vụ kỹ thuật thiết bị y tế.

Ðẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, giám sát hiệu quả khai thác sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ doanh theo các quy định của Nhà nước.

4.6. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế về trang thiết bị y tế:

– Bộ Y tế thành lập cơ sở nghiên cứu với sự tham gia của các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế, các cơ sở khoa học công nghệ, các nhà khoa học để nghiên cứu khả năng ứng dụng những trang thiết’ bị y tế, các phương pháp điều trị và chẩn đoán mới xuất hiện trên thế giới để áp dụng có chọn lọc vào Việt Nam.

– Có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các cơ sở khoa học và công nghệ trong và ngoài ngành tham gia nghiên cứu chế tạo, khai thác sử dụng và thực hiện dịch vụ kỹ thuật về trang thiết bị y tế.

– Mở rộng hợp tác với các tập đoàn sản xuất trang thiết bị y tế có uy tín trên thế giới trong việc liên doanh sản xuất và chuyển giao công nghệ.

4.7. ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trang thiết bị y tế:

– Xây dựng kế hoạch tổng thể và triển khai từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang thiết bị y tế.

– Ðịnh hướng thế hệ kỹ thuật – công nghệ của thiết bị y tế cần trang bị cho từng tuyến, từng khu vực để đảm bảo việc nối mạng, truyền số liệu hình ảnh trong từng cơ sở, từng khu vực và trong toàn ngành, đáp ứng nhu cầu tư vấn chẩn đoán, điều trị và đào tạo từ xa.

V. Tổ chức thực hiện:

5.1. Bộ Y tế dựa vào định hướng phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ trong từng năm, từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế.

5.2. Bộ Y tế thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, các ngành có liên quan cũng như các địa phương để thực hiện các mục tiêu của Chính sách Quốc gia về trang thiết bị y tế. Nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, khai thác tiềm năng, phát huy nội lực, tận dụng mọi hình thức thực hiện xã hội hoá và đa dạng hoá, đảm bảo thực hiện thành công những nội dung cơ bản của chính sách Quốc gia về trang thiết bị y tế.