Chợ quê ngày Tết

Đi chợ, mua bán, trao đổi hàng hóa, đây là hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, những ngày cuối năm, khi mùa xuân lấp ló ngoài hiên, đi chợ quê ngày Tết lại là một nét đẹp văn hóa. Không gian của chợ quê ngày Tết khiến bạn tươi rói những cung bậc cảm xúc, nơi ấy, đụng đâu cũng thấy kỷ niệm ùa về…

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

“Chợ quê đã ngắn dọc hành
Đã gầy quả mướp lại xanh trái đào
Mớ cần cắt vội ngoài ao
Giỏ thưa tép nhảy lào rào giữa phiên”

Cuối năm, ngày đã cạn, tình cờ đọc lại bài thơ Chợ quê của tác giả Dương Thúy Mỹ, tôi bất chợt nhớ về những ký ức của những phiên chợ quê ngày Tết. Hơn 10 năm làm người phố thị với chút ước mơ manh mún đủ đầy nhưng cái lụp xụp của phiên chợ nghèo – đặc biệt là những lúc theo mẹ đi chợ quê vào những ngày giáp Tết thì không khi nào quên được. Nhặt nhạnh từng chút mảnh vỡ của quá khứ để rồi gom thành nỗi nhớ: nhớ nhà, nhớ quê, nhớ chợ. Chợ quê tôi chẳng biết có từ khi nào, nhưng đối với người xa quê, ngày trở về được đi chợ vào dịp cuối năm đó là cảm xúc dùng dằng khó tả. Chợ quê tôi hôm nay dù được xây mới nhưng ký ức về ngôi chợ cũ dột nát, chở che cho những phận đời khắc khoải, những mơ ước bình dị vẫn là vùng nhớ không thể lu mờ trong trái tim của mỗi người.

 Chợ quê tôi không lớn nhưng cũng đủ rộng để buôn bán, đủ để mua sắm Tết và cũng đủ mang mùa xuân đến cho mọi nhà. Bâng khuâng nhất là những phiên chợ vào những ngày từ 25 đến 30 tháng Chạp. Những sản vật của phiên chợ quê dù không quá phong phú như chợ phố nhưng cũng đủ đầy cho người nông dân đi sắm Tết. Là thịt heo, thịt gà; là rau, củ như khoai lang, bầu, bí; là ngò, xà lách, diếp cá… tất cả đều có mặt để làm cho chợ quê trong những ngày cận Tết thêm rộn rã. Hầu như mọi người trong làng đều có những mặt hàng để làm cho chợ quê ngày Tết thêm phần sống động. Có người chỉ vài ba con cá rô đồng hồi hôm vừa giăng lưới, có người chỉ đi chợ Tết để bán mấy lon ớt, nửa buồng cau, người kia chỉ có dăm củ hành, vài nhánh tỏi… vậy mà chợ vẫn cứ thắm, cứ nồng, cứ rôm rả với những câu chuyện ân tình. Nếu như ngày thường, phiên chợ quê chủ yếu bán những “đặc sản” của người nông dân thì chợ Tết sẽ có nhiều hơn với những sản vật đậm chất Tết như: dưa món, lá dong, lá chuối gói bánh chưng, củ kiệu… Đến với chợ quê ngày cuối năm để thấy không khí Tết đã về một cách gần gũi, sống động và rất đổi yêu thương. Đó là sự hòa quyện của mùi hương, mùi vị riêng biệt và đặc trưng của ngày Tết. Chợ quê ngày Tết với mùi của hương trầm, mùi hoa, quả tỏa ra khiến những người xa quê có dịp đi chợ Tết phải phải lừng khừng cảm xúc. Mỗi không gian của chợ quê ngày Tết đều chất đầy những cung bậc tình cảm và chan chứa thương yêu. 

 Bao năm qua, phiên chợ quê đã dang rộng vòng tay để chở che cho bao kiếp người nơi mảnh đất quê tôi. Có người cả cuộc đời chỉ thủy chung với nồi bánh bột lọc duy nhất rồi ngày nào cũng cầu trời mua may, bán đắt để cùng chở ước mơ của đứa con mình cập bến nơi trường đại học. Có người chẳng bận tâm vì chiếc đòn gánh đã cong oằn sức nặng của dưa cà, của muối, của đường, của những nồi bánh gai hôi hổi nóng khi trời ửng sáng. 

Đến với chợ quê ngày giáp Tết là đến với một không gian chất chứa nhiều niềm vui và hoài niệm. Đó là những âm thanh rộn ràng của những tiếng hỏi giá, tiếng chào mời thân thuộc với chất giọng của người quê đặc quánh. Chợ quê là hỗn hợp của nhiều loại âm thanh sống động; là tiếng của gà, của vịt; tiếng cười, nói của người lớn, trẻ nhỏ; tiếng hối hả của những chuyến hàng được những người dân quê chở ra chợ bằng những phương tiện quá đỗi bình thường mà chỉ ở quê mới có. Có người xem chợ Tết là nơi trao đổi hàng hóa, có người ra chợ để mua, có người chỉ bán, có người ra chợ quê ngày giáp Tết để tìm lại chút đồng vọng của quá khứ, của tuổi thơ, của những ngày theo chân mẹ mua bán để xuýt xoa vui buồn… 

 Còn nhiều lắm những phiên chợ trong cuộc đời của mỗi con người nhưng chợ quê ngày Tết vẫn là ký ức đẹp trong lòng những người xa quê.