Chợ tình Sa Pa – nét văn hóa đặc sắc miền sơn cước – Pao Quán

Từ lâu, Sa Pa đã là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Sa Pa không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp sơn cước nên thơ hữu tình mà còn bởi nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số nơi đây. Đã đến với Sa Pa thì không thể bỏ lỡ chợ tình – một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người dân tộc Mông, Dao. Bài viết sau đây của chúng tôi sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về chợ tình Sa Pa. Cùng theo dõi và tìm hiểu về phiên chợ vùng cao vô cùng đặc biệt này các bạn nhé!

Nguồn gốc của chợ tình Sa Pa

Chợ tình là nơi gặp gỡ, giao lưu tình cảm của nam thanh nữ tú trong các làng dân tộc Mông, Dao vùng Tây Bắc. Xưa kia, chợ tình Sa Pa cả năm mới có một lần. Quanh năm làm việc trên nương rẫy, bán lưng cho đất, bán mặt cho trời, trai gái trong bản chỉ có duy nhất một ngày trọn vẹn để lo chuyện lứa đôi. Trai gái tìm nhau giữa chợ, nếu hợp nhau thì nên vợ nên chồng, ai chưa thấy nhau thì lại tiếc hùi hụi chờ cơ hội năm sau. Hết phiên chợ tình, sáng hôm sau các chàng trai, cô gái lại quay về với cuộc sống thường nhật mở mắt là núi, bước chân là rừng.

Ngày nay, không phải chờ cả năm mới có một lần, chợ tình Sa Pa được diễn ra vào tối thứ bảy hàng tuần tại khu vực nhà thờ đá Sa Pa. Phiên chợ không chỉ đơn thuần là nơi hò hẹn của lứa đôi mà còn là điểm du lịch độc đáo của thị trấn trong sương này. Tham gia chợ tình là cơ hội để du khách có những trải nghiệm thú vị về con người và bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc.

Nét đặc sắc của chợ tình Sa Pa

Tối thứ bảy hàng tuần, tại khu vực sân rộng trước nhà thờ đá Sa Pa, các nam thanh nữ tú tập trung lại để đi chợ tình. Các cô gái mặc trang phục đặc trưng của dân tộc Mông, Dao, đầu quấn khăn, váy thổ cẩm thêu hoa văn rực rỡ, tay đeo vòng bạc xúng xiếng duyên dáng, yểu điệu đi chợ tình. Các chàng trai người Dao trong trang phục áo chàm, tay đeo đồng hồ, vai khoác chiếc đài cát sét nhỏ. Tại góc chợ, những cô gái ngâm nga khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc. Khi được các chàng trai vây quanh, cô nàng cúi đầu hoặc e lệ cúi mặt nhưng vẫn tiếp tục cất lời ca với giai điệu run run.

Các chàng trai cô gái liếc mắt đưa tình lả lơi trong men rượu cần, rượu ngô làm cho không khí thêm đượm nồng tình cảm. Bên điệu nhạc khèn, nam thanh nữ tú tay tỏng tay nhảy múa, váy thổ cẩm xòe hoa rực rỡ, leng keng tiếng vòng bạc, xúc xắc,.. Sau phiên chợ tình Sa Pa, rất nhiều cặp đôi đã nên vợ nên chồng, sống bên nhau trọn đời.

Có rất nhiều hoạt động thú vị được diễn ra trong phiên chợ tình Sa Pa như kéo co, thổi khèn, hát giao duyên. Du khách có thể tham gia các hoạt động tại chợ, cùng thưởng thức các món đặc sản Tây Bắc với người dân bản địa, mua sắm đồ lưu niệm, vải vóc thổ cẩm,.. Nếu đã có dịp tham dự phiên chợ vùng cao độc đáo này, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được những ký ức đẹp đẽ về một đêm chợ đầy màu sắc, âm thanh và tình yêu.
Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm những hiểu biết về chợ tình Sa Pa – nét văn hóa đặc sắc của vùng cao Tây Bắc. Tiếp tục theo dõi Rum Quán để có được những thông tin hữu tích về văn hóa du lịch các bạn nhé!