Cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử bao lâu là phù hợp?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo, trẻ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi hoàn toàn không được sử dụng thiết bị. Ngoại lệ đối với quy tắc này là trò chuyện video với ông bà hoặc các thành viên khác trong gia đình, bạn bè. Đây được coi là thời gian chất lượng để tương tác với những người khác.
Trẻ mới biết đi từ 18 tháng đến 24 tháng tuổi có thể bắt đầu tận hưởng thời gian xem thiết bị với cha mẹ hoặc người chăm sóc. Trẻ em ở độ tuổi này có thể sử dụng thiết bị điện tử thông qua việc nhận biết các hình ảnh nhằm khám phá thế giới khi có người lớn chơi cùng.
Ở độ tuổi 2 và 3, trẻ em có thể xem tối đa 1 giờ mỗi ngày với các chương trình giáo dục chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ cần tương tác qua lại với nhau. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thực sự không nhận được nhiều lợi ích từ thời gian sử dụng thiết bị hoặc chỉ xem TV. Trẻ em dưới 2 tuổi đang học hỏi và tìm cách tương tác với những người xung quanh. Chúng tìm kiếm kết nối cảm xúc và cố gắng hiểu các tín hiệu xã hội. Điều đó không thực sự có khi trẻ xem truyền hình hoặc chơi các trò chơi điện tử.
Tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử lên mắt trẻ
Ở cả người lớn và trẻ em, việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều đều sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe và mắt.
Mắc hội chứng thị giác màn hình: Trẻ em chưa có ý thức về thời gian sử dụng thiết bị điện tử nên khi sử dụng lâu sẽ dẫn đến hiện tượng mờ mắt, nheo mắt khi nhìn xa, chóng mặt, đau đầu….ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị sớm: Khi sử dụng các thiết bị điện tử, để nhìn rõ trẻ thường để rất sát mắt, đôi khi quá tập trung, không để ý đến xung quanh. Điều này dẫn đến hiện tượng mắt thường xuyên phải tập trung nhìn gần trong thời gian dài, thể thủy tinh phồng lên, độ cong của giác mạc tăng, khiến lực khúc xạ của mắt tăng lên, gây nên tật cận thị.
Tăng nguy cơ nhược thị cao: Việc nhìn gần và tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài, nhưng lại ít tham gia các hoạt động ngoài trời khiến bệnh cận thị ở trẻ tăng nhanh. Nếu tật khúc xạ ở trẻ không được phát hiện sớm và đeo kính phù hợp để cải thiện thị lực thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc tật nhược thị
Nguy cơ mắc bệnh về võng mạc: Ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị điện tử có khả năng xuyên qua giác mạc, thủy tinh thể và tiếp cận tới vùng võng mạc gây ảnh hưởng tới các tế bào thụ cảm ánh sáng tại khu vực này, gây ra tổn thương trên lớp biểu mô sắc tố và làm mất dần các tế bào cảm thụ ánh sáng ở võng mạc (tế bào nón, tế bào que), việc tiếp xúc với ánh sáng xanh quá nhiều sẽ làm tăng khả năng bị bệnh thoái hóa hoàng điểm sớm.
Cách cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử
Đừng cho trẻ thiết bị của riêng chúng. Hãy tương tác với trẻ thay vì giao cho chúng một thiết bị điện tử.
Đặt máy tính và TV ở trong không gian chung. Khi trẻ xem thiết bị trong nhà bếp hoặc phòng khách thì việc theo dõi các chương trình chúng xem, trò chơi chúng chơi và các trang web chúng đang truy cập sẽ dễ dàng hơn.
Xem tần suất sử dụng các thiết bị của bản thân. Nếu cha mẹ cứ cắm mặt vào điện thoại, con trẻ sẽ không thấy lý do chính đáng khiến chúng rời khỏi màn hình. Thêm vào đó, những thiết bị đó ảnh hưởng đến thời gian dành cho con cái của mình.
Đặt giới hạn về việc sử dụng thiết bị thường xuyên. Khi các quy tắc rõ ràng và nhất quán, cha mẹ có thể tránh được những trận chiến hàng ngày khi nói với bọn trẻ rằng đã đến lúc tắt TV, máy tính hoặc điện thoại.
Giúp con tìm ra những cách khác để vui chơi. Giữ các tùy chọn khác như đồ chơi, sách, xe đạp xung quanh và sẵn sàng khi trẻ bảo rằng không có gì khác để làm.
Cài ứng dụng để khóa thiết bị sau một khoảng thời gian nhất định.
Không cho trẻ sử dụng lại các thiết bị điện tử cũ của cha mẹ.
Và hãy luôn nhớ kiểm tra mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần để đánh giá tình trạng sức khỏe mắt của trẻ sau khoảng thời gian học tập và tiếp xúc các thiết bị điện tử. Để khám mắt tại cơ sở uy tín với đội ngũ chuyên gia giỏi, bạn có thể liên hệ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 qua số điện thoại 1900 27 7227 để được tư vấn và đặt lịch thăm khám kịp thời.